Rủi ro địa chính trị có thể đẩy nhanh cuộc khủng hoảng nợ
Nhiều nhà đầu tư đang cảnh báo về nguy cơ xảy ra khủng hoảng nợ nhưng các chính phủ đang phớt lờ mọi tín hiệu.
Trong một cuộc khủng hoảng lạm phát, chính phủ nên giảm chi tiêu để giúp kiềm chế sự tăng giá trong khi nên kỳ vọng chi phí vay sẽ tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, trong cuộc khủng hoảng này, chính phủ Tổng thống Biden đang phớt lờ mọi dấu hiệu cảnh báo và tiếp tục vay mượn với tốc độ kỷ lục.
Các cuộc khủng hoảng nợ luôn xảy ra khi ngay cả những nhà đầu tư cẩn trọng nhất cũng từ chối mua thêm cho một danh mục công khố phiếu (trái phiếu chính phủ) vốn dĩ đã thua lỗ ngay từ đầu. Các ngân hàng trung ương có thể quyết định mua những công khố phiếu không mong muốn đó, nhưng sau đó vấn đề lạm phát sẽ trở nên tệ hơn và các khoản lỗ của ngân hàng trung ương sẽ tích lũy.
Vấn đề to lớn do sự điên rồ về tài khóa và tiền tệ gây ra vào năm 2020 là rất khó giải quyết. Các ngân hàng trung ương đã công bố các khoản lỗ trong tài sản của họ, và người đóng thuế đang phải bù đắp những kết quả tiêu cực đó.
Công khố phiếu là một tài sản đầu tư tệ hại vào năm 2022 và vẫn tiếp tục tạo ra kết quả tiêu cực cho các nhà đầu tư vào năm 2023. Hơn nữa, nợ chính phủ đang tăng với tốc độ kỷ lục, đó là chưa nói đến các khoản đáo hạn mà giới đầu tư thu nhập cố định toàn cầu đang phải đối mặt vào năm 2024 và 2025.
Nợ quốc gia của Hoa Kỳ đã tăng 550 tỷ USD trong vòng chưa đầy một tháng. Tổng số nợ là 31.4 ngàn tỷ USD hồi tháng Bảy và đã tăng vọt lên 33.5 ngàn tỷ USD trong vòng chưa đầy bốn tháng. Mức tăng nợ này xảy ra trong khi lợi suất công khố phiếu kỳ hạn 10 năm tăng từ 3.7% lên 4.6%. Hãy tưởng tượng về một chính phủ tăng nợ ồ ạt và làm như vậy với một tốc độ kỷ lục trong khi có một khoản 500 tỷ USD trái phiếu có rủi ro thấp đáo hạn vào năm 2025 và chính phủ này cũng đang phải đối mặt với 7.6 ngàn tỷ USD nợ công đáo hạn trong 12 tháng tới, theo Goldman Sachs. Đồng thời, Goldman Sachs cũng lưu ý rằng dữ liệu từ Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC) cho thấy trạng thái mua ròng công khố phiếu Hoa Kỳ kỳ hạn 2 năm và 10 năm đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2018. Đây thực sự là một tình hình nguy hiểm giữa lúc căng thẳng địa chính trị đang đạt đến một tầm cao mới.
Chính phủ Hoa Kỳ đang dựa vào nhu cầu USD tăng trên toàn cầu để bù đắp sự mất cân bằng tài khóa gia tăng cũng như vào việc Hệ thống Dự trữ Liên bang sẽ thay đổi chính sách tiền tệ của mình nếu cần. Đây là một vụ cá cược nguy hiểm khi lượng nắm giữ công khố phiếu Hoa Kỳ của Trung Quốc, Saudi Arabia, và các quốc gia khác đang giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm. Giả định như vậy cũng là vô cùng thiếu thận trọng khi tin rằng thế giới sẽ hấp thu sự mất cân bằng tài khóa của Hoa Kỳ bằng bất cứ giá nào giữa một cuộc xung đột địa chính trị toàn cầu. Hơn nữa, thật liều lĩnh khi tin rằng Cục Dự trữ Liên bang sẽ mua tất cả công khố phiếu cần thiết khi ngân hàng trung ương này đang thua lỗ. Mức độ vô trách nhiệm như thế có thể khiến đồng USD gặp nguy hiểm về lâu về dài.
Sự mất cân bằng tài khóa của Hoa Kỳ là rất lớn, nhưng mức thâm hụt của nhiều quốc gia phát triển khác cũng vậy, và sự kết hợp giữa lãi suất tăng, thua lỗ tại ngân hàng trung ương, và các ngưỡng đáo hạn to lớn sắp diễn ra cũng đang xảy ra ở khu vực đồng euro.
Tất cả những yếu tố này là bằng chứng cho thấy quá trình tiền tệ mất giá bắt đầu vào năm 2009 đã tăng tốc vào năm 2020. Các chính phủ đang hủy hoại sức mua của đồng tiền để che giấu lượng nợ và mức thâm hụt to lớn của họ, đồng thời lạm phát đang làm xói mòn tiền tiết kiệm và tiền lương của người dân. Trong môi trường này, công khố phiếu không bao giờ bảo vệ được nhà đầu tư.
Các chính phủ không muốn trả giá cho rủi ro mà họ đã chấp nhận và sẽ hấp thu tài sản của các bên khác thông qua việc để lãi suất thực về âm hoặc để mất giá trái phiếu đã phát hành. Vòng xoáy lạm phát có thể vẫn còn dai dẳng, và triển vọng về một đợt nới lỏng định lượng khác có thể không bù đắp được khoản lỗ lũy kế trong danh mục trái phiếu và chắc chắn sẽ không làm thay đổi được kịch bản tiền tệ mất giá.
Trong thời kỳ như thế này, vàng trở thành tài sản rẻ nhất cho đến nay. Vàng không đắt so với sức mua mang tính lịch sử và các ưu điểm về mặt tiền tệ của nó, nhưng vàng thậm chí còn hấp dẫn hơn so với các loại tiền tệ pháp định có giá trị tiền tệ bị mất đi do in ấn số lượng rất lớn. Vấn đề nợ và rủi ro địa chính trị hiện tại cho chúng ta biết rằng vàng là một lựa chọn an toàn trong một thế giới đầy biến động.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times