PHÂN TÍCH: Đằng sau sự chỉ trích của ĐCSTQ đối với Israel là nghị trình chống Mỹ
Theo các nhà phân tích chính trị, lập trường chống Israel của Bắc Kinh có gốc rễ từ việc chế độ này bác bỏ Hoa Kỳ và phương Tây.
Gần đây, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã nói rằng phản ứng của Israel đối với cuộc tấn công tàn bạo của Hamas vào hôm 07/10 đã đi quá xa. Kể từ cuộc tấn công của Hamas, sự im lặng của Trung Quốc là rất đáng chú ý vì nước này đã tránh né lên án dứt khoát tổ chức khủng bố này. Đến hôm 14/10, ông Vương Nghị lại đưa ra tuyên bố trực tiếp chỉ trích phản ứng của Israel; qua đó làm rõ lập trường của Trung Quốc đối với cuộc xung đột.
Một chuyên gia về Trung Quốc cho rằng đằng sau lời tuyên bố của ông Vương là quan điểm nhất quán chống Hoa Kỳ, chống phương Tây của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
‘Vượt quá hành động tự vệ’
Hôm 07/10, hàng trăm kẻ khủng bố Hamas đã vượt qua hàng rào biên giới của Israel để thực hiện các vụ thảm sát đẫm máu ở hơn 20 thị trấn và khu vực lân cận, thiêu rụi nhà cửa và tàn sát dân làng, bao gồm cả trẻ sơ sinh. Đã có xác nhận rằng hơn 1,400 binh sĩ và thường dân Israel thiệt mạng.
Đến ngày 13/10, tại một cuộc họp báo sau khi Cuộc Đối thoại Chiến lược Cao cấp giữa Trung Quốc-Liên minh Âu Châu kết thúc, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột Palestine-Israel là khát vọng thành lập nhà nước chưa thành hiện thực của người Palestine.
Ông nói, “Israel có quyền trở thành một nhà nước thì Palestine cũng vậy. Người Israel đã có được sự bảo vệ để sinh tồn, nhưng ai sẽ quan tâm cho sự sống còn của người Palestine? Dân tộc Do Thái không còn là dân tộc lưu lạc trên thế giới, nhưng khi nào dân tộc Palestine mới trở về được ngôi nhà của mình?”
Sang ngày hôm sau, khi nói chuyện với ông Faisal bin Farhan Al Saud, người đồng cấp của Saudi Arabia, ông Vương cho biết các hành động của Israel đã “vượt quá hành động tự vệ.”
Các thỏa thuận ngừng bắn ‘cho phép Hamas sống sót và tấn công trở lại’
Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, ông Carl Schuster, cựu giám đốc hoạt động tại Trung tâm Tình báo Chung của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ, nói rằng nỗ lực của Bắc Kinh nhằm làm hài lòng các đồng minh Trung Đông đã phải đánh đổi bằng thiện chí của họ với Israel.
Ông nói, “Các nhà lãnh đạo Israel hãy nhớ rằng hai ‘thỏa thuận ngừng bắn và thỏa thuận hòa bình’ gần đây nhất hoàn toàn là giúp Hamas sống sót và tấn công trở lại. Họ không quan tâm đến một lệnh ngừng bắn hoặc một thỏa thuận có thể giúp Hamas được bảo toàn và có thể tấn công trở lại hay không.”
Được thành lập vào năm 1987, Hamas là một tổ chức chống Do Thái chuyên nhắm đến việc tiêu diệt Israel. Hamas đã biến Gaza thành căn cứ cho các cuộc tấn công khủng bố chống lại Israel.
Hamas kêu gọi người Palestine không nên chạy trốn khi đối mặt với các cuộc tấn công của Israel đồng thời tích cực cản trở các nỗ lực di tản. Trong khi đó, Israel đã thực hiện các biện pháp để bảo vệ thường dân Palestine, chẳng hạn như thả truyền đơn và cảnh báo thường dân rời khỏi các mục tiêu quân sự trước khi tấn công.
Vào hôm thứ Ba (24/10), ông Tom Tugendhat, Bộ trưởng An ninh Vương quốc Anh, nói với Liên Hiệp Quốc: “Chúng tôi biết rằng Hamas đang sử dụng thường dân Palestine vô tội làm lá chắn sống; họ đã trà trộn vào các cộng đồng thường dân.”
Trong cuộc tấn công vào Israel hôm 07/10, Hamas đã tiến hành một vụ thảm sát tại một lễ hội âm nhạc, cưỡng gian phụ nữ, và bắt trẻ sơ sinh cũng như người cao niên làm con tin.
Tuy nhiên, trước những cuộc tấn công do một tổ chức khủng bố khởi xướng như vậy, ĐCSTQ đã thẳng thừng yêu cầu Israel hãy “kiềm chế” và chấm dứt “các hành động thù địch.”
