PHÂN TÍCH: Một ‘Liên minh trà sữa’ khác khi Ấn Độ, Đài Loan thắt chặt bang giao trước mối đe dọa từ Trung Quốc
NEW DELHI—Bộ Tài chính Đài Loan cho biết hồi tuần trước rằng xuất cảng từ Đài Loan sang Ấn Độ đã tăng vọt trong nửa đầu năm 2023, mặc dù tổng xuất cảng giảm đáng kể. Xuất cảng của Đài Loan sang Ấn Độ tăng 12.4%, mặc dù tổng xuất cảng của Đài Loan giảm gần 20%.
Báo cáo kinh tế này được đưa ra theo sau thông báo của Đài Loan hôm 08/07 rằng quốc gia này sẽ mở văn phòng đại diện mới tại Mumbai, thủ đô tài chính của Ấn Độ.
Những bước tiến này báo hiệu mối bang giao kinh tế ngày càng tăng giữa hai quốc gia.
Các chuyên gia cho rằng điều được mệnh danh là “Liên minh Trà Sữa” giữa hai quốc gia là sự phù hợp tự nhiên, vì họ phải đối diện với các mối đe dọa tương tự và có thể trợ giúp cho lợi ích của nhau trước căng thẳng gia tăng với Trung Quốc. Thuật ngữ này gợi lại một phong trào hiệp lực trước đây đã hợp nhất các lực lượng ủng hộ dân chủ trên khắp châu Á và hơn thế nữa.
Ông James Lee, cố vấn cao cấp của Hội đồng Phát triển Ngoại thương Đài Loan (TAITRA) chia sẻ với The Epoch Times trong một thông điệp bằng văn bản: “Có rất nhiều điều mà những quốc gia này có thể học hỏi lẫn nhau, và có rất nhiều cách họ có thể tương trợ nhau.”
Thương mại song phương của Ấn Độ và Đài Loan đã tăng từ 2 tỷ USD năm 2006 lên 8.9 tỷ USD vào năm 2021. Đến cuối khoảng thời gian này, 106 công ty Đài Loan đã thành lập doanh nghiệp ở Ấn Độ, mang lại tổng đầu tư 1.5 tỷ USD cho quốc gia này.
Văn phòng Mumbai sẽ là văn phòng đại diện thứ ba của Đài Loan tại Ấn Độ, cùng với các văn phòng tại thủ đô New Delhi và thành phố Chennai.
Do Ấn Độ tuân thủ “Chính sách một Trung Quốc”, nên hai nước không có cơ quan ngoại giao. Cơ quan đại diện Đài Loan tại Ấn Độ được gọi là Trung tâm Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc (TECC) trong khi cơ quan đại diện Ấn Độ tại Đài Loan được gọi là Hiệp hội Ấn Độ–Đài Bắc (ITA).
Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết trong một tuyên bố hôm 05/07 rằng trung tâm mới ở Mumbai sẽ tăng cường hơn nữa giao lưu và hợp tác giữa hai nước.
Một mối bang giao đảo ngược
Mối bang giao giữa New Delhi và Đài Bắc tăng lên khi mối bang giao giữa Ấn Độ và Trung Quốc suy yếu đi vào năm 2020.
Trong bối cảnh đối đầu quân sự dai dẳng với Trung Quốc ngay sau cuộc xung đột đẫm máu ở Galwan, Ấn Độ lần đầu tiên bổ nhiệm một nhà ngoại giao cao cấp làm đại diện tại Đài Loan.
Ông Gourangalal Das, cựu Vụ trưởng phụ trách châu Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Ấn Độ, được bổ nhiệm làm người đứng đầu Hiệp hội Ấn Độ–Đài Bắc vào tháng 07/2020.
Trong nhiệm vụ trước đây của mình, ông Das đã đóng một vai trò quan trọng trong việc sắp xếp chuyến viếng thăm của cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đến Ấn Độ năm 2020.
