Phương pháp giáo dục con của người xưa: Yêu thương nhưng không được nuông chiều
Giáo dục gia đình là vỡ lòng của nhân sinh, có tác dụng ảnh hưởng tới cả cuộc đời của một con người, so với giáo dục ở trường lớp và xã hội thì nó càng có ảnh hưởng sâu xa.
Nhìn chung, hiện trạng giáo dục gia đình ngày nay tồn tại một số khuynh hướng, ví như: 1. Đặt nặng vấn đề học tập tri thức, xem nhẹ giáo dục đạo đức làm người; 2. Nặng về bảo hộ che chở, xem nhẹ giáo dục con tự lập; 3. Coi trọng vật chất, xem nhẹ tinh thần; 4. Chỉ giáo dục suông, không lấy bản thân làm gương mẫu; 5. Nặng về quản thúc kiểm soát, xem nhẹ việc dẫn dắt tích cực.
Vấn đề giáo dục gia đình này là giáo dục nhân sinh rất quan trọng, nhiều bậc cha mẹ chưa hiểu được tầm quan trọng của nó, cũng không quá coi trọng về hành vi. Rất nhiều người thậm chí còn suy nghĩ rằng: “Từ xưa đến nay, cha mẹ giáo dục con cái, nào có nói trách nhiệm gì, nguyên tắc gì? Con của mình, thích quản như thế nào thì quản như thế ấy”.
Trên thực tế, trong văn hóa truyền thống luôn có truyền thống tốt đẹp là coi trọng giáo dục gia đình.
Người xưa xem giáo dục con cái là nhiệm vụ quan trọng trong cuộc đời
Gia đình thời cổ đại là một đơn vị sinh hoạt, cũng là một đơn vị sản xuất và đơn vị giáo dục. Người xưa rất coi trọng mối liên hệ giữa tề gia và trị quốc.
Trong “Lễ Ký – Đại học” có viết: “Cổ chi dục minh đức vu thiên hạ giả, tiên trị kỳ quốc; dục trị kỳ quốc giả, tiên tề kỳ gia; dục tề kỳ gia giả, tiên tu kỳ thân.” (Tạm dịch: Điều mong muốn của người xưa là làm đức sáng tỏ trong thiên hạ, do vậy trước tiên họ phải lo quản lý quốc gia của mình; người muốn quản lý quốc gia, trước hết phải quản lý gia đình của mình cho tốt; người muốn tề gia, trước hết phải tu dưỡng bản thân).
Nói cách khác, người xưa cho rằng: “Thân tu nhi hậu gia tề, gia tề nhi hậu quốc trị, quốc trị nhi hậu thiên hạ bình” (Tạm dịch: Tu dưỡng bản thân rồi thì mới quản lý gia đình, tề gia được rồi thì mới lo liệu cho quốc gia, lo liệu quốc gia được thì thiên hạ mới yên ổn). Bởi vì “Thiên hạ chi bản tại quốc, quốc chi bản tại gia, gia chi bản tại thân” (Gốc của thiên hạ là ở quốc gia; gốc của quốc gia là ở gia đình; gốc của gia đình là ở mỗi người).
Điều này đã nói rõ mối quan hệ giữa con người, gia đình và quốc gia, trị quốc bắt đầu từ trị gia, trị gia bắt đầu từ giáo dục con cái. Xuất phát từ mục đích “tề gia trị quốc” này, người xưa coi giáo dục gia đình là “nền tảng của quốc gia”, hết sức coi trọng tác dụng của giáo dục gia đình.
Người xưa coi việc giáo dục con cái là trách nhiệm quan trọng của bậc làm cha mẹ, nuôi con phải dạy dỗ, nuôi mà không dạy thì không chỉ nguy hại cho mình, cũng gây nguy hại cho người khác, lại càng nguy hại hơn cho đất nước. Triết học gia Trình Di thời Tống có nói: “Nhân sinh chi nhạc, vô như độc thư; chí yếu, vô như giáo tử” (Tạm dịch: Niềm vui của đời người không gì sánh bằng đọc sách; điều trọng yếu nhất của cuộc đời không gì ngoài giáo dục con cái).
