Mẹ và con trai: Câu chuyện về bà Abigail Adams và Tổng thống John Quincy Adams
Bà Abigail Smith Adams và bà Barbara Bush là hai đệ nhất phu nhân duy nhất trong lịch sử Hoa Kỳ vừa là vợ của một vị Tổng thống vừa là mẹ của một Tổng thống khác.
Bà Abigail Smith Adams (1744-1818) là ái nữ của William Smith và Elizabeth Smith. Cha bà là một mục sư truyền giáo, mẹ bà xuất thân từ gia tộc Quincy, một gia tộc chính trị nổi tiếng ở thuộc địa Massachusetts. Bà Abigail được mẹ dạy học tại gia và được sử dụng miễn phí các thư viện lớn thuộc sở hữu của dòng tộc, bao gồm cả thư viện của cha bà. Bà Abigail tự học là chính và bà đã trở thành một trong những đệ nhất phu nhân uyên bác nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.
Cuộc hôn nhân của trái tim và trí óc
Năm 1764, bà Abigail kết hôn với một người anh họ xa tên là John Adams – người hành nghề luật sư và điều hành trang trại bán thời gian phát đạt. Vợ chồng bà sinh được 6 người con, 4 người trong số họ đã chết trước khi bà qua đời vì bệnh thương hàn.
Từ tất cả các bằng chứng về tình yêu của ông John và bà Abigail, bà Abigail đóng vai trò là cố vấn thân cận nhất của ông John, đến nỗi trong thời gian họ ở Tòa Bạch Ốc, một số kẻ thù của chồng bà gọi bà Abigail là “Bà Tổng thống”. Bà nghiên cứu lịch sử, đặc biệt là lịch sử của người Hy Lạp và La Mã, đồng thời là người nhiệt tình ủng hộ Cách mạng Hoa Kỳ, sớm vận động cho nữ quyền, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục. Những chồng thư qua lại của bà cho thấy bà có một đầu óc nhanh nhẹn, hoạt bát và rất am hiểu chính trị.
Vì ông John thường xuyên vắng nhà để giải quyết các vấn đề của cuộc Cách mạng và những ảnh hưởng của nó, bà Abigail phải một mình gánh vác nhiều trách nhiệm: giám sát công việc ở trang trại, quản lý các khoản đầu tư và tài khoản gia đình, cũng như giám sát việc học hành của con cái, bao gồm cả việc học hành của cậu con trai là John Quincy Adams (1767-1848), người sau này trở thành tổng thống thứ 6 của Hoa Kỳ (1825-1829).
‘Trách nhiệm lớn lao đòi hỏi đức hạnh lớn lao’
Cả ông John và bà Abigail đều không ngừng khuyến khích con cái mình rèn luyện nhân đức, kế thừa nguyên tắc di sản của gia đình, chăm chỉ học tập và học hỏi từ thế giới xung quanh. Dù John Quincy còn nhỏ tuổi, phải xa mẹ vài năm để theo đoàn ngoại giao của cha tới Châu Âu, bà Abigail vẫn tiếp tục hướng dẫn cậu con qua thư từ về cách sống một cuộc đời đức hạnh. Khi cậu bé 12 tuổi và miễn cưỡng thực hiện chuyến đi thứ hai xuyên Đại Tây Dương cùng cha, bà Abigail khích lệ con tham gia cuộc hành trình bằng những lời động viên như sau:
Đây là khoảng thời gian một thiên tài mong muốn được trải nghiệm, tuy nó không phải là một cuộc sống êm đềm, không phải là một nhà ga tĩnh lặng trong giờ nghỉ nhưng sẽ là khoảng thời gian những khí chất vĩ đại được hình thành. Thói quen của một trí tuệ đầy sinh lực sẽ dần được bồi đắp khi luôn phải đối mặt với những khó khăn. Trách nhiệm lớn lao đòi hỏi đức hạnh lớn lao. Khi lý trí được khơi dậy và được cổ vũ bởi những cảnh tượng đi vào lòng người, những phẩm chất tiềm tàng sẽ thức tỉnh, hình thành nên tính cách của người anh hùng, cũng như của một chính khách.
Đây là lời kêu gọi lòng can đảm và sự gan dạ thường thấy ở một người mẹ thời La Mã cổ đại hơn là của các bà mẹ Hoa Kỳ.
Giáo dục và khích lệ tinh thần
Cả bà Abigail, ông John Adams và một số gia sư cũng hướng dẫn việc học cho John Quincy. Họ đặc biệt đề cao tầm quan trọng của môn lịch sử và triết học. Vì vậy thời trẻ, ông đã sớm dịch các tác phẩm lớn của các nhà văn như Thucydides, Plutarch và Aristotle. Khi John Quincy trở về từ Châu Âu năm 14 tuổi, ông đã làm phiên dịch tiếng Pháp cho một phái đoàn ngoại giao tới Moscow. John Quincy đã vào Đại học Harvard và có thành tích học tập xuất sắc.
Trong cuốn tiểu sử của “John Quincy Adams” được xuất bản năm 2002, sử gia Robert V. Remini viết về bà Abigail “là một người phụ nữ kiên cường với trí thông minh cùng sự quyết tâm vượt trội, một người phụ nữ có tiêu chuẩn đạo đức cao và người đặt ra mục tiêu cho con cháu mà họ đã dành cả đời để cố gắng đạt được.” Ngay cả sau khi John Quincy tốt nghiệp Harvard, bà Abigail vẫn liên tục nhắc nhở con luôn cố gắng hết sức trong mọi việc, tránh xa những thói hư tật xấu và mang lại danh dự cho gia đình.
