Cản phá bước tiếp theo của Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc
Hoa Kỳ cần phải nghiêm túc đối mặt với mối đe dọa do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và công cụ địa chính trị chính của chính quyền này là Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) gây ra.
Tuần này, Trung Quốc tổ chức hội nghị quốc tế lần thứ ba tập trung vào BRI, một chương trình phát triển do ĐCSTQ và Chủ tịch Tập Cận Bình ra mắt vào năm 2013. Ông Tập sẽ chủ trì sự kiện này, vốn đánh dấu kỷ niệm 10 năm BRI. Vị khách đáng chú ý nhất của diễn đàn là Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đã ngồi chung bục với ông Tập tại lễ khai mạc.
Bề ngoài là một sáng kiến nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng và khôi phục các liên kết thương mại dọc theo Con đường Tơ lụa cũ, nhưng về căn bản, BRI là sự phản ánh tham vọng và sức mạnh kinh tế, công nghiệp và quân sự của Trung Quốc. BRI là một công cụ địa chính trị của Trung Quốc, và cho đến nay công cụ này đã phát huy hiệu quả trong việc tái tạo trật tự thế giới mới theo ý tưởng của Bắc Kinh.
Khoảng 150 quốc gia đã ký kết nhiều hình thức thỏa thuận khác nhau, dưới sự bảo trợ của BRI. Lưu ý mong muốn mở rộng hòa bình và thịnh vượng toàn cầu của mình, Bắc Kinh tán dương việc đầu tư hơn 1 ngàn tỷ USD vào các dự án của BRI. Hầu hết khoản đầu tư này tập trung vào năng lượng, giao thông vận tải, cơ sở hạ tầng tiếp vận, khai thác mỏ và hàng hóa. Điều không được nhắc tới là sự thi hành mạnh mẽ của ĐCSTQ, với tầm ảnh hưởng vươn đến tận các nguyên thủ quốc gia và các thế lực khác ở mỗi quốc gia tham gia vào sáng kiến. Ngoài ra, BRI còn có sự hợp tác quân sự và các thỏa thuận an ninh khác với nhiều quốc gia tham gia BRI.
Do phần lớn khoản đầu tư của BRI đi kèm với các điều khoản ép buộc, và thường ở dạng nợ, nên các quốc gia đi vay ở châu Phi và các nơi khác đã bắt đầu phản đối bản chất gây hấn của BRI, lợi ích không cân xứng cho Trung Quốc, và triển vọng nợ nần do BRI gây ra. Về phần mình, Trung Quốc hiện phải chấp nhận thực tế là nhiều khoản đầu tư được thực hiện trong thập niên qua là phi thương mại và sẽ không thu được lợi nhuận. Điều này có thể quản lý được ở quy mô nhỏ, nhưng khi tổng số tiền bắt đầu lên tới hàng ngàn tỷ dollar, thì ngay cả kho bạc lớn của Trung Quốc cũng phải chú ý và thận trọng. Điều này càng đúng hơn khi nền kinh tế trong nước của Trung Quốc đang suy thoái và nợ xấu ngày càng gia tăng.
Một trong những khía cạnh đáng chú ý nhất của diễn đàn BRI năm nay là tầm quan trọng chính yếu của mối bang giao giữa Trung Quốc và Nga. Ngày đầu tiên gồm một cuộc họp kéo dài hơn ba giờ giữa ông Tập và ông Putin bên lề diễn đàn, để thảo luận về một số vấn đề nhạy cảm giữa hai bên. Các chủ đề bao gồm các cuộc xung đột ở Ukraine, Israel, và khu vực châu Phi nói tiếng Pháp, cũng như các vấn đề thương mại, như thăm dò và phát triển Bắc Cực, một khu vực tranh chấp lâu nay giữa các quốc gia.