Nho gia nổi tiếng Phương Hiếu Nhụ thời Minh từng nói: “Ái tử nhi bất giáo, do vi bất ái dã; giáo nhi bất dĩ thiện, do vi bất giáo dã” (Tạm dịch: Yêu thương con cái mà không giáo dục cũng bằng như không thương; giáo dục con cái mà không dùng thiện, cũng xem như không giáo dục vậy).
Đối với xã hội ngày nay thì những quan niệm này của người xưa vẫn có ý nghĩa thực tế sâu sắc.
Giáo dục gia đình xưa chú trọng giáo dục lập chí
Có câu rằng: “Nhân bất lập chí, phi nhân dã” (Tạm dịch: Người không lập chí hướng, thì không thành người). Người xưa giáo dục con cái rất chú trọng tạo lập chí hướng cao xa, làm một người chính trực. Nhan Tử Thôi nói: “Hữu chí thượng giả, toại năng ma lệ dĩ tựu tố nghiệp, vô lý lập giả, tự tư đọa mạn, tiện vi phàm nhân” (Tạm dịch: Người có chí hướng thì có thể tôi luyện để thành tựu sự nghiệp, người không dựng lập chí hướng địa vị, ý chí tự rơi rụng hao mòn, ấy là người tầm thường).
Người xưa không chỉ cho rằng lập chí là quan trọng, mà còn đề ra lập “Chí” như thế nào cho tốt. Dương Kế Thịnh thời Minh nói rằng: Người cần phải lập chí… Con nỗ lực lập chí muốn làm người quân tử, thì không so đo làm quan hay không làm quan, người người đều kính trọng con, cho nên ta muốn ngươi trước tiên phải lập nên chí khí.
Có thể thấy rằng, người xưa cũng không phải quá coi trọng việc làm quan, mà là nhấn mạnh phải hiểu đạo lý, trước tiên cần phải làm một bậc quân tử chính trực.
Quan điểm “lập chí” và “làm người” này gắn liền với nhau. Trong thời đại ngày nay, quan điểm này xem ra đã trở thành một điều hiếm thấy. Chúng ta thường xuyên nghe được cha mẹ nói với con cái phải như thế này như thế kia, tương lai sẽ trở thành “chuyên gia” này, “lãnh đạo” kia, “giáo sư” nọ. Xã hội dĩ nhiên cần các “chuyên gia”, “giáo sư” hay “lãnh đạo”, nhưng nếu muốn xây dựng nên một xã hội an bình ổn định, thì càng cần những con người lòng mang chí lớn, chính trực thấu hiểu đạo lý làm người.
Trung Quốc thời cổ đại có rất nhiều thời đại huy hoàng, nếu để tâm nghiên cứu thì sẽ phát hiện, điều này liên quan trực tiếp đến việc người xưa am hiểu giá trị nhân sinh và giáo dục đạo đức, coi trọng đạo lý “trước tiên phải làm người thì mới có thể làm việc”.
Người xưa giáo dục con cái chú trọng giáo dục cần kiệm giản dị, liêm khiết
Lấy cần kiệm làm gốc, trân quý từng manh áo từng hạt cơm, đây là một phần giáo dục vỡ lòng về đạo đức nhân sinh. Giáo dục gia đình Trung Quốc cổ đại cũng tôn sùng cần cù, tiết kiệm, giản dị, cho rằng con người từ tiết kiệm đi đến xa hoa rất dễ, từ xa hoa về tiết kiệm thì rất khó.
Trong lịch sử, rất nhiều bậc cổ nhân đã lưu lại gia huấn. Họ không phải là do nghèo túng đói khổ mới nói đến giản dị, mà là họ hiểu rất rõ việc “Thành bởi cần kiệm, bại bởi xa hoa”, coi giản dị tiết kiệm là một đức tính tốt đẹp trong cuộc đời.
Đạo lý này cũng không thâm sâu huyền diệu, càng chẳng phải mới lạ, nhưng rất nhiều cha mẹ ngày nay dường như biết rất ít. Ngày nay, có không ít người thường hay nói rằng: “Chỉ có mỗi đứa con này, tiền không tiêu cho nó thì tiêu cho ai?”. Những người làm cha mẹ khác ngậm đắng nuốt cay, không có được bao nhiêu tiền cũng cho là như thế: “Chúng ta khi còn nhỏ đã đủ khổ rồi, để cho con cái chúng ta lãng phí nhiều chút nữa cũng không có gì là quá đáng”. Chính vì có tư tưởng như vậy, có không ít gia đình đã thất bại trong giáo dục con trẻ. Còn người xưa được giáo dục, đều là hiểu được “từng muỗng cháo miếng cơm, nên nghĩ có được không dễ; nửa sợi tơ miếng vải, luôn nhớ công sức làm ra thật khó”.
