Phụ nữ La Mã và những di sản quý báu về tình mẫu tử
Suốt hàng ngàn thế kỷ sau khi ra đời vào năm 753 TCN, đế chế La Mã đã khắc sâu trong những người đàn ông của mình “đức hạnh”, một từ rất có trọng lượng và ý nghĩa: nam tính, lòng dũng cảm, nhân cách và giá trị bản thân. Cùng với “pietas” – sự tôn trọng đối với các vị thần, đất nước và gia đình – đức hạnh đã sản sinh ra các công dân, binh lính và các nhà lãnh đạo, những người giúp mở rộng quyền lực và sức ảnh hưởng của La Mã từ một ngôi làng nhỏ trên sông Tiber đến các vùng đất xa xôi như Anh Quốc, Ai Cập và Syria.
Khi chúng ta đọc về những anh hùng La Mã của chế độ quân chủ (753–509 TCN) và cộng hòa (509–27 SCN), một số họ gần như được xem là thần thoại, ví như người sáng lập Romulus hoặc chiến binh hùng mạnh Horatius Cocles, những nhân vật lịch sử khác như vị tướng vĩ đại Scipio Africanus hay nhà triết học-chính khách Cicero. Chúng ta thấy những đức tính đó qua hành động của họ.
Trong bài thơ sử thi “The Aeneid”, Virgil đã pha trộn hai yếu tố đức hạnh và “pietas”, sau đó đưa chúng vào nguyên mẫu các anh hùng La Mã, “Pius Aeneas” hoặc “Pious Aeneas”. Đây là chiến binh dẫn đầu những người thành Troy sống sót thoát khỏi biển lửa. Người đàn ông mang sứ mệnh đó cùng với những người đồng hành đã tìm kiếm quê hương mới trên mảnh đất Địa Trung Hải.
Trong các bộ phim như “Gladiator” và “Quo Vadis”, các nhà biên kịch và đạo diễn cho chúng ta cái nhìn thoáng qua về những người đàn ông từng thực hành những đức tính đó – những người mà với họ, đức hạnh và “pietas” là nền tảng của nhân cách và phẩm giá.
Nhưng phụ nữ La Mã thì sao? Họ có được giáo dục theo một bộ quy tắc? Có phải họ cũng sống theo một tập hợp các giá trị đáng trân trọng của nền văn hóa? Họ không góp phần xây dựng nên thành Rome? Và liệu những con người hiện đại như chúng ta, đặc biệt là phụ nữ, có thể kết nối với họ ngày nay không?
Phụ nữ La Mã: Một cái nhìn tổng quan
Mặc dù về mặt lý thuyết, La Mã là một xã hội phụ hệ, nghĩa là người cha sở hữu quyền sinh quyền sát đối với vợ và con của mình, nhưng họ hiếm khi thực hiện quyền này. Phụ nữ La Mã có nhiều quyền tự do hơn so với phụ nữ Hy Lạp và phụ nữ các quốc gia khác.
Như Will Durant cho chúng ta biết về Rome trong tác phẩm đồ sộ của ông, “Câu chuyện về nền văn minh” (The Story of Civilization), một phụ nữ La Mã tự do có thể mua sắm ở chợ, cô ấy không bị giới hạn trong bốn bức tường nhà và cô ấy đã đóng một vai trò tích cực trong việc quản lý các gia nhân và tài chính của gia đình. Cô ấy có thể ngồi dệt vải bên khung cửi – một hình ảnh của sự tôn trọng và tôn kính giống như thành ngữ Mỹ của chúng ta “tình mẫu tử và chiếc bánh táo”. Cô ấy cũng có thể sở hữu một doanh nghiệp và thừa kế tài sản.
