Hoa Kỳ và các đối tác toàn cầu đương đầu với hoạt động bán phá giá và thao túng giá của Trung Quốc
Trung Quốc kiểm soát khoảng 95% nguồn cung cấp đất hiếm toàn cầu và sản xuất 3/4 lượng pin lithium trên toàn cầu.
Mới đây, Canada tuyên bố sẽ có hành động chống lại hành vi thao túng giá của Trung Quốc. Đồng thời, Ấn Độ và Liên minh Âu Châu (EU) đã tiến hành các cuộc điều tra chống bán phá giá đối với các sản phẩm của Trung Quốc. Trong khi đó, Hoa Kỳ đang cân nhắc một đợt trừng phạt và thuế quan mới đối với hàng hóa do Trung Quốc sản xuất.
Hôm 23/04, Bộ trưởng Tài chính Canada Chrystia Freeland cho biết Canada, cùng với các quốc gia khác trong mạng lưới chia sẻ thông tin tình báo Ngũ Nhãn (Five Eyes), sẽ tích cực thực thi các biện pháp để giải quyết vấn đề thao túng giá của các quốc gia như Trung Quốc đối với các kim loại quan trọng.
Ngũ Nhãn là một liên minh tình báo gồm có Úc, Canada, New Zealand, Vương quốc Anh, và Hoa Kỳ.
Bà Freeland cho rằng Canada và các đồng minh của mình tin rằng niken và các khoáng sản đất hiếm khác đang tràn ngập thị trường quốc tế do bán phá giá, với các mức giá thậm chí còn thấp hơn giá trong nước ở một số nước sản xuất, nhằm đẩy các công ty của Canada và những công ty ở các nước đồng minh ra khỏi thị trường quốc tế. Bà nhấn mạnh rằng an ninh kinh tế phải là một bộ phận của an ninh quốc gia.
Năm 2018, Hoa Kỳ đã biên soạn một danh sách gồm 35 mặt hàng khoáng sản quan trọng đối với nền kinh tế và an ninh quốc gia. Trong đó, Trung Quốc là nhà cung cấp lớn nhất cho 13 loại khoáng sản và là nhà sản xuất chính 20 loại khoáng sản.
Hiện tại, Trung Quốc kiểm soát khoảng 95% nguồn cung cấp đất hiếm toàn cầu và sản xuất 3/4 số pin lithium toàn cầu.
Bắt đầu từ chính phủ cựu Tổng thống Trump, Hoa Kỳ đã và đang gây áp lực lên Trung Quốc về các vấn đề như bán phá giá sản phẩm và đã thi hành các lệnh trừng phạt như tăng thuế quan. Thương mại không công bằng đã trở thành một trong những chủ đề thảo luận chính trong các chuyến ghé thăm Trung Quốc của Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen và Ngoại trưởng Antony Blinken.
EU điều tra chống bán phá giá
Ngày 07/12/2023, Chi nhánh Công nghiệp Titanium Dioxide của Hiệp hội Công nghiệp Vật liệu phủ Trung Quốc tiết lộ rằng EU đã tiến hành một cuộc điều tra chống bán phá giá đối với titan dioxide do Trung Quốc sản xuất.
Trước đó, Ủy ban Âu Châu đã thông báo rằng, căn cứ vào đơn khiếu nại của Liên minh Đặc biệt về Titanium Dioxide Âu Châu hồi tháng 09/2023, ngày 13/11/2023 EU đã chính thức khởi động một cuộc điều tra chống bán phá giá đối với Trung Quốc. Mục đích là điều tra thiệt hại do hoạt động bán phá giá của Trung Quốc gây ra cho các ngành công nghiệp liên quan của EU.
Bên khiếu nại tuyên bố rằng trong vài năm qua, titan dioxide do Trung Quốc sản xuất đã được bán phá giá vào thị trường EU, gây thiệt hại cho các nhà sản xuất EU.
Họ ước tính titan dioxide do Trung Quốc sản xuất rẻ hơn từ 45% đến 65% so với giá thị trường quốc tế, dẫn đến nhiều nhà máy ở châu Âu phải đóng cửa và làm tăng sự phụ thuộc của EU vào các kim loại quan trọng nhập cảng. Do đó, tổ chức này hy vọng sẽ hạn chế thị phần titan dioxide do Trung Quốc sản xuất ở thị trường EU xuống không quá 10%, hoặc thậm chí ít hơn nữa, bằng các biện pháp chống bán phá giá.
