Sự hủy diệt giai tầng trung lưu Mỹ
Kể từ khi việc in tiền bị cuốn vào trạng thái ào ạt không ngừng nghỉ sau cuộc khủng hoảng dotcom năm 2000, mỗi từng gia đình trong số 1% những gia đình giàu nhất Hoa Kỳ đã kiếm được 20 triệu USD giá trị tài sản ròng sau khi điều chỉnh theo lạm phát. Tương tự như vậy, mỗi gia đình trong số 0.1% hay 131,000 gia đình ở đỉnh cao của chiếc thang kinh tế đã kiếm được 88 triệu USD giá trị tài sản ròng sau khi điều chỉnh theo lạm phát.
Khỏi phải nói, các giai tầng làm công ăn lương hầu như chỉ thu được giá trị ròng từ những gì họ cố gắng tiết kiệm được sau khi gánh chịu chi phí sinh hoạt tăng không ngừng nghỉ. Và khi nói tăng không ngừng nghỉ, chúng tôi thực sự có ý nói là không có điểm dừng nào. Mặc dù CPI có xu hướng đánh giá thấp chi phí sinh hoạt của người dân thường do những điều chỉnh tùy hứng lạ lùng về “chất lượng” và các biến động nhiễu khác của số liệu thống kê, nhưng thước đo không hoàn hảo cho chi phí sinh hoạt này vẫn đã tăng 82% kể từ đầu thế kỷ.
Theo đó, trong 22 năm qua, theo hồ sơ thuế của Sở An sinh Xã hội, mức lương thực tế trung vị hàng năm đã chỉ tăng 14.5%, hay chỉ 235 USD mỗi năm. Và không, chúng tôi không bỏ sót bất kỳ chữ số 0 nào trong con số đó. Những khoản tăng thêm nhỏ nhặt này chia ra trung bình thì chỉ là 4.50 USD mỗi tuần.
Cần phải so sánh mức tăng lương trung vị hàng năm đã được điều chỉnh theo lạm phát nói trên với mức tăng giá trị ròng thực tế lần lượt là gần 1 triệu USD và 4 triệu USD mỗi năm đối với những người thuộc 1% và 0.1% hàng đầu. Xét về mặt tương đối, mức tăng tài sản hàng năm của 1% người giàu nhất cao hơn gấp 4,250 lần và mức tăng của 0.1% người giàu nhất cao hơn gấp 17,000 lần so với mức tăng lương trung vị thực tế.
Khỏi phải nói, những lợi ích to lớn ở đỉnh cao chiếc thang kinh tế có được không phải là nhờ vào sự tăng trưởng vượt trội của thu nhập quốc dân, vốn có thể được phản ánh qua giá trị vốn hóa cao hơn của tài sản tài chính. Thay vì thế, phần lớn mức tăng này là do việc mở rộng bội số định giá. Do đó, giá trị tài sản ròng của 1% người giàu nhất tính ra là 135% GDP vào năm 2000, nhưng hiện nay đang ở mức 207%. Tương tự như vậy, giá trị tài sản ròng của 0.1% người giàu nhất đã tăng từ 50% lên 85% GDP trong khoảng thời gian 22 năm này.
Nói cách khác, giá trị của cổ phiếu, trái phiếu, địa ốc, và các tài sản tài chính khác đã tăng vọt do Fed phát hành lượng lớn tín dụng giá rẻ và thanh khoản dư thừa khiến giá của các tài sản đó bị các nhà đầu cơ sử dụng đòn bẩy vay nợ đẩy lên cao. Và phương diện này của vấn đề chỉ có thể được giải quyết một cách hiệu quả bằng cách cấm Fed tiến hành các hoạt động thị trường mở ở Wall Street cũng như cấm sở hữu hoặc bảo đảm cho nợ của chính phủ, như chúng tôi sẽ thảo luận kỹ hơn dưới đây.
