Bloomberg Intelligence: Các khoản thanh toán lãi cho nợ quốc gia của Hoa Kỳ tăng vọt lên trên 1 ngàn tỷ USD mỗi năm
Một dự báo mới cho thấy các khoản thanh toán lãi cho nợ quốc gia của Hoa Kỳ đã tăng lên trên 1 ngàn tỷ USD mỗi năm, khiến một số nhà kinh tế bày tỏ lo ngại.
Một phân tích mới của Bloomberg Intelligence ước tính rằng khoản thanh toán lãi hàng năm cho nợ quốc gia của Mỹ đã vượt mốc 1 ngàn tỷ USD, gây ra mối lo ngại về tính bền vững của nợ.
Dữ liệu mới nhất từ Cục Phân tích Kinh tế của Bộ Thương mại cho thấy các khoản thanh toán lãi hàng năm tính đến cuối quý 3 của năm tài khóa 2023 (kết thúc hôm 30/09) ở mức 981.3 tỷ USD hàng năm.
Nhưng các tính toán của Bloomberg Intelligence, dựa trên dữ liệu nợ quốc gia tháng Mười hiện tại từ Bộ Ngân khố Hoa Kỳ (bao gồm số dư nợ của chính phủ và cho phép tính lãi suất trung bình mà chính phủ trả cho khoản nợ đó), ước tính rằng các khoản thanh toán lãi hiện đã tăng vọt lên trên 1 ngàn tỷ USD.
Nếu chính xác, ước tính này có nghĩa là các khoản thanh toán lãi của chính phủ đã tăng gần gấp đôi trong 19 tháng qua, gần bằng khoảng thời gian Hệ thống Dự trữ Liên bang tăng lãi suất căn bản từ gần 0% lên khoảng 5% do lạm phát tăng cao. Nhưng trong khi lạm phát vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Fed, thì việc tăng lãi suất của ngân hàng trung ương đã khiến chi phí đi vay tăng vọt, ngay cả khi chính phủ tiếp tục đi vay và đi vay.
Dữ liệu của Bộ Ngân khố cho thấy, tính đến ngày 31/10, tổng dư nợ quốc gia ở mức 33.584 ngàn tỷ USD. Con số này bao gồm 7.067 ngàn tỷ USD nắm giữ trong chính phủ và 26.517 ngàn tỷ USD nợ khác do công chúng nắm giữ.
Nhưng trong tuần đầu tiên của tháng Mười Một, chính phủ liên bang lại tiếp tục gánh thêm nợ. Dữ liệu hàng ngày mới nhất của Bộ Ngân khố (tính đến ngày 06/11) cho thấy tổng dư nợ quốc gia hiện đã tăng lên 33.686 ngàn tỷ USD, trong đó có 26.631 ngàn tỷ USD nợ quốc gia do công chúng nắm giữ. Con số này cho thấy rằng khoản thanh toán lãi hàng năm trị giá 1 ngàn tỷ USD, theo dự đoán của Bloomberg Intelligence, đã được dự đoán trước và mức gánh nặng nợ mới sắp giảm xuống.
Xác nhận xu hướng đó là triển vọng ngân sách trong dài hạn mới nhất từ Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO), nơi ước tính rằng chi tiêu lãi suất của chính phủ sẽ tăng từ khoảng 2.5% GDP vào năm 2023 lên 6.7% vào năm 2053.
‘Khủng hoảng’ sắp tới?
Ông Tony Seruga, giám đốc điều hành tại Greenlaw Capital ở California, đã đăng trên X rằng, theo quan điểm của ông, các khoản thanh toán lãi cho nợ quốc gia của Mỹ có thể vượt quá 1.5 ngàn tỷ USD vào cuối năm tài khóa này.
Ông Sung Won Sohn, giáo sư kinh tế tại Đại học Loyola-Marymount và là một cố vấn kinh tế cao cấp của Tòa Bạch Ốc dưới thời chính phủ của ông Nixon, cho biết trong một bài đăng trên X rằng nợ quốc gia đang gia tăng của Mỹ (hiện tích lũy ở mức 1.5 ngàn tỷ USD – 2 ngàn tỷ USD hàng năm) đang định hình lại nền kinh tế Hoa Kỳ.
