‘Rõ ràng ông Putin đã suy yếu’: Các quan chức hàng đầu Hoa Kỳ phản ứng về cuộc binh biến của Wagner ở Nga
Hôm 25/06, các quan chức hàng đầu của Hoa Kỳ đã phản ứng trước tin tức từ Nga rằng Công ty Quân sự Tư nhân Wagner đã tiến hành một cuộc binh biến chống lại nhà nước Nga trước khi rút lui, nói rằng điều đó cho thấy Tổng thống Nga Vladimir Putin yếu hơn trong chính quốc gia của mình so với suy nghĩ của nhiều người.
Xung đột giữa ông Putin và thủ lĩnh của Wagner, ông Yevgeny Prigozhin — người trước đây được gọi là “đầu bếp của ông Putin” vì mối quan hệ cá nhân thân thiết mà hai đã có — bắt đầu hôm 23/06 sau khi mối thù lâu dài giữa ông Prigozhin và Bộ Quốc phòng Nga dường như lên đến đỉnh điểm.
Ông Prigozhin tuyên bố rằng các lực lượng quân sự Nga đã cố tình sát hại một số lượng “lớn” các nhân viên của tập đoàn Wagner như một phần biện minh cho cuộc tấn công này.
Nhưng cuộc xâm nhập này dường như kết thúc gần như ngay sau khi nó bắt đầu, kéo dài trong khoảng 24 giờ, trong đó ông Wagner đã nhìn thấy những lợi ích to lớn ở vùng trung tâm của Nga trước đồng ý thỏa thuận với Nga và rút lui một cách khó hiểu. Ông Prigozhin đã được ân xá khỏi bị truy tố hình sự vì tội phản quốc như một phần trong thỏa thuận của ông là không tiếp tục hành quân đến Moscow và đã rút lui về Belarus, một quốc gia vệ tinh của Nga.
Tin tức về trình tự các sự kiện này bị hạn chế ở Nga, nơi mà quyền tự do báo chí bị kìm hãm, và nhiều thông tin mâu thuẫn nhau về các sự kiện đã xuất hiện.
Các quan chức hàng đầu của Hoa Kỳ đang cố gắng giải thích về tốc độ chóng mặt của cuộc tiến công, thỏa hiệp rồi rút lui, nói rằng điều đó cho thấy ông Putin yếu hơn nhiều người nghĩ.
Ngoại trưởng Antony Blinken đã có mặt trên một loạt các chương trình buổi sáng hôm Chủ Nhật (25/06), nơi ông trả lời các câu hỏi liên quan đến tình báo Hoa Kỳ về vụ việc đó.
Ông Blinken gọi các bản tin từ Nga là “lạ thường”. Cựu Giám đốc CIA David Petraeus cho rằng những tin tức đó rất “bất ngờ”.
Ông Blinken thừa nhận với bà Dana Bash của CNN trên chương trình “State of the Union” rằng tình báo Hoa Kỳ không chắc tại sao Wagner lại đột ngột rút lui sau khi đến, theo các bản tin, cách Moscow trong vòng 125 dặm (200 km), nơi đã bắt đầu thiết lập các công sự kiên cố để chuẩn bị cho cuộc tấn công dữ dội của Wagner.
“Thành thật mà nói, chúng tôi không có đầy đủ thông tin và còn quá sớm để nói chính xác việc này sẽ đi đến đâu,” ông Blinken nói khi được hỏi về cuộc rút lui này. “Và tôi nghi ngờ rằng đây là một bộ phim, và chúng ta vẫn chưa xem cảnh cuối cùng.”
Ông Petraeus nói rằng ông Progozhin “đã mất bình tĩnh” và nói, “Tôi cũng nhớ đến lời khuyên của Napoléon rằng, ‘Nếu quý vị bắt đầu chiếm Vienna, thì hãy chiếm Vienna.”
‘Khởi đầu của sự kết thúc cho ông Putin’
Khi mọi chuyện bắt đầu lắng xuống sau những gì có thể leo thang thành một cuộc khủng hoảng toàn diện đối với ông Putin, nhiều nhà quan sát dự đoán đây có thể là “khởi đầu của sự kết thúc” đối với vị tổng thống Nga đang gặp những vấn đề nan giải này.
Tuy nhiên, ông Blinken đã do dự khi áp dụng một phân tích như vậy.
“Ông có tin rằng đây là khởi đầu cho sự kết thúc của ông Vladimir Putin không?” bà Bash hỏi.
“Tôi không muốn suy đoán về điều đó,” ông Blinken nói. “Đây trước hết là vấn đề nội bộ của Nga”.
