Số lượng sinh viên Hoa Kỳ học tập tại Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm; sinh viên Trung Quốc vẫn là nhóm sinh viên quốc tế lớn nhất tại Hoa Kỳ
Các chính sách và biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt “zero COVID” của Trung Quốc trong những năm gần đây đã khiến số lượng sinh viên đại học Mỹ học tập tại Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong hơn hai thập niên. Trong khi đó, các học giả Trung Quốc tiếp tục là nhóm sinh viên quốc tế lớn nhất học tập tại Hoa Kỳ.
Theo dữ liệu được The Wall Street Journal công bố hôm 19/03, chỉ có 382 sinh viên đại học Mỹ học tập tại Trung Quốc trong năm học 2020-21, giảm 97% so với con số hai năm trước đó và thấp hơn nhiều so với mức cao nhất là gần 15,000 một thập niên trước.
Các chuyên gia cho rằng ngay cả sau khi Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế đi lại, các căng thẳng về địa chính trị gia tăng và quan hệ Mỹ-Trung ngày càng xấu đi có nghĩa là vẫn chưa rõ liệu một số lượng đáng kể sinh viên Mỹ có quay lại học ở Trung Quốc hay không.
Ông Cameron Johnson, một giáo sư giảng dạy ngành quản trị tại Cơ sở Quốc tế Thượng Hải của Đại học New York, nói với Voice of America rằng số lượng sinh viên Mỹ quay trở lại Trung Quốc khó có thể cải thiện đáng kể trong tương lai gần.
Tuy nhiên, ngay cả khi đối mặt với các chính sách nghiêm ngặt về đại dịch của Trung Quốc, mối bang giao Trung-Mỹ ngày càng tồi tệ, cũng như các hạn chế từ Hoa Kỳ — chẳng hạn như thị thực du học cho sinh viên ngành khoa học và kỹ thuật từ các trường đại học Trung Quốc có quá trình đào tạo trong quân đội — thì số lượng sinh viên Trung Quốc tại Hoa Kỳ là cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Dữ liệu cho thấy trước đại dịch COVID-19, số lượng sinh viên Trung Quốc học tập tại Hoa Kỳ đã không ngừng tăng lên, đạt một mức cao kỷ lục 372,532 trong năm 2019-2020. Trong năm học 2020-2021, có 317,299 sinh viên, chiếm 30.6% tổng số sinh viên quốc tế tại Hoa Kỳ. Con số cho năm học 2021-2022 là 290,086, trái ngược hoàn toàn với số lượng sinh viên Mỹ ở Trung Quốc.
Điểm yếu về sức mạnh mềm của Trung Quốc
Hôm 21/03, tác giả Dương Ninh (Yang Ning), một nhà bình luận về các vấn đề thời sự và cộng tác viên của The Epoch Times, đã viết trong một bài báo rằng sự tương phản trên cho thấy Trung Quốc yếu về “sức mạnh mềm”, bất chấp việc chính quyền cộng sản Trung Quốc luôn khoe khoang về “sự tự tin của họ trong hệ thống và ý thức hệ,” cũng như mức độ “phổ biến” của chế độ này trên thế giới.
“Không có nhiều giới tinh anh ở nhiều quốc gia sẵn sàng gửi con em của mình đến Trung Quốc để học tập. Không nhiều thanh niên ở các quốc gia khác sẵn sàng xem phim Trung Quốc đại lục và nghe nhạc Trung Quốc, và có bao nhiêu người tiêu dùng toàn cầu sẵn sàng chọn các thương hiệu Trung Quốc khi mua các sản phẩm? Thay vì cải thiện, quyền lực mềm của ĐCSTQ đang ngày càng yếu đi,” tác giả Dương viết.
Theo hãng thông tấn Agence France-Presse, mối bang giao giữa Nga và Trung Quốc đã trở nên thân thiết hơn trong những năm gần đây. Sau khi Moscow bị các nước phương Tây trừng phạt trên nhiều lĩnh vực vì xâm lược Ukraine, sự cô lập quốc tế của nước này có nghĩa là Nga càng trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào các mối quan hệ kinh tế và thương mại với Trung Quốc.
Do đó, sự phát triển kinh tế và công nghệ của Nga ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc, điều này đã khơi dậy sự nhiệt tình học tiếng Trung của nhiều sinh viên Nga. Nhu cầu học tập tại các trường đại học Trung Quốc của sinh viên Nga cũng tăng lên trong những năm gần đây.
Nhà bình luận Dương chỉ ra rằng trong ba đến bốn năm qua, hình ảnh quốc tế của Trung Quốc cộng sản đã và đang giảm sút. Hồi tháng 06/2022, Trung tâm Nghiên cứu Pew ở Washington đã công bố một cuộc thăm dò các ý kiến của người dân ở 19 quốc gia phát triển đối với Trung Quốc. Kết quả cho thấy trung bình 68% số người được hỏi có một quan điểm tiêu cực về Trung Quốc; 79% nghĩ rằng các chính sách nhân quyền của Trung Quốc là một vấn đề nghiêm trọng; và 72% lo lắng về sức mạnh quân sự của Trung Quốc.
Ngoài ra, sự thiếu minh bạch của chính quyền Trung Quốc về nguồn gốc của COVID-19 vẫn chiếm một phần lớn lý do dẫn đến hình ảnh tiêu cực của Trung Quốc. Trong số những người trả lời cuộc thăm dò của Trung tâm Pew, người Mỹ, người Đức, và người Nam Hàn là những người chỉ trích Trung Quốc nhiều nhất.
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times