Chuyên gia: Lời nhận định ‘chiến đấu vì Đài Loan’ của cựu thủ tướng Nhật Bản phù hợp với tâm lý số đông
Từ ngày 07 đến ngày 09/08, ông Taro Aso, cựu Thủ tướng Nhật Bản và hiện là phó chủ tịch của Đảng Dân Chủ Tự Do (LDP) cầm quyền, đã bắt đầu một chuyến thăm đáng chú ý tới Đài Loan. Chuyến thăm này đã thu hút sự quan tâm của công chúng vì đây là dịp gặp gỡ quan trọng của một thành viên trong đảng cầm quyền Nhật Bản với phía Đài Loan.
Trong chuyến thăm của mình, ông Aso đã trình bày trước cử tọa tại Diễn đàn Ketagalan và gặp Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn.
Khác hoàn toàn với những chuyến thăm trước đây, chuyến thăm này không gặp phải sự chỉ trích hay phản ứng dữ dội nào từ các phe đối lập Nhật Bản và báo chí cánh tả. Thay vào đó, chuyến thăm này nhận được một sự im lặng đáng ngạc nhiên. Phản ứng im lặng này đã được ba chuyên gia Nhật Bản làm sáng tỏ.
Trong bài diễn văn hôm 08/08 của mình, ông Aso nhấn mạnh ba giá trị chung ràng buộc Đài Loan và Nhật Bản: tự do, dân chủ, nhân quyền, và pháp quyền. Ông đã điểm qua các mối quan hệ kinh tế quan trọng và các cuộc trao đổi nhân sự thường xuyên giữa hai quốc gia, đồng thời mô tả Nhật Bản và Đài Loan là hai đối tác rất cần thiết và là hai đồng minh quý báu.
Diễn đàn Ketagalan năm nay do Bộ Ngoại giao Đài Loan tổ chức với trọng tâm là Đàm luận An ninh Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương năm 2023 xoay quanh tình hình Eo biển Đài Loan và các vấn đề an ninh toàn cầu.
Ông Aso nhắc lại các mối đe dọa quân sự ngày càng gia tăng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với Đài Loan nhằm đáp trả chuyến thăm của cựu Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi tới hòn đảo này vào năm ngoái (2022).
Việc Bắc Kinh leo thang căng thẳng đã mau chóng vấp phải phản ứng từ các ngoại trưởng G7, những người đã đưa ra một tuyên bố khẩn cấp ngăn cản ĐCSTQ phá vỡ nguyên trạng ở Eo biển Đài Loan. Nhật Bản lặp lại những lo ngại này khi kêu gọi ĐCSTQ ngừng các hoạt động quân sự liên quan.
Ông Aso cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan đối với Nhật Bản cũng như đối với cộng đồng toàn cầu.
Theo các bản tin của các hãng truyền thông địa phương, ông Aso nhận định, “Đối với Nhật Bản, ngăn chặn chiến tranh ở khu vực này, đặc biệt là eo biển Đài Loan, là điều hết sức quan trọng.”
Ông đã xác định ba điều quan trọng nhất khi tiến hành răn đe: năng lực, ý định sử dụng năng lực đó, và bảo đảm rằng các đối thủ nhận thức được cả hai điều này.
Ông Aso nhấn mạnh thêm rằng Nhật Bản, Đài Loan, và Hoa Kỳ phải thể hiện một mặt trận kiên quyết, lực lượng răn đe mạnh mẽ, và quyết tâm chiến đấu. Ông nhấn mạnh rằng chỉ đầu tư vào quốc phòng là không đủ, và khả năng răn đe thực sự có nghĩa là sẵn sàng sử dụng năng lực đó nếu hoàn cảnh yêu cầu và bảo đảm rằng các đối thủ nhận thức được quyết tâm đó.
Trước đó, hồi tháng 12/2022, ông Koichi Hagiuda và ông Hiroshige Sekou, những nhân vật nổi bật của LDP, đã đến thăm Đài Loan. Trong bối cảnh ĐCSTQ ngày càng gia tăng các hành động khiêu khích quân sự đối với Đài Loan, chuyến thăm của họ đã nhấn mạnh cam kết của LDP trong việc thắt chặt mối bang giao với Đài Loan. Chuyến đi gần đây của ông Aso là nhằm củng cố quan điểm này.
Sự lựa chọn lãnh đạo của Đài Loan: Một vấn đề trọng yếu
Trong chuyến thăm của mình, ông Aso đã có một cuộc đàm thoại sâu sắc với Phó Tổng thống Lại Thanh Đức (Lai Ching-te hay William Lai), ứng cử viên hàng đầu trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới của Đài Loan. Theo một bài báo của Sankei News, ông Aso cổ vũ ông Lại về tính chất vô cùng quan trọng của việc một nhà lãnh đạo thể hiện quyết tâm khai triển sức mạnh của Đài Loan một cách thận trọng để tự quản và phòng thủ. Ngoài ra, họ đã thảo luận về các chiến lược tiềm năng trong trường hợp xảy ra xung đột ở Đài Loan.
Đề cập đến các cuộc thảo luận của mình với bà Thái Anh Văn, ông Aso nhận xét: “Sự cam kết của Phó Tổng thống Lại Thanh Đức về quyết tâm bảo vệ Đài Loan đã mang lại cho tôi cảm giác nhẹ nhõm.”
