Con đường tơ lụa lương thực của Trung Quốc: Làm chủ cây trồng là làm chủ tương lai
Trong tất cả mọi thứ trên thế giới này, lương thực là một trong số ít những thứ có khả năng đoàn kết mọi người. Tuy nhiên, việc thiếu hụt lương thực có sức mạnh để làm điều hoàn toàn ngược lại, đưa con người đến bờ vực của sự điên loạn.
Ông Julian Cribb, một nhà văn khoa học lẫy lừng và là tác giả của cuốn “The Coming Famine” (tạm dịch: Nạn đói sắp đến), cảnh báo rằng tình trạng thiếu lương thực toàn cầu đang đến rất gần. Do tình trạng “thiếu nước, thiếu đất, và thiếu năng lượng cộng với nhu cầu tăng lên từ dân số và tăng trưởng kinh tế”, thế giới này chuẩn bị rất kém cho những điều khủng khiếp đang chờ đợi.
Theo nhà nghiên cứu Monica Caparas, “xác suất mất mùa năng suất được dự báo là cao hơn 4.5 lần vào năm 2030 và cao hơn tới 25 lần vào năm 2050 trên toàn cầu.” Các loại cây trồng có nguy cơ cao nhất là lúa, ngô, đậu tương, và lúa mì.
Một số quốc gia trên thế giới đang đối mặt với những thiệt hại lớn về mùa màng. Và Trung Quốc là một trong số đó.
Ngay lúc này đây, từ Quế Lâm đến Quảng Châu, tình trạng thiếu lương thực đang tồn tại, và người dân nơi đây không mấy vui vẻ. Người đói bụng là người nguy hiểm. Năm 1906, ông Alfred Henry Lewis tuyên bố, “Nhân loại và sự hỗn loạn chỉ cách nhau chín bữa ăn.” Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) biết quá rõ điều này, vì vậy họ đã dốc toàn lực để thiết lập một số hình thức an ninh lương thực.
Năm ngoái, ngay trước khi bắt đầu vụ thu hoạch mùa thu, Bloomberg đã công bố một văn bản ghi lại tình hình chung ở các tỉnh Cát Lâm, Liêu Ninh, và Hắc Long Giang, “nơi đang gieo trồng khoảng một nửa số ngô và đậu tương của Trung Quốc.”
Những tác giả này đã cảnh báo, cuộc khủng hoảng năng lượng không dứt của Trung Quốc đang tạo ra một cuộc khủng hoảng khác — cuộc khủng hoảng lương thực. Lấy những bất cập năng lượng của đất nước này kết hợp với các vấn đề ô nhiễm không khí nghiêm trọng, thế là quý vị có một đại họa rình rập mà vụ mùa gặt hái chính là nguyên nhân. Đó là lý do tại sao ĐCSTQ, trong một thời gian khá dài, đã nỗ lực thành lập các liên minh trên khắp thế giới, dựa vào đất đai ngoại quốc để cung cấp một số loại lương thực thiết yếu.
Hẳn là quý vị đã biết đến Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc (BRI, còn được gọi là “Một vành đai, Một con đường”), một chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng toàn cầu được ĐCSTQ thông qua. Con đường này đầy chông gai nguy hiểm, được xây đắp bằng nỗi ân hận xót xa cùng những giọt nước mắt của những quốc gia bị mắc vào nợ nần chồng chất.
Nhưng còn “Con đường Tơ lụa Lương thực”, một dự án kinh doanh do Bắc Kinh hậu thuẫn nhằm tìm cách định hình lại chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu thì sao?
Con đường đặc biệt này đang được tài trợ thông qua các khoản đầu tư nông nghiệp trên khắp thế giới, cũng như tiếp thu các công nghệ nông nghiệp mới. Con đường này bắt đầu từ Trung Quốc, đi vào Âu Châu, sau đó xuyên sang lục địa Phi Châu, đi qua các thành phố như Kigali, Lagos, Lomé, và Maputo.
Liên minh Trung Quốc- Phi Châu
Được khởi xướng vào năm 2017, Chiến lược Hợp tác Nông nghiệp Trung Quốc-Phi Châu tìm cách “tận dụng các nguồn lực công và tư của Trung Quốc (tài trợ, sản phẩm và công nghệ, kiến thức) để xúc tác, mở rộng quy mô và duy trì chuyển đổi nông nghiệp toàn diện”, theo trang Web của Liên minh cho một cuộc Cách mạng Xanh ở Phi Châu.