Ngoài ra, hiện nay có không ít người đã đánh mất đạo đức truyền thống tốt đẹp, thường cho rằng để cho con cái hưởng thụ là một “trách nhiệm quan trọng” của người làm cha mẹ. Kỳ thực, cứ tiếp tục như thế, đứa trẻ sau khi lớn lên sẽ có tố chất tâm lý, năng lực chịu đựng cũng như ý chí tương đối kém, khó khăn gian khổ khó lòng vượt qua.
Giáo dục gia đình xưa không chỉ tôn sùng cần kiệm, mà còn chú trọng giáo dục chính trực liêm khiết, coi trọng “thanh bạch truyền gia”. Trong “Hán thư – Sơ Quảng truyện” có viết: Khi Sơ Quảng cáo lão hồi hương, mang về không ít vàng bạc do Hoàng đế và Thái tử ban tặng. Ông dùng số tiền này mỗi ngày mở tiệc chiêu đãi bạn bè thân thích ở quê, khi tiền xài gần hết, cháu của Sơ Quảng bèn lén nhờ người khuyên Sơ Quảng chừa lại chút tiền cho con cháu mua ít ruộng đất. Sơ Quảng nghe xong bèn nói, “Tôi không phải là không cân nhắc đến con cháu đời sau, tôi nghĩ nếu như chúng có thể cần cù chăm chỉ cày cấy, số ruộng đất có sẵn trong nhà là có thể duy trì cuộc sống bình thường. Bây giờ nếu lại cho chúng thêm tiền tài, chẳng phải là dạy chúng lười biếng sao?”.
Bên cạnh câu nói của Lâm Tắc Từ “Khai nhãn khán thế giới đệ nhất nhân” có một đôi câu đối: “Con cháu nếu như ta, lưu tiền lại để làm gì? Hiền đức mà nhiều tiền, thì hao hết ý chí; Con cháu không như ta, lưu tiền lại để làm gì? Ngu dốt mà nhiều tiền, thì càng thêm ngu dốt.” (“Tử tôn nhược như ngã, lưu tiền tố thập ma? hiền nhi đa tài, tắc tổn kỳ chí; tử tôn bất như ngã, lưu tiền tố thập ma? ngu nhi đa tài, ích tăng kỳ quá.”)
Những ví dụ này đều cho chúng ta biết rằng, thực sự lo nghĩ cho lợi ích lâu dài của con cháu, thì nên dùng nghĩa để giảng rõ, dùng nghĩa để giáo huấn, mà không phải lấy lợi để lưu lại.
Người xưa dạy con không tán thành nuông chiều
Người xưa dạy con chú trọng “từ ái” và phản đối “nịch ái” (nuông chiều). Điều này càng có ý nghĩa thực sự. Hàn Phi Tử từng nói: “Cha nghiêm khắc thì trong nhà sẽ không có kẻ ngỗ ngược, còn mẹ hiền từ thì sẽ có con hư” (“Phu nghiêm gia vô hãn lỗ, nhi từ mẫu hữu bại tử”). Tư Mã Quang cũng nói: “Người làm mẹ, không nên lo không hiền từ, mà nên lo rằng chỉ biết yêu thương mà không biết dạy dỗ”. Họ cho rằng tình yêu thương cha mẹ cần phải sáng suốt mà có chừng mực, mới có thể có được tác dụng tích cực. “Quá yêu thương thì cho con chu đáo đầy đủ, quá lo lắng thì vất vả”, như vậy sẽ làm cho con trẻ dưỡng thành tính cách tùy hứng, kiêu ngạo, thậm chí lầm đường lạc lối. Vậy nên người xưa nói: Yêu thương nhưng không được nuông chiều.
Câu nói “Từ mẫu bại tử” (Mẹ hiền có con hư) là đạo lý mà người xưa đúc rút ra bài học giáo huấn cho chính mình. Đạo lý này giống như lời cảnh báo, nhắc nhở những bậc cha mẹ không nên nuông chiều con cái, mà nên chú trọng giáo dục luân lý đạo đức làm người.
Lục Nam biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