Hoa Kỳ: Số đơn khai phá sản doanh nghiệp cao nhất kể từ năm 2020
21 công ty có nợ vượt quá 1 tỷ USD đã nộp đơn khai phá sản trong năm nay.
Theo một báo cáo mới đây của Standard & Poor’s, các vụ phá sản của các tập đoàn Hoa Kỳ đã đạt mức cao nhất trong những năm vừa qua, trong đó các lĩnh vực như hàng tiêu dùng không thiết yếu, chăm sóc sức khỏe, và công nghiệp dẫn đầu về số hồ sơ khai phá sản.
Báo cáo ngày 08/11 của S&P Global Market Intelligence cho biết: “Những trở ngại kinh tế ngày càng tăng và thị trường lao động trong nước thiếu nhân sự đang gây thêm áp lực lên các công ty đang gặp khó khăn. Trong 10 tháng đầu năm, 561 công ty nộp đơn khai phá sản, nhiều hơn bất kỳ năm nào kể từ năm 2010, ngoại trừ năm 2020.” Tổng cộng có 50 công ty nộp đơn khai phá sản trong tháng Mười. Mặc dù đây là tổng số hồ sơ hàng tháng thấp thứ hai trong năm nhưng con số này vẫn cao hơn so với tổng số hồ sơ hàng tháng trong hầu hết năm 2021 và 2022.
Tính đến tháng Mười năm nay, có 561 vụ phá sản, tăng nhiều so với 372 vụ trong cả năm 2022 và 406 vụ vào năm 2021. Với hai tháng còn lại trong năm, số vụ phá sản có vẻ sẽ vượt quá 639 vụ được báo cáo vào năm 2020.
Trong khi 50 vụ phá sản trong tháng Mười là con số thấp hơn so với 61 vụ trong tháng Chín, báo cáo đã lưu ý rằng có nhiều công ty có khoản nợ lớn “oằn mình dưới gánh nặng của lãi suất cao hơn” trong tháng này.
Báo cáo cho biết, “Bốn công ty có khoản nợ hơn 1 tỷ USD — MVK FarmCo LLC, Rite Aid, Akumin Inc., và Air Methods — đã nộp đơn khai phá sản trong tháng Mười, nhiều hơn bất kỳ tháng nào khác trong năm nay và tăng so với chỉ một công ty như vậy khai phá sản trong tháng Chín.” Tính đến thời điểm hiện tại trong năm nay, 21 công ty có nợ vượt quá 1 tỷ USD đã nộp đơn khai phá sản.
Báo cáo lưu ý rằng mặc dù chi tiêu của người tiêu dùng “mạnh mẽ đáng kể,” nhưng không phải tất cả các công ty đều được hưởng lợi như nhau từ việc chi tiêu đó.
Trong tháng Mười, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và hàng tiêu dùng không thiết yếu bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 7 hồ sơ phá sản mỗi lĩnh vực. Tiếp theo là lĩnh vực hàng tiêu dùng thiết yếu với 5 hồ sơ phá sản.
Nhìn chung trong năm 2023, ngành tiêu dùng không thiết yếu đã có 71 hồ sơ phá sản, tiếp theo là ngành chăm sóc sức khỏe với 69 hồ sơ, ngành công nghiệp với 64 hồ sơ, ngành tài chính với 32 hồ sơ, và hàng tiêu dùng thiết yếu với 22 hồ sơ.
Chỉ bốn tiểu bang cộng lại đã chiếm hơn một nửa số hồ sơ phá sản trong tháng Mười. Báo cáo cho biết, “California có thêm 10 vụ phá sản trong tháng Mười, nâng tổng số vụ phá sản của tiểu bang này lên 1,210 kể từ năm 2010, trong khi số vụ phá sản ở Texas tăng 6 vụ lên thành 984 vụ.”
“New York ghi nhận thêm 6 vụ phá sản trong tháng Mười, trong khi Florida ghi nhận 5 vụ. Tổng số hồ sơ của hầu hết các tiểu bang khác không thay đổi trong tháng qua.”
