Hoa Thịnh Đốn chuẩn bị cho sự rạn nứt ngoại giao giữa những lo ngại về vụ rò rỉ thêm thông tin tình báo
Các cơ quan liên bang của Hoa Kỳ đang gấp rút ngăn chặn sự rạn nứt ngoại giao sau khi nhiều tài liệu mật liên quan đến Ukraine — và các đồng minh khác của Hoa Kỳ — bị rò rỉ trực tuyến do những kẻ chưa được xác định.
Trong một cuộc họp báo hôm 10/04, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Vedant Patel cho biết, “Các quan chức Hoa Kỳ liên ngành đang tham gia cùng với các đồng minh và đối tác cao cấp về vấn đề này.”
Theo ông Patel, Hoa Thịnh Đốn đang tìm cách trấn an các đồng minh “về cam kết của chúng ta trong việc bảo vệ thông tin tình báo và sự trung thực trong việc bảo vệ liên kết đối tác của chúng ta.”
Những tài liệu này, hầu hết có từ tháng Hai hoặc tháng Ba năm nay, ban đầu xuất hiện trên các diễn đàn trực tuyến như Discord và 4Chan hồi tháng trước.
Tuy nhiên, những tài liệu này chỉ bắt đầu gây chú ý hôm 06/04, khi The New York Times, dẫn lời “các quan chức cao cấp của chính phủ Tổng thống Biden,” đưa tin về sự xuất hiện của những tài liệu này trên Twitter và Telegram.
Cả Ngũ Giác Đài và Bộ Tư pháp hiện đang cố gắng tìm ra nguồn rò rỉ — một số trong đó đề cập tới hoạt động gián điệp của Hoa Kỳ — trong bối cảnh lo ngại các tài liệu này có thể làm tổn hại đến mối quan hệ với các đồng minh.
Ông Patel nói: “Không nghi ngờ gì về việc [các vụ rò rỉ] tài liệu này có nguy cơ đối với an ninh quốc gia.”
Seoul: Tài liệu rò rỉ ‘hoàn toàn sai sự thật’
Bao gồm hàng chục trang văn bản và hình ảnh, hầu hết các tài liệu bị rò rỉ đều có liên quan đến cuộc xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraine.
Tuy nhiên, những tài liệu khác được cho là chứa thông tin mật — mà các quan chức Hoa Kỳ nói rằng có thể đã được chỉnh sửa — về các đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ ở châu Á và Trung Đông.
Ví dụ, một tài liệu dường như đưa ra chi tiết về các cuộc thảo luận kín giữa các quan chức hàng đầu của Nam Hàn liên quan đến cáo buộc Hoa Kỳ gây sức ép lên Seoul, buộc họ phải đóng góp nhiều hơn cho nỗ lực chiến tranh của Ukraine.
Nội dung của tài liệu này, và thực tế là tài liệu này dường như thu được thông qua “các tín hiệu tình báo” (thông tin liên lạc bị chặn), cho thấy các cơ quan Hoa Kỳ có thể đã theo dõi chính phủ Nam Hàn, một đồng minh lâu đời của Hoa Kỳ.
Hôm 11/04, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đã thảo luận về vấn đề này trong một cuộc điện đàm với người đồng cấp Nam Hàn Lee Jong-sup.
Cùng ngày hôm đó, Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk-yeol nói rằng những cáo buộc cho rằng văn phòng của ông đã từng là mục tiêu do thám của Hoa Kỳ là “hoàn toàn sai sự thật.”
Văn phòng của ông Yoon cho biết trong một tuyên bố rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm gây tổn hại đến mối bang giao giữa Hoa Kỳ và Nam Hàn đều trái với “lợi ích quốc gia” của nước này.
Ông Yoon dự kiến sẽ đến thăm Hoa Thịnh Đốn vào cuối tháng này để hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden.
Tuy nhiên, các nhân vật thuộc đảng đối lập của Nam Hàn đã chỉ trích hành động bị cáo buộc là giám sát của Hoa Kỳ đối với các quan chức chính phủ, gọi đó là một hành vi vi phạm chủ quyền quốc gia đất nước này.
Khi được hỏi trực tiếp về Nam Hàn, ông Patel của Bộ Ngoại giao nhấn mạnh rằng cam kết của Hoa Kỳ đối với Nam Hàn là “vững như bàn thạch.”
“Họ là một trong những đối tác quan trọng nhất của chúng tôi trong khu vực này,” ông nói.
Ông cũng cho biết thêm, Hoa Kỳ đang “hợp tác chặt chẽ với các đồng minh và đối tác của chúng ta … để trấn an họ vì việc này liên quan đến cam kết của chúng ta trong việc bảo vệ các tài liệu tình báo và nhạy cảm, cũng như bảo đảm cam kết của chúng ta đối với an ninh của các mối quan hệ đối tác mà chúng ta có với những quốc gia này.”
Trong khi đó, mối bang giao của Hoa Kỳ với Israel, từ lâu đã được coi là một đồng minh quan trọng ở Trung Đông, cũng có thể trở nên căng thẳng do vụ rò rỉ này.
Một tài liệu bị rò rỉ dường như ngụ ý rằng các cuộc biểu tình đang diễn ra phản đối Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã được cơ quan tình báo Israel Mossad khuyến khích — một tuyên bố bị văn phòng của ông Netanyahu bác bỏ.
Khi được hỏi liệu vụ rò rỉ này có ảnh hưởng xấu đến mối bang giao Mỹ-Israel hay không, ông Patel đã nhấn mạnh về “mối quan hệ đối tác sâu sắc” giữa hai nước này.
Nhưng ông đã từ chối cung cấp thông tin chi tiết về “các cuộc thảo luận riêng tư” hiện đang được tiến hành giữa Hoa Kỳ và các đồng minh, ngoại trừ việc nói rằng chúng đang diễn ra “ở cấp cao nhất.”
Còn nhiều điều nữa sẽ đến?
Những vụ rò rỉ này dường như cũng đã gây trở ngại cho Ai Cập, một đồng minh lâu đời khác của Hoa Kỳ.
Hôm 10/04, tờ Washington Post đã đưa tin rằng, theo một tài liệu bị rò rỉ, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi đã bí mật ra lệnh chuyển giao 40,000 hỏa tiễn cho Nga.
Tài liệu hôm 17/02 khẳng định thêm rằng ông Al-Sisi đã ra lệnh cho các quan chức quân sự giữ bí mật về kế hoạch này “để tránh các vấn đề với phương Tây.”
Sau khi tờ Washington Post phát hành bản tin này, hãng thông tấn nhà nước Al-Ahram của Ai Cập đã trích dẫn một nguồn tin chính phủ nói rằng những tuyên bố này “không có cơ sở sự thật.”
Hãng thông tấn Al-Ahram đã dẫn lời quan chức này, cho rằng “Ai Cập tuân theo một chính sách cân bằng với tất cả các bên quốc tế, trong đó hòa bình, ổn định, và phát triển là những yếu tố quyết định chính của chính sách này.”
Moscow cũng đã bác bỏ cáo buộc này, điều mà phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov mô tả là “câu chuyện bịa đặt mới nhất.”
“Đây là điều mà chúng tôi đã giải quyết rất nhiều trong thời gian gần đây,” ông nói.
Trong khi đó, các quan chức Hoa Kỳ đang chuẩn bị cho khả năng có thể có thêm nhiều tài liệu mật xuất hiện trên mạng.
“Chúng tôi không biết ai đứng sau vụ này. Chúng tôi không biết động cơ là gì,” phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nói với các phóng viên hôm 10/04.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times