Phi cơ gặp nhiễu loạn nguy hiểm như thế nào? Có nên lo lắng hay không?
Một chuyến bay của Singapore Airlines đã gặp nhiễu loạn nghiêm trọng khi bay qua Myanmar, và buộc phải hạ cánh khẩn cấp ở Bangkok, Thái Lan. Sự việc này khiến một hành khách thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. Người ta không khỏi đặt câu hỏi, phi cơ gặp nhiễu loạn nguy hiểm như thế nào? Có nên lo lắng hay không?
Ông Hassan Vally, Phó giáo sư dịch tễ học tại Đại học Deakin ở Úc, viết trên trang web The Conversation rằng những vụ tai nạn như trường hợp chuyến bay của Singapore Airlines là rất hiếm. So với các loại tai nạn giao thông gây thương vong khác, tình trạng này đối với hàng không ít xảy ra hơn.
Ông Vally cho biết, những chuyển động bất quy tắc của không khí gây ra nhiễu loạn, khiến hành khách và phi hành đoàn trên phi cơ bị chấn động đột ngột theo chiều ngang hoặc chiều dọc. Tình trạng chuyến bay gặp phải là nhiễu động trời trong (clear-air turbulence), một trường hợp nghiêm trọng có thể xảy ra mà không báo trước. Ngoài ra còn có một số loại nhiễu loạn khác.
Tại Úc, Cục Hàng không Dân dụng nhận được khoảng 25 báo cáo về việc phi cơ gặp nhiễu loạn mỗi năm. Có báo cáo đề cập đến các nạn nhân bị thương nặng, bao gồm gãy xương và chấn thương ở đầu. Hành khách bị văng khỏi ghế là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây chấn thương đầu.
Đôi khi, mọi người bị thương do va chạm máy tính xách tay và các vật thể khác khi xảy ra nhiễu loạn. Trong trường hợp nhiễu động trời trong, nhân viên hàng không, xe ăn và hành khách có thể bất ngờ bị văng đi, đập vào trần cabin rồi ngã mạnh xuống sàn gây thương tích như gãy xương, trật khớp vai, gãy răng v.v. Hầu như tất cả những người bị thương đều không thắt dây an toàn khi xảy ra nhiễu loạn.
Tuy nhiên, tỷ lệ các trường hợp như vậy cũng cần được xem xét. Chỉ riêng tháng 01/2024, đã có hơn 36 triệu hành khách trên các chuyến bay quốc tế tại Úc. Vì vậy, nguy cơ thương vong do nhiễu loạn thực tế là rất thấp.
Tại sao mọi người nghĩ đi phi cơ nguy hiểm hơn thực tế?
Ông Vally cho biết, việc mọi người có phản ứng cảm xúc mạnh mẽ khi nghe về một vụ tai nạn như trường hợp của Singapore Airlines là điều tự nhiên. Họ có thể tưởng tượng bản thân sẽ cảm thấy sợ hãi như thế nào nếu chính mình có mặt trên phi cơ ấy.
Nhưng phản ứng cảm xúc của mọi người có thể thay đổi nhận thức của họ về rủi ro, khiến họ nghĩ rằng những sự cố hiếm gặp này phổ biến hơn thực tế.
Nhà tâm lý học người Mỹ Daniel Kahneman, người đoạt giải Nobel về kinh tế, đã mô tả khuynh hướng nhận thức này trong cuốn sách bán chạy nhất của ông “Tư duy, nhanh và chậm” (Thinking, Fast and Slow).
Ông Kahneman cho biết, cách mọi người phản ứng với rủi ro không phải là lý trí mà là do cảm xúc điều khiển. Bộ não con người không giỏi trong việc hiểu những rủi ro nhỏ. Vậy nên, nguy cơ gặp phải nhiễu loạn trên phi cơ là điều mọi người rất khó lý giải.
Ông nói, một sự kiện càng hiếm thì tác động tâm lý của nó đối với con người càng lớn, hơn nữa người ta có nhiều khả năng đánh giá quá cao rủi ro. Tất nhiên, một sự kiện càng hiếm thì khả năng truyền thông sẽ đưa tin về nó càng cao, càng củng cố cho hiệu ứng này.
Về việc mọi người nên hiểu rủi ro của một sự kiện như thế nào? Ông Vally cho biết, có một cách để hiểu các hoạt động có rủi ro vừa nhỏ, vừa khó hiểu là so sánh rủi ro của chúng với các hoạt động quen thuộc hơn.
Chúng ta có thể so sánh như thế này, dữ liệu liên quan cho thấy rủi ro khi lái xe hoặc đi xe máy thực tế lớn hơn nhiều so với rủi ro khi đi phi cơ.
Mặc dù những tai nạn như sự cố của Singapore Airlines gây ra tử vong và khiến người ta sinh ra nhiều cảm xúc, nhưng điều quan trọng là cần nhận ra rằng cảm xúc có thể khiến mọi người đánh giá sai nguy cơ một tai nạn như vậy xảy ra lần nữa hoặc xảy ra với họ.