Hoa Kỳ thêm 14 công ty Trung Quốc vào danh sách chưa xác thực, tăng cường giám sát
Chính phủ Tổng thống Joe Biden đã thêm 14 công ty Trung Quốc vào một danh sách đề phòng xuất cảng, yêu cầu các nhà xuất cảng Hoa Kỳ ghi chép kỹ lưỡng hơn các giao dịch kinh doanh của họ trước khi vận chuyển hàng hóa cho các công ty Trung Quốc được đưa vào danh sách này.
Hôm thứ Năm (23/03), Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã thêm 14 công ty Trung Quốc vào Danh sách Chưa được Xác thực (UVL) sau khi các quan chức thương mại không thể kiểm chứng một số khía cạnh của các tổ chức kinh doanh ngoại quốc này, chẳng hạn như về mục đích sử dụng cuối cùng của các mặt hàng mà Hoa Kỳ xuất cảng cho những công ty này.
Các công ty Trung Quốc được thêm vào danh sách UVL bao gồm:
- Airpart Consolidated Trading
- Công ty TNHH Quốc tế ECOM (Hồng Kông)
- Công ty TNHH Công nghệ Điện tử Trusme Electronics Quảng Châu
- Công ty TNHH Công nghiệp HK P&W (HKPW)
- Công ty TNHH Vận tải Quốc tế Jet-Prop International Forwarding (HK)
- Dịch vụ Kesina
- Công ty TNHH Công nghệ Lightstar
- Công ty TNHH Kỹ thuật Thông Tin Việt Hải Sơn Đông (Shandong Yuehaitongxin Keji Ltd)
- Công ty TNHH Công nghệ Thịnh Duy (Shengwei Technology Co., Ltd)
- Công ty TNHH Điện tử Tiểu Báo (Small Leopard Electronics Co., Ltd.)
- Công ty TNHH Solar Way (Hồng Kông)
- Công ty TNHH Điện tử Công nghệ Sunway
- Công ty TNHH Công nghệ USETA (Hồng Kông)
- Công ty Thương mại Toàn cầu Anh Gia (Winners Global Trading Co.)
Việc bổ sung những công ty này vào danh sách UVL nghĩa là thông tin bị hạn chế đối với một số doanh nghiệp này. Một trang web của Hội đồng Phát triển Thương mại Hồng Kông cho thấy Airpart Consolidated Trading chủ yếu liên quan đến việc nhập cảng và xuất cảng các bộ phận phi cơ. Tên của một số công ty được liệt kê khác cho thấy họ chuyên về các thiết bị điện tử và các thành phần công nghệ khác.
“Điều quan trọng là [Cục Công nghiệp và An ninh] có thể tiến hành kiểm tra người sử dụng cuối để xác định việc tuân thủ các quy định kiểm soát xuất cảng của Hoa Kỳ,” Phụ tá Bộ trưởng đảm trách vấn đề Thực thi Xuất cảng của Bộ Thương mại Matthew S. Axelrod cho biết. “Khi chúng tôi không thể xác thực được mức độ tin cậy của các bên ngoại quốc, chúng tôi sẽ tiếp tục thêm các bên vào Danh sách Chưa được Xác thực để áp đặt các hạn chế đối với các giao dịch xuất cảng trong tương lai và ngăn chặn việc thay đổi mục đích sử dụng đối với các mặt hàng của Hoa Kỳ.”
Việc đưa vào danh sách này có khả năng bắt đầu một thời hạn 60 ngày vốn có thể dẫn đến các biện pháp trừng phạt thậm chí còn cứng rắn hơn đối với những công ty Trung Quốc kể trên.
“Việc thực thi các biện pháp kiểm soát xuất cảng của chúng tôi là một phần quan trọng trong việc bảo vệ an ninh quốc gia của Mỹ,” Thứ trưởng Bộ Thương mại Hoa Kỳ Don Graves cho biết trong một tuyên bố sau khi đưa ra danh sách mới. “Chúng tôi cam kết sử dụng tất cả các công cụ có sẵn để xác định cách thức mà công nghệ tân tiến của Hoa Kỳ đang được sử dụng trên toàn cầu.”
Hoa Kỳ ngày càng cảnh giác với các công ty Trung Quốc
Ngoài 14 công ty Trung Quốc kể trên, Bộ Thương mại đã bổ sung thêm 5 công ty từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, 2 công ty từ Đức và một công ty từ mỗi quốc gia Bulgaria, Canada, Indonesia, Israel, Malaysia, Saudi Arabia, và Singapore vào danh sách UVL hôm Thứ Năm.
Việc đưa vào danh sách UVL không nhất thiết có nghĩa là các nhà xuất cảng Hoa Kỳ không thể tham gia vào các giao dịch kinh doanh với các công ty ngoại quốc được liệt kê hoặc có những lo ngại về an ninh quốc gia hoặc chính sách ngoại giao cụ thể liên quan đến các công ty ngoại quốc đó. Bộ Thương mại cho biết việc đưa vào UVL cũng không nhằm mục đích trừng phạt bất kỳ quốc gia hoặc chính phủ cụ thể nào, đặc biệt là khi các công ty từ các quốc gia giao thương mật thiết như Canada, Đức, và Israel đã được thêm vào UVL.
Tuy nhiên, việc đưa vào UVL có nghĩa là các doanh nghiệp Hoa Kỳ thực hiện giao dịch với những công ty ngoại quốc được liệt kê này phải hoàn thành tài liệu bổ sung, bao gồm cả việc có được bản cam kết mục đích sử dụng từ các quan chức có thẩm quyền của các công ty ngoại quốc được liệt kê.
Mặc dù Bộ Thương mại khẳng định rằng việc đưa vào UVL không nhất thiết là một biện pháp trừng phạt, nhưng Đại sứ quán Trung Quốc tại Hoa Thịnh Đốn đã lên án quyết định đưa những công ty Trung Quốc này vào danh sách trên. Đại sứ quán Trung Quốc cho biết “Trung Quốc vô cùng lấy làm tiếc và kiên quyết phản đối” các hành động của Bộ Thương mại đối với 14 công ty Trung Quốc. Đại sứ quán cũng cho biết hành động này là sự tiếp nối các nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm “lạm dụng các biện pháp kiểm soát xuất cảng” và sử dụng “quyền lực nhà nước để đàn áp và kiềm chế các công ty ngoại quốc.”
Đại sứ quán Trung Quốc nói thêm: “Phía Hoa Kỳ nên chấm dứt ngay các hành vi sai trái của mình. Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc.”
Quyết định bổ sung 14 công ty Trung Quốc này vào UVL được đưa ra khi các quan chức Hoa Kỳ bày tỏ lo ngại ngày càng tăng về các mối đe dọa an ninh quốc gia do các công ty và tổ chức Trung Quốc hoạt động tại Hoa Kỳ hoặc giao dịch kinh doanh với các đối tác và khách hàng Hoa Kỳ gây ra. Bộ Thương mại đã bổ sung 14 công ty Trung Quốc này vào UVL cùng ngày khi các nhà lập pháp chất vấn Giám đốc Điều hành của ứng dụng TikTok do Trung Quốc sở hữu về cách thức nền tảng truyền thông xã hội này lưu trữ và xử lý dữ liệu của người dùng Hoa Kỳ, đồng thời chia sẻ những lo ngại rằng ứng dụng này đóng vai trò là một công cụ để Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cầm quyền giám sát người Mỹ.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Do Ryan Morgan của NTD News thực hiện
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times