Chuyên gia: Taliban có thể sẽ tiếp tục hoạt động buôn bán ma túy sinh lời ở Afghanistan
Với việc Taliban giành được các vùng đất rộng lớn ở Afghanistan, nhóm này sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động buôn bán thuốc phiện và heroin trị giá hàng tỷ dollar của đất nước này.
Afghanistan là nhà cung cấp thuốc phiện bất hợp pháp lớn nhất thế giới. Theo Văn phòng Liên Hiệp Quốc về chống ma túy và Tội phạm (UNODC), ước tính quốc gia này chiếm 80% nguồn cung thuốc phiện và heroin toàn cầu.
Kể từ khi giành quyền kiểm soát Kabul, nhóm này cho biết họ sẽ hành động để cấm buôn bán ma túy. Nhưng khi Taliban tìm cách bảo đảm dòng tiền để duy trì một nhà nước mới, các nhà phân tích tin rằng hoạt động buôn bán ma túy vốn đã nhộn nhịp của đất nước này sẽ tiếp tục phát triển.
Ma túy bí mật
Taliban đã tận dụng hoạt động buôn bán thuốc phiện và heroin bất hợp pháp để thu lợi kinh tế kể từ khi nhóm này thành lập và lên nắm quyền vào đầu những năm 1990.
“Taliban coi mình là những người Hồi giáo sùng đạo. Tuy nhiên, khi nói đến trồng trọt và xuất cảng thuốc phiện, họ lại chẳng ngần ngại gì,” ông Terry Blevins, giám đốc điều hành của ARMAPLEX Security và là một cựu trung sĩ cảnh sát, cho biết.
Theo ông Jason Li, một cộng sự nghiên cứu của Chương trình Đông Á tại Trung tâm Stimson, mặc dù nhóm khủng bố này đã thay đổi câu chuyện về hoạt động buôn bán ma túy của mình trong quá khứ, nhưng họ vẫn nhất quán trong việc sử dụng ma túy làm nguồn tiền cho các hoạt động của mình.
Theo một báo cáo của Liên Hiệp Quốc, ước tính doanh thu hàng năm của Taliban từ việc buôn bán ma túy là từ hàng chục triệu đến 400 triệu USD, số tiền mà nhóm này kiếm được từ việc đánh thuế hoạt động sản xuất thuốc phiện, các phòng điều chế heroin, và những kẻ buôn bán ma túy. Một báo cáo năm 2018 của Tổng Thanh tra Đặc biệt về Tái thiết Afghanistan (SIGAR) cho biết các loại ma túy bất hợp pháp chiếm 60% doanh thu hàng năm của Taliban.
Ông Li cho biết, với khả năng trở lại nắm quyền, Taliban có thể đưa ra lập trường chính thức tương tự như lập trường năm 2000 khi họ cấm buôn bán thuốc phiện ở Afghanistan với hy vọng được cộng đồng quốc tế công nhận. Taliban cuối cùng đã thay đổi lập trường trên sau phản ứng dữ dội của người dân đối với chính sách này.
Nhưng ngay cả khi Taliban thông qua một tuyên bố công khai như vậy để xoa dịu các quốc gia khác, ông Li tin rằng hoạt động buôn bán thuốc phiện bất hợp pháp ở nước này sẽ không bị ảnh hưởng.
Gần đây, Wall Street Journal đưa tin rằng các thủ lĩnh Taliban đã yêu cầu nông dân địa phương ngừng trồng cây thuốc phiện, sau khi một phát ngôn viên hôm 18/08 cam kết rằng một nhà nước mới dưới thời Taliban sẽ không chấp thuận việc buôn bán ma túy.
“Hoạt động buôn bán thuốc phiện bất hợp pháp ra ngoài Afghanistan này có thể sẽ tiếp tục – dưới sự bảo trợ bí mật và ít chính thức hơn. Hoạt động sản xuất bất hợp pháp không bị kiềm chế dưới chế độ ông Ghani được Hoa Kỳ ủng hộ,” ông Li nói, khi đề cập đến chính phủ Afghanistan tiền nhiệm, vốn sụp đổ khi Tổng thống Ashraf Ghani tháo chạy khỏi Kabul.
Ông Li chỉ ra rằng, theo UNODC, lợi nhuận từ thuốc phiện và heroin đã tăng lên trong những năm gần đây. Ông nói thêm, “Điều đó có ý nghĩa quan trọng đối với cách Taliban sẽ định hình lập trường của mình đối với dòng chảy ma túy bất hợp pháp nhằm tìm kiếm sự công nhận của quốc tế.”
Mặc dù Taliban có nguy cơ bị phản ứng dữ dội trên toàn cầu nếu họ ủng hộ hoạt động buôn bán ma túy bất hợp pháp, nhưng các nhà phân tích dự đoán sản lượng sẽ tăng lên khi nhóm này tìm cách bảo đảm các nguồn tài chính.
“Hầu hết các chuyên gia tin rằng sẽ có một sự gia tăng mạnh mẽ,” ông Blevins nói.
Các loại ma túy dừng chân ở Âu Châu
Việc Taliban trục lợi từ hoạt động buôn bán thuốc phiện đã góp phần thúc đẩy cuộc khủng hoảng ma túy của phương Tây.
