PHÂN TÍCH: Cựu TT Trump thử thẩm phán bằng cách yêu cầu một sự trì hoãn nhỏ
Nhóm pháp lý của cựu Tổng thống (TT) Donald Trump dường như đang thử thẩm phán chủ tọa vụ án liên quan đến nỗ lực đảo ngược kết quả bầu cử năm 2020 của ông.
Hôm 07/08, Thẩm phán Địa hạt liên bang Tanya Chutkan đã ra lệnh cho các công tố viên và bị cáo đưa ra cho bà hai lựa chọn ngày tháng cho một phiên điều trần về lệnh giữ im lặng mà phía công tố viên đã yêu cầu. Bà muốn phiên điều trần này diễn ra vào hoặc trước ngày 11/08, nhưng Tổng thống Trump đã đề nghị ngày 14 hoặc 15/08 để có được sự hiện diện của cả hai luật sư của mình, với lý do xung đột về lịch trình với vụ truy tố mà ông đang gặp phải ở Florida (pdf).
Theo một nhà phân tích pháp lý có biệt danh “Techno Fog” trên X, nền tảng trước đây được gọi là Twitter, thì các thẩm phán thường giải quyết các vấn đề về lịch trình xét xử với luật sư, nhưng ở đây yêu cầu này có thể đóng vai trò như một phép thử về sự thiên vị của thẩm phán.
“Ngày diễn ra phiên xét xử vào thứ Hai hoặc thứ Ba (14 hoặc 15/08) do các luật sư của ông Trump đề xướng là hợp lý, sau khi suy xét đến thông báo gấp mà tòa án đã đưa ra, thực tế là họ phải tới thủ đô Hoa Thịnh Đốn, và lịch trình của họ xung đột với vụ án của ông Trump ở Địa hạt phía Nam Florida. … Đây là một vụ án rất mới và quyết định vội vàng xét xử của Thẩm phán không mấy hợp lý,” nhà phân tích này nói với The Epoch Times.
“Một chiến lược tiềm năng đằng sau việc đệ đơn yêu cầu này có thể là họ bắt đầu kiểm tra sự công bằng của Thẩm phán đối với ông Trump.”
Yêu cầu được trì hoãn, mặc dù là một thời gian ngắn, có ý nghĩa đặc biệt trong trường hợp của ông Trump, người đang là ứng cử viên hàng đầu cho đề cử tổng thống của Đảng Cộng Hòa (GOP), bởi vì trì hoãn việc giải quyết vụ việc đến sau cuộc bầu cử năm 2024 có thể có lợi cho ông.
Do đó, Thẩm phán Chutkan có thể cảm thấy áp lực phải từ chối bất kỳ yêu cầu trì hoãn nào để tránh bị chỉ trích là đi theo chiến lược của ông Trump.
Tuy nhiên, vụ án này có thể liên quan rõ ràng đến hàng triệu tài liệu và có thể mất nhiều năm để giải quyết. Theo luật sư bào chữa và là cựu công tố viên liên bang William Shipley, thì bằng cách từ chối những lần trì hoãn nhỏ ngay từ đầu, thẩm phán có thể đang tạo ra một vụ án thiên vị chống lại chính mình.
Các luật sư của ông Trump đã tập trung vào vấn đề này.
Trong phản hồi hôm 07/08 đối với yêu cầu không tiết lộ thông tin của các công tố viên, những luật sư này lưu ý rằng thẩm phán chỉ cho họ ba ngày, bao gồm cả cuối tuần, để phúc đáp trong khi quy định thông thường tại các tòa án ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn là 14 ngày.
“Không còn nghi ngờ gì nữa, quyết định của Tòa án khác với Các quy tắc Địa phương mặc định và cho Tổng thống Trump thời hạn chưa đầy một ngày làm việc để trả lời Kiến nghị quan trọng này là một diễn biến đáng lo ngại, không phù hợp với các quyền của ông ấy trong quy trình tố tụng,” hồ sơ đệ trình lên tòa án cho biết, yêu cầu thẩm phán cho thời hạn 14 ngày để phúc đáp như bình thường từ giờ trở đi.
Hôm 04/08, phía công tố viên đã yêu cầu một lệnh bảo vệ để ngăn ông Trump tiết lộ thông tin mà ông sẽ biết được khi phía công tố viên cung cấp cho ông bằng chứng mà họ có để chống lại ông cũng như thông tin ngoại phạm mà chính phủ sở hữu.
“Một lệnh hạn chế như vậy là đặc biệt quan trọng trong trường hợp này vì trước đó bị cáo đã đưa ra các tuyên bố công khai trên mạng xã hội về các nhân chứng, thẩm phán, luật sư, và những người khác liên quan đến các vấn đề pháp lý đang chờ xét xử đối với ông,” phía công tố viên viết trong kiến nghị của họ, trích dẫn một bài đăng của ông Trump viết trên Truth Social rằng, “NẾU CÁC VỊ TRUY ĐUỔI TÔI, TÔI SẼ TRUY ĐUỔI CÁC VỊ!”
Các luật sư của ông Trump giải thích trong phúc đáp của họ rằng bình luận trên mạng xã hội đó nhắm vào một số đối thủ chính trị của vị tổng thống thứ 45 trong nội bộ đảng của ông ấy và chiến dịch tranh cử của ông ấy đã làm rõ vấn đề này.
Họ thừa nhận rằng một lệnh bảo vệ được áp dụng để ngăn tiết lộ bằng chứng của đại bồi thẩm đoàn và các thông tin “nhạy cảm” khác, nhưng lại phản đối một lệnh bảo vệ toàn diện mà cũng sẽ ngăn tiết lộ thông tin không nhạy cảm.
“Hiển nhiên là việc chính phủ đòi hỏi cần phải bảo vệ ‘các danh mục tài liệu rất nhạy cảm’ thì không thể ủng hộ các hạn chế đối với những tài liệu không nhạy cảm,” tài liệu phúc đáp cho biết (pdf).
Vụ án được đưa ra hôm 01/08 bởi biện lý đặc biệt Jack Smith, người đã cáo buộc có một âm mưu “làm suy yếu, cản trở, và phá hoại” việc thu thập và kiểm đếm phiếu đại cử tri; âm mưu chống lại quyền bầu cử của người Mỹ; cản trở việc kiểm đếm phiếu đại cử tri của Quốc hội; và âm mưu cản trở việc kiểm đếm phiếu đại cử tri (pdf).
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times