Thay đổi bản thân mới là hợp lý!
Trong cuộc sống, con người khó tránh khỏi gặp phải những điều không như ý. Đôi khi, chúng ta sẽ bị những điều này tác động, và sinh ra một số cảm xúc tâm lý không tốt, như oán hận, tật đố, bất bình, v.v. Kết quả là chúng ta không những không thay đổi được tình thế, lại khiến cho tinh thần của bản thân sa sút, trong lòng cảm thấy bất mãn. Suy nghĩ một chút thì thật sự là cái được chả bõ cho cái mất!
Mấy ngày gần đây, chị Ngọc, đồng nghiệp của tôi gặp phải một chuyện rắc rối. Cha chồng chị Ngọc có một người cháu ngoại. Cậu này bình thường rất giỏi tiêu tiền, không có đủ tiền thì xin cha chồng chị Ngọc. Nếu ông ấy không có tiền, thì ông sẽ đi vay tiền hàng xóm. Gần như tất cả hàng xóm đều bị ông vay rồi. Lúc đầu, chị Ngọc chỉ biết tiền của cha chồng đều là cho cháu ngoại, chị không biết khi không có tiền ông còn đi vay người khác. Sau này, một người hàng xóm nói với chị Ngọc rằng cha chồng chị cứ luôn vay tiền. Nếu không cho mượn thì thấy ông ấy nhiều tuổi như thế không nỡ nhẫn tâm. Nhưng nếu họ cho mượn thì thời gian rất lâu cũng không thấy ông ấy trả. Họ biết rằng tất cả số tiền ấy ông đều mang cho cháu ngoại tiêu xài phung phí.
Chị Ngọc nghe vậy rất tức giận, liền đi tìm cha chồng nói chuyện, mong ông đừng ra ngoài vay tiền mãi. Hơn nữa, ông đưa tiền cho cháu một cách không giới hạn như thế, cũng không phải thực sự tốt cho cháu. Cha chồng chị ấy đồng ý. Chẳng ngờ, mấy hôm trước, ông lại đi vay tiền trả nợ cho cháu. Chị Ngọc biết chuyện và kể lại cho chồng nghe, mong chồng có thể khuyên cha. Không ngờ, khi chị nói ra lại khiến hai người bất đồng và cãi vã. Chị Ngọc tức giận, suýt bỏ nhà ra đi.
Chị Ngọc gọi điện và kể cho tôi nghe những bất bình của chị. Người ta nói làm quan thanh liêm khó giải quyết việc gia đình. Chuyện trong gia đình rất khó nói rõ ràng đâu là phải trái, đúng sai. Bề ngoài, con trai của chị Ngọc là cháu trai duy nhất của cha chồng, lẽ ra ông ấy càng phải quan tâm đặc biệt hơn, nhưng ông chưa bao giờ cho con trai chị một xu. Chị Ngọc nói, chị không mong cha chồng sẽ cho tiền con trai mình, mà chỉ hy vọng ông có thể tích lũy một ít tiền để dành. Sau này, ông dùng số tiền ấy để dưỡng già và chữa bệnh, giảm bớt gánh nặng cho chị. Hơn nữa, người cháu đó căn bản là một cái động không đáy, nhưng cha chồng chị lại mãi không nhận ra điều đó.
Xét từ góc độ lợi ích của bản thân chị Ngọc thì những suy nghĩ như vậy dường như không có gì sai. Nhưng những suy nghĩ này đều là của chị ấy, hoàn toàn không phải của cha chồng. Chị không thể ngăn cản sự việc ông luôn vay tiền cho cháu trai. Chị cảm thấy bất lực và cũng không có cách nào khác để ngăn cản.
Vì vậy tôi khuyên chị ấy, không thay đổi được người khác thì hãy thay đổi chính mình. Chuyện này giống như bị cốc nước sôi làm bỏng tay, liền đặt xuống thôi, đừng vì việc này mà hao tổn tinh thần, cũng đừng cãi nhau với chồng, sẽ khiến bản thân không vui, cũng khiến chồng chị khó xử. Chị Ngọc là một người rất tốt bụng. Sau khi nghe tôi khuyên giải một hồi, chị ấy đã hiểu ra. Chị nói rằng bản thân đã cảm thấy thoải mái hơn nhiều.
Sau khi cúp điện thoại, tôi nghĩ đến bản thân mình. Những lúc trong lòng không vui, chẳng phải tôi cũng muốn người khác thay đổi theo hướng mình muốn sao? Nếu không được thì oán giận, bất bình, rồi canh cánh trong lòng. Nhưng trên đời này có bao nhiêu chuyện có thể xảy ra theo ý của mình đây?
Có lẽ, khi mâu thuẫn trước mặt, điều đầu tiên nên nghĩ đến không phải là làm thế nào để thay đổi xung đột, mà trước tiên hãy thay đổi tâm thái của chính mình, phải khống chế những cảm xúc tiêu cực của mình, dùng tâm thái tỉnh táo và bình hòa để xem mọi việc sẽ diễn ra như thế nào. Khi quý vị không còn vướng víu việc ai đúng, ai sai trong mâu thuẫn đó, cho dù mâu thuẫn ấy có thể giải quyết được hay không, thì thật ra quý vị đã thoát ra khỏi nó rồi. Cho dù đêm trước mưa gió có dữ dội đến đâu thì sáng hôm sau ánh mặt trời vẫn luôn rực rỡ.