Các quốc gia Ả Rập phản ứng trước cuộc tấn công của Hamas khi thỏa thuận ‘lịch sử’ Israel-Saudi đang ngàn cân treo sợi tóc
Cuộc tấn công có nguy cơ làm hỏng một thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Saudi Arabia được công bố hồi tháng Chín.
Hôm thứ Bảy (07/10), nhóm khủng bố Palestine Hamas đã phát động một cuộc tấn công bất ngờ vào Israel, khiến Thủ tướng Benjamin Netanyahu nhanh chóng trả đũa và bắt đầu một cuộc chiến tổng lực đã tước đi sinh mạng của hàng ngàn người.
Trong vòng bốn ngày kể từ cuộc tấn công chưa từng có của Hamas — được tiến hành bằng đường bộ, đường biển, và đường không vào cùng ngày người Israel kỷ niệm ngày lễ Simchat Torah của người Do Thái — các lực lượng Israel đã tiến hành các cuộc tấn công dữ dội nhất từ trước đến nay trong lịch sử 75 năm xung đột với Palestine.
Theo các bản tin địa phương, ước tính khoảng 1,200 người Israel đã thiệt mạng kể từ khi bạo lực nổ ra. Trong khi đó, theo Bộ Y tế Palestine, hơn 900 người thiệt mạng ở Gaza kể từ khi các cuộc không kích của Israel bắt đầu vào hôm thứ Bảy.
Sinh mạng của hơn 2 triệu người dân ở Dải Gaza cũng rơi vào tình thế ngàn cân treo sợi tóc sau khi Israel tuyên bố bao vây khu vực này, khiến người dân không có điện, thực phẩm, nước, và nhiên liệu.
Cuộc tấn công cũng có nguy cơ làm hỏng thỏa thuận hòa bình “lịch sử” giữa Israel và Saudi Arabia được công bố hồi tháng Chín mà theo đó bất chấp sự phản đối của Hamas, hai quốc gia này lần đầu tiên chính thức công nhận nhau, và cho đến gần đây, điều này dường như là một khả năng còn xa vời.
Chỉ vài ngày trước cuộc tấn công, các quan chức Hoa Kỳ và Israel đã công bố “khuôn khổ cơ bản” của thỏa thuận — có thể sẽ chứng kiến mối liên quan hệ đối tác an ninh, quốc phòng, và kinh tế giữa hai quốc gia — vốn đã được thiết lập sau nhiều năm trao đổi qua lại.
Palestine vẫn là điểm vướng mắc trong suốt các cuộc đàm phán nhưng thỏa thuận hòa bình do Hoa Kỳ làm trung gian, theo bài diễn văn hồi tháng Chín của ông Netanyahu, sẽ “thực sự tạo ra một Trung Đông mới” và mang lại con đường thực sự hướng tới “hòa bình thực sự” giữa người Israel và người Palestine.
“Một nền hòa bình như vậy sẽ còn lâu mới đi tới việc chấm dứt xung đột Ả Rập-Israel và sẽ khuyến khích các quốc gia Ả Rập khác thiết lập mối bang giao bình thường với Israel” cũng như “sự hòa giải rộng lớn hơn giữa Do Thái Giáo và Hồi Giáo, giữa Jerusalem và Mecca,” ông Netanyahu nói trong một cuộc tranh luận chung của phiên họp thứ 78 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.
‘Quá sớm để hòa giải’
Trong một tuyên bố mới đây hơn được đưa ra hôm 10/10 tóm tắt cuộc điện đàm giữa Hoàng tử Mohammed bin Salman và Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi, bộ này cho biết hai bên “đã đồng thuận về sự cần thiết phải tăng cường các nỗ lực quốc tế và khu vực để ngăn chặn leo thang căng thẳng ở Gaza và những khu vực xung quanh và ngăn chặn căng thẳng mở rộng ra trong khu vực.”
Tuy nhiên, tuyên bố cũng kết luận rằng “Thái tử HHR nhấn mạnh rằng Vương quốc sát cánh cùng người dân Palestine để đạt được các quyền hợp pháp của họ, hiện thực hóa hy vọng và nguyện vọng của họ, và thiết lập một nền hòa bình công bằng và lâu dài.”
