PHÂN TÍCH: Dù Iran có can dự vào cuộc tấn công Israel hay không, họ vẫn là nhà tài trợ lớn nhất của Hamas
Iran cung cấp sự trợ giúp mạnh mẽ cho Hamas và phong trào Thánh chiến Hồi giáo, hai nhóm khủng bố chống Israel đã thực hiện vụ tấn công hôm 07/10 khiến hơn 900 người Israel thiệt mạng
Mặc dù không rõ liệu Iran có can dự trực tiếp đến các cuộc tấn công khủng bố chưa từng có vào Israel hay không, nhưng chế độ Hồi giáo này luôn là nước ủng hộ nhiều nhất cho Hamas và các nhóm khủng bố khác liên quan đến vụ tấn công.
Các quan chức Hoa Kỳ và Israel vẫn khẳng định họ chưa xác thực được rằng Iran có liên quan đến vụ tấn công. Về phần mình, các quan chức Iran phủ nhận có liên quan trực tiếp nhưng lên tiếng ủng hộ vụ tấn công.
Bất chấp điều đó, Iran đã cung cấp sự trợ giúp mạnh mẽ cho cả Hamas và phong trào Thánh chiến Hồi giáo, một nhóm khủng bố chống Israel khác đã tham gia vào vụ tấn công hôm 07/10 khiến hơn 900 người Israel thiệt mạng.
Một ngày sau vụ tấn công, ông Abu Obaidah, phát ngôn viên của Lữ đoàn Al-Qassem, cánh quân sự của Hamas, tin rằng Iran đã tạo điều kiện cho vụ thảm sát này xảy ra.
“Chúng tôi cảm ơn Cộng hòa Hồi giáo Iran đã cung cấp cho chúng tôi vũ khí, tiền bạc, và các thiết bị khác,” ông nói trong một video. “Họ đã cung cấp cho chúng tôi phi đạn để phá hủy các pháo đài của chủ nghĩa Phục quốc Do Thái và giúp chúng tôi có phi đạn chống tăng tiêu chuẩn.”
Năm ngoái (2022), Lãnh đạo Hamas Ismail Haniyeh nói với hãng truyền thông Al-Jazeera rằng Iran đã chi ra 70 triệu USD để giúp nhóm này phát triển phi đạn và hệ thống phòng thủ.
Ông xác định Iran là nhà tài trợ lớn nhất, mặc dù ông cho biết các nước khác cũng cấp tiền cho nhóm này.
Theo báo cáo năm 2020 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Hamas và các nhóm khủng bố Palestine khác đã nhận được tổng cộng tới 100 triệu USD mỗi năm từ Iran.
Theo báo cáo này, ngoài ra, Iran còn tài trợ cho nhóm khủng bố Hezbollah ở Lebanon khoảng 700 triệu USD mỗi năm. Hezbollah đã lên tiếng ủng hộ cuộc tấn công vào Israel nhưng chưa chính thức tham chiến, mặc dù một vài hỏa tiễn đã được phóng từ miền nam Lebanon vào Israel trong những ngày gần đây.
Chế độ Iran xem nhà nước Israel là bất hợp pháp. Từ lâu họ đã ủng hộ việc loại bỏ nhà nước này và tài trợ cho nhiều lực lượng ủy nhiệm khác nhau để hiện thực hóa mục tiêu đó.
Chính phủ Tổng thống (TT) Biden đang cố gắng xoa dịu mối bang giao với Iran trong nỗ lực khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran thời cựu TT Obama mà cựu TT Donald Trump đã hủy bỏ để ủng hộ các lệnh trừng phạt toàn diện hồi năm 2018.
Trong năm qua, chính phủ TT Biden đã cho phép Iran tiếp cận hàng tỷ USD doanh thu năng lượng trước đây bị các lệnh trừng phạt phong tỏa. Tháng trước (09/2023), chính phủ đã đồng ý — chính thức là một phần của thỏa thuận trao đổi tù nhân — dỡ phong tỏa 6 tỷ USD từ doanh số bán dầu của Iran vốn trước đây bị mắc kẹt trong một ngân hàng của Nam Hàn. Trong khi các nhà phê bình lập luận rằng Iran đã sử dụng số tiền này để tài trợ cho cuộc tấn công vào Israel, thì những người khác, bao gồm cả chính phủ ông Biden, lại nói rằng số tiền này chỉ được phép dùng cho thực phẩm và thuốc men và cho đến nay số tiền này vẫn nằm yên trong một ngân hàng Qatar.
Hai mươi thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa đã cho biết trong một bức thư rằng việc hạn chế sử dụng 6 tỷ USD đó cho mục đích nhân đạo là không đủ, vì điều đó vẫn giúp chế độ này thoải mái chi tiêu những khoản tiền khác.
Họ nói trong bức thư hôm 09/10: “Cho phép 6 tỷ USD chảy vào nền kinh tế Iran, ngay cả khi mục đích là viện trợ nhân đạo, cho phép chế độ Iran tái phân bổ nhiều ngân quỹ hơn nữa để viện trợ cho chủ nghĩa khủng bố.” Những thượng nghị sĩ này kêu gọi Tổng thống Joe Biden phong tỏa trở lại 6 tỷ USD này.
Do các lệnh trừng phạt, nền kinh tế Iran đã bị tình trạng lạm phát lên tới 70% trong năm qua ảnh hưởng nặng nề. Con số này chỉ là ước tính sơ bộ vì chế độ này đã giữ bí mật về các chỉ số kinh tế vì lý do tuyên truyền.
Một mục đích quan trọng trong kế hoạch trừng phạt của chính phủ TT Trump là làm cạn kiệt nguồn dự trữ dollar Mỹ của Iran, dẫn đến việc người Iran phải mất tới 500,000 riyal để đổi một dollar Mỹ, so với khoảng 33,000 riyal vào năm 2017.
Những thảm họa kinh tế này đã dẫn đến tình trạng thiếu hàng hóa và từ đó dẫn đến tình trạng bất ổn trong nước. Chế độ này không những cần dollar Mỹ để nhập cảng thực phẩm và thuốc men nhằm ngăn chặn người dân nổi loạn, mà còn để tài trợ cho các lợi ích quân sự của mình. Những kẻ buôn bán vũ khí mong đợi được trả bằng dollar Mỹ và các nhóm khủng bố ủy nhiệm của họ cũng vậy, bao gồm Hamas, Thánh chiến Hồi giáo, và Hezbollah. Do đó, chế độ này phải tính toán cẩn thận về cách chi tiêu bất kỳ đồng dollar nào mà họ đang nắm trong tay.
Các quan chức Iran đã chỉ ra rằng quyết định dỡ bỏ phong tỏa 6 tỷ USD cho phép họ tái phân bổ những khoản tiền khác mà trước đây họ đã phân bổ cho thực phẩm và thuốc men. Nhưng đây không phải là khoản tiền duy nhất được trao lại cho chế độ này.
Hồi tháng Sáu, chính phủ TT Biden đã đồng ý dỡ phong tỏa 2.7 tỷ USD mà Iraq nợ Iran về khí đốt và điện. Khoản tiền đó cũng chỉ dự định giới hạn cho các nhu cầu nhân đạo.
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times