Ông viết: “Với chi phí lãi vay được thiết lập để làm lu mờ chi tiêu quốc phòng và khiến cho những người mua Công khố phiếu lớn lùi bước, các ngành như địa ốc và công nghệ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng khi lãi suất cao hơn định hình lại bối cảnh đầu tư.”
Ông Sohn đã trình bày chi tiết hơn về ý tưởng này trong một bài phân tích đăng trên Substack hôm 07/11, cảnh báo rằng nền kinh tế Hoa Kỳ đang ở một thời điểm quan trọng.
“Nền kinh tế Mỹ đang ở ngã rẽ, với khoản nợ ngày càng tăng và lãi suất tăng cao, vẽ ra một bức tranh tài chính ảm đạm,” ông viết. “Khi đất nước vượt qua tình hình đầy thách thức này, các ngành như địa ốc, xe hơi, công nghệ, v.v. phải chuẩn bị cho tác động của môi trường có đặc trưng là việc đi vay đắt đỏ hơn và có thể phải điều chỉnh lại các ưu tiên của nhà đầu tư.”
Theo số liệu mới nhất từ CBO, chi tiêu liên bang đạt mức 6.1 ngàn tỷ USD trong năm tài khóa 2023.
Theo CBO, nợ chính phủ sẽ tiếp tục tăng, đạt khoảng 181% GDP vào năm 2053, tăng từ mức 98% GDP hiện tại.
Chuyện trò về lãi suất
Trong khi đó, có đồn đoán rằng Hệ thống Dự trữ Liên bang đang gần kết thúc chu kỳ thắt chặt, mặc dù lạm phát (được đo bằng thước đo ưa thích của Fed) đang có xu hướng ở mức khoảng 3.4%, cao hơn nhiều so với mục tiêu 2%.
Mới từ cuộc họp chính sách tuần trước (30/10-05/11) mà tại đó họ đã chọn giữ lãi suất ổn định trong phạm vi hiện tại là 5.25–5.5%, các nhà hoạch định chính sách của Hệ thống Dự trữ Liên bang đã cân nhắc dữ liệu kinh tế mạnh mẽ, một số dấu hiệu suy thoái, và tác động của lợi suất trái phiếu dài hạn cao hơn khi họ cân nhắc xem nên đặt lãi suất ở đâu từ mức hiện tại để ngăn chặn lạm phát cao “kiên cố.”
Thành viên hội đồng quản trị Fed Christopher Waller đã cho biết tại một cuộc hội thảo của Fed ở St. Louis hôm thứ Ba (07/11) rằng một tốc độ tăng trưởng kinh tế quý 3 của Hoa Kỳ “đầy bất ngờ” với tốc độ 4.9% hàng năm bảo đảm cho việc theo dõi khi ngân hàng trung ương xem xét các hành động tiếp theo của mình.
Thành viên hội đồng Fed Michelle Bowman cho biết bà lấy số liệu GDP mới đây làm bằng chứng cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ không chỉ “vẫn mạnh,” mà còn có thể đã tăng tốc và do đó có thể cần một mức lãi suất chính sách cao hơn của Fed.
Bà Bowman cho biết trong bài diễn văn trước Liên đoàn Ngân hàng Ohio: “Tôi tiếp tục kỳ vọng rằng chúng ta sẽ cần phải tăng lãi suất quỹ liên bang hơn nữa.”
Bà Lorie Logan, chủ tịch Fed Dallas, cho biết, mặc dù có phần hạ nhiệt, nhưng thị trường lao động vẫn “rất thắt chặt” trong khi lạm phát đang có xu hướng ở mức khoảng 3% — quá cao so với kỳ vọng.
Tại một sự kiện khác, bà Logan cho biết: “Chúng ta sẽ tiếp tục cần xem xét các điều kiện tài chính thắt chặt để đưa lạm phát lên mức 2% một cách kịp thời và bền vững.”