Phải làm gì với sự trợ cấp của Trung Quốc đây?
Trung Quốc thích khẳng định rằng họ đã trở thành một cường quốc sản xuất nhờ khả năng cạnh tranh trong ngành công nghiệp của họ và sự phũ phàng của họ với tư cách là một trong những thị trường lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, thực tế rõ ràng là không nghiêng về sự khắc nghiệt được cho là của “chủ nghĩa xã hội thị trường tự do” mà Trung Quốc thích miêu tả. Các khoản trợ cấp và viện trợ tài chính từ Bắc Kinh đã giúp các công ty Trung Quốc đến mức độ nào?
Trong nhiều năm, khi thặng dư thương mại của Trung Quốc dần dần tăng lên và có ngày càng nhiều cơ hội ở Trung Quốc vuột khỏi tầm tay các công ty ngoại quốc hơn, thì các công ty thường xuyên phàn nàn về sự trợ giúp và cách đối xử ưu ái mà các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc nhận được. Đồng thời khi các chính phủ và công ty ngoại quốc phàn nàn về các biện pháp hạn chế tiếp cận thị trường được ban hành ở Trung Quốc, thì điều khiến họ lo lắng nhất là các khoản trợ cấp giúp các công ty Trung Quốc xuất cảng sang phần còn lại của thế giới.
Các khoản trợ cấp này trở nên nổi bật hơn dưới thời lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình khi Trung Quốc bắt đầu loại bỏ công nghệ của phương Tây. Ban đầu tên là Trung Quốc 2025, nhưng sau đó chiến lược này đã có những cái tên khác nhau kể từ khi ra mắt. Khi ĐCSTQ tuyên bố ý định thống trị các ngành công nghiệp trong tương lai, họ đã đổ hàng tỷ USD vào việc trợ cấp các công ty nhà nước nhằm giúp họ trở thành những doanh nghiệp đầu ngành.
Theo một nghiên cứu gần đây của Viện Kinh tế Thế giới Kiel, các khoản trợ cấp của Trung Quốc cho ngành công nghiệp là rất lớn cả về mặt tuyệt đối lẫn tương đối. Trợ cấp công nghiệp của Trung Quốc lên tới 1.73% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), gấp khoảng 3–4 lần trợ cấp công nghiệp của các nền kinh tế Âu Châu, Á Châu, và Bắc Mỹ. Ví dụ, trợ cấp công nghiệp của Trung Quốc cao gấp bốn lần so với trợ cấp công nghiệp của Hoa Kỳ, với trợ cấp công nghiệp của Hoa Kỳ ở mức 0.39% GDP. Các nền kinh tế Âu Châu và Á Châu trợ cấp nhiều hơn Hoa Kỳ một chút nhưng chỉ nằm trong khoảng 0.4–0.65% GDP.
Chúng ta thấy một bức tranh méo mó tương tự về kinh tế công nghiệp ngay cả khi chỉ xét đến một số doanh nghiệp cụ thể. Để so sánh một cách đơn giản, trong năm 2022, hãng xe điện BYD đã nhận được khoản trợ cấp với tổng trị giá hơn 3.5% doanh thu. Nói cách khác, khoản trợ cấp này nhiều hơn toàn bộ lợi nhuận ròng bình thường hóa được công bố của họ. Điều này có nghĩa là, BYD sẽ không có lợi nhuận nếu không có trợ cấp của Trung Quốc.
Các báo cáo và yếu tố khác càng nêu bật hơn nữa sự trợ cấp của Trung Quốc. Một báo cáo gần đây của Ủy ban Âu Châu lưu ý rằng vì kinh tế Trung Quốc là do nhà nước quản lý, nên các ngân hàng Trung Quốc được khuyến khích xóa nợ theo nhiều cách khác nhau để tạo ra một nền kinh tế thống nhất chuyển các khoản trợ cấp ngầm cho các công ty. Một ví dụ khác là giá đầu vào thấp hơn khi mua từ các nhà cung cấp được trợ cấp.
Trợ cấp đã trở nên quan trọng hơn khi xuất cảng của Trung Quốc tăng vọt do dư thừa công suất và nhu cầu nội địa trì trệ. Tất cả các nhà máy được xây dựng nhờ tiền đầu tư này đều tìm kiếm khách hàng trên toàn cầu khi nhu cầu trì trệ và các doanh nghiệp phải cạnh tranh để tồn tại. Những khoản trợ cấp của chính quyền đang giúp các công ty thua lỗ tiếp tục tồn tại.
Các chính phủ đang sử dụng những phát hiện này để thúc đẩy các chính sách ngăn chặn hoặc làm tăng giá hàng hóa được trợ cấp của Trung Quốc tại thị trường của họ. Các hiệp định thương mại, từ Tổ chức Thương mại Thế giới đến các thỏa thuận song phương, đều không cho phép các quốc gia trợ cấp cho doanh nghiệp của mình. Với những vi phạm rõ ràng, câu hỏi duy nhất sẽ là liệu các quốc gia khác có theo đuổi các biện pháp chính trị hoặc pháp lý hay rút lui trước các mối đe dọa tiềm tàng từ Trung Quốc.
Nhiều năm trước, khi có nhiều công ty ngoại ở Trung Quốc hơn, thì các công ty này sẽ vận động chính phủ nước họ không áp đặt các hình phạt thương mại. Tuy nhiên, giờ đây, bức tranh đã thay đổi. Chủ nghĩa bảo hộ thị trường bài ngoại kéo dài của Trung Quốc đã khiến quốc gia này có ít đòn bẩy thương lượng hơn với nhiều công ty, do các công ty này đã tìm kiếm những thị trường khác. Lập trường bài xích ngoại quốc trong thị trường của Bắc Kinh khiến họ có rất ít đòn bẩy với một số nhà vận động hành lang giỏi nhất của họ.
Một trong những lời phàn nàn thường xuyên của các chính phủ trên thế giới trong suốt thế kỷ này là các hoạt động trợ cấp của Trung Quốc. Với làn sóng xuất cảng giảm phát mà Trung Quốc đang gửi ra thế giới và vô số bằng chứng, câu hỏi duy nhất là liệu các chính phủ có hành động hay không.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times