Nhưng đó mới chỉ là một mặt của vấn đề. Ở đầu kia của chiếc thang kinh tế, mức lương trung vị thực tế như trích dẫn ở trên đã tụt hậu nghiêm trọng do chính sách gây lạm phát của Fed làm sụt giảm sức mua của tiền lương trong nước. Đồng thời, chính sách gây lạm phát này cũng thúc đẩy khiến cho một lượng lớn sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, nguồn nhân lực có năng suất cao, được trả lương cao chuyển ra ngoại quốc, do đó khiến cấu trúc tiền lương trong nền kinh tế Hoa Kỳ ngày càng giảm xuống.
Trong bối cảnh này, số liệu thống kê tiền lương hàng năm cho năm 2022 do Sở An sinh Xã hội công bố mới đây khiến cho người ta mở rộng tầm mắt, và cũng phơi bày sự khoe khoang phi lý của ông Joe Biden về thành tích kinh tế của chính phủ.
Hóa ra mức lương trung vị hàng năm cho năm 2022 chỉ là hơn 40,000 USD một chút, và theo định nghĩa, một nửa trong số 172 triệu người đi làm của quốc gia đã kiếm được số lương ít hơn số tiền đó. Chính xác thì, 84.5 triệu người đi làm đã khai báo thu nhập hàng năm là 40,000 USD/năm hoặc ít hơn vào năm 2022, với mức thu nhập trung bình hàng năm chỉ là 17,900 USD.
Đúng như vậy đấy. Người đi làm trung bình ở nửa dưới của phổ phân phối tiền lương tạo ra thu nhập thậm chí còn xa mới đủ để đạt được mức sống của giai tầng trung lưu. Trên thực tế, con số này mới chỉ bằng 65% chuẩn nghèo Liên bang cho một gia đình 4 người (27,750 USD) và chỉ cao hơn mức nghèo 14,580 USD cho một gia đình một người.
Nói cách khác, phần lớn trong số 84.5 triệu người đi làm thuộc nửa dưới của phổ phân phối tiền lương đã nhận số tiền lương ở mức thấp hơn hoặc chỉ cao hơn mức nghèo của Liên bang một chút trong suốt năm 2022!
Những con số đó có nghĩa là, nền kinh tế Hoa Kỳ đang bị suy thoái nặng nề, tuy nhiên quý vị vẫn không nghe thấy bất kỳ động tĩnh nào từ cả hai cánh của ‘Đảng Hợp Nhất’. Các số liệu được trích dẫn ở trên đã thay đổi tương đối ít trong nhiều năm, tuy nhiên Tổng thống Donald Trump vẫn tuyên bố đã tạo ra Nền kinh tế Vĩ đại nhất Từ trước đến nay, còn Tổng thống Joe Biden thì có đủ can đảm để không ngừng ca ngợi những ưu điểm của trường phái kinh tế Biden (Bidenomics).
Thực ra, vấn đề chủ yếu nằm ở việc phần lớn trong số 84.5 triệu người đi làm này đang không chỉ nhận được mức lương theo giờ thấp, mà còn chỉ có được việc làm có thu nhập trên cơ sở bán thời gian hoặc không liên tục.
Ví dụ, có gần 29 triệu hồ sơ lương vào năm 2022 với tổng thu nhập dưới 10,000 USD và mức trung bình là 4,250 USD. Ngay cả ở mức lương tối thiểu, số giờ làm việc được trả lương chỉ là 566 giờ hoặc khoảng 28% của một năm làm việc tiêu chuẩn 2,000 giờ.
Tương tự, có gần 10 triệu người đi làm khác có thu nhập từ 10,000 đến 15,000 USD, với mức trung bình là 12,477 USD. Một lần nữa, thu nhập đó chỉ là 1,650 giờ làm việc được trả lương, ngay cả ở mức lương tối thiểu của Liên bang.
Tổng cộng, 39 triệu việc làm bậc thấp này đã tạo ra tổng thu nhập từ lương khoảng 244 tỷ USD vào năm 2022. Con số đó xấp xỉ với 236 tỷ USD mà 28,500 người đi làm có mức lương từ 3.5 triệu USD trở lên kiếm được.
