Phương Tây gia tăng đầu tư cơ sở hạ tầng toàn cầu, nỗ lực chống lại BRI của Trung Quốc
Các quốc gia phương Tây đang gia tăng hợp tác [đầu tư] cơ sở hạ tầng toàn cầu trong nỗ lực chống lại dự án “Con đường Tơ lụa Mới” khổng lồ, còn được gọi là Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh.
Khi các nền dân chủ đồng minh xem xét lại cam kết của họ đối với các kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng, các chuyên gia cảnh báo rằng ngân sách của họ là không đáng kể so với chi tiêu của Bắc Kinh cho cơ sở hạ tầng toàn cầu.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trong thời gian nắm quyền đã chi tiêu vô cùng hào phóng cho cơ sở hạ tầng quốc tế. Đó là một phần trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), một chính sách do ông Tập ban hành nhằm biến nền kinh tế Trung Quốc thành một siêu cường toàn cầu. Mục đích là kết nối Á Châu, Trung Đông, Âu Châu và Phi Châu thông qua một mạng lưới đường bộ, đường sắt và cảng.
Đầu tư của ông Tập vào BRI là chưa từng thấy so với nỗ lực chi tiêu của các quốc gia khác.
“Đối với ông Tập, việc tài trợ cho BRI hầu như không có giới hạn bởi nguyên lý đảo ngược: càng nhiều dự án được tài trợ, tầm quan trọng của BRI càng lớn, càng có lợi cho ông Tập, Trung Cộng và Trung Quốc,” ông Benjamin Barton, một chuyên gia về quan hệ quốc tế thuộc khoa chính trị của Đại học Nottingham, Malaysia nói với The Epoch Times.
Ông Barton cho biết, Bắc Kinh đã bỏ xa các nước phương tây trong các dự án thay thế BRI thuộc lĩnh vực cơ sở hạ tầng, và hiện là đối thủ chiếm ưu thế trên một thị trường có mức cạnh tranh thấp. Theo ông, chiến lược đầu tư dài hạn của họ là tạo dựng chỗ đứng vững chắc ở các quốc gia đang phát triển.
Ông Barton lưu ý, các dự án phát triển mới được khôi phục gần đây của EU cho thấy rằng họ vẫn còn một chặng đường dài trước khi có thể sánh kịp với những nỗ lực của Bắc Kinh.
Đầu năm nay, EU đã cam kết khởi động lại chương trình Kết nối Các Cơ sở Âu Châu (Connecting Europe Facility-CEF), nhằm tìm cách kết nối các mạng lưới giao thông, viễn thông và năng lượng của Âu Châu.
Ông Barton nói, “Lời hứa về 30 tỷ EUR trong sáu năm thật ấn tượng nhưng con số này trở nên mờ nhạt so với một số dự án BRI riêng lẻ.”
Các số liệu quy đổi ra đồng dollar Mỹ cho thấy ngay nỗ lực đầu tư không cân xứng này.
Vào năm 2020, trong bối cảnh đại dịch toàn cầu, các khoản đầu tư BRI ở nước ngoài của chính quyền Trung Cộng, được Trung tâm đầu tư BRI Xanh (Green BRI investment Center) ước tính trong một báo cáo là 47 tỷ USD.
Khoản đầu tư này sụt giảm so với các khoản đầu tư của năm trước (2019), vốn được ước tính cao hơn 54% ở mức khoảng 73.79 tỷ USD. Ước tính các khoản đầu tư của BRI trong năm 2018 nằm trong khoảng từ 1 nghìn tỷ USD đến 8 nghìn tỷ USD.
Tính theo đồng dollar Mỹ thực tế, các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng của các nước phương Tây, ngay cả khi là hàng ngàn tỷ, vẫn là hữu hạn so với chi tiêu xa hoa của Trung Cộng.
Phương Tây tập trung vào tính minh bạch và xây dựng xanh
Các dự án thay thế cho BRI của các nước phương Tây tập trung vào những dự án minh bạch và kế hoạch xây dựng xanh.
