Âm mưu của Bắc Kinh đằng sau Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Á Châu
Hôm 28/05, trong một bài diễn văn tại Căn cứ Liên hợp Langley-Eustis ở Hampton, Virginia, Tổng thống (TT) Joe Biden đã đưa ra những nhận xét đáng ngạc nhiên rằng Hoa Kỳ đang “trong một cuộc chiến giữa các nền dân chủ và các chế độ chuyên quyền,” và ông Tập Cận Bình “tin chắc rằng Trung Quốc, trước năm ’30, ’35, sẽ làm chủ nước Mỹ.”
Một số người có thể nghĩ rằng ông Biden đang hù dọa, nhưng thực tế là vì kể từ khi ông Tập đề xướng xây dựng “một cộng đồng chung tương lai,” Trung Cộng đã và đang khoa trương cho sự thống trị thế giới của họ. Tuy nhiên, để thống trị thế giới, Trung Cộng trước tiên phải đánh hạ Hoa Kỳ, và để làm được như vậy, trước tiên Trung Cộng phải làm lung lay vị thế quốc tế của đồng dollar Hoa Kỳ trong hệ thống thanh toán toàn cầu. Chính vì mục đích này mà Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Á Châu (AIIB) được thành lập.
Khi AIIB lần đầu tiên đi vào hoạt động vào năm 2016, Trung Cộng tuyên bố rằng đó là một ngân hàng đầu tư khu vực nhằm thúc đẩy sự kết nối và hội nhập kinh tế của các quốc gia Á Châu, tập trung vào rót vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng trong khu vực – bao gồm các khoản vay, các khoản đầu tư cổ phiếu, và các khoản bảo lãnh—để thúc đẩy đầu tư vào các lĩnh vực khác nhau như giao thông vận tải, năng lượng, viễn thông, nông nghiệp và phát triển đô thị.
Nhưng trên thực tế, AIIB đã và đang vươn ra các quốc gia trên toàn cầu kể từ khi thành lập. Theo cổng thông tin Baidu do Trung Cộng kiểm soát, tính đến tháng 07/2020, ngân hàng này đã lôi kéo được 103 quốc gia trở thành thành viên của nó, trải rộng khắp năm châu lục. Rõ ràng, tiền tố “Á Châu” xuất hiện trong tên của ngân hàng này, hay tâm điểm từng tự nhận là Á Châu của nó chỉ là bề mặt bên ngoài để che giấu ý định toàn cầu của Trung Cộng.
Hôm 04/04/2021, tờ People’s Daily của nhà cầm quyền Trung Cộng đã đăng một bài báo cho biết, “AIIB có thể được nâng cấp thành ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng thế giới một cách kịp thời”. Bài báo nói rằng khi đối mặt với đại dịch virus corona chủng mới và một loạt các cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu—và với sự thiếu hụt nguồn vốn khổng lồ của thế giới dành cho cơ sở hạ tầng—đã đến lúc cộng đồng quốc tế phải cải thiện hoặc thậm chí tái cấu trúc hệ thống tiền tệ quốc tế (the Bretton Woods system). Bài báo tiếp tục nói rằng, trong bối cảnh đó, có thể xem xét nâng cấp AIIB thành ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng toàn cầu để cung cấp vốn và sự hỗ trợ khác cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng đủ điều kiện trên toàn thế giới.
Những kế hoạch ẩn giấu của Bắc Kinh đằng sau AIIB
Trung Cộng có những kế hoạch ẩn sau đây khi thành lập AIIB:
Đầu tiên, Trung Cộng sẽ sử dụng AIIB để phát hành Đơn vị Tiền tệ Á Châu (ACU) trên toàn cầu, qua đó thay thế đồng dollar Hoa Kỳ trong thanh toán quốc tế.
Ngày 29/10/2014, tờ China Daily của nhà cầm quyền Trung Cộng đã đăng một bài báo có tựa đề “AIIB trở thành một ‘Công cụ Mạnh mẽ’ để thách thức quyền bá chủ của đồng dollar Hoa Kỳ.” Tờ báo này nêu rõ: “Mặc dù Nhật Bản, Nam Hàn, Indonesia và Úc đã từ chối hỗ trợ AIIB do áp lực từ chính phủ TT Obama, nhưng sự ủng hộ của hầu hết các nước Á Châu phản ánh rằng các cố gắng của Tòa Bạch Ốc nhằm làm suy yếu hội nhập khu vực là rất hạn chế khi đối mặt với ngoại giao đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Nói tóm lại, sự ra đời của một cơ chế mới sẽ thách thức một cách công khai các nguyên tắc trụ cột của hệ thống Bretton Woods và thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang một mô hình quản trị mới đặt trọng tâm vào khu vực hóa tài chính. Có lẽ đến một lúc nào đó, kỷ nguyên của Hoa Kỳ sẽ sụp đổ trước bình minh của một Á Châu đặt trọng tâm vào sự trỗi dậy đa cực của Bắc Kinh.”
Theo Yahoo, vào ngày 16/12/2019, ACU đã chính thức ra mắt tại Hồng Kông, và được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những ứng dụng hàng đầu thế giới với sự tín nhiệm, ảnh hưởng, và lượng thành viên tham gia lớn nhất trên thế giới.