Ông Anders Corr, chủ báo của Tạp chí Rủi ro Chính trị (Journal of Political Risk) đồng thời là cộng tác viên của The Epoch Times, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với ấn phẩm rằng: “Israel nên hiểu ra rằng Trung Quốc không phải là một người bạn thực sự.”
Trung Quốc gỡ bỏ ‘chiếc mặt nạ trung lập’
Ông Schuster cho biết rằng các chính sách của ĐCSTQ ở Trung Đông xuất phát từ sự phản đối của họ đối với các chính sách của phương Tây, đặc biệt là của Hoa Kỳ.
Ông nói: “Kể từ khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập, Bắc Kinh đã là một ‘cường quốc theo chủ nghĩa bác bỏ.’”
Hồi tháng 02/2023, khi phương Tây đang trừng phạt Iran vì nước này phát triển vũ khí hạt nhân, lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã đến thăm Iran để thể hiện sự ủng hộ của ông đối với chế độ cầm quyền Iran.
Ông Tập và Tổng thống Ebrahim Raisi của Iran đã tham dự lễ ký kết 20 thỏa thuận hợp tác bao gồm thương mại và du lịch, bổ sung vào thỏa thuận chiến lược 25 năm trước đó, vốn được ký vào năm 2021 để hợp tác về dầu mỏ, công nghiệp, và các hoạt động phát triển khác.
Bắc Kinh cũng duy trì mối quan hệ chính trị và kinh tế thân thiện với Syria — đất nước đang bị Liên Hiệp Quốc trừng phạt. Hồi tháng Chín, nhà lãnh đạo Trung Quốc này đã tiếp đón Tổng thống Bashar Assad của Syria, tiếp đãi ông bằng một cuộc đón tiếp trang trọng và tuyên bố: “Việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa Trung Quốc và Syria sẽ trở thành một cột mốc quan trọng trong lịch sử bang giao song phương, tiếp nối từ quá khứ và mở tới tương lai.”
Khi đưa tin về cuộc xung đột Israel-Hamas đang diễn ra, các cơ quan truyền thông nhà nước của ĐCSTQ đã nhấn mạnh vào việc Israel ném bom Gaza hơn là vào cuộc tấn công của Hamas, thậm chí còn cáo buộc Hoa Thịnh Đốn về điều được gọi là “sự can thiệp ác ý” vào Trung Đông.
“Tôi thấy Trung Quốc đã tiến gần hơn đến lập trường của Palestine. Họ đang kêu gọi cho một lệnh ngừng bắn nhưng đã thôi giả vờ rằng mình giữ quan điểm trung lập,” ông Schuster nói. “Họ đang sử dụng cuộc chiến này để lên án Hoa Kỳ, quy tội gây ra xung đột cho Hoa Kỳ.”
Ông Schuster cho rằng Trung Quốc “đã gỡ bỏ chiếc mặt nạ trung lập của mình” nhanh hơn nhiều so với dự đoán của ông. “Họ đã tiếp tục sử dụng vấn đề của Palestine như một công cụ chống lại phương Tây nói chung và Hoa Kỳ nói riêng. Bắc Kinh đang hy vọng lôi kéo được Riyadh và Ai Cập rời xa Hoa Kỳ và xem việc ủng hộ cho Palestine là một phương tiện để làm điều đó.”
Mối quan hệ hợp tác 75 năm
Ông Shuster chỉ ra rằng ban đầu, sự ủng hộ của Hoa Kỳ dành cho Israel dựa trên sự ủng hộ của công chúng Mỹ đối với việc thành lập nhà nước Israel. Khi Israel tuyên bố độc lập vào năm 1948, Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên công nhận vị thế quốc gia của Israel.
Ông Corr đồng ý rằng: “Người Do Thái muốn có đất đai riêng ở Israel sau vụ thảm sát người Do Thái cũng như từ trước đó. Điều này có vẻ hợp lý và được hầu hết các quốc gia trong hệ thống quốc tế ủng hộ sau Đệ nhị Thế chiến.”
Sau khi Israel được thành lập, các chính phủ liên tiếp của Hoa Kỳ đã tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ kiên quyết ủng hộ Israel.
Trong một tờ thông tin được phát hành vào tháng Một, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết mối quan hệ hợp tác 75 năm giữa Hoa Kỳ và Israel “đã được xây dựng dựa trên lợi ích chung và các giá trị dân chủ chung được chia sẻ ngay từ khi thành lập, trong đó người Israel và người Mỹ đoàn kết với nhau bằng cam kết của họ về dân chủ, thịnh vượng kinh tế, và an ninh khu vực.”
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times