WeWork phá sản
Công ty chia sẻ không gian làm việc WeWork là tập đoàn lớn mới nhất nộp đơn khai phá sản. Việc nộp đơn được thực hiện hôm 06/11 tại Hoa Kỳ và Canada.
Công ty tuyên bố việc nộp đơn khai phá sản này là một phần của “việc tái tổ chức toàn diện nhằm củng cố lại cấu trúc vốn và hiệu quả tài chính cũng như định vị tốt nhất cho công ty để đạt được thành công trong tương lai.”
Không rõ có bao nhiêu địa điểm văn phòng của WeWork sẽ vẫn mở. Trong một hồ sơ mới đây, công ty cho biết họ có 777 địa điểm ở 39 quốc gia.
Nói với Associated Press, Giám đốc điều hành David Tolley cho biết rằng ông dự trù công ty sẽ rời khỏi thêm các địa điểm khác khi tiếp tục các cuộc bàn bạc với chủ nhà. Ông Tolley cũng bày tỏ sự lạc quan rằng mọi việc sẽ được cải thiện trong năm tới.
“Trong một năm nữa, chúng ta sẽ có được vị trí như ngày nay. Chúng tôi mở cửa kinh doanh cho nửa triệu người … trên toàn thế giới,” ông nói. “Sự khác biệt duy nhất là một năm nữa công ty sẽ có lãi theo cách mà trước đây công ty chưa từng đạt được.”
Trong quý 2, WeWork báo lỗ ròng 397 triệu USD. Trong sáu tháng đầu năm 2023, khoản lỗ ròng của công ty ở mức 696 triệu USD. Hồi tháng Tám, các viên chức của công ty đã cảnh báo rằng công ty đang gặp khó khăn về tài chính và có thể không còn tồn tại trong 12 tháng tới.
WeWork cho biết trong báo cáo thu nhập quý 2: “Do sự thua lỗ của công ty và nhu cầu tiền mặt dự kiến, kết hợp với số lượng thành viên rời bỏ ngày càng tăng và mức thanh khoản hiện tại, nên có tồn tại sự nghi ngờ đáng kể về khả năng tiếp tục hoạt động của công ty.”
Vụ phá sản của WeWork đã ảnh hưởng nặng nề đến công ty công nghệ Nhật Bản SoftBank Group Corp khi hãng này sở hữu gần 80% cổ phần trong liên doanh chia sẻ không gian làm việc này.
SoftBank đã ghi nhận khoản lỗ 931 tỷ Yên (6.16 tỷ USD) trong quý 3, giảm từ mức lợi nhuận 3 ngàn tỷ Yên (19.84 tỷ USD) so với cùng thời kỳ năm trước.
Các vụ phá sản tăng vọt
Dữ liệu của S&P Global Market Intelligence về các vụ phá sản chỉ theo dõi một số công ty nhất định có tài sản hoặc nợ phải trả tương đương hàng triệu USD.
Một thước đo khác về dữ liệu phá sản được Văn phòng Hành chính của Tòa án Hoa Kỳ công bố. Trong năm kết thúc hôm 30/09/2023, tổng cộng 17,051 doanh nghiệp đã đệ đơn khai phá sản, tăng nhiều so với 13,125 vụ trong một năm trước — tức là gần 30%.
Dữ liệu từ Epiq Bankruptcy, nhà cung cấp dữ liệu nộp đơn khai phá sản hàng đầu của Hoa Kỳ, cho thấy tổng số hồ sơ khai phá sản trong ngành thương mại đã tăng 14% lên 2,188 hồ sơ vào tháng 10/2023 so với cùng tháng này năm ngoái.
Trong thông cáo báo chí hôm 01/11, ông Amy Quackenboss, giám đốc điều hành tại Viện Phá sản Hoa Kỳ (ABI) đã nêu ra rằng “giá hàng hóa và dịch vụ tăng, cùng với chi phí đi vay cao hơn, làm tăng thêm những thách thức kinh tế mà các gia đình và doanh nghiệp đang gặp khó khăn phải đối mặt. ”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times