Mặc dù bị cấm bỏ phiếu, phụ nữ La Mã vẫn tác động đến chính phủ thông qua nhiều cách thức. Durant đưa ra một số ví dụ về sức mạnh tiềm ẩn này trong “Câu chuyện về nền văn minh”. Chẳng hạn, Cato (234–149 TCN) phàn nàn về sự gia tăng quyền lực và tình yêu những thứ xa xỉ của phụ nữ, ông than thở rằng: “Tất cả những người đàn ông khác đều thống trị phụ nữ; nhưng người La Mã chúng tôi, những người thống trị thế giới, lại bị cai trị bởi những người phụ nữ của mình.” Khi những người phụ nữ tự do của Rome bước vào Công trường La Mã và phản đối đạo luật cấm họ đeo đồ trang sức bằng vàng hoặc mặc váy sặc sỡ, Cato đã tố cáo họ. Ông nói trong một bài phát biểu được nhà sử học Livy tường thuật lại rằng “kể từ thời điểm họ đứng ngang hàng với quý vị, họ sẽ trở thành thầy của quý vị.”
Cato thua kiện. Những người phụ nữ chế giễu ông, tiếp tục nhu cầu những thứ xa xỉ của họ, và luật đã bị bãi bỏ.
Thời gian trôi qua, phụ nữ ngày càng giành được nhiều quyền tự do cá nhân hơn. Theo Durant, “Pháp luật khiến phụ nữ phụ thuộc, còn phong tục khiến họ tự do.”
Sự nữ tính
Dù ngày càng tự do, nhưng hầu hết các công dân nữ này vẫn tận tụy với chồng con trong suốt thời kỳ La Mã. Họ cuốn len, giám sát việc giáo dục, nuôi dạy con trai và con gái của họ, và thờ phượng các vị thần hộ mệnh. Durant đề cập đến các tấm bia trên lăng mộ những người phụ nữ để thấy chồng con họ thành tâm với họ như thế nào. Một tấm bia viết: “Gửi người vợ thân yêu của tôi, tôi đã cùng cô ấy trải qua 18 năm hạnh phúc. Vì tình yêu với cô ấy, tôi thề không bao giờ tái hôn.” Một tấm bia khác viết, “Tro cốt của Urbilia, vợ của Primus, được đặt tại nơi đây. Cô ấy yêu tôi hơn cả cuộc đời. Cô ấy qua đời ở tuổi 23 và được mọi người yêu quý. Vĩnh biệt em, niềm an ủi của tôi!”
Theo Durant, nhiều phụ nữ giàu có đã tham gia vào các hoạt động xã hội và từ thiện cho cộng đồng. Họ thậm chí còn tài trợ tiền xây dựng đền thờ và nhà hát cho thị trấn.
Trong thời kỳ bị đàn áp và xung đột dân sự, những người phụ nữ mạnh mẽ này đã không chút sợ hãi; họ bảo vệ chồng, con và bạn bè của họ. Trong chương “Epicurean Rome: 30 B.C.–A.D. 96”, Durant liệt kê một danh sách những người bảo vệ tổ ấm nổi tiếng trong khoảng thời gian thường xuyên hỗn loạn đó: “Epicharis, người phụ nữ tự do, người chịu mọi đau khổ hơn là phản bội ý định của Piso; rất nhiều phụ nữ đã che giấu và bảo vệ chồng mình khi anh ta bị trục xuất, cùng họ đi đày, hay như Fannia, vợ của Helvidius, đã bảo vệ anh dù phải chịu đựng rủi ro và cái giá rất lớn.”
Những người mẹ
Chung số phận với những người phụ nữ, hầu hết các bà mẹ La Mã cổ đại vẫn vô danh với thế hệ ngày nay, nghĩa vụ và hành động của họ đã biến mất trong sương mù của lịch sử. Tuy nhiên, câu chuyện về một người đàn bà La Mã góa chồng sau đây có thể được coi là tiêu biểu cho tình mẫu tử thời đó.
Cornelia, con gái của Scipio Africanus, là vợ của Tiberius Gracchus và là mẹ của 12 người con, nhưng chỉ có 3 người trong số đó sống sót đến tuổi vị thành niên. Sau cái chết của chồng, Cornelia luôn muốn bảo đảm rằng hai con trai của cô, Tiberius và Gaius, sẽ được giáo dục tốt nhất. Cô thuê các gia sư tiếng Hy Lạp để dạy con hùng biện và chính trị, và những người khác đã đào tạo chúng rất tốt về binh pháp và cưỡi ngựa. Sau này, khi trưởng thành, hai con trai cô ủng hộ các cải cách hiến pháp nhưng không may bị ám sát.
