Hạ viện thông qua dự luật ngăn chặn viện trợ cho Hamas trong bối cảnh chiến sự ở Israel
Trong bối cảnh chiến sự Israel-Hamas sắp chạm mốc một tháng, hôm 01/11, Hạ viện đã thông qua hai dự luật nhắm mục tiêu vào nhóm khủng bố Hamas và nước hậu thuẫn cho nhóm này là Iran.
Đạo luật Ngăn chặn Viện trợ Quốc tế cho Hamas, do Dân biểu Brian Mast (Cộng Hòa-Florida) đưa ra, đã được thông qua với tỷ lệ 363 phiếu thuận-46 phiếu chống, trong đó một thành viên Đảng Cộng Hòa cùng với 45 thành viên Đảng Dân Chủ bỏ phiếu phản đối đạo luật này.
Dự luật này sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quốc gia và cá nhân ngoại quốc ủng hộ Hamas và phong trào Thánh chiến Hồi giáo Palestine (PIJ), cũng được Hoa Kỳ nhận định là một tổ chức khủng bố.
Dự luật sẽ yêu cầu tổng thống, trong vòng 180 ngày kể từ ngày dự luật được ban hành, phải áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với người ngoại quốc và bất kỳ quốc gia ngoại quốc nào viện trợ cho Hamas.
Dự luật này sẽ hết hạn sau bảy năm hoặc 30 ngày sau khi tổng thống xác nhận rằng Hamas, PIJ, hoặc các tổ chức liên đới của họ không còn phải chịu lệnh trừng phạt.
Các quốc gia ngoại quốc cung cấp viện trợ cho Hamas sẽ không nhận được viện trợ của Hoa Kỳ trong ít nhất một năm.
Hơn nữa, tổng thống sẽ được yêu cầu nộp một báo cáo lên Quốc hội kèm theo bản đánh giá về các hoạt động và tài sản của Hamas, Thánh chiến Hồi giáo Palestine, và các tổ chức liên đới của họ cũng như danh sách các quốc gia cung cấp một số hình thức viện trợ nhất định cho Hamas. Tổng thống phải nộp bản báo cáo này trong vòng không quá 90 ngày sau ngày ban hành Đạo luật, và định kỳ cứ 180 ngày/lần sau đó.
Nghị quyết dài ba trang lên án chương trình hạt nhân của Iran do Chủ tịch Ủy ban Ngoại vụ Hạ viện Michael McCaul (Cộng Hòa-Texas) đưa ra, đã được thông qua với tỷ lệ 354 phiếu thuận-53 phiếu chống, với 50 thành viên Đảng Dân Chủ và 3 thành viên Đảng Cộng Hòa bỏ phiếu chống.
Nghị quyết nêu rõ, “Chính sách của Hoa Kỳ đó là không chấp nhận một nước Cộng hòa Hồi giáo Iran có hạt nhân; rằng Iran không được phép sở hữu vũ khí hạt nhân trong bất kỳ trường hợp hoặc điều kiện nào; sử dụng mọi biện pháp cần thiết để ngăn chặn Iran có được vũ khí hạt nhân; đồng thời công nhận và ủng hộ quyền tự do hành động của các đối tác và đồng minh, bao gồm cả Israel, nhằm ngăn chặn Iran có được vũ khí hạt nhân.”
Nghị quyết lưu ý rằng Iran đã làm giàu uranium với độ tinh khiết là 60%, đồng thời cũng trích dẫn rằng nước này đã làm giàu uranium lên tới 90%, có thể sử dụng để sản xuất vũ khí hạt nhân. Iran thực hiện hành động này sau cuộc tấn công năm 2021 vào một trong những cơ sở hạt nhân của nước này. Độ tinh khiết, theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế trực thuộc Liên Hiệp Quốc, là “tỷ lệ, được biểu thị bằng phần trăm, hoạt độ phóng xạ của nhân phóng xạ đánh dấu trong thuốc phóng xạ so với tổng hoạt độ của các nhân phóng xạ có trong thuốc phóng xạ.”
Dự luật này cũng dẫn lời cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley vào tháng Ba, “Iran có thể sản xuất vật liệu phân hạch cho vũ khí hạt nhân trong vòng chưa đầy hai tuần và sẽ chỉ mất vài tháng để chế tạo một vũ khí hạt nhân thực sự.”
Nghị quyết đề cập rằng “các thanh sát viên của IAEA đã tìm thấy các hạt phân tử uranium được làm giàu tới 83.7% tại cơ sở hạt nhân Fordow của Iran hồi tháng 01/2023.”
Hồng Ân lược dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times