Quan chức Philippines: Những nhà ngoại giao Trung Quốc có liên quan đến vụ ‘nghe lén’ sẽ bị trục xuất ngay lập tức
Một quan chức Philippines cho biết, hành vi của Trung Quốc vi phạm luật pháp của Philippines và được xem là 'vi phạm nghiêm trọng các nghi thức và công ước ngoại giao.'
Các quan chức Philippines đã cáo buộc các nhà ngoại giao ở Đại sứ quán Trung Quốc truyền bá thông tin sai lệch và bí mật nghe lén cuộc nói chuyện giữa các quan chức về Biển Đông, và cho biết những người có liên quan sẽ bị trục xuất khỏi Philippines ngay lập tức.
Hôm thứ Sáu (10/05), Cố vấn An ninh Quốc gia Philippines Eduardo M. Año tuyên bố rằng, ông cùng với Thiếu tướng Hải quân Jay Tarriela, phát ngôn viên của Lực lượng Tuần duyên Philippines (PCG) tại Biển Tây Philippines, kêu gọi có “các hành động thích đáng đối với những cá nhân tại Đại sứ quán Trung Quốc” bị cáo buộc tiết lộ “bản ghi chép hay bản ghi âm giả mạo điều được cho là các cuộc thảo luận” giữa các quan chức Philippines, đặc biệt là giữa một nhà ngoại giao Trung Quốc và người được cho là đứng đầu Lực lượng Vũ trang của Bộ Tư lệnh miền Tây Philippines (AFP-WESCOM).
Những hành vi này vi phạm luật pháp của Philippines và được xem là “vi phạm nghiêm trọng các nghi thức và công ước ngoại giao,” ông nói về các bản ghi âm các cuộc trò chuyện không kiểm chứng được, trích dẫn Công ước Vienna về Quan hệ Ngoại giao năm 1961.
Các quan chức Trung Quốc đã tiết lộ cho truyền thông địa phương điều mà cố vấn Philippines gọi là “bản ghi chép hoặc ghi âm giả mạo về điều được cho là cuộc nói chuyện giữa các quan chức chính phủ của quốc gia sở tại.”
Theo đoạn ghi âm mà Trung Quốc tiết lộ, vốn có bối cảnh không rõ ràng, các quan chức đã thảo luận về một số “thỏa thuận giữa các quý ông” liên quan đến các nhiệm vụ tiếp tế thường xuyên của Philippines đến Bãi cạn Ayugin (còn được biết đến với tên gọi Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) hay “Nhân Ái tiêu” theo tiếng Hoa).
Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) đã trở thành chủ đề tranh cãi gay gắt trong nỗ lực tuyên bố chủ quyền hung hãn của Trung Quốc đối với các khu vực nằm trong đường chín đoạn của quốc gia này trên Biển Đông. Trong nhiều tháng, các tàu thuộc Lực lượng Tuần duyên Trung Quốc đã thực hiện các cuộc tấn công bằng vòi rồng đối với tàu của Lực lượng Tuần duyên Philippines (PCG) khi tàu Philippines đang cố gắng cập Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) để tiếp tế cho tiền đồn. Hành vi này của Trung Quốc đã khiến nhiều sỹ quan Philippines bị thương.
Các quan chức Philippines lên tiếng
Hôm 05/05, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro đã bác bỏ những tuyên bố trong đoạn ghi âm mà Trung Quốc tiết lộ và gọi đó là thông tin sai lệch.
“Tôi muốn tuyên bố rõ là bất kỳ lời ám chỉ nào về việc Bộ Quốc Phòng Philippines tham gia vào bất kỳ ‘mô hình mới’ nào đều là một mưu toan xảo quyệt của Trung Quốc qua Đại sứ quán của họ ở Manila, và thật kỳ lạ là chuyện này xảy ra ngay sau khi các hành động của họ bị chỉ trích trong cuộc họp SQUAD mới đây… Trò chơi đố chữ này cần phải dừng lại ngay,” ông cho biết trong một tuyên bố.
“Tôi đưa ra tuyên bố này để nâng cao nhận thức về mưu toan rõ ràng của Trung Quốc khi họ dựng lên một điều dối trá khác nhằm chia rẽ người dân của chúng ta và đánh lạc hướng khỏi sự hiện diện và các hành động bất hợp pháp của họ trong [vùng đặc quyền kinh tế] EEZ của chúng ta.
“Chúng tôi khuyến cáo các công dân, giới truyền thông, và cộng đồng quốc tế hãy cẩn thận với những cách thức thao túng, can thiệp, và gây ảnh hưởng ác ý này của Trung Quốc nhằm thúc đẩy các lợi ích của chính họ.”
Ông Año cho biết trong tuyên bố của mình rằng không một ai trong chính phủ Philippines, ngoại trừ Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr., có quyền ký kết một thỏa thuận như vậy với một thế lực ngoại quốc.