Trong khi đó, Qatar giàu dầu mỏ cho biết họ vẫn duy trì lập trường kiên định về vấn đề Palestine, lưu ý trong một tuyên bố rằng “bảo đảm duy nhất để đạt được hòa bình lâu dài là một giải pháp công bằng và toàn diện cho vấn đề Palestine trong khuôn khổ sáng kiến Ả Rập, và bảo đảm thành lập một nhà nước Palestine độc lập dựa trên các đường biên giới năm 1967, với Đông Jerusalem là thủ đô.”
Phát ngôn viên chính thức của Bộ Ngoại giao, Tiến sĩ Majed bin Mohammad Al Ansari, nói thêm rằng việc không đạt được một giải pháp cho tình hình ở Palestine “sẽ kéo dài tình trạng thiếu vắng hòa bình trong khu vực” và kêu gọi cộng đồng quốc tế “gây áp lực để khai triển giải pháp này, bảo đảm rằng người anh em Palestine nhất định có được các quyền của mình.”
Tuy nhiên, Qatar nhấn mạnh rằng “còn quá sớm để nói về hòa giải trực tiếp,” viện lý do “sự phức tạp của tình hình thực tế.”
Ở những nơi khác, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, hồi năm 2020 đã thiết lập bang giao bình thường với Israel thông qua thỏa thuận Hiệp định Abraham, đã đưa ra một tuyên bố ngắn hơn đáng chú ý về cuộc tấn công này bày tỏ “mối lo ngại sâu sắc về sự leo thang bạo lực giữa người Israel và người Palestine,” và sự cần thiết phải có một giải pháp ngừng bắn ngay lập tức.
Bahrain, quốc gia cũng đã ký thỏa thuận Hiệp định Abraham, đưa ra tuyên bố tương tự, trong khi Morocco, một quốc gia khác đã bình thường hóa quan hệ với Israel, bày tỏ “mối lo ngại sâu sắc về tình hình ngày càng xấu đi và sự bùng nổ các hoạt động quân sự ở Dải Gaza.”
Iran quy trách nhiệm cho Israel vì leo thang căng thẳng
Trong một tuyên bố, Kuwait và Oman đưa ra những phản ứng tương tự trong khi Ai Cập, quốc gia Ả Rập đầu tiên thiết lập mối bang giao bình thường với Israel theo hiệp ước hòa bình năm 1980, cảnh báo về “những hậu quả nghiêm trọng” từ sự leo thang căng thẳng giữa Israel và Palestine.
Ngược lại, Iran, một nước ủng hộ chính của Hamas, phủ nhận liên quan trực tiếp đến vụ tấn công nhưng ca ngợi “những người đã sắp xếp cho cuộc tấn công chế độ phục quốc Do Thái.”
Hôm thứ Hai (09/10), Hoa Kỳ cáo buộc Iran đồng lõa trong cuộc tấn công của Hamas vào Israel, nhưng thừa nhận không có thông tin tình báo hoặc bằng chứng nào chứng minh cho tuyên bố này.
Ở những nơi khác, phiến quân Houthi kiểm soát thủ đô Sanaa cũng cho biết họ ủng hộ “chiến dịch thánh chiến anh hùng” trong khi Bộ Ngoại giao Syria gọi cuộc tấn công của Hamas là một “thành tích đáng vinh dự chứng minh cách duy nhất để người Palestine có được các quyền hợp pháp của mình là phản kháng dưới mọi hình thức.”
Hiện vẫn chưa rõ liệu Hamas có thực hiện cuộc tấn công này nhằm để ngăn chặn một thỏa thuận tiềm năng giữa Israel và Saudi, thỏa thuận mà đến cuối cùng sẽ ngăn chặn vấn đề Palestine, định hình lại chính trị ở Trung Đông, và nâng cao vị thế của Israel hay không.
Nhóm này vẫn chưa bình luận về lý do chính xác đằng sau cuộc tấn công bất ngờ này nhưng trong khi đó lại kêu gọi các quốc gia Ả Rập và Hồi Giáo cũng như cộng đồng quốc tế giúp cứu trợ những người ở Gaza.
Cẩm An lược dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times