Sinh viên Trung Quốc: Trung Quốc sẽ không có hy vọng nếu không giải thể ĐCSTQ
“Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không có tầm nhìn phát triển, ĐCSTQ chỉ có ham muốn về quyền lực.” Đây là lời chia sẻ của anh Nhan Ninh (Yan Ning), một sinh viên đại học tại miền nam Trung Quốc nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times.
Anh nhấn mạnh, “Nếu ĐCSTQ không sụp đổ, Trung Quốc sẽ không có hy vọng.”
Gần đây, anh Nhan Ninh, một sinh viên đại học sinh sau năm 2000 đã có buổi phỏng vấn với phóng viên ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times. Trong cuộc phỏng vấn, anh Nhan đã nói về tình trạng “dương tính” gần đây của mình, đồng thời kể lại thực trạng các ca tử vong thương tâm do nhiễm COVID-19 ở quê nhà mà anh đã chứng kiến hồi năm ngoái.
Xem thêm bài viết: Sinh viên Trung Quốc nhớ lại dịch bệnh COVID: Ba đám tang được tổ chức trong phạm vi một km
Ngoài ra, trong cuộc phỏng vấn, anh Nhan còn nói về quá trình tìm hiểu bản chất của ĐCSTQ và kinh nghiệm của anh trong việc truyền đạt sự thật cho những người xung quanh.
Vượt tường lửa tìm kiếm tin tức, nhận ra ĐCSTQ đang lừa dối người dân
Hôm 03/09, anh Nhan Ninh chia sẻ với phóng viên về một sự việc xảy ra khi anh còn học cấp hai. Trong giờ học, giáo viên đề cập đến sự kiện Lục Tứ (vụ thảm sát Thiên An Môn 04/06), nói rằng ĐCSTQ đã dùng xe tăng để tông vào người biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn. Tuy nhiên, đó lại là điều anh chưa từng biết đến, và điều đó đã thôi thúc tính hiếu kỳ của anh. Anh Nhan bắt đầu tìm cách vượt tường lửa trên mạng Internet. May mắn thay, anh đã tìm được một nhu liệu vượt tường lửa do các học viên Pháp Luân Công phát triển.
“Đây là lần đầu tiên tôi tiếp cận được các thông tin này thông qua truyền thông trực tuyến,” anh Nhan Ninh nói. “Sau khi tìm hiểu về sự kiện Lục Tứ, tôi mới hiểu ra hình như mình đã bị lừa rồi. Tôi nhận ra kiến thức lịch sử dạy trong sách giáo khoa không giống những gì thực sự đã xảy ra.”
Anh đưa ra một dẫn chứng. Ví dụ như sách giáo khoa lịch sử viết, năm 1990 ĐCSTQ bị cộng đồng quốc tế trừng phạt, nhưng không đề cập lý do tại sao, và đó cũng là thông tin duy nhất về vấn đề này. Anh cho biết, trước đây anh nghĩ việc này là lẽ đương nhiên, vì Trung Quốc phát triển quá nhanh khiến phương Tây không hài lòng nên đã áp đặt lệnh trừng phạt.
“[Nhưng khi] tôi thực sự xâu chuỗi những sự việc lại với nhau, tôi mới phát hiện ĐCSTQ bị Quốc tế áp đặt lệnh trừng phạt sau sự kiện Lục Tứ năm 1989,” anh nói.
Anh cho biết, trong quá trình không ngừng tìm hiểu thông tin chân thực, anh đã dần thay đổi. Từ một đứa trẻ bị “tẩy não,” anh trở thành một người muốn được biết thêm nhiều sự thật hơn nữa.
Anh nói thêm: “Kỳ thực, nói đến đây tôi rất muốn cảm ơn các bạn (học viên Pháp Luân Công), những người không ngừng phát triển [nhu liệu vượt tường lửa] này ở Trung Quốc, giúp nhiều người hơn nữa tiếp cận luồng thông tin đa dạng.”