Mặc dù chắc chắn không phải là một đối tác bình đẳng, nhưng Nga đã trở thành đồng minh quan trọng nhất của Trung Quốc trong BRI, và ván cờ địa chính trị rộng lớn hơn đang được chơi trên toàn cầu. Nga, về căn bản đang trong một cuộc chiến ủy nhiệm với Hoa Kỳ và NATO, giờ đây cần đến Trung Quốc hơn bao giờ hết.
Là một công cụ địa chính trị, mục tiêu chính của BRI là tăng cường quyền lực và ảnh hưởng của Trung Quốc đồng thời ngăn chặn và cuối cùng làm giảm quyền lực và ảnh hưởng của Hoa Kỳ. Là một phần của sáng kiến này, Trung Quốc không chỉ sử dụng sức mạnh kinh tế mà còn cả quyền lực mềm của mình để thuyết phục các quốc gia “Global South” ở châu Phi, châu Mỹ Latinh và châu Á, hướng tới các chính sách thân thiện với ĐCSTQ.
Về phía mình, Hoa Kỳ vừa chậm chạp vừa kém hiệu quả trong việc ứng phó với thách thức do chính quyền Trung Quốc và BRI đặt ra. Hoa Kỳ đã không nhìn nhận mối đe dọa này một cách nghiêm túc, và kết quả là ảnh hưởng của Trung Quốc trên toàn thế giới tiếp tục gia tăng.
Hoa Kỳ tỏ ra kém cỏi khi đối đầu với BRI một phần vì quốc gia này không sẵn lòng hoặc không thể ngăn cản đầu tư của Trung Quốc ở châu Phi và các nơi khác. Quyền lực mềm của Hoa Kỳ — khả năng gây ảnh hưởng và thuyết phục thay vì ép buộc — đã bị suy yếu do sự thiếu chú ý, một sự thay đổi trong hệ thống giá trị theo hướng “Wokism” (Chủ nghĩa thức tỉnh), một hệ tư tưởng không được lan truyền rộng rãi ở hầu hết các nơi trên thế giới — và lạm dụng các công cụ quyền lực cứng của mình, trong đó có các biện pháp trừng phạt kinh tế.
Không giống như trong Chiến tranh Lạnh vốn áp dụng một cách tiếp cận rộng hơn, ngày nay, Hoa Kỳ chủ yếu dựa vào các quyền lực cứng mang tính ép buộc, và đã sao nhãng các quyền lực mềm của mình. Cả hai đều cần thiết, nhưng quyền lực mềm có thể có tiềm năng lớn hơn để tạo ra ảnh hưởng chính trị cũng như văn hóa lâu dài và thực chất. Như Hoa Kỳ gần đây đã được nhắc nhở, việc chỉ phụ thuộc vào quyền lực cứng là không hiệu quả. Quyền lực cứng, bất luận là quân sự hay kinh tế, đều là những công cụ cần thiết nhưng chưa đủ để tạo ra ảnh hưởng địa chính trị bền vững.
Nếu Hoa Kỳ nghiêm túc trong việc chống lại mối đe dọa mà ĐCSTQ đặt ra đối với tự do và dân chủ, thì Hoa Kỳ sẽ phải thay đổi đáng kể các ưu tiên của mình liên quan đến phát triển kinh tế. BRI cung cấp một bộ các quy định, nhưng lịch sử của Hoa Kỳ từ thời hậu chiến cũng đã làm như vậy.
Cam kết của Hoa Kỳ trong việc đẩy lùi BRI sẽ đòi hỏi phải có sự thay đổi trong các ưu tiên, không phải là các nhu cầu cạnh tranh, như Ukraine, sự trợ giúp của NATO, Thỏa thuận Xanh mới, và nhiều trụ cột cốt lõi của “Bidenomics” (Các chính sách kinh tế của ông Biden). Điều này gần như bất khả thi chừng nào vòng luẩn quẩn thâm hụt-nợ-lạm phát vẫn tiếp tục di chuyển theo hình xoắn ốc. Và điều đó chắc chắn là không thể khi cả Tòa Bạch Ốc lẫn Quốc hội Hoa Kỳ vẫn đang tê liệt và kém hiệu quả.