Sự minh bạch được cam đoan này là một nỗ lực để chống lại “chính sách ngoại giao bẫy nợ” của Bắc Kinh. BRI đã thu hút sự chỉ trích ngày càng nhiều ở phương Tây vì vai trò của nó trong việc chất gánh nặng lên các quốc gia đang phát triển bằng những món nợ không bền vững.
Trong khi đó, theo ông Mario Holzer, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Viên, nhóm G7 coi tính bền vững là một trọng tâm trong sáng kiến của mình, là một điểm khác biệt so với Bắc Kinh.
“Điều này vẫn chưa phải là trọng tâm của BRI, vốn tận dụng ở một mức độ nào đó các năng lực dư thừa của Trung Quốc,” ông Holzer nói với The Epoch Times.
Theo ông Barton, khi các liên minh thay thế [BRI] được thành lập, họ phải đối mặt với những thách thức trên thị trường, đặc biệt là những thách thức do vị trí thống trị của Bắc Kinh trong một thị trường phát triển có tính cạnh tranh cao đặt ra.
“Các tác nhân tham gia cơ sở hạ tầng của Trung Quốc (gồm DNNN [doanh nghiệp nhà nước], ngân hàng chính sách, kỹ sư và người lao động) đứng trên một mô hình kinh doanh rất cạnh tranh, có thể cung cấp một gói hoàn chỉnh, có tài chính tương đối cạnh tranh (chấp nhận rủi ro cao cùng yêu cầu tương đối thấp), thời gian hoàn thành nhanh chóng, đội ngũ nhân lực có chuyên môn và mang lại lợi nhuận cao để thực hiện các dự án,” ông Barton nói.
Ông nói thêm rằng các nền dân chủ mang lại ít sự thuận tiện trong ngắn hạn hơn thông qua mô hình phát triển thân thiện với khí hậu mà họ quảng bá.
“Theo quan điểm của tôi, các sáng kiến bắt nguồn từ phương Tây không có nhiều thế mạnh như vậy vì cho dù chúng có thể bền vững, ít rủi ro và minh bạch hơn, nhưng thường không đáp ứng được nhu cầu ngắn hạn cấp bách trên thị trường cơ sở hạ tầng ở phía nam địa cầu,” ông Barton cho biết.
Đối với kế hoạch CEF của EU, ông Barton gợi ý rằng thay vì trực tiếp thách thức BRI của Bắc Kinh, EU có thể thu hẹp trọng tâm của mình vào một nhóm mục tiêu giới hạn hơn.
“Mặc dù kế hoạch này vẫn đang còn trong giai đoạn sơ kỳ và các điều khoản chính xác của CEF cần được đánh giá chi tiết hơn, nhưng tôi không tin rằng những người ra quyết định phía sau kế hoạch này đã lường trước về nó như một phương tiện để ráp nối với BRI,” ông Barton cho biết.
Ở một mức độ nào đó, các nền dân chủ đồng minh dường như đã làm được điều này, đó là quảng bá rằng các sáng kiến của họ là những giải pháp sạch thay thế cho các dự án phát thải cao do Bắc Kinh tài trợ.
Trong khi đó, Bắc Kinh dường như đang đáp lại những lời chỉ trích của phương Tây bằng cách cố gắng xây dựng lại thương hiệu cho câu chuyện BRI của mình.
Chẳng hạn, vào tháng Bảy, khoa kinh doanh của trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông (HKUST) đã trả tiền cho quảng cáo trên tờ The South China Morning Post, nhấn mạnh rằng Trung Cộng cần đưa ra một câu chuyện tích cực cho BRI để nó có thể giành được “trái tim và khối óc” của các quốc gia.
Các tác giả của nội dung được trả tiền này, [chính là] các giáo sư khoa kinh doanh tại HKUST, đã viết rằng Bắc Kinh phải “giành chiến thắng trong trận chiến của các câu chuyện” bằng cách quảng bá BRI như một sáng kiến thân thiện có lợi cho toàn thế giới, chứ không chỉ ở Trung Quốc. Họ viết rằng, “Nó phải tạo ra một tương lai rộng mở, dễ tiếp cận và có sự tham gia; một tương lai mà trong đó lợi ích được sẻ chia chứ không phải tích cóp.”
Do Rachel Brooks thực hiện
Từ Huệ biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times