Sự kiện “Lục Tứ” mà anh Nhan Ninh đề cập đến còn được gọi là Phong trào Dân chủ năm 1989. Đó là sự kiện ngày 15/04/1989, sinh viên Trung Quốc và người dân tập trung tại Quảng trường Thiên An Môn để tưởng niệm sự ra đi của cựu Tổng Bí thư ĐCSTQ Hồ Diệu Bang. Các sinh viên yêu cầu chính quyền cải cách bộ máy chính trị, đồng thời phát động cuộc biểu tình kéo dài gần hai tháng. Từ tối ngày 03/06 đến sáng sớm ngày 04/06 cùng năm, quân đội của ĐCSTQ, lực lượng cảnh sát vũ trang và cảnh sát đã dùng vũ lực để giải tán đám đông trên Quảng trường Thiên An Môn. Họ nổ súng khiến các sinh viên tử vong. Sự kiện này còn gọi được gọi là Cuộc đại thảm sát Lục Tứ.
ĐCSTQ không thể cải cách, ĐCSTQ đang trói buộc Trung Quốc
Khi anh Nhan Ninh lần đầu tiên nhận ra ĐCSTQ đang lừa dối người dân Trung Quốc, đây là một đảng phái đạo đức giả, anh vẫn ôm hy vọng ĐCSTQ sẽ cải cách. Tuy nhiên sau đó, anh phát hiện chính quyền này sẽ không bao giờ thực hiện điều đó.
“Nếu quý vị muốn cải cách [thể chế này], quý vị sẽ động phải chiếc bánh ngọt của ĐCSTQ, và đương nhiên chính quyền này sẽ không [cho phép ai] động vào chiếc bánh đó.”
Anh nhấn mạnh: “ĐCSTQ thà kéo tất cả người dân thành vật tùy táng, còn hơn trao cho quý vị một chút quyền lực để cải cách chính trị. Đó là một chính quyền vô cùng ích kỷ, không có tầm nhìn phát triển và chỉ ham muốn quyền lực.”
Khi phóng viên đặt câu hỏi: Tại sao anh lại có ý tưởng cải cách này?
Anh Nhan giải thích, kỳ thực khi đó anh có chút suy nghĩ viển vông, có lẽ tư tưởng Nho gia đã hằn sâu trong suy nghĩ nên anh mong chờ có một minh quân xuất hiện. Anh kỳ vọng thể chế này sẽ có một người lãnh đạo sáng suốt thúc đẩy cải cách chính trị.
Tuy nhiên, sau khi Hiến pháp được sửa đổi vào năm 2018, anh Nhan cảm thấy tình thế vẫn đi vào bế tắc. Đặc biệt là trong ba năm dịch bệnh, ông Tập Cận Bình vẫn không ngừng gia tăng chế độ độc tài và toàn trị để thực hiện những chính sách phi lý, viển vông bắt buộc người dân phải phục tùng.
Anh Nhan Ninh cảm thấy chế độ này quả thực “không thể cứu vãn được, không còn cách nào cứu được nữa.” Anh cho biết những hiện tượng thời Đại Cách mạng Văn hóa năm xưa lại bắt đầu trỗi dậy ở Trung Quốc, như chủ nghĩa dân túy, đấu tố, thái độ thù địch với Hoa Kỳ, v.v.
Trong kỳ họp Lưỡng hội vào tháng 03/2018, Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc của ĐCSTQ đã thông qua sửa đổi Hiến pháp, loại bỏ giới hạn nhiệm kỳ cho chức vụ Chủ tịch nước. Khi đó ngoại giới đều cho rằng, sự sửa đổi này là để chuẩn bị cho việc tái đắc cử của Chủ tịch Tập Cận Bình. Đồng thời khi đó có nhiều người lên tiếng chỉ trích việc ĐCSTQ bước sang chế độ nhà cầm quyền “giữ chức vị cả đời.”
Năm 2023, tại kỳ họp Lưỡng hội, ĐCSTQ tuyên bố ông Tập Cận Bình tái đắc cử sau hai nhiệm kỳ 10 năm.