Hiện tại, ngoài Trung Quốc, chỉ có khoảng một chục nhà sản xuất titan dioxide trên toàn thế giới, với tổng công suất sản xuất hàng năm khoảng 3.5 triệu mét tấn. Tổng công suất sản xuất của Trung Quốc trong năm 2023 là khoảng 6.1 triệu mét tấn, chiếm 64% tổng công suất toàn cầu, đứng đầu thế giới trong hơn một thập niên.
Titan dioxide chủ yếu được sử dụng trong các ngành công nghiệp như vật liệu phủ, nhựa, sản xuất giấy, mực in, sợi hóa học, cao su, và mỹ phẩm.
Phản ứng của Ấn Độ
Hôm 28/03, để trả lời đơn kiến nghị của các công ty trong nước, Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ thông báo rằng các cuộc điều tra chống bán phá giá đã được bắt đầu đối với hơn một chục sản phẩm có nguồn gốc hoặc được nhập cảng từ Trung Quốc, trong đó có titan dioxide. Thời gian điều tra là từ tháng 10/2022 đến tháng 09/2023.
Ấn Độ là quốc gia có nhiều biện pháp chống bán phá giá đối với Trung Quốc nhất trên thế giới. Từ năm 1995 đến năm 2023, trên toàn cầu có tổng cộng 1,614 vụ kiện chống bán phá giá nhắm vào Trung Quốc, trong đó ba quốc gia và khu vực dẫn đầu là Ấn Độ với 298 vụ kiện, Hoa Kỳ với 189 vụ, và EU với 155 vụ.
Tại Ấn Độ, các biện pháp chống bán phá giá chủ yếu nhắm vào ba ngành công nghiệp ở Trung Quốc: Công nghiệp hóa chất, công nghiệp dược phẩm, và công nghiệp khoáng sản phi kim loại.
Ấn Độ là nước nhập cảng titan dioxide do Trung Quốc sản xuất nhiều nhất. Theo dữ liệu từ Cơ quan Quan thuế Trung Quốc, trong năm 2023, xuất cảng titan dioxide của Trung Quốc sang Ấn Độ đạt 1.6417 triệu mét tấn, tăng 16.77% so với cùng thời kỳ năm trước đó, chiếm 15% trong tổng kim ngạch xuất cảng toàn cầu.
Những mối lo ngại và phản ứng của Hoa Kỳ
Hoa Kỳ cũng đang thực hiện các biện pháp chống bán phá giá đối với Trung Quốc, nhằm ngăn chặn hành vi phớt lờ các quy tắc quốc tế và phá vỡ trật tự quốc tế hiện có của ĐCSTQ.
Theo các báo cáo chính thức của ĐCSTQ, lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc đã tăng trưởng nhanh chóng trong hai tháng đầu năm nay, điều mà chắc chắn sẽ dẫn đến dư thừa công suất hơn nữa và bán phá giá ồ ạt ra thị trường quốc tế. Chỉ riêng năm ngoái, sản lượng tấm pin quang năng của Trung Quốc đã tăng 54%.
Lấy pin quang năng làm ví dụ, vì giá pin quang năng do Trung Quốc sản xuất vô cùng thấp, nên một số người ở châu Âu thậm chí còn sử dụng chúng làm hàng rào. Điều này đã dẫn đến sự biến mất của ngành quang năng ở châu Âu.
Trước chuyến ghé thăm Trung Quốc hôm 24/04 của ông Blinken, có bản tin cho rằng do Trung Quốc ủng hộ Nga, nên Hoa Kỳ đang soạn thảo các lệnh trừng phạt nhằm loại bỏ một số ngân hàng Trung Quốc khỏi hệ thống tài chính toàn cầu. Chuyến thăm Trung Quốc lần này của ông Blinken có thể là một lời cảnh báo cho ĐCSTQ.
Hôm 17/04, Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ tuyên bố rằng họ sẽ mở cuộc một điều tra theo Mục 301 đối với các hoạt động thương mại không công bằng trong ngành đóng tàu, tiếp vận (logistics), và hàng hải của Trung Quốc nhằm giành quyền thống trị toàn cầu. Có thông tin cho rằng từ năm 2010 đến năm 2018, ĐCSTQ đã trợ cấp cho ngành đóng tàu của Trung Quốc tổng cộng 132 tỷ USD.
Để thoát khỏi sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng đất hiếm do Trung Quốc kiểm soát, kể từ năm 2020, Hoa Kỳ đã đầu tư gần 200 triệu USD vào nhiều dự án đất hiếm khác nhau.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times