Pháp: Thủ tướng và Nội các từ chức, tạm thời giữ chức chính phủ lâm thời
Thủ tướng Pháp Gabriel Attal và chính phủ của ông đã từ chức vào hôm thứ Ba (16/07), tuy nhiên vẫn sẽ tiếp tục giữ chức vụ chính phủ lâm thời cho đến khi bổ nhiệm nội các mới.
Các chuyên gia cho biết chính phủ lâm thời sẽ chịu trách nhiệm vận hành các công việc thường nhật của nền kinh tế lớn thứ hai khu vực đồng Euro, nhưng không có quyền đưa ra các dự luật mới hoặc thực hiện bất kỳ thay đổi chính sách quan trọng nào.
Nhiệm vụ của chính phủ lâm thời còn bao gồm bảo đảm Thế vận hội Paris khai mạc vào ngày 26/07/2024 diễn ra suôn sẻ.
Giáo sư luật Mathieu Disant của Đại học Panthéon-Sorbonne cho biết trong một bản tin của Reuters, “Giải quyết công việc hiện tại là thực hiện các biện pháp đã được định trước và đối phó với các tình huống khẩn cấp đột xuất, đơn giản chỉ có vậy.”
“Chính phủ sắp mãn nhiệm đã mất hết khả năng điều hành. Về logic, điều này hoàn toàn tước đoạt khả năng hành động chính trị của họ.”
Vài tuần trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tuyên bố giải tán Quốc hội và tổ chức bầu cử, đây là một nước cờ táo bạo khi tổng thống hy vọng cuộc bầu cử này sẽ củng cố liên minh trung dung của mình. Tuy nhiên, kết quả bầu cử không như mong đợi. Quốc hội Pháp với 577 ghế, hiện chủ yếu được chia thành ba nhóm lớn: Liên minh Nhân dân Mới cánh tả (NFP) với hơn 190 ghế, Liên minh trung hữu của tổng thống Macron với 160 ghế, và Liên minh cực hữu Quốc gia cùng đồng minh của họ với 143 ghế. Không một liên minh chính trị nào đạt được 289 ghế cần thiết để kiểm soát Quốc hội.
Thủ tướng Gabriel Attal thuộc liên minh trung dung của Pháp đã đệ đơn từ chức vào sáng thứ Hai tuần trước (08/07) sau khi có kết quả vòng hai của cuộc bầu cử Quốc hội. Tuy nhiên, Tổng thống Macron không chấp nhận đơn từ chức và yêu cầu Thủ tướng tạm thời giữ nguyên chức vụ để bảo đảm sự ổn định quốc gia.
Trước đây, Pháp cũng từng có chính phủ lâm thời, tuy nhiên không chính phủ lâm thời nào nắm quyền quá vài ngày. Nhiệm kỳ của chính phủ lâm thời không có giới hạn cố định, Quốc hội không thể buộc họ từ chức.
Nguyên tắc tam quyền phân lập nghiêm ngặt của Pháp thường không cho phép các bộ trưởng kiêm nhiệm chức vụ nghị viên. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, ngay cả khi họ giữ chức vụ lâm thời, thì đến sau khi từ chức, ông Gabriel Attal và các thành viên chính phủ khác vẫn có thể tham gia vào phiên khai mạc Quốc hội mới vào thứ Năm (18/07) và tham gia bầu chọn Chủ tịch Quốc hội.
Ai sẽ lãnh đạo chính phủ mới?
Chủ tịch Quốc hội là người đứng đầu Quốc hội, có trách nhiệm tổ chức nghị trình và chủ trì các cuộc tranh luận. Trong bối cảnh chưa rõ ai sẽ lãnh đạo chính phủ thì việc ai sẽ trở thành Chủ tịch Quốc hội là vô cùng quan trọng, vì không đảng phái hay nhóm nào có đa số phiếu tuyệt đối.
Liên minh cánh tả đã bất ngờ đạt được số phiếu cao nhất trong hai vòng bầu cử vào ngày 30/06 và ngày 07/07. Kể từ đó, liên minh này đã tranh cãi quyết liệt về việc ai sẽ được đề cử làm Thủ tướng.
Các nhà phân tích của tổ chức Eurointelligence nói rằng: “Cuộc bầu cử Chủ tịch Quốc hội chưa bao giờ có ý nghĩa chính trị lớn như hiện nay.”
Theo liên minh cánh tả, mục tiêu là chứng minh họ “có năng lực chiếm đa số phiếu trong Quốc hội.” Trong khi đó mục tiêu của liên minh trung dung là hoàn toàn ngược lại.
Liên minh Nhân dân Mới (NFP) là một liên minh cánh tả được thành lập vội vàng trước cuộc bầu cử, bao gồm Đảng Xã hội, Đảng Xanh, Đảng Cộng sản, và Đảng Cánh tả cứng rắn “Nước Pháp Không Khuất Phục” (La France insoumise, viết tắt là LFI hoặc FI).
Sau khi không đạt được đa số tuyệt đối, căng thẳng giữa các đảng phái kéo dài nhiều năm lại tiếp tục leo thang trở lại, trọng tâm của cuộc tranh luận là ai có thể điều hành một chính phủ cánh tả tiềm năng.
Tổng thống Macron đã kêu gọi các đảng phái chính thống hợp tác để thành lập một chính phủ liên minh; chiến lược này sẽ bao gồm một số người của NFP nhưng loại trừ LFI, khiến tình hình càng thêm phức tạp.
Lãnh đạo Đảng Cộng sản Pháp (PCF) Fabien Roussel nói với đài BFM rằng, ông “rất thất vọng” với tiến trình đàm phán hiện tại của các đảng cánh tả.