Việc mở rộng quân sự của Nhật Bản vượt quá ranh giới Hiến Pháp
Nhật Bản tái vũ trang khi đối mặt với mối đe dọa từ ĐCSTQ
Bất chấp những giới hạn mà Hiến Pháp đặt ra, Nhật Bản đã bắt đầu cuộc mở rộng quân sự lớn nhất kể từ Đệ nhị Thế chiến để ứng phó với hành vi gây hấn ngày càng leo thang của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Hồi tháng Mười Hai (2023), Thủ tướng Fumio Kishida tuyên bố Nhật Bản đã đi đến một “bước ngoặt trong lịch sử,” nhấn mạnh Nhật Bản cần phải điều chỉnh chiến lược an ninh của mình trong bối cảnh có những thay đổi diễn ra không ngừng. Chiến lược An ninh Quốc gia (NSS) của Nhật Bản thừa nhận Trung Quốc và Bắc Hàn là những mối đe dọa chính, nhắc lại việc Tokyo tuân thủ chính sách “Một Trung Quốc” và giải pháp hòa bình cho vấn đề Đài Loan, đồng thời nhấn mạnh rằng chính quyền Trung Quốc ngày càng leo thang gây hấn và Nhật Bản đã nâng cao khả năng bảo vệ lãnh thổ của mình.
Tài liệu này nhấn mạnh rằng “Trung Quốc không phủ nhận việc có thể sử dụng lực lượng quân sự” và chính quyền này ngày càng tăng cường hiện diện quân sự xung quanh Đài Loan, trong đó có các vụ phóng hỏa tiễn gần Nhật Bản. Tài liệu cho biết thêm rằng các hành động của Trung Cộng tại Eo biển Đài Loan không chỉ đáng báo động đối với Nhật Bản mà còn đối với toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và cộng đồng quốc tế nói chung.
Những lo ngại về an ninh và những hạn chế tiềm tàng đối với tự do hàng hải ở Eo biển Đài Loan ảnh hưởng trực tiếp đến không chỉ các nước trong khu vực mà còn cả các quốc gia như Úc, Anh quốc, và Pháp, vốn là những nước duy trì lợi ích trong khu vực này. Tác động gián tiếp toàn cầu cũng rất đáng kể vì 44% tàu chở hàng trên thế giới đi qua Eo biển này.
Vai trò tăng cường an ninh của Nhật Bản liên quan đến việc thắt chặt mối bang giao với các đồng minh hiện tại. Ngũ Giác Đài đã xác nhận mối quan hệ quân sự mạnh mẽ nhất từ trước đến nay giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản, cùng với việc Nhật Bản tăng cường kết nối quốc phòng với Philippines, trong đó có cung cấp viện trợ quân sự. Ngoài ra, Tokyo đang xây dựng liên minh phòng thủ ba bên với Manila và Hoa Thịnh Đốn, đồng thời dự tính gia nhập AUKUS, nhóm bao gồm Úc, Anh quốc, và Hoa Kỳ.
Chính sách của Bộ Ngoại giao Nhật Bản nhấn mạnh rằng “Nhật Bản sẽ đóng góp tích cực hơn nữa trong việc bảo đảm hòa bình, ổn định và thịnh vượng của cộng đồng quốc tế đồng thời đạt được an ninh của chính mình cũng như hòa bình và ổn định trong khu vực.” Để phù hợp với mục tiêu này, Tokyo đã công bố kế hoạch năm năm trị giá 320 tỷ USD để hiện đại hóa và mở rộng quân đội Nhật Bản, định vị ngân sách quốc phòng của họ đứng thứ ba thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ và Trung Quốc. Cựu Đô đốc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF) Yoji Koda nhận xét rằng kế hoạch này sẽ biến JSDF thành một “lực lượng hiệu quả đẳng cấp thế giới.”
Trong số các kế hoạch mua sắm sắp tới của Nhật Bản có hỏa tiễn Tomahawk của Hoa Kỳ, dự kiến sẽ được khai triển cùng với hỏa tiễn đất đối hạm Type 12 được sản xuất trong nước vào năm tới. Ngoài ra, Nhật Bản sẽ đưa vào hoạt động các hàng không mẫu hạm mới trong năm nay để trợ giúp việc khai triển các tiêm kích cơ Đường băng ngắn và Hạ cánh thẳng đứng (STOVL) F-35B của hãng Lockheed Martin do Hoa Kỳ sản xuất. Hơn nữa, không lực của nước này cũng đang thành lập một căn cứ mới trên đảo Mageshima.
