Sách Xanh ngoại giao năm 2024 của Nhật Bản cân bằng mối bang giao cùng ‘có lợi’ với Trung Quốc và các mối đe dọa quân sự từ ĐCSTQ
Báo cáo này xác định việc Trung Quốc mở rộng quân sự là ‘vấn đề khiến Nhật Bản và cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại.’
Sách Xanh Ngoại giao năm 2024 của Nhật Bản, do Bộ Ngoại giao Nhật Bản phát hành gần đây, nhấn mạnh mối lo ngại của bộ này trước các mối đe dọa quân sự ngày càng tăng từ Trung Quốc, đồng thời một lần nữa đề cập đến mối bang giao “đôi bên cùng có lợi” với Trung Quốc.
Các nhà quan sát các vấn đề quốc tế đã chỉ ra rằng cuốn sách xanh ngoại giao mới này, một báo cáo chính sách đối ngoại thường niên của Nhật Bản, cho thấy Nhật Bản đang cố gắng áp dụng một chiến lược cân bằng: Một mặt, nước này liên minh với Hoa Kỳ và các nền dân chủ tự do khác đang đối phó với việc tăng cường quân sự và các chính sách đối ngoại cứng rắn của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ); mặt khác, Nhật Bản cũng hy vọng giảm bớt căng thẳng trong mối bang giao Trung–Nhật.
Báo cáo được phát hành hôm 16/04 này xác định việc Trung Quốc mở rộng quân sự là “vấn đề khiến Nhật Bản và cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại,” là “điều chưa từng có và là thách thức chiến lược lớn nhất đối với việc bảo đảm… hòa bình và an ninh.”
Để đối phó với các mối đe dọa ngày càng tăng từ chế độ cộng sản Trung Quốc, sách xanh này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Nhật Bản hợp tác với các đồng minh và các quốc gia cùng chung chí hướng.
Trong cuốn sách năm nay, “mối bang giao đôi bên cùng có lợi dựa trên lợi ích chiến lược chung” giữa Nhật Bản và Trung Quốc lại được nhắc đến sau năm năm.
Thuật ngữ này được Thủ tướng Nhật Bản đương thời Shinzo Abe đưa ra hồi năm 2006, đề cập đến mục tiêu của ông là muốn Nhật Bản và Trung Quốc theo đuổi các lợi ích chung về chính trị và kinh tế khi ông gặp lãnh đạo ĐCSTQ đương thời Hồ Cẩm Đào trong chuyến thăm Trung Quốc. Nhóm từ này đã được đưa vào tuyên bố chung năm 2008 giữa hai quốc gia.
Ông Vương Hách (Wang He), một nhà quan sát các vấn đề về Trung Quốc sống tại Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times hôm 19/04 rằng việc Nhật Bản tái thiết lập mối bang giao đôi bên cùng có lợi giữa Nhật Bản và Trung Quốc chính là chiến lược cân bằng của Nhật Bản.
“Liên minh của Nhật Bản với Hoa Kỳ là nhằm hình thành một biện pháp răn đe hiệu quả chống lại ĐCSTQ,” ông chia sẻ. “Trong bối cảnh biện pháp răn đe này đã được phát triển nhanh chóng, Nhật Bản cũng hy vọng xoa dịu căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Suy cho cùng, họ không muốn giữa Trung Quốc và Nhật Bản xảy ra cuộc chiến tranh.”
Ông Vương nói thêm rằng dù sao thì Trung Quốc và Nhật Bản cũng là hai nước láng giềng. “Về mối quan hệ song phương với Trung Quốc, Nhật Bản muốn cố gắng hết sức để có thể nói về sự hợp tác,” ông nói.
Sách xanh này còn đề cập rằng việc “Trung Quốc và Nhật Bản đều nỗ lực để tạo dựng… mối bang giao mang tính xây dựng và ổn định” là rất quan trọng.
Trung Quốc là đối tác thương mại, quốc gia xuất cảng mục tiêu, và nguồn nhập cảng lớn nhất của Nhật Bản. Theo dữ liệu do Tổng cục Quan thuế của ĐCSTQ công bố, tổng khối lượng giao dịch thương mại giữa Trung Quốc và Nhật Bản vào năm 2023 là 318 tỷ USD, chiếm hơn 1/5 tổng kim ngạch ngoại thương của Nhật Bản, giảm 10.7% so với năm 2022.
Ông Ngô Sắt Trí (Wu Se-chih), một nhà nghiên cứu tại Hiệp hội Chính sách Xuyên Eo biển ở Đài Loan, nói với The Epoch Times hôm 19/04 rằng: “Ở một mức độ nhất định, mối quan hệ chiến lược đôi bên cùng có lợi này không có nghĩa là cải thiện mối bang giao Nhật Bản-Trung Quốc. Thay vào đó, vì hai nước có chiến lược đối ngoại khác nhau và lợi ích quốc gia khác nhau, nên họ hy vọng tìm thấy một cơ hội mà đôi bên cùng có lợi trong chiến lược tương ứng của mình thông qua đối thoại và đàm phán liên tục.”