Anh Nhan nhấn mạnh: “Quý vị sẽ phát hiện người dân Trung Quốc lại đi theo lối mòn cũ, còn ĐCSTQ vẫn như trước, [người dân] không có lối thoát. Sau Cách mạng Văn hóa, những người dân khác tiếp tục bị bức hại, đó là quý vị, tôi, những người khác… Mọi chuyện đều như một vòng tuần hoàn.”
Theo anh, ĐCSTQ là một tên lão làng cố chấp và già nua, làm sao đảng này có thể có sự nhẫn nại, có lối suy nghĩ tiến bộ của giới trẻ và tiềm lực mạnh mẽ được?
“ĐCSTQ chỉ có thể đáp trả quý vị bằng những cú đấm sắt xã hội chủ nghĩa, một thập niên [tại vị], một thập niên là một vòng tuần hoàn lặp lại, và tôi không còn ảo tưởng nữa,” anh nói.
Anh cũng nhận thức sâu sắc rằng: “Từ trước đến nay, ĐCSTQ luôn trói chặt Trung Quốc, và Trung Quốc vẫn luôn vận hành trong sự trói buộc đó của ĐCSTQ.”
“Nếu ĐCSTQ sụp đổ, khẳng định Trung Quốc sẽ trải qua thời kỳ hỗn loạn. Tuy nhiên, nếu ĐCSTQ không sụp đổ, Trung Quốc sẽ không có bất cứ hy vọng nào,” anh nhận định.
Theo anh Nhan Ninh, thể chế thống trị và hệ thống vận hành của ĐCSTQ chính là những “khối u ác tính” của xã hội Trung Quốc, và đảng này chắc chắn sẽ sụp đổ.
Tuy nhiên, sau Cách mạng Văn hóa, nền tảng của giới trí thức đã bị ĐCSTQ đánh gãy; nền tảng của giới trẻ đã bị đàn áp trong sự kiện Lục Tứ năm 1989. Những điều này khiến người Trung Quốc mất hết nhuệ khí, họ thấy rằng không thể thay đổi được ĐCSTQ, vì vậy phần lớn giới trẻ Trung Quốc ngày nay đã lựa chọn “trôi theo dòng.”
Theo anh Nhan, sở dĩ đến nay ĐCSTQ vẫn chưa sụp đổ là vì cái giá đỡ vẫn lớn, nó mắc kẹt trong trạng thái đổ nhưng chưa sụp. Tuy nhiên, nó đang không ngừng mục, nát, vụn. Cái giá này bao giờ sụp đổ chỉ còn là vấn đề thời gian. Nếu tình thế xã hội vẫn tiếp tục kéo dài như vậy thì chắc chắn ĐCSTQ sẽ sụp đổ.
“ĐCSTQ sẽ mục nát, sau khi mục đến mức độ không thể gượng dậy được, thì có thể đó là lúc phượng hoàng tái sinh từ đống tro tàn,” anh nói.
Anh còn khuyến khích người dân Trung Quốc hãy tìm hiểu nhiều luồng thông tin hơn nữa, lắng nghe những quan điểm bình luận đa chiều để suy xét vấn đề trên nhiều góc độ thay vì chỉ theo dõi tin tức mà ĐCSTQ công bố. Khi người dân có nhận thức toàn diện, họ sẽ có lối suy nghĩ nhận thức độc lập để đưa ra kết luận cho mình.
Nói sự thật với người xung quanh để giúp họ tránh bị liên lụy khi ĐCSTQ sụp đổ
Anh Nhan Ninh trăn trở: “Hôm nay chúng ta không phải là người rơi vào cảnh lũ lụt, hôm qua chúng ta cũng không phải là người qua đời vì dịch bệnh. Chúng ta là người may mắn của hôm qua và hôm nay. Nhưng còn ngày mai thì sao? Quý vị có thể đoán trước ngày mai sẽ ra sao không? Hôm nay là cú đấm sắt của chủ nghĩa xã hội đối với ông A, bà B, C, D. Vậy ngày mai đến lượt quý vị thì làm thế nào?”
