PHÂN TÍCH: Xung đột ở Trung Đông và các cuộc đối đầu khu vực làm tăng thêm những thách thức toàn cầu đối với Hoa Kỳ
Những diễn biến chưa từng có tiền lệ trong cuộc xung đột Israel-Palestine đẩy ngoại giao toàn cầu đến bờ vực, trong bối cảnh có những hành động khiêu khích của Trung Quốc và Nga.
Cuối tuần qua (07-08/10), một loạt sự kiện không lường trước đã diễn ra ở nhiều điểm nóng toàn cầu khác nhau, đặc biệt là ở Trung Đông, Biển Đông, và biên giới chung giữa Bắc Hàn và Nga, làm gia tăng đáng kể căng thẳng quốc tế.
Những diễn biến này đã làm dấy lên mối lo ngại về khả năng xảy ra xung đột quy mô lớn ở Israel, với những suy đoán cho thấy Trung Quốc và Nga có thể đóng vai trò “giật dây” sau Iran.
Là lực lượng cốt lõi trong việc duy trì hòa bình thế giới, Hoa Kỳ phải đối mặt với những thách thức trên nhiều mặt trận — ở châu Âu, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, và Trung Đông — trong khi đang phải đối phó với các cuộc đối đầu ngày càng gia tăng với Trung Quốc.
Hôm 07/10, tổ chức khủng bố Hamas của Palestine đã tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn vào Israel. Trong khi đó, hôm 04/10, các tàu của Trung Quốc và Philippines, vốn đã ở trong một cuộc xung đột kéo dài ở Biển Đông, đã suýt chứng kiến một vụ va chạm chỉ trong phạm vi một mét. Cuối cùng, hôm 05/10, người ta đã nhìn thấy nhiều đoàn tàu chở hàng của Bắc Hàn tại một ga đường sắt biên giới với Nga, làm dấy lên mối nghi ngờ về việc vận chuyển vũ khí và đạn dược để hỗ trợ cuộc chiến của Moscow với Ukraine.
Bạo lực bùng phát
Rạng sáng hôm 07/10, Hamas đã bắn 5,000 hỏa tiễn vào miền đông và miền nam Israel. Đồng thời, hàng chục kẻ khủng bố đã xâm phạm biên giới Israel, vào các cộng đồng và tiến hành các cuộc tấn công khiến hơn 1,300 người thiệt mạng.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã nhanh chóng tuyên bố tình trạng chiến tranh, tuyên bố rằng “kẻ thù” sẽ phải đối mặt với “hậu quả chưa từng có” cho hành động của mình.
Nhiều quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ, Vương Quốc Anh, Liên minh Âu Châu, Pháp, Đức, Nhật Bản, và Cộng hòa Séc, đã nhanh chóng lên án các cuộc tấn công là hành động khủng bố nhắm vào Israel và người dân quốc gia này, đồng thời khẳng định ủng hộ quyền tự vệ của Israel.
Ngược lại, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Trung Quốc, và các quốc gia khác lại hạn chế lên án trực tiếp, thay vào đó họ kêu gọi tất cả các bên “kiềm chế”.
Hôm 08/10, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin thông báo rằng các lực lượng Hoa Kỳ trên toàn cầu đang ở trạng thái sẵn sàng. Ông chỉ thị nhóm tấn công của hàng không mẫu hạm Gerald R. Ford tới Đông Địa Trung Hải để thể hiện sự kiên quyết sát cánh cùng Israel. Ngoài ra, Hoa Kỳ còn bắt đầu chuyển giao các thiết bị thiết yếu cho Israel, bao gồm cả đạn dược.
Năng lực chiến đấu và tình báo của Hamas đã phát triển ở cấp độ chưa từng có. Họ đã sử dụng một số lượng đáng kể hỏa tiễn, phi cơ không người lái, và huấn luyện. Hamas thừa nhận đã nhận được “viện trợ từ Iran” và “sự trợ giúp từ các quốc gia khác.” Người ta đều đang tích cực tìm hiểu vai trò của Iran, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), và Nga trong cuộc xung đột này.
Trên nền tảng X, nhà bình luận độc lập Thái Thận Khôn (Cai Shenkun) cho rằng cuộc tấn công lớn gần đây của Hamas nhắm vào Israel đã nhận được sự trợ giúp từ một cường quốc. Mục tiêu là kích động một cuộc chiến tranh nhằm chuyển hướng sự chú ý khỏi cuộc xung đột Nga-Ukraine và cuộc khủng hoảng Eo biển Đài Loan, tăng cường sự tập trung vào tâm điểm là Trung Đông.
Ông Thái nhấn mạnh rằng đối với ông Netanyahu, một người có quan điểm cứng rắn, một cuộc phản công mạnh mẽ được xem là giải pháp duy nhất, thể hiện rõ qua tuyên bố của ông về “tình trạng chiến tranh.”
Cựu Đại tá Hải quân Trung Quốc Diêu Thành (Yao Cheng) cũng có quan điểm tương tự, cho rằng Hamas thiếu sức mạnh và lòng can đảm để độc lập thực hiện một cuộc tấn công quy mô lớn như vậy vào Israel. Ông cho rằng ĐCSTQ là nghi phạm chính đứng đằng sau vụ tấn công này.
