Pháp: Thế vận hội Paris sắp khai mạc, chính phủ lâm thời sẽ tiếp tục hoạt động
Hôm thứ Ba (23/07), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết chính phủ hiện tại sẽ tiếp tục hoạt động với vai trò là chính phủ lâm thời, tập trung vào việc tổ chức Thế vận hội Paris cho đến khi Thế vận hội kết thúc. Sau đó, ông sẽ tìm kiếm và bổ nhiệm một Thủ tướng mới và trao quyền thành lập chính phủ mới.
Theo hãng thông tấn Le Monde của Pháp, trong cuộc phỏng vấn với France 2 và Đài phát thanh Quốc tế Pháp (RFI) vào tối hôm 23/07, ông Macron đã tuyên bố rằng chính phủ lâm thời của ông sẽ tiếp tục giữ chức ít nhất đến “giữa tháng Tám.”
Ông Macron nói rằng, những biến động chính trị hiện tại sẽ chỉ dẫn đến sự hỗn loạn, vì vậy ông sẽ chờ đến khi Thế vận hội Olympic kết thúc rồi sẽ bổ nhiệm Thủ tướng mới dựa trên kết quả đàm phán của các đảng chính.
Ông Macron thừa nhận rằng đảng trung dung của ông đã thất bại trong cuộc bầu cử, tuy nhiên ông từ chối bình luận về ứng cử viên thủ tướng do liên minh cánh tả “Mặt trận Nhân dân Mới” tiến cử. Ông từ chối ứng cử viên này với lý do liên minh cánh tả không đạt được “số phiếu tuyệt đối” trong Quốc hội.
Hôm 07/07, Quốc hội Pháp đã tổ chức vòng bỏ phiếu thứ hai, liên minh cánh tả “Mặt trận Nhân dân Mới” đã giành được 182 ghế, trở thành đảng lớn nhất trong Quốc hội; đảng trung dung của ông Macron (Ensemble) giành được 163 ghế; và đảng cánh hữu “Tập Hợp Dân Tộc” (Rassemblement National) giành được 143 ghế.
Do không có đảng nào đạt được đa số quá bán nên Pháp sẽ rơi vào tình trạng “Quốc hội treo” với triển vọng chính trị không rõ ràng.
Tuần trước, ông Macron đã chấp nhận đơn từ chức của Thủ tướng Gabriel Attal và nội các, tuy nhiên ông yêu cầu chính phủ của ông Attal tiếp tục hoạt động với vai trò chính phủ lâm thời cho đến khi chính phủ mới được thành lập. Hành động này được cho là để đảm bảo Thế vận hội Paris diễn ra suôn sẻ.
Thế vận hội Paris sẽ diễn ra từ ngày 26/07 đến ngày 11/08. Đây là lần đầu tiên Thế vận hội trở lại thủ đô nước Pháp kể từ năm 1924, và các sân vận động tạm thời được xây dựng tại trung tâm Paris sẽ được sử dụng.
Hôm thứ Hai (22/07), ông Macron đã đi thăm làng vận động viên và cho biết rằng Pháp đã sẵn sàng để tổ chức Thế vận hội Paris. Ông nói: “Đây là thành quả của một lượng lớn công việc, những công việc này đã khiến quốc gia có sự thay đổi lớn, đặc biệt là khu vực Seine-Saint-Denis nơi có làng vận động viên.”
Tỉnh Seine-Saint-Denis, nơi có sân vận động chính cho các cuộc thi điền kinh của Thế vận hội, là vùng nghèo nhất nước Pháp, hy vọng sẽ nhận được ích lợi từ sự kiện thể thao này.
Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế Thomas Bach cũng đã đi thăm làng vận động viên tại phía bắc thủ đô nước Pháp. Hàng ngàn vận động viên và quan chức sẽ sớm đến đây, dự kiến sẽ có tới 14,500 người đến nơi này trong thời kỳ đỉnh điểm của Thế vận hội.
Trong khi đoàn Israel chuẩn bị khởi hành tới Paris, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Stephane Sejourne cho biết Pháp chào đón các đại diện Israel tham gia Thế vận hội.
Trước đó, nghị sỹ Thomas Portes của đảng cực tả “Nước Pháp không Khuất phục” (LFI) đã kêu gọi không cho các đại diện của Israel tham gia Thế vận hội do xung đột tại Gaza, gây ra làn sóng phẫn nộ.
Ông Sejourne cho biết trước cuộc gặp với Ngoại trưởng Israel Israel Katz tại Brussels rằng Pháp chào đón đoàn Israel và sẽ bảo đảm an toàn cho đoàn. Ông nói thêm rằng, việc kêu gọi loại trừ Israel là “vô trách nhiệm và nguy hiểm.”
Ông Macron tái khẳng định trong cuộc phỏng vấn vào tối thứ Ba (23/07): “Thế vận hội Paris chào đón các vận động viên Israel. Chúng ta không thể lẫn lộn giữa chính trị và Thế vận hội.”
Trong lễ khai mạc sắp tới, có khoảng 6,000 đến 7,000 vận động viên sẽ đi trên 85 sà lan và thuyền nhỏ đi dọc theo sông Seine, với phông nền là các di tích nổi tiếng thế giới, trong đó có Nhà thờ Đức Bà. Nhà thờ này vẫn đang được trùng tu sau vụ hỏa hoạn năm 2019 và dự kiến sẽ mở cửa lại vào cuối năm nay.