Chuyện kể rằng một người phụ nữ đến thăm Cornelia đã cho cô ấy xem một số đồ trang sức mới mua và sau đó hỏi: “Đồ trang sức của cô đâu, Cornelia?” Cornelia gọi Tiberius và Gaius, vòng tay qua hai người con trai và nói, “Đây là món đồ trang sức của tôi.”
Chúng ta có thể không biết nhiều về những người vợ và người mẹ này, nhưng như Durant đã nói với chúng ta, ngay cả trong những ngày đầy nguy hiểm và suy đồi, khi các hoàng đế như Caligula và Nero cai trị La Mã, “lòng chung thủy trong hôn nhân và đức hy sinh của họ đã duy trì toàn bộ cấu trúc trong đời sống xã hội La Mã”. Tôn trọng những hy sinh, sức mạnh và sự tận tụy của các bà mẹ La Mã là những người con trai mà họ đã nuôi dưỡng, những người đã chinh phục và thống trị rất nhiều quốc gia.
Những người phụ nữ của Virgil
Trong tác phẩm “Aeneid”, Virgil tạo ra ba hình tượng người phụ nữ cũng là hình mẫu cho sự nữ tính. Khi họ đang chạy trốn khỏi thành Troy, Creusa, vợ của Aeneas, đã bị ly tán khỏi chồng mình và qua đời trong đám cháy. Khi Aeneas quay lại tìm cô, hồn ma của Creusa xuất hiện và thúc giục anh ta bỏ trốn, cô tiên tri rằng anh ta sẽ tìm thấy một vùng đất và một người vợ mới.
Trên hành trình tìm kiếm quê hương này, Aeneas gặp Dido, nữ hoàng của Carthage – thành phố sau này trở thành kẻ thù truyền kiếp của Rome. Bà góa Dido có một số đặc điểm tính cách mà Virgil cho rằng xuất hiện ở những người phụ nữ giàu có cùng thời với ông: sắc đẹp, trí tuệ và sự sáng suốt, tham vọng và sẵn sàng sử dụng quyền lực.
Nữ thần Venus, người bảo vệ và là ân nhân của quân thành Troy, cũng là mẹ của Aeneas. Giống như tất cả những bà mẹ La Mã tốt đẹp khác, bà luôn dõi theo con trai mình, cố gắng bảo vệ con trai khỏi những tổn hại, đặc biệt là khỏi nữ hoàng cay nghiệt của các vị thần, Juno. Cuối cùng, bà cũng bày tỏ rõ tình yêu của mình dành cho con trai.
Những người phụ nữ Mỹ
Durant viết: “Chính La Mã, không phải Hy Lạp, đã nâng gia đình lên một tầm cao mới trong thế giới cổ đại.” Chúng ta có thể nói thêm rằng những người mẹ và người vợ La Mã đóng một vai trò quan trọng trong việc đạt được những đỉnh cao đó.
Ngày nay, vẫn còn bằng chứng về di sản của những gia đình gắn bó khăng khít và các bậc cha mẹ tận tụy vô danh. Vượt qua 2,000 năm, bất chấp sự hỗn loạn trong nền văn hóa của chúng ta, những người vợ và người mẹ hiện đại, những người không bao giờ có tên trong sử sách, vẫn là nền tảng của cả gia đình và xã hội Mỹ.
Người mẹ mang thai trông có vẻ mệt mỏi với ba đứa con nhỏ đang ngồi trước mặt tôi tại nhà thờ sáng nay là người kế thừa và lưu giữ những đức tính làm mẹ của người La Mã cổ. Những cử chỉ và lời thì thầm của cô ấy với những đứa con mình cho tôi hiểu rằng cô ấy, giống như những người phụ nữ La Mã, yêu thương con và đang coi sóc từng hành vi của con, giáo dục chúng và dạy chúng tôn kính Đức Chúa Trời. Hãy vận cho cô ấy một chiếc áo dài và thắt nơ, đưa cô ấy trở lại Rome của Julius Caesar, và cô ấy sẽ thấy vinh dự như một người phụ nữ đức hạnh.
Năm 1865, William Ross Wallace, một nhà thơ người Mỹ bị lãng quên, đã sáng tác một bài thơ có câu sau: “Bàn tay đưa nôi là bàn tay thống trị thế giới.”
Thiên An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times