Ít nhất một lần, bà Abigail cho con trai được trải nghiệm việc học tập trực tiếp thú vị hơn cả những gì cậu bé có thể ước mong.
Như Remini kể trong cuốn tiểu sử, ngày 17/06/1777, bà Abigail cho John Quincy, khi đó mới 7 tuổi xem Trận chiến trên đồi Bunker (Battle of Bunker Hill), để phần nào con có thể tận mắt chứng kiến cái giá phải trả cho lòng yêu nước và những yêu cầu của cuộc cách mạng. Rất lâu sau, John Quincy hồi tưởng lại sự kinh hoàng của cảnh tượng trên chiến trường và cái chết của Tiến sĩ Joseph Warren, một người bạn thân của John Adams, “những giọt nước mắt của mẹ hòa chung với giọt nước mắt của chính tôi”. Đó là bài học khắc nghiệt cho một cậu bé mới chỉ bước một chân ra khỏi nhà trẻ.
Là một phụ nữ có đức tin sâu sắc, bà Abigail đã truyền cho con trai mình ấn tượng về tầm quan trọng của Kinh thánh và đức hạnh trong Cơ Đốc Giáo.
Khi John Quincy lần đầu tiên lên đường đến Vương quốc Anh vào năm 10 tuổi, Remini kể, “Abigail đã khuyên nhủ con trai ‘tuân thủ những tình cảm và nguyên tắc tôn giáo đã sớm thấm nhuần trong tâm trí con và hãy nhớ rằng con phải chịu trách nhiệm trước Người về mọi lời nói và hành động của mình’”. Trong suốt cuộc đời của mình, John Quincy đã đọc Kinh thánh bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau và cuối cùng trở thành lãnh đạo của Hiệp hội Kinh thánh Hoa Kỳ – tổ chức ngày nay vẫn là nơi phân phối Kinh thánh lớn nhất trên thế giới.
Thiên thần trên Trái Đất
Một số sử gia suy đoán rằng sự kiên định của bà Abigail đối với những tiêu chuẩn cao, những lời khuyên liên tục và những lời nhắc nhở lặp đi lặp lại của bà để giúp con trở thành người đức hạnh đã tạo nên sự oán giận trong John Quincy và làm biến đổi nhân cách của ông. Khi có tuổi, ông trở nên lạnh lùng, khắc khổ và lầm lì đến mức một số người cho rằng ông là người chán ghét mọi người, một chính trị gia không biết cách chơi trò chơi chính trị. Như Remini viết về cuộc tái tranh cử tổng thống của ông, “ngay cả những nỗ lực để khiến ông ấy hòa đồng với người dân, mỉm cười và vẫy tay với họ cũng liên tục bất thành.”
Có lẽ bà Abigail đã góp phần hình thành nên sự chán ghét của John Quincy đối với đám đông và đối với chính trị, nhưng dù vậy, John Quincy cũng không bao giờ thừa nhận bất kỳ sự oán giận nào đối với bà.
Thật vậy, tác giả James Traub viết trong cuốn tiểu sử “John Quincy Adams: Tinh thần chiến binh” (“John Quincy Adams: Militant Spirit”) rằng: “Không bao giờ oán giận, trong suốt cuộc đời của mình, John Quincy Adams luôn nói về cha mẹ mình bằng tình yêu và sự thành tâm.”
Từ thời niên thiếu, John Quincy đã ghi nhật ký, ông viết nhiều giờ trong ngày và tạo ra một kho tàng hồi ức về lịch sử. Năm 1815, bà Abigail thường trong tình trạng sức khỏe yếu do sốt thương hàn. Thời điểm đó, John Quincy đang giữ chức Ngoại trưởng ở Hoa Thịnh Đốn. Khi hay tin mẹ ông đã qua đời, ông đã viết những dòng tâm tư này trong cuốn nhật ký:
Mẹ tôi là một thiên thần trên Trái Đất. Bà là một mục sư ban phước cho tất cả con người trong phạm vi ảnh hưởng của bà. Trái tim của bà trú ngụ nơi thiên đường thuần khiết… Bà có nỗi buồn, nhưng là nỗi buồn lặng lẽ. Bà đã quen với những nỗi đau, nhưng để nó lắng đọng trong lòng. Bà là hiện thân thực sự của người phụ nữ đức hạnh, của lòng hiếu thuận, của lòng nhân từ luôn tồn tại như suối nguồn không bao giờ ngừng chảy. Lạy Chúa, Ngài có thể cứu rỗi bà lâu hơn một chút nữa không!
Và khi nhận được tin về sự ra đi của mẹ, John Quincy đã viết: “Đức hạnh không chỉ là điều trú ngụ trong trái tim người phụ nữ mà còn là phục sức của bà ấy”.
Một phần nội dung được khắc trên quan tài của John Quincy Adams là: “Ông đã phục vụ đất nước mình trong nửa thế kỷ, và tận hưởng những danh hiệu cao quý nhất.”
Abigail Smith Adams đã nhận được sự tôn vinh lớn lao và những danh hiệu cao quý cho lòng tận tuỵ của ông với đất nước.
Minh Vi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times