Số đơn ghi danh thất nghiệp hàng tuần của Hoa Kỳ giảm mạnh xuống mức thấp nhất kể từ tháng 09/2022
Thu nhập hàng tuần được điều chỉnh theo lạm phát vẫn giảm so với mức cao nhất mọi thời đại vào năm 2020.
Số đơn yêu cầu trợ cấp thất nghiệp hàng tuần của Hoa Kỳ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 09/2022, báo hiệu một thị trường lao động thắt chặt hơn vào thời điểm Hệ thống Dự trữ Liên bang đang xem xét chuyển hướng chính sách tiền tệ.
Theo dữ liệu mới từ Bộ Lao động Hoa Kỳ, số đơn yêu cầu trợ cấp thất nghiệp đã lần đầu giảm 16,000 xuống mức thấp hơn dự kiến là 187,000 trong tuần kết thúc hôm 13/01. Đây là mức đọc thấp nhất kể từ ngày 24/09/2022 và thấp thứ hai kể từ tháng 09/1969.
Số đơn yêu cầu trợ cấp thất nghiệp lần đầu chưa qua điều chỉnh, không đưa các yếu tố mùa vụ vào số liệu, đã giảm khoảng 30,000 xuống còn khoảng 290,000.
Số đơn yêu cầu tiếp tục nhận trợ cấp thất nghiệp đã giảm trong tuần thứ ba liên tiếp, xuống mức thấp nhất trong ba tháng là 1.806 triệu.
Số đơn trung bình bốn tuần, vốn loại bỏ biến động theo tuần, đã giảm xuống mức thấp nhất trong 11 tháng là 203,250 đơn.
Các nhà kinh tế lưu ý rằng việc đo lường số đơn yêu cầu trợ cấp thất nghiệp lần đầu thường bị sai lệch sau kỳ nghỉ lễ. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát lưu ý rằng việc sa thải là rất ít và không báo hiệu xu hướng tăng.
Dữ liệu Báo cáo của Challenger nêu bật rằng trong tháng 12/2023, các công ty có trụ sở tại Hoa Kỳ đã thông báo sa thải gần 35,000 nhân viên, giảm 24% so với tháng 11/2023 và 20% so với cùng thời điểm năm trước.
“Các đợt sa thải đã bắt đầu chững lại, và hoạt động tuyển dụng vẫn ổn định khi chúng ta kết thúc năm 2023,” ông Andy Challenger, chuyên gia về thị trường lao động và môi trường làm việc, đồng thời là phó chủ tịch cao cấp của Challenger, Gray & Christmas, Inc. cho biết trong báo cáo tháng trước. “Điều đó nói lên rằng, chi phí lao động đang cao. Các nhà tuyển dụng vẫn rất thận trọng và đang trong tư thế cắt giảm chi phí cho đến năm 2024, vì vậy quá trình tuyển dụng có thể sẽ chậm lại đối với nhiều người tìm việc và việc cắt giảm sẽ tiếp tục trong quý đầu tiên, mặc dù với tốc độ chậm hơn.”
Thu nhập giảm so với lạm phát
Theo dữ liệu mới từ Cục Thống kê Lao động (BLS), thu nhập trung bình hàng tuần thông thường thực tế (đã điều chỉnh theo lạm phát) vẫn chưa phục hồi từ mức cao nhất mọi thời đại được ghi nhận trong quý 2 năm 2020.
Trong quý 4 năm 2023, thu nhập trung bình hàng tuần đạt tổng cộng 371 USD, giảm 5.6% so với khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 06/2020.
Tiền lương thực tế theo giờ cũng giảm 2.6% kể từ tháng 02/2021.
Một cái nhìn kỹ hơn vào số liệu của BLS cho thấy những người lao động thuộc nửa dưới đã duy trì mức tăng trưởng thu nhập thực tế âm trong ba năm qua.
“Dữ liệu mới từ BLS nhắc lại lý do tại sao người Mỹ cảm thấy chua chát về nền kinh tế: thu nhập không theo kịp lạm phát,” nhà kinh tế E.J. Antoni đến từ Quỹ Di Sản (Heritage Foundation) viết trên nền tảng truyền thông xã hội X, trước đây gọi là Twitter. “Tiền lương cao hơn đang mua được ít hơn; giờ đây mọi người có từ hai đến ba công việc để trang trải những gì họ có thể chi trả cách đây ba năm.”
Tháng trước, số lượng lao động làm từ hai công việc trở lên đã tăng lên mức cao kỷ lục 8.565 triệu người.
Kể từ đại dịch COVID-19, sức mua của người Mỹ đã giảm 18%.
Thị trường lao động chậm lại
Sau khi công bố báo cáo việc làm tháng 12/2023, nhiều số liệu khác đã cho thấy thị trường lao động đang ở mức ổn định.
Theo báo cáo Beige Book hàng tháng của Hệ thống Dự trữ Liên bang, các điều kiện của thị trường lao động dường như đang hạ nhiệt ở hầu hết các khu vực của Hoa Kỳ.