Thứ hai, Trung Cộng thúc đẩy toàn cầu hóa đồng nhân dân tệ của Trung Quốc thông qua AIIB.
Ngày 13/02/2017, ông Sheng Songcheng, Giám đốc Cục Điều tra và Thống kê của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, nói với tờ People’s Daily của Trung Cộng rằng với việc tạo thuận lợi hơn nữa cho thương mại và đầu tư ở các nước theo Sáng kiến Vành đai & Con đường (BRI), hợp tác kinh tế và tài chính giữa Trung Quốc và các nước dọc theo tuyến đường này sẽ trở nên chặt chẽ hơn. Việc thành lập AIIB và Quỹ Con đường Tơ lụa sẽ thúc đẩy việc mở cửa cho tài khoản vốn của Trung Quốc và tiến trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ của Trung Quốc.
Thứ ba, Trung Cộng đang sử dụng quyền chủ sở hữu và quyền chủ nợ của AIIB để ràng buộc các nước thành viên nhằm cô lập Hoa Kỳ trên trường quốc tế.
Ngày 30/03/2015, tờ International Business Times đã đăng một bài báo có tựa đề “‘Nhóm bằng hữu’ của AIIB mở rộng đến 42 quốc gia, Hoa Kỳ ngày càng bị cô lập.” Bài báo nêu rõ rằng, “Hoa Kỳ đang ngày càng bị cô lập khi ngày càng có nhiều đồng minh của Hoa Kỳ xin gia nhập AIIB do Trung Quốc dẫn dắt.”
Theo báo cáo của Yahoo, Trung Cộng sử dụng BRI để cung cấp các khoản vay chiến lược cho các nước nhỏ và dễ bị tổn thương, đồng thời theo đuổi “ngoại giao nợ” ở 16 quốc gia, bao gồm cả Pakistan và Sri Lanka, để có được các nguồn lực chiến lược và mở rộng ảnh hưởng chính trị của mình tại khu vực Á Châu-Thái Bình Dương. Báo cáo nêu rõ, học giả Ấn Độ Qirani cho rằng BRI và AIIB của Bắc Kinh thực chất là “chủ nghĩa đế quốc tín dụng,” sử dụng các khoản vay giá rẻ để đe dọa và trói buộc các quốc gia đối tác và tước đoạt tài sản tự nhiên của các quốc gia này.
Ví dụ, vào năm 2017, dưới áp lực bởi khoản nợ vay quá lớn đối với Bắc Kinh, Sri Lanka đã phải ký hợp đồng cho thuê 99 năm quyền sử dụng Cảng Hambantota của mình. Thỏa thuận đã mang lại cho Trung Cộng một vị trí chiến lược quan trọng dọc theo các tuyến vận tải thương mại và quân sự, đồng thời làm dấy lên báo động ở các nước khác tham gia vào các dự án BRI.
Thứ tư, AIIB được sử dụng để thúc đẩy xuất cảng năng lực sản xuất dư thừa của Trung Quốc.
Theo báo cáo của Yahoo, thông qua Ngân hàng Xuất nhập cảng Trung Quốc và Ngân hàng Phát triển Trung Quốc của AIIB, Trung Cộng thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng BRI bằng cách từ chối đấu thầu cạnh tranh và giao các hợp đồng béo bở trực tiếp cho các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc, vốn có ít động lực để quan tâm đến các mối lo ngại của người dân địa phương. Một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, một tổ chức tư vấn của Hoa Thịnh Đốn, cho thấy 89% tất cả các dự án cơ sở hạ tầng do Bắc Kinh tài trợ đều do các công ty Trung Quốc thực hiện.
Quốc hội Canada khuyến nghị rút khỏi AIIB
Theo thông tin của Apple Daily vào ngày 18/02/2021, Ủy ban Tài chính của Hạ viện Canada đã công bố một báo cáo khuyến nghị Canada rút đầu tư khỏi AIIB do Trung Cộng dẫn dắt. Ông Wayne Easter, chủ tịch ủy ban và là thành viên cao cấp của Đảng Tự Do cầm quyền, nói rằng chính phủ Canada cần nhận ra mối đe dọa nghiêm trọng mà Trung Cộng gây ra đối với các nền dân chủ phương Tây, cũng như ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Cộng tại Canada, vốn đang tích cực thâm nhập vào mọi tầng lớp cuộc sống ở Canada.
Năm 2017, chính phủ Thủ tướng Trudeau đã đóng góp 995 triệu USD để tham gia AIIB, một hành động mà Đảng Bảo Thủ (Conservative Party) luôn phản đối. Ngoài ra, theo báo cáo này, Global Affairs Canada đã cảnh báo rằng động cơ của Bắc Kinh khi thành lập ngân hàng này là sử dụng ảnh hưởng kinh tế của mình để xuất cảng mô hình quản trị độc tài của họ ra khắp thế giới.
Ông Gu Feng là một người kỳ cựu trong giới truyền thông từ Trung Quốc đại lục, người đã dành nhiều năm để đưa tin về các vấn đề chính trị, kinh tế và xã hội của đất nước. Ông hiện đang sống ở Hoa Kỳ.
Quan điểm trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Gu Feng thực hiện
Kim Liên biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: