Việc in tiền sẽ tăng tốc khi nợ của Hoa Kỳ tăng vọt
Chính phủ liên bang Hoa Kỳ đã công bố mức thâm hụt tháng Mười Hai là 129 tỷ USD, tăng 52% so với năm trước. Có thể thấy rõ sự suy thoái trong khu vực tư nhân khi chi phí tiếp tục tăng đồng thời nguồn thu từ thuế giảm. Nếu chúng ta nhìn vào khoảng thời gian từ tháng Mười đến tháng Mười Hai năm 2023, thì thâm hụt đã tăng lên mức đáng kinh ngạc 510 tỷ USD. Quý vị có thể nhớ rằng chính phủ Tổng thống Biden đã kỳ vọng giảm đáng kể thâm hụt thông qua tăng thuế và những lợi ích được kỳ vọng của Đạo luật Giảm Lạm Phát.
Nhưng những gì người Mỹ nhận được lại là thâm hụt lớn và lạm phát dai dẳng. Theo nhà kinh tế trưởng của Moody’s Mark Zendi, toàn bộ quá trình giảm phát trong những năm qua đều bắt nguồn từ các yếu tố ngoại sinh như “hậu quả đang dần yếu đi của đại dịch thế giới đối với chuỗi cung ứng và thị trường lao động toàn cầu, và cuộc chiến tranh của Nga ở Ukraine, cũng như tác động đến giá dầu, lương thực, và các hàng hóa khác.” Xu hướng giảm phát chỉ hoàn toàn diễn ra sau sự sụt giảm nguồn cung tiền (M2), nhưng Chỉ số Giá Tiêu dùng (CPI) lẽ ra đã phải giảm nhanh hơn nếu có sự kiểm soát đối với việc bội chi (deficit spending), nghĩa là tiết chế việc chi tiêu nhiều tiền mới được in ra hơn.
Tháng Mười Hai thật đáng thất vọng và cao hơn mức lẽ ra nên có. Chỉ số CPI hàng năm của Hoa Kỳ (+3.4%) đã cao hơn ước tính, chứng tỏ rằng sự phục hồi gần đây của cung tiền và chi tiêu bội chi gia tăng tiếp tục làm xói mòn sức mua của đồng tiền và hiệu ứng cơ sở* đã tạo ra quá nhiều lạc quan trong hai lần in tiền vừa qua. Hầu hết giá đều đã tăng trong tháng Mười Hai, và chỉ có bốn mặt hàng giảm. Trên thực tế, bất chấp giá năng lượng giảm mạnh, các dịch vụ hàng năm (+5.3%), nhà ở (+6.2%), và các dịch vụ vận tải (+9.7%) vẫn tiếp tục cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề lạm phát.
Thâm hụt to lớn có nghĩa là nhiều thuế hơn, lạm phát nhiều hơn, và tăng trưởng thấp hơn trong tương lai.
Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) dự báo về một con đường không bền vững mà vẫn sẽ có mức thâm hụt 5.0% vào năm 2027, với việc thâm hụt tăng trưởng hàng năm để đạt đến mức rất lớn là 10.0% GDP trong năm 2053 do tăng trưởng chi tiêu tăng nhanh hơn nhiều so với các nguồn thu. Nợ tăng mạnh cũng sẽ dẫn đến tăng trưởng rất kém, với GDP thực tăng chậm hơn nhiều trong suốt giai đoạn 2023–2053 so với mức tăng trung bình “trong 30 năm qua.”
Thâm hụt không phải là công cụ để tăng trưởng; mà là công cụ tạo nên sự trì trệ.
Thâm hụt có nghĩa là sức mua của đồng tiền sẽ tiếp tục biến mất cùng với việc in tiền, và thu nhập thực tế khả dụng của người Mỹ sẽ bị phá hủy do thuế cao hơn và giá trị thực tế của tiền lương và tiền tiết kiệm của họ bị yếu đi.
Chúng ta phải nhớ rằng, theo ước tính của chính phủ Tổng thống Biden, thâm hụt lũy kế sẽ lên tới 14 ngàn tỷ USD trong giai đoạn đến năm 2032.
Mức độ thiếu trách nhiệm tài khóa không bền vững này cũng sẽ dẫn đến việc in tiền ồ ạt nhiều hơn. Hệ thống Dự trữ Liên bang sẽ phải điều hướng trong tình trạng mất cân đối tài khóa liên bang nghiêm trọng hơn so với các thời kỳ khủng hoảng, ngay cả trong trường hợp các ước tính giả định không có suy thoái hoặc khủng hoảng thực sự xảy ra. Vì vậy, nếu một cuộc khủng hoảng xảy ra, thì tình hình sẽ chỉ đơn giản là nổ tung.
Xét đến tất cả những yếu tố này, không khó để hình dung rằng bảng cân đối kế toán của Fed sẽ tăng vọt từ mức vốn đã cao 29% GDP lên 50%, và vẫn sẽ thấp hơn bảng cân đối kế toán của Ngân hàng Trung ương Âu Châu.
Độc giả có thể cho rằng việc tiền tệ hóa nợ sẽ là một biện pháp khó chịu nhưng cần thiết để giảm bớt nợ nần. Tuy nhiên, đến giờ phút này thì lẽ ra chúng ta phải hiểu được rằng việc để Hệ thống Dự trữ Liên bang tiền tệ hóa nợ sẽ chỉ khiến các chính phủ trở nên thiếu thận trọng hơn về mặt tài khóa. Nợ công tiếp tục đạt mức cao kỷ lục mới cả trong thời kỳ mở rộng tiền tệ lẫn trong thời kỳ được cho là thu hẹp.
Năm 2023 đã chứng minh rằng chính sách của các ngân hàng trung ương chỉ mang tính thắt chặt trên danh nghĩa, khi hoạt động bơm thanh khoản ròng, cũng như các chương trình chống khác biệt lãi suất quá lớn giữa các quốc gia trong khối khi ECB điều chỉnh lãi suất bằng chính sách tiền tệ vẫn tiếp tục. Chính sách chỉ mang tính thắt chặt đối với khu vực tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và các gia đình, chứ không phải là đối với chính phủ.
Tình hình sẽ còn tệ hơn trong năm 2024, vì chính phủ sẽ không thể dựa vào việc tăng doanh thu giữa một tình hình phục hồi kinh tế ảm đạm. Do đó, thâm hụt có khả năng gây bất ngờ một cách tiêu cực một lần nữa, có nghĩa là sẽ có nhiều thuế hơn và tốc độ tăng trưởng tiềm năng thấp hơn được ngụy trang bằng một loạt đợt bơm tiền mới.
Điều này có ý nghĩa gì đối với người tiết kiệm? Đồng USD của quý vị sẽ có giá trị thấp hơn, tiền lương thực tế sẽ tiếp tục tăng trưởng kém, và thu nhập khả dụng sau thuế sẽ giảm. Cách duy nhất để quý vị bảo vệ mình là tìm nguồn dự trữ giá trị thực thay thế, từ vàng đến bitcoin, điều này sẽ bù đắp cho quá trình tàn phá tiền tệ sắp tăng tốc tới đây.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times