Sau cuộc họp, trong khi diễn thuyết trước giới truyền thông tại khách sạn của mình, ông Aso đã nói rõ những điều khiến ông lo ngại. Ông cảnh báo về những nguy cơ mà Đài Loan có thể gặp phải nếu họ bầu ra một nhà lãnh đạo có xu hướng thiết lập bang giao với ĐCSTQ. Hậu quả của những cuộc bầu cử như vậy sẽ không chỉ gây ra ảnh hưởng dữ dội ở Đài Loan mà còn ảnh hưởng đáng kể đến Nhật Bản. Ông bày tỏ kỳ vọng rằng một người kế nhiệm đáng tin cậy sẽ xuất hiện để cam kết duy trì hiện trạng dựa trên các giá trị dân chủ tự do trong các cuộc bầu cử sắp tới.
Nhận định của ông Aso ít gặp phải sự phản đối trong nước
Mặc dù những nhận định “chiến đấu vì Đài Loan” của ông Aso không làm náo động đáng kể các cuộc đàm luận chính trị của Nhật Bản, nhưng không phải là những nhận định này hoàn toàn không bị gièm pha. Ông Katsuya Okada, tổng thư ký của Đảng Dân Chủ Lập Hiến trung tả của Nhật Bản, đã cảnh báo trước cái gọi là tuyên bố mạnh bạo. Tương tự, ông Koike Akira, tổng bí tư Đảng Cộng Sản Nhật Bản cực tả, lập luận rằng những lời nói của ông Aso đi chệch khỏi lập trường phòng thủ nghiêm ngặt của Nhật Bản và có bản chất kích động.
Hôm 09/08, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno đã cân nhắc về những bình luận của ông Aso trong một cuộc họp báo. Mặc dù không trực tiếp nói đến những nhận định của từng chính trị gia hoặc đảng phái, nhưng ông Matsuno nhấn mạnh tầm quan trọng tối thượng của hòa bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan đối với an ninh của Nhật Bản và sự hòa thuận toàn cầu.
Tờ báo Nhật Bản Zakzak (Evening Fuji) đã liên lạc với ba chuyên gia học thuật để đề nghị đưa ra những quan điểm của họ về bài diễn văn của ông Aso tại Đài Loan và những tác động của những phát ngôn này.
Ông Hirotaka Yamashita, từng là tướng chỉ huy trong Lực lượng Phòng vệ Khu vực Trung tâm Nhật Bản và hiện là một giáo sư khách mời tại Đại học Khoa học Chiba, đưa ra quan điểm rằng bởi vì Nhật Bản và Đài Loan không có bang giao chính thức, nên chuyến thăm Đài Loan của ông Aso là chưa từng có tiền lệ. Qua việc thảo luận thẳng thắn về biện pháp răn đe, ông đã đề cập đến một chủ đề nhạy cảm có thể chọc tức ĐCSTQ. Với các cuộc tập trận phòng thủ được gia tăng gần đây của Nhật Bản tại các đảo phía tây nam của nước này, vốn thuộc chuỗi đảo đầu tiên bao quanh Trung Quốc và các quốc gia trong khu vực có các tuyên bố chủ quyền lịch sử đang tranh chấp, thông điệp của ông Aso phù hợp với các lợi ích chiến lược của Nhật Bản — cũng như các đồng minh của mình — trong việc bảo đảm rằng ĐCSTQ không tiến hành thiết lập các quy tắc ở Thái Bình Dương rộng lớn hơn.
Ông Shi Ping, nhà bình luận nổi tiếng của Nhật Bản còn được biết với tên Seki Hei, nhấn mạnh rằng các nền dân chủ cần phải đưa ra một lập trường thống nhất trong việc tăng cường khả năng phòng thủ của Đài Loan. Ông xem nhận định của ông Aso là đúng thời điểm và thích hợp vì Đài Loan có thể e ngại về cam kết của Nhật Bản đối với việc bảo vệ nước này trong trường hợp nước này bị Hoa lục tấn công.
Ông nói, bài diễn văn của ông Aso nhằm mục đích xoa dịu những lo ngại như vậy. Hơn nữa, trước thềm cuộc bầu cử ở Đài Loan, lời nói của ông là lời kêu gọi rõ ràng chống lại ảnh hưởng của các phần tử thân ĐCSTQ trong chính trường toàn cầu. Ông Shi cũng nhấn mạnh rằng đã có sự thay đổi trong nghị luận chính trị: trước đây hễ nói về Đài Loan “quyết tâm chiến đấu” sẽ bị chỉ trích mạnh mẽ, thì những lời chỉ trích hiện nay đã im ắng hơn, và các hãng truyền thông cánh tả hầu như giữ thái độ ôn hòa.
Ông Youichi Shimada, giáo sư danh dự tại Đại học Tỉnh Fukui, đã chỉ ra sự tương đồng giữa hành vi của ĐCSTQ với cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine để cho thấy hiện nay việc một người xác định ý định bảo vệ quốc gia một cách rõ ràng là một chuẩn mực được quốc tế công nhận.
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times