Tuy nhiên, ông lập luận rằng về tổng thể hành động quân sự của Nga ở Ukraine đã trở thành một thất bại về chiến lược. Ông cho biết Nga suy yếu hơn về kinh tế và quân sự, đồng thời vị thế của nước này trên thế giới đã giảm xuống. Cuộc chiến này giúp người Âu Châu thành công trong việc chuyển hướng để không phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Cuộc chiến giúp đã liên kết và củng cố NATO với các thành viên mới và trở thành một liên minh mạnh mẽ hơn. Cuộc chiến đó cũng tách Ukraine ra khỏi Nga và hợp nhất nước này hơn bao giờ hết.
“Đây chỉ là một chương được thêm vào một cuốn sách rất, rất tệ mà ông Putin đã viết cho nước Nga.”
Ông Blinken nói thêm rằng “điều đáng chú ý” là những sự kiện này xảy ra từ bên trong quốc gia chứ không phải bên ngoài, vì cho đến nay, đất nước Nga đã phải đối mặt với rất ít hậu quả quân sự vì hành động của họ ở Ukraine.
Ông Blinken nói: “Điều đó tạo thêm những rạn nứt, vẫn còn quá sớm để nói những rạn nứt đó sẽ đi đến đâu và khi nào chúng xảy ra, nhưng rõ ràng điều đó đã đặt ra những vấn đề mới mà ông Putin phải giải quyết.”
“Thời điểm này cho thấy những rạn nứt trong nội bộ Nga và ông Putin đang mất dần sự kiểm soát của mình đối với đất nước đó,” Cựu Thống đốc North Dakota Doug Burgum, người gần đây đã tuyên bố cuộc đua vào vị trí ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng Hòa vào năm 2024, đã đồng tình.
Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mike Turner (Cộng Hòa-Ohio) nói trong chương trình “Face the Nation” của CBS rằng để cuộc xâm nhập này tiến xa đến như vậy, chắc chắn phải có “đồng phạm” trong quân đội Nga.
“Để bất kỳ chính phủ nào có được sự ổn định, họ phải kiểm soát quân đội của mình,” ông Turner nói. “Rõ ràng, để [ông Prigozhin] tiến được xa tới mức đó, thì ông ta phải có đồng phạm.”
“Không quân Nga đã ở đâu để ngăn chặn điều này?” ông tự hỏi.
“Đó sẽ là một vấn đề mà Putin sẽ phải giải quyết cả trong nước và quốc tế,” ông Turner nói. “Là một chính phủ độc tài, chính phủ của ông ấy phụ thuộc vào sự khẳng định quyền lực và vũ lực của ông để có thể tiếp tục nắm giữ quyền lực. Và đó chắc chắn sẽ là một vấn đề.”
Ông Petraeus nói rằng chuỗi các sự kiện này cho thấy “rõ ràng ông Putin đã bị suy yếu, chính phủ của ông ấy cũng đã bị suy yếu rồi.”
“Ai biết chuyện này có thể đi đến đâu,” ông nói thêm. “Bây giờ chúng ta luôn thắc mắc ai sẽ là người tấn công Sa hoàng, và bây giờ chúng tôi đã biết câu trả lời, mặc dù người đó đã thất bại.”
Tuy nhiên, ông Petraeus cho biết, “Tôi chắc chắn rằng điều đó tạo ra rất nhiều nghi ngờ trong tâm trí những người xung quanh ông ấy,” đặc biệt là khi cuộc xâm lược Ukraine của Nga tiếp tục không đạt được những kỳ vọng lạc quan ban đầu.”
Thượng nghị sĩ Amy Klobuchar (Dân Chủ-Minnesota) cho biết, “Điều đó cho thấy một vết nứt rõ ràng về sức mạnh của ông Vladimir Putin tại đất nước của mình. Đó là sự từ chối rõ ràng đối với chính sách chiến tranh của ông ấy bởi một người từng là đồng minh của ông, người rõ ràng đã không còn phục tùng ông ta nữa.”
“Điều đó thực sự làm tổn thương ông Putin, không chỉ về mặt chính trị và vai trò lãnh đạo của ông ấy ở Nga cũng như nhiệm kỳ tổng thống của ông ấy, mà còn trong nỗ lực tiếp tục cuộc chiến này ở Ukraine,” ông Turner đồng tình.
Hoa Kỳ nên phản ứng thế nào?
Các quan chức cũng đưa ra quan điểm về phản ứng của Hoa Kỳ trước những bất ổn do tình hình này gây ra khi tiếp tục trợ giúp Ukraine chống lại cuộc xâm lược của Nga, trong đó đa số khuyến nghị tiếp tục viện trợ Ukraine.
