Philippines kêu gọi Trung Quốc mở các bãi cạn ở Biển Đông và chấp nhận sự giám sát quốc tế
Hôm thứ Hai (20/05), Philippines đã thách thức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), yêu cầu ĐCSTQ mở cửa Bãi cạn Scarborough (còn được gọi là Bajo de Masinloc, Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham) và chấp nhận sự giám sát quốc tế. Trước đó, Philippines đã từng chỉ trích ĐCSTQ phá hủy môi trường biển của bãi cạn này.
Gần đây, Philippines liên tục chỉ trích ĐCSTQ sử dụng vòi rồng tấn công các tàu của Philippines để ngăn cản các tàu này đi qua các bãi cạn và rạn đá ngầm nơi đang có tranh chấp, khiến cho tình hình căng thẳng giữa Manila và Bắc Kinh trên Biển Đông không ngừng leo thang.
Ông Jonathan Malaya, phát ngôn viên của Cơ quan An ninh Quốc gia Philippines nói tại cuộc họp báo rằng: “Chúng tôi đang rất kinh ngạc và lo ngại về tình hình đang xảy ra ở đó.”
Ngoài ra, ông Malaya nói thêm rằng chính phủ Philippines ngày càng đồng lòng rằng cần phải khởi kiện hành vi phá hoại rạn san hô của ĐCSTQ ở Biển Đông (bao gồm việc đánh bắt một loại ngao lớn đang có nguy cơ tuyệt chủng).
Các bức ảnh do Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines chụp từ năm 2018 đến 2019 cho thấy có ngư dân Trung Quốc đánh bắt trái phép ngao lớn, cá đuối, sò, và rùa biển ở gần bãi cạn này, gây hại cho môi trường biển nơi đây.
Ông Jay Tarriela, phát ngôn viên của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển, nói tại cuộc họp hôm thứ Hai: “Đây là bằng chứng rõ ràng cho thấy không hề có sự e ngại gì [từ phía ĐCSTQ], họ cũng không thực sự quan tâm đến môi trường biển.”
Ông Malaya nói: “Nếu quý vị (ĐCSTQ) cho rằng quý vị đang nói sự thật, thì hãy mở Bajo de Masinloc, chấp nhận sự giám sát quốc tế, hơn nữa đó phải là [sự giám sát từ] bên thứ ba.”
ĐCSTQ đã chiếm đóng Bãi cạn Scarborough vào năm 2012, trong khi Philippines đệ trình một khiếu nại lên Tòa án Trọng tài La Haye yêu cầu có quyền kiểm soát bãi cạn này. Năm 2016, Tòa án Trọng tài La Haye đã ra phán quyết rằng yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh đối với 90% diện tích Biển Đông là không có cơ sở pháp lý quốc tế.
Bãi cạn Scarborough do ĐCSTQ chiếm đóng chỉ cách bờ biển phía tây của Philippines khoảng 100 hải lý, nhưng lại cách xa bờ biển phía Nam của Trung Quốc hàng trăm hải lý. Sau khi chiếm đóng khu vực này vào năm 2012, ĐCSTQ đã cật lực xua đuổi các ngư dân Philippines đang đánh cá bắt tại khu vực này.
Tuần trước, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển của ĐCSTQ đã tuyên bố rằng họ sẽ thực hiện các quy định của luật năm 2021, vốn cho phép các cơ quan có thẩm quyền được nổ súng đối với các tàu ngoại quốc khi chủ quyền và quyền lợi chủ quyền của họ bị xâm phạm. Bộ Ngoại giao ĐCSTQ đã tuyên bố vào thứ Hai rằng, “nếu các cá nhân và tổ chức liên quan không có hành vi bất hợp pháp, thì không cần phải lo lắng.”
Ông Malaya cho biết, ĐCSTQ không có quyền tài phán đối với vùng biển quốc tế, và các quy định mới nhất của ĐCSTQ là vi phạm pháp luật quốc tế. Đồng thời, ông cũng chỉ trích các quy định này là “chiến lược đe dọa (scare tactic)” nhằm “đe dọa” và “bắt nạt” các quốc gia láng giềng ở châu Á.
Ông nói: “Philippines sẽ không bao giờ khuất phục trước sự đe dọa hoặc bắt nạt từ Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc.”
Tuần trước, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã tuyên bố trong một bài diễn văn rằng Philippines sẽ kiên quyết và mạnh mẽ bảo vệ lãnh thổ trước những kẻ xâm phạm không tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của Philippines. Ông không chỉ đích danh kẻ xâm phạm, tuy nhiên, lời nhận xét này rõ ràng ám chỉ căng thẳng đang leo thang giữa Philippines và Trung Quốc về các tranh chấp trên biển.