Xét đến 60% diện tích đất canh tác trên thế giới đang nằm ở Phi Châu, thì liên minh này là một điều may mắn cho Bắc Kinh. Bởi suy cho cùng thì, Trung Quốc, quê hương của 19% dân số thế giới, lại chỉ sở hữu 10% diện tích đất canh tác trên thế giới mà thôi.
Ba quốc gia Phi Châu có nhiều đất canh tác nhất — Mauritius, Rwanda, và Togo — đã nhận được những khoản đầu tư hậu hĩnh từ Bắc Kinh.
Vào tháng Một năm 2021, hiệp định thương mại tự do song phương (FTA) Trung Quốc-Mauritius, hiệp định FTA đầu tiên giữa Trung Quốc và một quốc gia Phi Châu, đã được ký kết và có hiệu lực. Chúng tôi đã được biết, hai nước này “công nhận rằng nông nghiệp là hoạt động cốt lõi của cả hai Bên, và rằng việc tăng cường lĩnh vực này có thể cải thiện chất lượng cuộc sống và thúc đẩy phát triển kinh tế.”
Trong khi đó, ở Rwanda, Trung Quốc đã đầu tư — và đang tiếp tục đầu tư — rất nhiều vào các sản phẩm và dịch vụ liên quan đến nông nghiệp. Chỉ riêng trong năm 2020, các công ty Trung Quốc đã đầu tư hơn 300 triệu USD vào quốc gia không giáp biển này, trong đó lĩnh vực nông nghiệp đang nhận được rất nhiều sự chú ý.
Ở Togo, các giao dịch tương tự đang diễn ra. Trong nửa đầu năm 2021, thương mại giữa Togo và Trung Quốc lên đến 380 triệu USD.
Theo tờ Nam Hoa Tảo Báo (SCMP), Trung Quốc dựa vào các quốc gia Phi Châu kể trên để nhập cảng nhiều mặt hàng lương thực, từ bơ đến hạt vừng, ớt cho đến hạt điều. Tháng Mười Hai năm ngoái, như tờ SCMP đã lưu ý, ĐCSTQ đã cam kết mở một số “‘làn đường xanh’ cho các sản phẩm nông nghiệp Phi Châu vào Trung Quốc để đạt được mục tiêu nhập cảng 300 tỷ USD.”
Từ tháng Một đến tháng Bảy năm ngoái, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Phi Châu đạt 139.1 tỷ USD. Sự phụ thuộc của Trung Quốc vào Phi Châu đối với các loại trái cây và rau quả, cũng như các loại đậu và các loại hạt, chưa kể đến công nghệ nông nghiệp của nước này, là không sao lột tả hết.
Theo các nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế, Nigeria, quốc gia phát triển nhanh nhất ở Phi Châu và là quê hương của một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, đã trở thành “một điểm đến nổi bật cho đầu tư trực tiếp nước ngoài trong sản xuất của Trung Quốc”. Người Trung Quốc tỏ ra đặc biệt quan tâm đến “chuyển giao công nghệ” và “liên kết đối tác mang tính kỹ thuật giữa các công ty.”
Năm ngoái, Đại sứ Trung Quốc tại Nigeria, ông Thôi Kiến Xuân (Cui Jianchun), cho biết ĐCSTQ đã xác định nông nghiệp là lĩnh vực chính cần những khoản đầu tư lớn. Theo ông Kiến Xuân, “Chúng tôi đã xác định được bốn lĩnh vực đáng kể để đầu tư vào, đó là đánh bắt cá, trồng lúa, trồng sắn, và trồng rừng.”
Nghiên cứu được xuất bản bởi De Boeck Supérieur khái quát cách mà ĐCSTQ đã tích cực đầu tư vào nông nghiệp Phi Châu trong suốt 30 năm qua, lên kế hoạch cho ngày mà nông dân của Trung Quốc không còn có thể trồng đủ các cây lương thực để nuôi sống người dân. Ngày đó đang đến rất nhanh rồi.
Liệu “Con đường Tơ lụa Lương thực” này có đủ để ngăn chặn một đại tai nạn khủng khiếp? Nói thật là, chỉ có thời gian mới có câu trả lời.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Chánh Tín biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times