Sau cuộc tấn công của Hamas, Israel phong tỏa biên giới, ‘bao vây hoàn toàn’ Gaza
Dải Gaza chao đảo dưới bom đạn của Israel sau cuộc tấn công bất ngờ xuyên biên giới khiến 1,000 người Israel thiệt mạng — và rất nhiều người nữa rơi vào tay Hamas.
Theo một phát ngôn viên của quân đội Israel, các lực lượng Israel đã tái khẳng định quyền kiểm soát đối với các khu vực gần biên giới với Dải Gaza.
Hôm 10/10, phát ngôn viên quân đội Israel Daniel Hagari cho biết: “Trong ngày qua, không một tên khủng bố nào [chiến binh Hamas] xâm nhập được qua hàng rào [Gaza-Israel].”
Theo ông Hagari, quân đội Israel kể từ đó đã giành lại toàn quyền kiểm soát khu vực biên giới sau ba ngày giao tranh với phiến quân Palestine.
Tuy nhiên, phát ngôn viên này tiếp tục thừa nhận rằng một “số lượng nhỏ” phiến quân có khả năng vẫn đang “ẩn náu trên lãnh thổ Israel.”
Ông nói thêm rằng các đơn vị quân đội Israel đang gài mìn ở khu vực biên giới và sửa chữa những lỗ hổng trên bức tường kiên cố ngăn cách Israel với Dải Gaza.
Hôm 07/10, Hamas đã thực hiện một cuộc tấn công đa hướng từ Gaza vào Israel, theo các nguồn tin của Israel, khiến hơn 1,000 người Israel thiệt mạng.
Trong cuộc tấn công bất ngờ đó, phiến quân đã bắt được nhiều con tin Israel, những người mà Hamas cuối cùng hy vọng sẽ trở thành con bài thương lượng để đổi lấy sự tự do cho các tù nhân Palestine đang chịu cảnh tù đày ở Israel.
Hôm 10/10, quân đội Israel cho biết 123 binh sĩ của họ đã thiệt mạng khi đang giao tranh.
‘Bao vây hoàn toàn’
Israel đã đáp trả bằng cách phát động “Chiến dịch Thanh kiếm Sắt” với mục đích đã tuyên bố là tiêu diệt các nhóm phiến quân đóng tại Gaza, bao gồm cả Hamas và nhóm Thánh chiến Hồi giáo Jihad.
Sáng 10/10, Bộ Y tế Gaza cho biết ít nhất 765 người Palestine đã thiệt mạng — và hàng nghìn người khác bị thương — do các cuộc không kích liên tục của Israel.
Trong một tuyên bố được đưa ra cùng ngày, quân đội Israel xác nhận họ đã tấn công hơn 200 mục tiêu, trong đó có cả các tòa nhà cao tầng, trong các cuộc tấn công vào ban đêm từ trên không và trên biển.
Israel tuyên bố các cuộc không kích của họ chỉ khoanh vùng cụ thể vào những mục tiêu thuộc phiến quân Palestine.
Tuy nhiên, các nguồn tin của Palestine, bao gồm cả Bộ Y tế Gaza, cho biết các khu vực dân sự cũng bị tấn công.
Theo Liên Hiệp Quốc, ước tính có khoảng 180,000 người Palestine ở Gaza đã trở thành vô gia cư do các vụ oanh tạc đang diễn ra.
Ngày 10/10, Bộ trưởng Năng lượng Israel Israel Katz cho biết nguồn cung cấp nước cho Gaza đã bị cắt.
Ông nói trong các bình luận trên truyền hình rằng: “Tất cả các đường ống dẫn nước từ Israel đến Dải Gaza đã bị ngắt kết nối.”
Ông nói thêm rằng tất cả nguồn cung cấp điện và nhiên liệu đến khu vực này đều bị đình chỉ hôm 08/10.
Hôm 09/10, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant tuyên bố sẽ áp đặt lệnh “bao vây hoàn toàn” đối với Gaza, khẳng định rằng điện, thực phẩm, nước hoặc nhiên liệu sẽ không được phép vào khu vực này.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cảnh báo rằng hành động này sẽ khiến tình hình nhân đạo “vốn đã nghiêm trọng” ở Gaza “xấu đi theo cấp số nhân.”
Israel cũng thông báo đợt kêu gọi tòng quân chưa từng có với 300,000 quân dự bị, cho thấy các kế hoạch có thể đang được tiến hành cho một cuộc xâm lược toàn diện vào Gaza.
Mối thù truyền kiếp
Cuộc tấn công xuyên biên giới của Hamas là cuộc tấn công chí mạng nhất vào Israel kể từ năm 1973, khi Ai Cập và Syria tiến hành một cuộc tấn công bất ngờ vào nhà nước Do Thái này nhằm chiếm lại lãnh thổ đã mất trước đó.
Hamas cho biết cuộc tấn công này — được đặt tên là “Chiến dịch Al-Aqsa Flood” (tạm dịch: Cơn lũ Al-Aqsa) — là một hành động đáp trả trước các vụ xâm nhập gần đây của những người định cư Do Thái vào khu Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa của Jerusalem.
Người Hồi giáo xem Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa là địa điểm linh thiêng thứ ba trên thế giới sau Mecca và Medina.
Theo nhóm phiến quân này, cuộc tấn công cũng là để đáp trả lại cách đối xử hà khắc của Israel đối với người Palestine ở Bờ Tây, một lãnh thổ khác do Chính quyền Palestine điều hành.
Hamas tuyên bố thêm rằng cuộc tấn công chí tử của họ nhằm đáp lại lệnh cấm vận kéo dài nhiều năm đối với Gaza của Israel và Ai Cập, cả hai nước này đều có chung đường biên giới với dải đất hẹp ven biển này.
Chỉ có diện tích 225 dặm vuông, Dải Gaza vẫn bị phong tỏa hà khắc — trên không, trên bộ, và trên biển — kể từ năm 2007.
Ngày 10/10, phát ngôn viên quân đội Israel Richard Hecht đã khuyên những người dân đang sợ hãi ở Gaza đào thoát sang Ai Cập.
Vài giờ sau, văn phòng của ông Hecht đưa ra một “thông báo rõ ràng,” nêu rõ: “Hôm qua, giao lộ Rafah đã mở cửa, nhưng bây giờ đã đóng cửa.”