Quần đảo Solomon từ chối cho tuần duyên hạm Hoa Kỳ cập cảng
Tuần duyên hạm Oliver Henry của Hoa Kỳ đã không được chào đón khi con tàu này yêu cầu cấp phép cập cảng theo lịch cập cảng dự kiến ở Quần đảo Solomon, buộc thủy thủ đoàn của tàu này phải chuyển hướng sang Papua New Guinea.
Vụ việc trên xảy ra trong bối cảnh gia tăng lo ngại về ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong khu vực cũng như sự suy yếu của các thể chế dân chủ đang diễn ra ở Solomon, vốn đang phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc trong một thời kỳ bất ổn trong nước.
Tuần duyên hạm USCG Oliver Henry đã tham gia Chiến dịch Island Chief, cùng với các tàu của Úc, New Zealand, và Vương quốc Anh, để giám sát và ngăn chặn các hoạt động đánh bắt bất hợp pháp ở Nam Thái Bình Dương.
Theo một tuyên bố của The Associated Press, chiến dịch này đã kết thúc hôm 16/08, cũng là lúc tuần duyên hạm này cố gắng thực hiện một điểm dừng dự kiến tại Guadalcanal, Quần đảo Solomon, để tái nạp nhiên liệu và cấp dưỡng.
Nền dân chủ của Solomon bắt đầu suy yếu
Sự im lặng trên đài phát thanh từ chính phủ Solomon sau một loạt các vụ việc đang cho thấy chính phủ của Thủ tướng Manasseh Sogavare không chỉ làm sâu sắc thêm mối liên hệ với Bắc Kinh mà còn đang từng bước làm xói mòn các thể chế dân chủ của đất nước để củng cố vị thế của ông.
Hôm 18/08, chính phủ ông Sogavare đã ký một thỏa thuận lớn với công ty viễn thông Trung Quốc Huawei để xây dựng 161 tháp di động ở nước này với khoản vay 448.9 triệu nhân dân tệ (66.15 triệu USD) từ một ngân hàng quốc doanh của Trung Quốc, đó là Ngân hàng Xuất nhập cảng.
Đồng thời vào hôm 08/08, nhóm của thủ tướng đã đệ trình một dự luật mới để trì hoãn các cuộc bầu cử quốc gia, mà một số chuyên gia cho rằng có thể là một cách để thủ tướng né tránh khả năng bị đánh bại trong cuộc bầu cử.
Những hành động này diễn ra sau khi ông Sogavare ký hiệp ước an ninh với Bắc Kinh cho phép ĐCSTQ đóng vũ khí, quân đội, và tàu hải quân ở nước này. Điều này sẽ mang lại cho Bắc Kinh sự hiện diện quân sự gần với Úc, New Zealand, và lãnh thổ Guam của Hoa Kỳ.
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Marsha Blackburn (Cộng Hòa-Tennessee) gần đây đã gặp gỡ ông Sogavare và các nhà lãnh đạo khác trong khu vực, kêu gọi “chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc.”
Bà Blackburn cho biết trong một tuyên bố: “Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là cửa ải tiếp theo cho Trục Ma quỷ Mới.”