Theo ông Diêu, hành động của ĐCSTQ có hai mục đích: giảm bớt áp lực lên Tổng thống Nga Vladimir Putin, đồng thời chuyển hướng sự chú ý của quân đội Hoa Kỳ khỏi Eo biển Đài Loan và Biển Đông. Nếu việc này dẫn đến sự bùng nổ của cuộc chiến tranh Trung Đông lần thứ sáu và khiến cho ông Kim Jong-un của Bắc Hàn có những hành động khiêu khích, thì việc thống nhất Đài Loan bằng vũ lực của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp những điều kiện thuận lợi trong bối cảnh các cuộc bầu cử ở Đài Loan và Hoa Kỳ.
Khiêu khích
Trong bối cảnh căng thẳng toàn cầu ngày càng gia tăng, những diễn biến đáng lo ngại trùng khớp với những lo ngại mà ông Diêu đã nêu.
Hôm 06/10, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một tổ chức tư vấn nổi tiếng của Hoa Kỳ, đã công bố một báo cáo thuộc sáng kiến Beyond Parallel, cho rằng Bắc Hàn có thể công khai thách thức các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bằng cách vận chuyển vũ khí tới Nga.
Hình ảnh vệ tinh từ báo cáo này cho thấy hôm 05/10, Cơ sở Đường sắt Tumangang ở biên giới Bắc Hàn-Nga đã chuẩn bị 73 toa tàu chở hàng, mỗi toa chở đầy đồ đạc và được che chắn an toàn. Hoạt động tại đây đột ngột được đẩy mạnh hôm 05/10, vượt xa đáng kể những ngày bận rộn nhất của cơ sở này trong năm năm qua, cho thấy rõ ràng có việc vận chuyển vũ khí và đạn dược sang Nga. Việc này phù hợp với thông báo xác nhận của chính phủ Hoa Kỳ hôm 05/10 về việc Bắc Hàn bắt đầu vận chuyển vũ khí cho Nga.
Ông Kim đã đến thăm Nga từ hôm 12 đến 17/09, trong thời gian đó người ta tin rằng đã có một thỏa thuận đã được ký kết với ông Putin liên quan đến việc Bắc Hàn cung cấp vũ khí để trợ giúp Nga trong cuộc xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraine, nhằm giải quyết tình trạng thiếu đạn dược của Nga. Đổi lại, Moscow đồng ý cung cấp cho Bắc Hàn công nghệ hỏa tiễn không gian liên quan và các nguồn tài nguyên khác mà Bắc Hàn mong muốn có được.
Đồng thời, hôm 04/10, các tàu Tuần duyên Philippines hộ tống các tàu tiếp tế của Philippines trên đường chuyển hàng hóa tiếp vận đến một tiền đồn ở Bãi cạn Second Thomas (Bãi cạn Ayungin), một khu vực đang có tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Philippines. Các cuộc đối đầu thường xuyên xảy ra tại khu vực này. Vào ngày hôm đó, một tàu Hải cảnh Trung Quốc đã chặn và bao vây một tàu tuần tra Philippines, cố gắng cản trở nhiệm vụ tiếp tế của quốc gia này. Vụ việc này khiến các tàu Trung Quốc và Philippines có nguy cơ suýt va chạm, hai bên chỉ cách nhau một mét, dẫn đến tình trạng đối đầu căng thẳng kéo dài tám giờ đồng hồ.
Phó Đô đốc Jay Tarriela, phát ngôn viên của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines, lên án mạnh mẽ hành động của tàu Hải cảnh Trung Quốc, cho rằng đây là sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế. Ông nhấn mạnh rằng việc nhanh chóng phản ứng và đảo chiều động cơ sau đó của tàu tuần tra Philippines đã giúp họ tránh được một vụ va chạm trực tiếp với tàu Hải cảnh Trung Quốc đang cản trở họ làm nhiệm vụ.
Nhiệm vụ tiếp tế thường xuyên cung cấp nhu yếu phẩm cho Bãi cạn Second Thomas có ý nghĩa quan trọng. Vụ va chạm này đã nhấn mạnh một thực tế đáng báo động là xung đột Trung Quốc-Philippines ở Biển Đông, so với các xung đột tiềm tàng ở Eo biển Đài Loan, cho thấy một tình hình bất ổn và bấp bênh hơn nhiều.
Dưới thời Hiệp ước Phòng thủ Chung Philippines-Hoa Kỳ, bất kỳ cuộc xung đột nghiêm trọng nào liên quan đến lực lượng, tàu, hoặc phi cơ của Philippines trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông sẽ buộc Hoa Kỳ phải can thiệp để bảo vệ Philippines. Điều này làm tăng khả năng can thiệp của Hoa Kỳ vào một cuộc xung đột tiềm tàng giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông.
Hoa Kỳ-Trung Quốc đối đầu
Các bản tin gần đây cho thấy ông Tập chuẩn bị đến thăm Việt Nam vào cuối tháng Mười hoặc đầu tháng Mười Một.