Tiến sĩ Subramanyam Chandrasekharan, giám đốc Nhóm Phân tích Nam Á, nói với The Epoch Times vào thời điểm đó rằng việc bổ nhiệm ông Das có ý nghĩa rất quan trọng. Chọn một quan chức cao cấp cho vai trò này có nghĩa là mối bang giao giữa Ấn Độ và Đài Loan đã “lên một tầm cao hơn”.
Bà Aparna Pande, nhà nghiên cứu thuộc Viện Hudson có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, nói với The Epoch Times rằng trung tâm mới ở Mumbai là một bước tiến hợp lý, dựa trên những gì đã diễn ra giữa Ấn Độ và Đài Loan trong thập niên qua.
Tiến sĩ Pande cho biết: “Ba văn phòng đại diện của Đài Loan tại Chennai, Delhi và Mumbai đồng nghĩa với các nhà ngoại giao cao cấp của Ấn Độ tại Đài Bắc và các mối bang giao kinh tế sâu sắc hơn.” Bà Pande còn nói thêm rằng bước tiến này cho thấy Ấn Độ mong muốn thắt chặt kinh tế với “những người có thể mang đầu tư và công nghệ đến Ấn Độ.”
Ông Gopal Reddy, người sáng lập Ready for Climate và trước đây là người sáng lập kiêm Giám đốc công nghệ thông tin (CIO) của Chakra Capital Partners, một quỹ phòng hộ có trụ sở tại Boston, đã nói với The Epoch Times trong một thông điệp bằng văn bản rằng mối bang giao chặt chẽ hơn giữa hai quốc gia này là điều đương nhiên, vì sự tương đồng giữa hai nền kinh tế, hai hệ thống chính trị, và các mối quan tâm chung về địa chính trị.
Thông điệp gửi tới Trung Quốc
Các chuyên gia cho rằng có một số lĩnh vực kinh tế trọng điểm mà Đài Bắc và New Delhi có thể trợ giúp lẫn nhau và học hỏi lẫn nhau.
Ông Lee của TAITRA cho biết: “Một mặt, chúng ta có Ấn Độ, vốn nổi tiếng về các dịch vụ CNTT, phần mềm, và công nghiệp nặng, mặt khác là Đài Loan, cường quốc về chất bán dẫn, cương liệu, và gia công cơ khí chính xác.”
Ngoài ra, ông Reddy nhận xét, chuyên môn của Đài Loan trong lĩnh vực sản xuất có độ chính xác cao (lắp ráp chất bán dẫn và điện tử) kết hợp tốt với nguồn nhân lực dồi dào của Ấn Độ.
Ông Lee cho rằng Đài Loan cũng có những điều cần học hỏi từ Ấn Độ trong bối cảnh địa kinh tế hiện nay.
Ông nói: “Các công ty Ấn Độ, với nhiều năm kinh nghiệm đối phó với lãi suất cao và với kỹ năng quản lý [đã tạo ra] những công ty toàn cầu hàng đầu có lợi nhuận rất cao, trong khi Đài Loan, thường được hưởng một số mức lãi suất thấp nhất ở châu Á, hiện phải đối mặt với thách thức quản lý doanh nghiệp khi lãi suất toàn cầu có xu hướng cao hơn.”
Ông Reddy lưu ý rằng các công ty đa quốc gia phương Tây đã tìm nguồn cung ứng từ các công ty Đài Loan trong nhiều năm. Mối quan hệ đối tác giữa các nhà sản xuất Đài Loan và Ấn Độ có thể sẽ mang lại sự thoải mái hơn đối với việc chuyển sản xuất khối lượng lớn từ Trung Quốc sang Ấn Độ.
Tiến sĩ Pande cho biết bước tiến này này gửi một thông điệp tới “Trung Quốc rằng ngay cả khi Ấn Độ, giống như những nước khác, chấp nhận chính sách một Trung Quốc, thì họ vẫn sẽ xây dựng bang giao với Đài Loan,” và “đồng thời giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc.”
