Quân đội Trung Quốc bắt đầu huấn luyện cảnh sát Solomon theo hiệp ước an ninh
Lực lượng an ninh Trung Quốc đã tận dụng lợi thế của một hiệp ước an ninh được ký kết gần đây với Quần đảo Solomon và đang tiến hành các khóa đào tạo cho Lực lượng Cảnh sát Hoàng gia Quần đảo Solomon (RSIPF) ở Honiara.
Khóa huấn luyện hiện tại kéo dài hai tuần này sẽ chứng kiến một Đội Liên lạc của Cảnh sát Trung Quốc đến Solomon để đào tạo cho 16 sĩ quan trong Đội Bảo vệ Người Thân cận và Ban Cảnh sát của RSIPF về các kỹ năng kỹ thuật, kỹ năng chiến đấu bảo vệ và khả năng hoạt động.
Ông Ian Vaevaso, Phó ủy viên An ninh Quốc gia và Hỗ trợ Hoạt động tại RSIF, cho biết tại lễ khai mạc tổ huấn luyện thứ hai rằng Quần đảo Solomon được hưởng lợi “sâu sắc và rộng rãi” từ mối bang giao song phương này.
Ông Vaevaso cho biết, “RSIPF phải đi trước những thách thức an ninh và những tư tưởng tội phạm này. Đây là lý do tại sao việc hợp tác về hoạt động trị an này và thỏa thuận an ninh rộng lớn hơn với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa) là rất quan trọng để chúng ta có thể xây dựng toàn diện năng lực và khả năng của RSIPF lên một cấp độ cao hơn để bảo vệ sự phát triển cũng như chủ quyền của quốc gia này.”
Đội trưởng đội liên lạc của Trung Quốc, Ủy viên Trương Quảng Bảo (Zhang Guangbao), lưu ý rằng quân đội của ông ở đó để “tăng cường xây dựng năng lực, cũng như duy trì hòa bình và an ninh ở Quần đảo Solomon.”
Tin tức về cuộc huấn luyện này xuất hiện sau thông báo hôm 28/05 của Ngoại trưởng Quần đảo Solomon Jeremiah Manele rằng Trung Quốc đang xem xét một đề nghị thành lập một trung tâm huấn luyện cảnh sát tại quốc gia này.
Ông Manele nói rằng Bắc Kinh sẽ cân nhắc tới việc phát triển cơ sở hạ tầng và tài sản của cảnh sát “trong điều kiện môi trường an ninh mong manh của đất nước”.
Nhận xét của ông Manele được đưa ra trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị, người đang có chuyến công du mười ngày tới tám quốc đảo Thái Bình Dương.
Một hiệp ước an ninh gây tranh cãi giữa Quần đảo Solomon và chế độ cộng sản Trung Quốc đã được Úc, New Zealand (NZ), và Hoa Kỳ theo dõi sát sao, trong đó Thủ tướng NZ Jacinda Ardern và cựu Thủ tướng Úc Scott Morrison bày tỏ lo ngại về giao ước này.
Hôm 25/05, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price cho biết Hoa Thịnh Đốn đã biết về kế hoạch của Trung Quốc nhằm đạt được “một loạt các thỏa thuận” với các quốc gia thuộc Quần đảo Thái Bình Dương và lo ngại rằng các hiệp định đã được đàm phán trong “một quá trình gấp rút, không minh bạch.”
Ông Price cho biết các hiệp ước an ninh này cho thấy “ít sự tham vấn trong khu vực, gây ra lo ngại chung không chỉ ở Hoa Kỳ mà trên toàn khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”
Ông cho hay, “Chúng tôi không cho là việc tiếp nhận lực lượng an ninh đến từ [Trung Quốc] và các phương pháp của họ sẽ giúp ích cho bất kỳ quốc đảo nào trong khu vực Thái Bình Dương; trái lại, hành động như vậy chỉ có thể làm gia tăng căng thẳng trong khu vực và quốc tế, đồng thời gia tăng những mối lo ngại về việc Bắc Kinh mở rộng nội bộ, bộ máy an ninh nội bộ của họ sang Thái Bình Dương.”
Trong khi đó, tân chính phủ thuộc Công Đảng Úc đã bắt đầu khai triển ngay chiến lược Thái Bình Dương của mình, thể hiện qua việc tân Ngoại trưởng Penny Wong dành cuối tuần đầu tiên trong nhiệm kỳ của bà để làm việc tại Fiji có bài diễn văn tại Ban Thư ký Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương ở Suva, nơi bà đề ra các cam kết của tân chính phủ nước này.
Bà Wong trình bày: “Chúng tôi muốn chứng minh với quốc gia của ngài cũng như các quốc gia khác trong khu vực rằng chúng tôi là một đối tác có thể tin cậy được. Và trong lịch sử, chúng tôi đã từng như vậy. Tôi cho là ngài đã chứng kiến rất nhiều hỗ trợ phát triển của Úc. Chúng tôi muốn làm việc với ngài về các ưu tiên của nước ngài. Chúng tôi muốn hợp tác như một phần trong đại gia đình Thái Bình Dương.”
Tuy nhiên, bà cũng cảnh báo về những rủi ro đối với các quốc gia chấp nhận sự thúc đẩy của Trung Quốc đối với [việc tạo dựng] các liên minh an ninh trong khu vực.
“Rõ ràng, chúng tôi đã bày tỏ mối lo ngại của mình một cách công khai về hiệp ước an ninh giữa Quần đảo Solomon và Trung Quốc, và lý do chúng tôi đưa ra là chúng tôi — cũng như các quốc gia Thái Bình Dương khác — nghĩ rằng sẽ có những hậu quả”, bà Wong nói. “Chúng tôi nghĩ rằng điều quan trọng là an ninh của khu vực phải được khu vực đó ấn định, và trong lịch sử đã từng như vậy, và chúng tôi nghĩ đó là một điều tốt.”
Cô Victoria Kelly-Clark là một phóng viên tại Úc chuyên về chính trị quốc gia và môi trường địa chính trị ở khu vực Á Châu-Thái Bình Dương, Trung Đông và Trung Á.