Bà Bash hỏi ông Blinken: “Ngoại trưởng Ukraine… nói rằng đã đến lúc Hoa Kỳ và các nước khác phải tăng tốc, cung cấp cho Ukraine mọi thứ họ cần để hoàn thành cuộc chiến này. Điều đó sẽ xảy ra không?”
“Chúng tôi đã và đang làm việc để bảo đảm rằng người Ukraine có những gì họ cần khi họ cần để làm tốt nhất có thể trên chiến trường,” ông Blinken nói. “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm điều đó. Chúng tôi không ngừng tập trung vào điều này. Có sự đồng thuận mạnh mẽ về mục đích và sự đồng thuận trong hành động giữa hàng chục quốc gia mà thông qua sự lãnh đạo của Tổng thống, chúng ta đã tập hợp lại với nhau và đồng hành cùng nhau và sẽ tiếp tục làm điều đó.”
Ông Petraeus nói rằng điều đó cho thấy việc Hoa Kỳ tiếp tục trợ giúp Ukraine là cần thiết.
“Những gì chúng ta cần làm là tiếp tục cung cấp mọi thứ có thể cho Ukraine, giúp họ có thể thực hiện cuộc tấn công mùa hè này, vốn vẫn đang ở giai đoạn đầu, … để thành công và sau đó để thuyết phục ông Putin rằng ông ấy sẽ không thể đánh bại người Ukraine, người Âu Châu và người Mỹ theo cách mà người Nga đã đánh bại quân đội của Napoleon và Đức quốc xã.”
Bà Bash cũng đặt ra câu hỏi rằng Hoa Kỳ nên phản ứng như thế nào, bà nói: “Trước sự hỗn loạn ở Nga, Hoa Kỳ nên làm gì vào lúc này để giúp Ukraine nắm bắt thời cơ này không?”
“Điều quan trọng là chúng ta đã không chùn bước, Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hòa… làm việc cùng nhau để đạt được thỏa thuận đó nhằm cho thế giới thấy rằng chúng ta sát cánh cùng Ukraine. Điều đó rất quan trọng, và sau đó là các cuộc thảo luận đang diễn ra về vũ khí bổ sung và… cuộc thảo luận về các phi cơ trong tháng trước,” bà Klobuchar trả lời, đề cập đến các đề nghị gửi chiến đấu cơ của Hoa Kỳ cho Ukraine.
Ông Burgum nói với bà Bash, “Chúng ta có cơ hội cùng với các đối tác NATO của mình trong tình hình này để thực sự ủng hộ và giúp đỡ Ukraine. Hãy cung cấp cho họ sự trợ giúp mà họ cần. Hãy giải quyết vấn đề này, hãy kết thúc cuộc chiến này ngay bây giờ, thay vì để [xung đột] kéo dài.”
Cựu thống đốc New Jersey và ứng cử viên tổng thống năm 2024 Chris Christie cho rằng cuộc nổi dậy này một phần là nhờ sự trợ giúp của Hoa Kỳ và NATO đối với Ukraine, đồng thời nêu ra rằng viện trợ này sẽ vẫn quan trọng trong thời gian tới.
Ông Christie nói trên chương trình “This Week” của đài ABC rằng: “Sự trợ giúp của Mỹ, cùng với các đồng minh NATO của chúng ta, dành cho Ukraine đã làm rất nhiều điều để mang lại những gì chúng ta đang chứng kiến hiện nay.”
“Ở Nga, vấn đề của ông Putin và tất cả những sai lầm xảy ra của chính phủ TT Biden, chính phủ cựu TT Trump và chính phủ cựu TT Obama về vấn đề này đã dẫn đến thời điểm này, và tôi nghĩ chúng ta phải theo dõi điều đó rất cẩn thận.”
“Nhưng chúng ta phải tiếp tục viện trợ Ukraine. Chúng ta phải cung cấp cho họ vũ khí họ cần để chiến đấu chống lại người Nga và đẩy lùi họ. Và tôi nghĩ rằng những gì điều này có thể làm… là đưa chúng ta đến gần hơn với một giải pháp cho trận chiến này, vì sự yếu kém của ông Putin. Tôi nghĩ rằng điều đó giờ đã rõ ràng ở ngay trong đất nước của ông ta, phần lớn là do cách ông ta tiến hành cuộc chiến này.”
Ông Christie đã đáp lại một số lời chỉ trích của Đảng Cộng Hòa về việc tiếp tục ủng hộ Ukraine rằng “Mỹ chưa bao giờ là một quốc gia vĩ đại và là nước dẫn đầu thế giới thông qua việc lấp chiến hào và kéo cầu treo.”
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times