Một “Liên minh trà sữa” khác
Ông Lee cho biết tương lai mối bang giao của hai quốc gia này rất hứa hẹn và gọi đó là một “Liên minh trà sữa” khác.
Liên quan đến bang giao Ấn Độ–Đài Loan, #MilkTeaAlliance bắt đầu thịnh hành vào năm 2020.
Những nỗ lực mạnh tay của Trung Quốc nhằm ngăn chặn truyền thông Ấn Độ đưa tin ủng hộ về ngày lễ quốc khánh 10/10 của Đài Loan đã bị phản tác dụng. Dòng hashtag #MilkTeaAlliance, cùng với một biểu tượng cảm xúc mô tả các nhà lãnh đạo Đài Loan và Ấn Độ nâng cốc chúc mừng nhau bằng trà trân châu và trà gia vị Ấn Độ, đã nhanh chóng được lan truyền.
Ông Austin Wang của Đại học Nevada và ông Adrian Rauchfleisch của Đại học Quốc gia Đài Loan đã phân tích phong trào gắn kết dân sự trực tuyến trong một báo cáo (pdf) có tựa đề “Hiểu về Phong trào #MilkTeaAlliance.”
Tiến sĩ Wang và tiến sĩ Rauchfleisch trong báo cáo của họ, được xuất bản thông qua chương trình học bổng Wilson Trung Quốc 2021-2022, cho rằng: “Các nhà quan sát đã xác định được hai yếu tố khác biệt thúc đẩy phong trào này: tinh thần bài Trung Quốc và tinh thần ủng hộ dân chủ.”
Báo cáo này đã phân tích 3 triệu tweet #MilkTeaAlliance, và cho thấy rằng phong trào trực tuyến này bắt đầu ở Hồng Kông, Đài Loan, Thái Lan, và Myanmar (Miến Điện) nhưng nhanh chóng được cư dân mạng từ Ấn Độ, Úc, và Philippines tham gia.
Kể từ đó, đã xuất hiện một số làn sóng của phong trào. Ông Lee dùng điều này như một ví dụ tương tự để tăng cường mối bang giao Ấn Độ-Đài Loan.
Ông cũng lưu ý rằng Ấn Độ là quốc gia lớn duy nhất đã thành công trong việc cấm các ứng dụng của Trung Quốc, trong khi Đài Loan có nhiều kinh nghiệm nhất thế giới trong việc chống lại sự xâm nhập của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Không rón rén quanh các lằn ranh đỏ tưởng tượng
Ông Frank Lehberger, một nhà Trung Quốc học và là thành viên nghiên cứu cao cấp tại Quỹ Usanas, nói với The Epoch Times qua tin nhắn rằng việc tăng cường bang giao kinh tế và thương mại giữa Ấn Độ và Đài Loan đã chậm trễ quá lâu rồi.
Hơn nữa, ông nói, Ấn Độ nên thách thức chính sách “Một Trung Quốc.”
“Cách tốt nhất để làm cho chính quyền cộng sản Bắc Kinh phải e dè là tăng cường trao đổi chính trị với chính phủ Đài Loan. Hiện nay, người Nhật Bản đang thực hiện điều đó hàng ngày và Trung Quốc không cắt đứt bất kỳ mối bang giao nào hoặc cũng không dùng quân đội để xâm chiếm các hòn đảo của Nhật Bản.” ông nói.
“Những gì Nhật Bản có thể làm, Ấn Độ nên làm theo một cách dễ dàng hơn, vì đây là một cường quốc hạt nhân.”
Ông Lehberger cho biết một Ấn Độ quyết đoán hơn có thể đối mặt tốt hơn với một Trung Quốc hiếu chiến và Đài Loan có thể giúp Ấn Độ đạt được mục tiêu đó.
Vân Sa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times