“Khi thể chế và sự vận hành quyền lực này của [ĐCSTQ] hoàn toàn thối nát, không ai trong đó có thể thoát tội. [Vì vậy], quý vị nhất định phải hành động.”
Trong bối cảnh rối ren này, anh Nhan hy vọng sự thật có thể thay đổi suy nghĩ của anh, của những người xung quanh. Cần thoát khỏi lối suy nghĩ cố hữu mà ĐCSTQ ràng buộc để chúng ta trở thành người có tư duy nhận thức độc lập. Hãy là một cá thể thật sự độc lập và tự do, đừng phí hoài thời gian và sinh mạng đáng quý của mình vì những hình thức của chủ nghĩa cộng sản.
Anh tin rằng, một hình thế lớn sẽ được hình thành từ các yếu tố nhỏ. Khi các chuỗi mắt xích nhỏ đó có sự thay đổi, thì hình thế trên diện rộng mới có sự đổi khác. Chỉ có như vậy, người Trung Quốc mới có thể tìm thấy lối thoát cho mình.
Làm cách nào để nói sự thật với những người xung quanh?
“Hãy bắt đầu từ những phương diện khác nhau trong đời sống của đối phương để nói cho họ biết [sự thật],” hay “từ những mẩu chuyện nhỏ mở đầu cho đề tài thảo luận, giúp họ tiếp cận một cách từ từ. Hoặc khi đối phương cảm thấy nghi hoặc, quý vị hãy giải thích từng chút một cho họ,” theo anh Nhan. “Chỉ khi quý vị cân nhắc đến lợi ích của đối phương, họ mới sẵn lòng lắng nghe quý vị nói.”
Anh nhấn mạnh: “Chúng ta (không nên) chỉ đề cập đến quan điểm cá nhân. Nếu xuất phát điểm của quý vị là nghĩ cho lợi ích thiết thân của đối phương, họ sẽ càng sẵn lòng lắng nghe và sẽ càng có hiệu quả hơn.”
Anh Nhan nêu ra hai dẫn chứng cho điều này:
1. Anh chia sẻ sự thật với người em họ đang trong kỳ nghỉ hè, chuẩn bị bước vào cánh cửa đại học. Khi người em họ xem thước phim tài liệu về sự kiện Lục Tứ, cô vẫn bày tỏ thái độ ủng hộ ĐCSTQ, nói ĐCSTQ cải cách kinh tế Trung Quốc, v.v.
Lúc này, anh hỏi cô những câu hỏi như: Tại sao trước đây em không biết về sự kiện ĐCSTQ bức hại sinh viên (sự kiện Lục Tứ), em không tìm được tin tức này đúng không? Đó là vì ĐCSTQ không muốn để cho em biết. Lúc này, em gái của anh mới dần hiểu ra và bắt đầu suy ngẫm. Tân Hoa Xã hay nhắc đến “truyền thông ngoại quốc,” nhưng bản thân cô lại chưa từng theo dõi “truyền thông ngoại quốc.” Cô nói dù mình có trương mục mạng xã hội X (trước đây là Twitter) nhưng cũng chưa từng cập nhật trạng thái. Trước những điều anh đề cập, cô mới tỏ ý muốn tìm hiểu nhiều hơn những sự việc mà trước đây cô chưa từng biết.
2. Trường hợp thứ hai là bạn của anh Nhan Ninh, một đảng viên của ĐCSTQ. Trong một lần thảo luận qua điện thoại về vấn đề kiểm duyệt, người bạn này bất ngờ dùng kí tự pinyin (bính âm) thay cho chữ Hán để bày tỏ ý kiến. Anh Nhan Ninh liền hỏi, tại sao lại dùng pinyin để diễn tả sự việc này? Nó có vẻ bất thường?
Người bạn này hỏi tại sao anh lại cảm thấy bất thường?
Tiêu Luật Sinh thực hiện
Thanh Thanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