Vấn đề Đài Loan
Vấn đề Đài Loan là trọng tâm trong sách xanh của Nhật Bản năm nay. Cuốn sách chỉ ra rằng hòa bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan là rất quan trọng đối với an ninh của Nhật Bản và sự ổn định chung của cộng đồng quốc tế.
ĐCSTQ đã tăng cường các mối đe dọa quân sự nhắm vào Đài Loan kể từ năm ngoái, như điều động chiến hạm và phi cơ quân sự di chuyển quanh Đài Loan cũng như tiến hành các cuộc tập trận quân sự trên biển và không phận chung quanh Đài Loan. Các hoạt động quân sự của ĐCSTQ đã khiến cho chính phủ Nhật Bản hết sức lo ngại.
Cuộc khủng hoảng Eo biển Đài Loan đã buộc Nhật Bản phải đưa ra những lựa chọn then chốt và tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ.
Ông Ngô chia sẻ: “Trong những năm gần đây, sự hợp tác giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ ngày càng trở nên chặt chẽ hơn, đặc biệt là hợp tác quân sự khi ngày càng có nhiều hoạt động tập trận quân sự chung. Điều này chủ yếu là do mối đe dọa từ Trung Quốc.”
“Từ quan điểm của Hoa Kỳ và Nhật Bản, cuộc chiến ở Eo biển Đài Loan không phải là vấn đề có diễn ra hay không mà là sẽ diễn ra khi nào, cũng như Hoa Kỳ và Nhật Bản nên phản ứng như thế nào. Họ đang chuẩn bị cho cuộc chiến thực sự. Xét về một số hoạt động cụ thể, nếu ĐCSTQ sử dụng quân đội để chiếm Đài Loan bằng vũ lực và gây ra mối đe dọa quân sự lớn cho Nhật Bản, thì liên minh [quân sự] Hoa Kỳ-Nhật Bản có thể sẽ được kích hoạt.”
Đe dọa hòa bình khu vực
Sách xanh cũng chỉ trích ĐCSTQ vì tiến trình quân sự hóa của nước này trên Biển Đông và ra sức đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, bao gồm cả việc ra yêu sách khẳng định lãnh thổ đang tranh chấp đối với Quần đảo Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là Senkaku), đặt ra những thách thức đối với sự ổn định trong khu vực. Nhật Bản cũng bày tỏ nhiều lo ngại về việc ĐCSTQ hợp tác với Nga để tăng cường các hoạt động quân sự quanh Nhật Bản trong cuốn sách xanh này.
Ông Vương nhận định: “Từ góc độ chiến lược, hiện tại Nhật Bản rất cảnh giác với ĐCSTQ, coi ĐCSTQ là mối đe dọa chiến lược lớn nhất, do đó, Nhật Bản đang tiến hành cải tổ toàn diện về quân sự.”
“Việc ĐCSTQ tăng cường quân sự đã gây ra mối đe dọa rất lớn đối với Nhật Bản. Nhật Bản khó có thể đối đầu với ĐCSTQ dựa trên chiến lược của chính mình. Vì vậy, tại thời điểm này, Nhật Bản đã đưa Hoa Kỳ vào liên minh quân sự Nhật Bản-Hoa Kỳ tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương nhằm răn đe ĐCSTQ.”
“Dựa trên điều này, [Nhật Bản] đang thảo luận về hợp tác, đàm phán, và thỏa hiệp với ĐCSTQ.”
Sách xanh này cũng chỉ ra rằng ĐCSTQ đã gây ảnh hưởng lớn đến cộng đồng quốc tế trong những năm gần đây về mặt chính trị, kinh tế, và quân sự. Hiện trạng đối ngoại và khuynh hướng quân sự hiện nay của ĐCSTQ là những vấn đề được Nhật Bản và cộng đồng quốc tế quan tâm sâu sắc.
Chế độ cộng sản Trung Quốc cho rằng sách xanh của Nhật Bản đang phóng đại mối đe dọa từ ĐCSTQ.
Sách xanh đã nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng tăng của sự hợp tác ngoại giao của Nhật Bản với các đồng minh cũng như các quốc gia có cùng chí hướng, chẳng hạn như G7; diễn đàn an ninh Bộ Tứ với Hoa Kỳ, Úc, và Ấn Độ; và mối quan hệ ba bên với Hoa Kỳ và Nam Hàn. Cuốn sách này mô tả Nam Hàn lần đầu tiên trở thành đối tác [với Nhật Bản] sau 14 năm.
Sách xanh ghi rằng liên minh Nhật Bản-Hoa Kỳ-Philippines được thành lập gần đây vừa tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba bên đầu tiên trước đó trong tháng này, điều này sẽ “giúp tăng cường sự phối hợp hơn nữa của liên minh, và theo đuổi sự hợp tác chặt chẽ hơn.”
Bản tin có sự đóng góp của Chương Hồng và Lạc Á.
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times