Khi được hỏi về chuyến thăm tiềm năng này, bà Phạm Thu Hằng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, khẳng định mọi hoạt động ngoại giao sẽ được công bố chính thức vào thời điểm thích hợp.
Trong những tháng gần đây, sự cạnh tranh leo thang giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ngày càng trở nên rõ ràng. Hội nghị thượng đỉnh ba bên của Tổng thống Joe Biden với các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Nam Hàn tại Trại David hồi tháng Tám đã giúp xoa dịu căng thẳng và củng cố liên minh “Tam giác sắt” giữa Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Nam Hàn. Liên minh này nhằm mục đích chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc và Bắc Hàn ở Đông Bắc Á.
Sau đó, trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng Chín, Tổng thống Biden đã nâng quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam từ “đối tác toàn diện” lên mức cao nhất là “đối tác chiến lược toàn diện”, đánh dấu thời điểm then chốt trong vòng nửa thế kỷ kể từ khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc.
Hơn nữa, việc Hoa Kỳ và Việt Nam đang thảo luận về hợp đồng vũ khí lớn nhất, trong đó có chiến đấu cơ F-16, khiến Bắc Kinh lo ngại.
Khi Hoa Kỳ và Trung Quốc tranh giành ảnh hưởng của mình ở Đông Nam Á, và Việt Nam ngày càng nghiêng về hướng liên kết với Hoa Kỳ, Trung Quốc ngày càng tỏ ra lo ngại. Các bản tin cho biết Trung Quốc đã thực hiện các bước để sắp xếp chỗ ở cho phái đoàn của ông Tập tại Hà Nội, có khả năng việc này là chuẩn bị cho chuyến thăm đã được lên kế hoạch.
Hơn nữa, trong lễ khai mạc Đại hội Thể thao châu Á Hàng Châu, ông Tập đã khéo léo đề cập đến việc cân nhắc một chuyến thăm Nam Hàn, việc này được coi là một nỗ lực nhằm phá vỡ liên minh “Tam giác sắt.”
Căng thẳng leo thang
Khi sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc leo thang, một cuộc xung đột bùng phát đột ngột ở Trung Đông sẽ thêm phần phức tạp cho bối cảnh địa chính trị toàn cầu.
Sự cạnh tranh Hoa Kỳ-Trung Quốc ngày càng thể hiện rõ ràng ở Biển Đông và Eo biển Đài Loan. Biển Đông có ý nghĩa chiến lược to lớn đối với Hoa Kỳ, đóng vai trò là tuyến đường ngắn nhất nối Biển Ả Rập và Thái Bình Dương. Đây là huyết mạch quan trọng khi Hạm đội thứ Năm và thứ Bảy của Hoa Kỳ cần phối hợp các hoạt động của họ, và là sự bảo đảm thiết yếu để Hoa Kỳ giải quyết đồng thời các xung đột xuyên khu vực.
Nhìn lại những năm 1990, quân đội Hoa Kỳ đã khẳng định khả năng tiến hành các cuộc chiến tranh đồng thời ở châu Âu và khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, trong thời gian đó, mối đe dọa chính ở châu Âu — khối cộng sản do Liên Xô lãnh đạo — đã tan rã, dẫn đến sự tan rã của chính Liên Xô.
Ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, mối quan tâm chủ yếu của Hoa Kỳ là chế độ cộng sản Trung Quốc, vốn đã áp dụng cách tiếp cận khiêm tốn, tập trung vào cải cách kinh tế và duy trì mức độ phụ thuộc kinh tế cao vào Hoa Kỳ. Cả Trung Quốc và Nga đều không có khả năng thách thức Hoa Kỳ một cách hiệu quả. Với tư cách là lực lượng chính bảo vệ hòa bình toàn cầu, Hoa Kỳ đã thể hiện sự sẵn sàng trong quản lý xung đột trên cả hai mặt trận, ngay cả trước những đối thủ đáng gờm như Trung Quốc và Nga.
Đến hiện tại, hơn một năm kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraine, Moscow thấy mình đang phải chật vật với một tình huống đầy thách thức. Ngược lại, Trung Quốc, sau ba thập niên duy trì vị thế khiêm tốn, đã nổi lên thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, có ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác nhau ở châu Âu và Hoa Kỳ. Dưới sự lãnh đạo của ông Tập, Trung Quốc đã bắt đầu thách thức trật tự quốc tế vốn được Hoa Kỳ thiết lập sau Đệ nhị Thế chiến.
Vào tháng 10/2022, chính phủ Hoa Kỳ công bố “Chiến lược An ninh Quốc gia”, nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường sức mạnh của Mỹ và hợp tác với các đồng minh để giải quyết những thách thức do Trung Quốc và Nga đặt ra. Bất chấp cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine liên quan đến Nga trong hơn nửa năm, báo cáo chiến lược này nhấn mạnh rằng “Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh duy nhất có tiềm lực kinh tế, ngoại giao, và quân sự để thách thức trật tự quốc tế hiện tại.”
Vân Sa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times