Hoa Kỳ và các đồng minh ủng hộ việc Nhật Bản trang bị lại vũ trang. Những nước này tán thành Tokyo gánh vác một phần trách nhiệm lớn hơn cho an ninh khu vực cũng như đóng góp hiệu quả hơn vào các nỗ lực bảo đảm an ninh tập thể. Tuy nhiên, tại Nhật Bản, quá trình tái vũ trang vẫn là một chủ đề tranh luận về Hiến Pháp.
Như một phần trong giải pháp hòa bình, các cường quốc Đồng minh, dẫn đầu là Hoa Kỳ, đã áp đặt những hạn chế nghiêm ngặt đối với quân đội Nhật Bản thông qua Hiệp ước San Francisco và Hiến Pháp Nhật Bản, đặc biệt là Điều 9, trong đó từ bỏ việc sử dụng chiến tranh để giải quyết các tranh chấp quốc tế và cấm Nhật Bản duy trì một lực lượng quân sự thông thường. Trong phạm vi này, Nhật Bản chỉ được phép duy trì lực lượng tự vệ JSDF, với những năng lực bị hạn chế chỉ tập trung vào phòng thủ. Ngoài ra, Nhật Bản bị cấm sở hữu một số vũ khí quân sự tấn công nhất định, trong đó gồm hỏa tiễn tầm xa, hàng không mẫu hạm, và tham gia vào các liên minh quân sự tiến công.
Tuy nhiên, trong những năm qua, các giới hạn về Hiến Pháp của Nhật Bản đã dần được diễn giải lại, dẫn đến việc mở rộng từng bước các chức năng và năng lực của JSDF. Trong những thập niên gần đây, các nhà lãnh đạo nổi bật của Nhật Bản đã ủng hộ việc tái vũ trang.
Cố Thủ tướng Shinzo Abe, người từng giữ chức thủ tướng Nhật Bản từ năm 2012 đến năm 2020, đã ủng hộ việc nâng cao năng lực phòng vệ của Nhật Bản và tích cực tham gia vào an ninh khu vực. Ông thúc đẩy sửa đổi Hiến Pháp hòa bình của Nhật Bản để làm rõ tư cách pháp nhân của Lực lượng Phòng vệ và cho phép các chính sách an ninh chủ động hơn. Hồi năm 2015, ông đã ban hành luật mở rộng phạm vi hoạt động mà JSDF có thể tham gia.
Người kế nhiệm ông Abe là ông Yoshihide SUGA, giữ chức thủ tướng từ năm 2020 đến năm 2021, cũng lên tiếng ủng hộ việc nâng cao năng lực phòng thủ của Nhật Bản. Ông đã nhấn mạnh tầm quan trọng của liên minh Nhật Bản-Hoa Kỳ và cam kết duy trì những nỗ lực của Nhật Bản nhằm bảo vệ an ninh của chính mình cũng như thúc đẩy sự ổn định trong khu vực. Có cùng quan điểm này là ông Shigeru Ishiba, cựu bộ trưởng quốc phòng và là nhân vật nổi bật trong Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền, ông ủng hộ mạnh mẽ việc Nhật Bản củng cố năng lực phòng thủ, bao gồm cả tiềm năng phát triển kho vũ khí hạt nhân.
Sửa đổi Hiến Pháp là một nỗ lực phức tạp và tốn thời gian, đòi hỏi sự ủng hộ của 2/3 đa số [phiếu bầu] trong cả hai nghị viện của quốc hội và sự tán thành của công chúng thông qua một cuộc trưng cầu dân ý. Những nỗ lực sửa đổi Điều 9 đã vấp phải sự phản kháng kiên quyết từ các phe phái theo chủ nghĩa hòa bình ở Nhật Bản và các quốc gia láng giềng có mâu thuẫn mang tính lịch sử với chủ nghĩa quân phiệt trước đây của Nhật Bản. Tuy nhiên, được sự ủng hộ từ Hoa Kỳ và các đồng minh trong khu vực, các nhà lãnh đạo Nhật Bản đã tìm thấy sự khích lệ để sử dụng một cách diễn giải khác về Hiến Pháp, qua đó ủng hộ việc mở rộng quân sự như hiện thời.
ĐCSTQ đã bày tỏ sự không hài lòng, cảnh báo rằng việc tái vũ trang của Nhật Bản gây nguy hiểm cho sự bình ổn trong khu vực. Tuy nhiên, miễn là Quân Giải phóng Nhân dân kiềm chế tấn công Nhật Bản hoặc xâm phạm lãnh thổ của nước này thì Bắc Kinh không có lý do gì để lo ngại.
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times