Một lần nữa, vấn đề không phải là 28,500 người đi làm đã kiếm được rất nhiều tiền vào năm ngoái, trung bình mỗi người hơn 8 triệu USD. Có lẽ tài năng và giá trị gia tăng của họ trên thị trường là xứng đáng với mức lương và thù lao như vậy.
Vấn đề thực sự là nền kinh tế Hoa Kỳ đã có một tác dụng kém cỏi trong việc tạo ra cơ hội việc làm cho giai tầng trung lưu đến mức phải cần thêm gấp 1,400 lần số người ở đáy thị trường lao động để tạo ra mức thu nhập từ lương tương đương với những người có thu nhập cao nhất.
Tổng cộng, 84.5 triệu người đi làm có mức lương thấp hơn mức lương trung bình hàng năm (40,000 USD) đã tạo ra tổng thu nhập tiền lương là 1.51 ngàn tỷ USD vào năm 2022. Có nghĩa là, 50% nguồn nhân lực có việc làm chỉ tạo ra 15% trong tổng cộng 10.53 ngàn tỷ USD tổng thu nhập từ lương, theo báo cáo của Sở An sinh Xã hội.
Hơn nữa, do nghiêng về mức lương thấp, thu nhập trung bình của 50% người đi làm có thu nhập thấp nhất chỉ ở mức 17,900 USD nói trên. Và xin nhắc lại, đó cũng không phải là lỗi đánh máy. Đó là thu nhập tiền lương trung bình thực tế của 84.5 triệu người làm công Hoa Kỳ, những người đại diện cho một lực lượng lao động lớn hơn tổng dân số của Anh, Pháp, Ý, hoặc thậm chí cả Đức.
Nói tóm lại, một phần rất lớn nguồn nhân lực thậm chí còn không có thu nhập đến gần mức dưới cả trung bình nữa. Điều đó được nhấn mạnh bởi thực tế là nửa còn lại của lực lượng lao động Hoa Kỳ — nhóm 84.5 triệu người đi làm với mức lương năm 2022 trên mức trung bình — đã tạo ra thu nhập trung bình cao hơn gần sáu lần của nhóm dưới mức trung bình, ở mức 102,000 USD.
Vậy nên câu hỏi lặp lại là: Tại sao nền kinh tế Hoa Kỳ không tạo ra việc làm có thu nhập trung bình ở mức cần thiết để mang lại cơ hội tốt hơn cho 84.5 triệu người đi làm dưới mức lương trung bình?
Tất nhiên, câu trả lời ngắn gọn là nền kinh tế Hoa Kỳ cần ít hơn nhiều sự đầu cơ ở Wall Street và đầu tư hiệu quả hơn nhiều ở khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ — trong khi trên thực tế, điều ngược lại đã xảy ra trong suốt hai thập niên qua.
Nói một cách ngắn gọn, đầu tư thực tế ròng của tư nhân (tức là sau lạm phát và khấu hao) đã giảm từ 6.7% GDP thực tế trong năm 2000 xuống chỉ còn 4.8% vào năm 2022. Tuy nhiên, trước những áp lực cạnh tranh đáng sợ của thị trường lao động và sản phẩm toàn cầu, nền kinh tế Hoa Kỳ thực sự cần đầu tư ròng ở mức cao hơn mức lịch sử.
Tuy nhiên, như chúng tôi sẽ trình bày trong Phần 3, trừ phi các hoạt động thị trường mở của Fed bị cho dừng hoàn toàn để chuyển sang phương thức hoàn toàn dựa trên hoạt động cửa sổ chiết khấu, thì sẽ không có cơ hội để điều đó xảy ra. Chừng nào Fed còn hoạt động cạnh tranh với các quỹ phòng hộ và các nhà đầu cơ của Wall Street, thì Fed vẫn sẽ là con tin của họ. Vì đã bị mắc kẹt, nên Fed sẽ tiếp tục làm ngập thị trường tài chính với các khoản nợ giá rẻ và tính thanh khoản giả tạo vốn là nguồn gốc của tình trạng đầu cơ dư thừa.
Bài viết được xuất bản lần đầu trên dịch vụ tư vấn riêng của tác giả, và được Viện Brownstone đăng lại.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times