Ông nói: “Chúng tôi nhấn mạnh rằng mục tiêu không thể nhầm lẫn của đại sứ quán CHND Trung Hoa trong việc tiết lộ một cách bừa bãi những thông tin sai lệch và bôi nhọ này đã và đang tiếp tục gieo rắc sự bất hòa, chia rẽ, và mất đoàn kết giữa những người dân Philippines”.
Ông kêu gọi những người ở Đại sứ quán Trung Quốc liên quan đến “các hoạt động can thiệp và gây ảnh hưởng ác ý” phải “bị trục xuất khỏi đất nước ngay lập tức,” đồng thời kêu gọi Bộ Ngoại giao hành động.
Bộ Ngoại giao Philippines cũng phúc đáp đối với nội dung đoạn ghi âm mà Trung Quốc công bố, nói rằng họ “nhắc lại quan điểm vững vàng rằng Philippines chưa bao giờ ký kết bất cứ thỏa thuận từ bỏ chủ quyền hay pháp quyền của mình đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình, trong đó có Bãi cạn Ayugin.”
Tuyên bố cho biết nếu Bắc Kinh nghiêm túc về việc giải quyết các bất đồng trên biển của họ một cách thích hợp, thì lời mời triệu tập Cơ chế Tham vấn Song phương về vấn đề Biển Đông (BCM-SCS) càng sớm càng tốt của Philippines vẫn có hiệu lực.
Ông Tarriela kêu gọi người dân Philippines “không lung lay trước những lời dối trá” mà phía Trung Quốc tuyên bố về những thỏa thuận tiềm năng.
“Điều quan trọng là đất nước chúng ta phải đoàn kết và không bị chia rẽ trong việc giải quyết vấn đề này. Chúng ta phải hợp tác cùng nhau để ngăn chặn mục tiêu giành quyền kiểm soát toàn bộ Biển Tây Philippines đầy tham vọng này của Trung Quốc.”
Những căng thẳng trên Biển Đông vẫn còn dai dẳng
Cuộc chiến giành sự ủng hộ của công chúng diễn ra khi căng thẳng tiếp tục bùng phát giữa chính phủ các nước nhằm đáp lại sự khẳng định hung hăng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) về các yêu sách chủ quyền lãnh thổ đang tranh chấp ở Biển Đông.
Những yêu sách của ĐCSTQ đã vấp phải sự phản đối từ các quốc gia láng giềng của Trung Quốc trong khu vực. Những quốc gia này cũng khẳng định chủ quyền đối với vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của họ được công nhận bởi luật pháp quốc tế hiện hành mà Trung Quốc là một bên ký kết.
Ông Marcos Jr. đã khẳng định chủ quyền của nước ông đối với khu vực Biển Tây Philippines thuộc Biển Đông, đồng thời chỉ trích sự hiện diện liên tục của các tàu Trung Quốc tại các vùng biển này.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn Biển Đông, nơi tạo ra giá trị thương mại hàng hải hơn 3,000 tỷ USD hàng năm, trong đó có các khu vực mà Philippines, Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Brunei, Nhật Bản, và Đài Loan tuyên bố chủ quyền.
Năm 2016, một tòa án quốc tế cho rằng tuyên bố bành trướng của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý. Bắc Kinh đã bác bỏ quyết định này và tiếp tục nỗ lực tuyên bố chủ quyền bằng cách mở rộng các hoạt động hàng hải của nước này.
Các hoạt động khai phá của Trung Quốc trên bãi cạn
Hôm thứ Bảy (11/05), ông Tarriela cũng nhắc đến sự hiện diện của Dân quân Hàng hải Trung Quốc gần Bãi cạn Escoda, còn được gọi là Bãi Sa Bin, thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines — chỉ cách bờ biển Palawan 75 hải lý.
Trong suốt tháng vừa qua, Lực lượng Tuần duyên Philippines đã được điều động đến Bãi Sa Bin để giám sát các hoạt động của ĐCSTQ trong khu vực này.
Hôm thứ Sáu (10/05), Lực lượng Tuần duyên Philippines loan báo rằng san hô bị nghiền nát được mang đến một nơi gần Bãi cạn Sa Bin và đổ xuống đó. Các nhà sinh học biển cho rằng có vẻ như đây là hoạt động xây dựng đảo trên Biển Tây Philippines.
Một phát ngôn viên của Lực lượng Tuần duyên Philippines đã chia sẻ một đoạn video quay lại cảnh nhà sinh vật học kiểm tra bãi cạn này, cho thấy những thay đổi tại nơi bị “đổ các mảnh vụn san hô” trên bãi cạn hiện có một phần san hô đang nằm trên mực nước biển.
Video thể hiện rõ sự khác biệt về màu sắc giữa cát ở địa phương và loại san hô bị đổ xuống.