Cuộc khảo sát của ngân hàng trung ương, bao gồm thông tin từ các mối quan hệ kinh doanh được thu thập trước ngày 08/01, đã tiết lộ một số diễn biến trong nền kinh tế nói chung. Có thể kể đến áp lực tiền lương giảm bớt, tỷ lệ luân chuyển thấp hơn, số lượng hồ sơ ứng tuyển lớn hơn, tăng “độ nhạy cảm về giá” của người tiêu dùng, và sự lạc quan của doanh nghiệp đối với sự tăng trưởng trong tương lai.
Chỉ số phụ việc làm của Viện Quản lý Cung ứng (ISM) trong Chỉ số Nhà quản lý Mua hàng Dịch vụ (PMI) đã xác nhận sự sụt giảm vào tháng 12/2023.
Tương tự như vậy, PMI Sản xuất của ISM cho thấy khối lượng việc làm đang giảm dần. Năm 2023, nền kinh tế Hoa Kỳ chỉ tạo thêm 1,000 việc làm trong lĩnh vực sản xuất.
Nhiều nhà kinh tế cảnh báo rằng nền kinh tế Hoa Kỳ có thể chứng kiến sự suy thoái, có thể là về tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hoặc tăng việc làm.
Ông Preston Caldwell, nhà kinh tế trưởng về Hoa Kỳ tại Morningstar Research Services, cho biết, “Trong Triển vọng Kinh tế mới nhất của chúng tôi, chúng tôi nêu chi tiết rằng chúng tôi dự đoán tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội thực tế sẽ chậm lại vào năm 2024 so với mức tăng trưởng vững chắc 2.5% được công bố vào năm 2023. Chúng tôi dự đoán tốc độ tăng trưởng GDP so với cùng thời kỳ năm trước sẽ giảm xuống dưới 1% vào nửa sau của năm 2024.”
“Tăng trưởng GDP chậm lại vào năm 2024 sẽ buộc các công ty phải giảm tốc độ tuyển dụng để tránh lợi nhuận giảm sút. Khi tăng trưởng kinh tế tăng tốc trở lại trong giai đoạn 2025–2026, chúng tôi kỳ vọng quá trình phục hồi thị trường lao động sẽ tiếp tục diễn ra.”
Theo bản Tóm tắt Dự báo Kinh tế (SEP) của Hệ thống Dự trữ Liên bang hồi tháng 12/2023, tỷ lệ thất nghiệp dự kiến sẽ tăng lên 4.1% trong năm nay và duy trì ở mức này vào năm 2025 và 2026.
Hạ cánh mềm hay cắt giảm lãi suất sớm
Fed đã báo hiệu ba lần cắt giảm lãi suất quỹ liên bang chuẩn trong dữ liệu SEP vào tháng trước. Kể từ đó, nhiều quan chức ngân hàng trung ương khác nhau đã giảm luận điệu ôn hòa này. Nhưng thị trường tương lai vẫn cho rằng Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) sẽ xoay trục chính sách tiền tệ và kích hoạt nhiều đợt giảm lãi suất trong năm nay.
Phần lớn các nhà đầu tư dự đoán việc cắt giảm lãi suất có thể sẽ xảy ra sớm nhất là sau cuộc họp chính sách của FOMC vào tháng Ba. Tuy nhiên, những kỳ vọng này đã giảm bớt khi đối mặt với dữ liệu lạm phát nóng hơn dự kiến và những nhận xét từ các quan chức Fed, những người ủng hộ việc nới lỏng chậm hơn.
Trong khi nói chuyện trực tuyến với Viện Brookings, Thống đốc Fed Christopher Waller đã khuyến nghị giảm lãi suất “một cách có phương pháp và cẩn thận.”
“Khi đến thời điểm thích hợp để bắt đầu hạ lãi suất, tôi tin rằng nó có thể và nên được hạ một cách có phương pháp và cẩn thận,” ông Waller nói. “Trong nhiều chu kỳ trước, họ cắt giảm lãi suất một cách phản ứng và thực hiện nhanh chóng cũng như thường xuyên với số lượng lớn. Tuy nhiên, chu kỳ này tôi thấy không có lý do gì để di chuyển nhanh hoặc cắt giảm nhanh như trước đây.”
Bất chấp tuyên bố từ Tòa Bạch Ốc rằng nền kinh tế Hoa Kỳ đã hạ cánh mềm, một số nhà phân tích thị trường vẫn tự hỏi liệu có là quá sớm để cắt giảm lãi suất hay không.
The Kobeissi Letter, một tổ chức bình luận thị trường vốn toàn cầu, viết trên X: “Ngay khi Fed đang chuẩn bị cắt giảm lãi suất, thì thị trường lao động đang ở thời điểm mạnh nhất trong hơn 50 năm qua.”
“Thị trường lao động đang hoàn toàn thiếu nguồn cung và Fed sắp đổ thêm dầu vào lửa. Đây là một cuộc hạ cánh mềm hay là sự cắt giảm lãi suất quá sớm?”
Với việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bất ngờ tăng lên 3.4% trong tháng trước, “cuộc chiến chống lạm phát vẫn chưa kết thúc.”
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times