Ông Gary Hale, cựu giám đốc tình báo của Cơ quan Phòng chống ma túy (DEA) tại Houston, cho biết, “Phần lớn thuốc phiện được sản xuất ở Afghanistan được bán vào Âu Châu,” và lưu ý rằng hơn 90% thuốc phiện của Afghanistan dừng chân ở lục địa này. Theo DEA, chỉ khoảng 1% nguồn cung heroin ở Hoa Kỳ đến từ Afghanistan.
Ông Hale lưu ý rằng DEA có thể xác định đích đến của heroin do Afghanistan sản xuất vì tình báo của chính phủ phân tích dấu hiệu hóa học của nhiều loại thuốc phiện đường phố khác nhau, và dấu hiệu hóa học đặc trưng của thuốc phiện ở Afghanistan chủ yếu được truy nguyên từ ma túy bán ở Âu Châu.
Ông Hale cho biết, “Một hệ quả bất ngờ của doanh thu từ việc bán thuốc phiện ở Âu Châu là một phần đáng kể trong doanh thu đó được sử dụng cho mục đích khủng bố. Taliban sử dụng số tiền thu được từ việc bán trái phép chất ma túy ở thế giới phương Tây để cung cấp trang bị cho tổ chức này các khóa huấn luyện và vũ khí, ông nói.
Trong cuộc chiến do Hoa Kỳ lãnh đạo ở Afghanistan từ năm 2001, việc triệt phá hoạt động buôn bán ma túy của Taliban là một mối quan tâm hàng đầu đối với sứ mệnh của Hoa Kỳ, vốn tìm cách hạn chế khả năng của Al Qaeda, Taliban và các nhóm khủng bố khác nhắm vào Hoa Kỳ.
“Sau ngày 11/09, 75 đến 100 đặc vụ DEA và các đội hỗ trợ cố vấn do ngoại quốc điều động (FAST) đã được cử đến để xác định vị trí của các chợ bán heroin ở Afghanistan,” ông Hale nói. Ông nói thêm rằng tầm quan trọng của việc sản xuất ma túy đối với những tay súng Hồi giáo này được sử dụng làm lý do cho sự hiện diện của DEA trong khu vực vào thời điểm đó.
Khó khăn trong việc ngăn chặn dòng ma túy
Khi các cường quốc phương Tây vẫn đang vật lộn với các tác động an ninh của một Afghanistan đang nổi lên dưới sự kiểm soát của Taliban, một hoạt động buôn bán ma túy được khuyến khích đẩy mạnh có thể làm mọi việc thêm phức tạp.
Theo báo cáo năm 2018 của SIGAR, từ năm 2002 đến năm 2017, Hoa Kỳ đã chi 8.6 tỷ USD cho các nỗ lực nhằm cắt giảm sự tiếp cận của Taliban đối với hoạt động buôn bán sinh lợi nhuận hậu hĩnh này, bao gồm việc loại bỏ cây thuốc phiện, các cuộc không kích và đột kích vào các phòng điều chế ma túy. Nhưng những nỗ lực đó đã chứng minh là vô ích, SIGAR lưu ý, vì Afghanistan vẫn là trung tâm chủ đạo của hoạt động sản xuất và buôn bán thuốc phiện bất hợp pháp.
Ông Blevins lưu ý rằng các nỗ lực chống ma túy toàn cầu hiện đang đối mặt với những thách thức to lớn do sự gia tăng của một loạt các loại ma túy bất hợp pháp ở phương Tây.
Ông nói, “Sự ra đời của nhiều sản phẩm bất hợp pháp hơn trên thị trường khiến việc đưa chính sách ma túy theo kịp trở nên khó khăn hơn.”
Mặc dù phương Tây sẽ không có thiện cảm với một Taliban hỗ trợ buôn bán ma túy bất hợp pháp, điều này có thể không đúng với các nước láng giềng của Afghanistan là Trung Quốc và Nga.
Ông Hale nói: “Giống như Nga, Trung Quốc luôn tìm mọi cơ hội để làm suy yếu Hoa Kỳ, vì vậy Nga và Trung Quốc đang mau chóng bắt tay vào việc phát triển mối liên kết với Taliban vì một số lý do địa chính trị.”
Bất chấp việc Trung Cộng vẫn chưa công nhận Taliban, các quan chức và truyền thông nhà nước vẫn giữ một lập trường thân thiện với nhóm này. Theo các nhà phân tích, việc Bắc Kinh chào đón Taliban một phần là do các cơ hội kinh tế mà Afghanistan mang lại cho Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nhưng quan trọng hơn, Bắc Kinh đang làm thân với Taliban để bảo đảm rằng lực lượng này không chứa chấp quân nổi dậy muốn tấn công khu vực Tân Cương của Trung Quốc, một mối quan tâm lớn đối với chế độ cộng sản này.
Ông Hale nói, “Mặc dù Trung Quốc và Nga sẽ không trực tiếp dung túng hoặc hỗ trợ việc buôn lậu ma túy ra khỏi Afghanistan, nhưng họ sẽ nhắm mắt làm ngơ trước hoạt động sản xuất và phân phối heroin của Afghanistan.”
Cô Rachel Brooks là một phóng viên tự do về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc. Trước khi gia nhập The Epoch Times, cô đã đưa tin về các chủ đề liên quan đến cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung của chính phủ cựu Tổng thống Trump cho nhiều ấn phẩm khác nhau.
Huệ Giao biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: