Hoa Kỳ và các đồng minh hiệp lực chống lại sự bành trướng của hải quân Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Tham vọng bành trướng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có lẽ đã thúc đẩy 26 quốc gia tham gia cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới do Hoa Kỳ dẫn đầu ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Các quốc gia Âu Châu cũng đang khai triển chiến hạm và phi cơ tới khu vực này để hợp tác với Hoa Kỳ và các nước đồng minh nhằm đối phó với mối đe dọa từ ĐCSTQ.
Hôm 29/04, tàu tuần tra ngoài khơi lớp Thaon di Revel của Ý (còn được gọi là Pattugliatore Polivalente d’Altura) và tuần dương hạm hạng nhẹ Raimondo Montecuccoli đã rời căn cứ hải quân của họ ở La Spezia và hướng tới khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để bắt đầu hoạt động hàng hải kéo dài sáu tháng.
Hôm 07/05, Đức đã điều động hai chiến hạm tới khu vực này để tăng cường sự hiện diện quân sự của họ.
Các tàu hải quân của Đức và Ý cũng sẽ tham gia Cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) do Hải quân Hoa Kỳ dẫn đầu từ ngày 29/06 đến ngày 04/08 tại Hawaii và các khu vực lân cận. Đức và Pháp cũng dự kiến sẽ khai triển một số lượng lớn phi cơ, bao gồm chiến đấu cơ và phi cơ vận tải, để tham gia hoạt động tập trận chung với các đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Cuộc tập trận RIMPAC hai năm một lần này được xem là cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới. Năm nay, 26 quốc gia — bao gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Colombia, Đan Mạch, Ecuador, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Israel, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Hà Lan, New Zealand, Peru, Nam Hàn, Philippines, Singapore, Sri Lanka, Thái Lan, Tonga, Vương quốc Anh, và Hoa Kỳ — đều sẽ tham gia.
Chủ đề của RIMPAC 2024 là “Hợp tác Đối tác: Hòa nhập và Chuẩn bị sẵn sàng.” Sự kiện này được tổ chức với mục đích truyền tải thông điệp rằng RIMPAC không chỉ là cuộc tập trận hải quân nhằm gắn kết nhiều quốc gia lại với nhau mà còn là cơ hội để các bên tham gia phát triển sự hợp tác, liên kết đối tác cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu huấn luyện của mỗi nước.
Thách thức các yêu sách của Bắc Kinh
Hạm đội Bảy của Hoa Kỳ đã loan báo vào hôm 10/05 rằng, như một phần trong các hoạt động tự do hàng hải, khu trục hạm USS Halsey (DDG-97) đã đi qua quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông. Hành động này đã thách thức các hạn chế của Bắc Kinh đối với hoạt động tự do hàng hải qua các đảo do Trung Quốc chiếm đóng, vốn vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Theo Điều 19 của UNCLOS, quyền đi qua vô hại có nghĩa là chiến hạm có quyền được đi qua lãnh hải của một quốc gia khác trong phạm vi 12 hải lý mà không cần thông báo trước, miễn là hành động này không đe dọa đến hòa bình, trật tự, hoặc an ninh của quốc gia ven biển mà chiến hạm đó đi qua.
Tuyên bố của Hạm đội Bảy nhấn mạnh rằng bất kỳ yêu cầu cấp phép hoặc thông báo trước nào được áp đặt đơn phương đối với việc qua lại vô hại đều là bất hợp pháp.
Việc đi qua vô hại mà không thông báo trước hoặc xin phép từ bất kỳ quốc gia yêu sách nào sẽ thách thức tính hợp pháp của các hạn chế phi pháp do Trung Quốc và các quốc gia khác áp đặt, điều này chứng minh rằng quyền đi qua vô hại không bị ràng buộc bởi những hạn chế như vậy.
Về việc qua lại của các chiến hạm Hoa Kỳ, hôm 10/05, phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam bộ của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) Điền Quân Lý (Tian Junli) được cho là đã chia sẻ rằng PLA đã tổ chức lực lượng hải quân và lực lượng không quân để theo dõi, giám sát, và cảnh báo tàu USS Halsey.
Hành động của tàu USS Halsey diễn ra một ngày sau khi tàu này đi qua Eo biển Đài Loan hôm 08/05, trong khi Hoa Kỳ và Philippines tiến hành cuộc tập trận quân sự chung (Vai Kề Vai) Balikatan 2024 từ ngày 22/04 đến ngày 10/05.
Nhật Bản cảnh giác cao độ
Gần đây, sự hiện diện và hoạt động huấn luyện của các tàu hải quân và các nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm Trung Quốc xung quanh Nhật Bản ngày càng gia tăng, gây ra mối lo ngại đáng kể. Trong thông cáo báo chí hôm 10/05, Văn phòng Tham mưu Liên quân Nhật Bản cho biết, khoảng trưa ngày 09/05, hai tàu hộ tống của hải quân Trung Quốc đã di chuyển vòng quanh quần đảo Ryukyu của Nhật Bản, trong khi một tàu tình báo hải quân khác đi qua Eo biển Miyako vào Biển Hoa Đông.
Thông cáo báo chí này tiết lộ rằng các tàu hải quân Trung Quốc đã đi qua Eo biển Osumi về phía đông. Khu trục hạm JS Yamagiri của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản và phi cơ tuần tra hàng hải P-3C Orion đóng tại Căn cứ Không quân Naha ở Okinawa đã theo dõi các tàu hộ tống của hải quân Trung Quốc.
Các nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm Liêu Ninh và Sơn Đông của Trung Quốc cũng thường xuyên tiến hành huấn luyện bay trên hàng không mẫu hạm ở vùng biển quốc tế xung quanh quần đảo Ryukyu của Nhật Bản. Tuy nhiên, các cuộc tập trận với hàng không mẫu hạm này thường được tiến hành cách Nhật Bản ít nhất 62 dặm (gần 100 km). Với các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Senkaku (mà Trung Quốc gọi là Đảo Điếu Ngư), Nhật Bản đã tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực, bao gồm việc khai triển hỏa tiễn chống hạm trên đất liền, và dự trù sẽ khai triển nhiều hỏa tiễn hành trình trên đất liền để chuẩn bị cho các cuộc xâm lược có thể xảy ra.
Hôm 08/05, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản thông báo rằng tàu JS Kunisaki, tàu vận tải hạng Osumi đầu tiên được điều động đến khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đã rời Căn cứ Hải quân Kure hôm 03/05 để bắt đầu một hoạt động kéo dài bốn tháng trên biển, bao gồm tham gia cuộc tập trận Malabar và cuộc tập trận RIMPAC.
Trong thông cáo báo chí hôm 10/05, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản, Hải quân Hoàng gia Úc, và Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ đã công bố một bản ghi nhớ về chiến tranh thông tin.
Hôm 11/04, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã có bài diễn văn tại một phiên họp chung của Quốc hội và gọi Trung Quốc cộng sản là “thách thức chiến lược lớn nhất” trong khu vực. Ông còn cam kết Nhật Bản sẽ ủng hộ Hoa Kỳ trong việc duy trì hòa bình và an ninh ở châu Á cũng như ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Bản tin có sự đóng góp của Michael Zhuang
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times