Cựu Tổng thống Donald Trump trở lại Hoa Thịnh Đốn
Hôm 04/08, cựu Tổng thống Donald Trump đã trở lại Thủ đô Hoa Thịnh Đốn để tham dự một phiên tòa buộc tội liên quan đến những tuyên bố cáo buộc của ông về gian lận bầu cử năm 2020 và hành động của ông nhằm chống lại điều này.
Biện lý Đặc biệt Jack Smith, người đã đưa ra các cáo buộc đối với ông Trump, nói rằng những tuyên bố của cựu tổng thống Hoa Kỳ về gian lận có tính chất quyết định kết quả bầu cử và những nỗ lực can thiệp vào việc kiểm đếm phiếu ở các tiểu bang chiến địa then chốt đã tạo thành một nỗ lực tội phạm nhằm lật đổ và lừa gạt chính phủ Hoa Kỳ.
Ông Smith đã truy tố ông Trump bốn tội danh: âm mưu lừa gạt Hoa Kỳ, âm mưu cản trở một thủ tục tố tụng chính thức, cản trở và cố gắng cản trở một thủ tục tố tụng chính thức, và âm mưu chống lại các quyền. Những cáo buộc trọng tội này phần lớn liên quan đến các hành động của ông Trump về và dẫn đến vụ xâm phạm Điện Capitol vào ngày 06/01, và có hình phạt tối đa là 55 năm tù hoặc phạt tiền lên tới 755,000 USD.
Ông Trump và các luật sư của ông đã chỉ trích những cáo buộc này là hành vi tấn công quyền tự do ngôn luận. Luật sư chính John Lauro cảnh báo rằng “Tu chính án thứ Nhất đang bị tấn công.”
Ông Trump đã trình diện tại Tòa án E. Barrett Prettyman, một tòa án liên bang nằm cách Capitol Hill chỉ vài trăm thước.
Đến 6 giờ sáng hôm thứ Sáu (04/08), mười giờ trước lúc bắt đầu phiên tòa buộc tội ông Trump lúc 4 giờ chiều, vài chục phóng viên đã xếp hàng dài bên cạnh các cánh cửa dẫn vào tòa án. Các đội quay phim và truyền hình đã chiếm gần như toàn bộ không gian xung quanh tòa án. Rào chắn, được làm từ các dải băng của Cảnh sát Tư pháp Hoa Kỳ cảnh báo mọi người không được băng qua, kéo dài tới một vài dãy nhà xung quanh khu vực tòa án.
Video: Quang cảnh Tòa Địa hạt Hoa Thịnh Đốn sau vụ truy tố ông Trump
Một ngày trước đó, các tòa nhà văn phòng trong khu vực này — bao gồm cả ban quản lý của văn phòng The Epoch Times tại Thủ đô Hoa Thịnh Đốn — đã đưa ra thông báo cho những người thuê nhà để cảnh báo về khả năng bị chậm trễ và tắc đường trước phiên tòa. Mặc dù vậy, hầu như xe cộ vẫn được phép tự do đi lại.
Khoảng 7 giờ sáng, Cảnh sát Tư pháp Hoa Kỳ bắt đầu sàng lọc nhân viên báo chí được vào tòa nhà. Các biện pháp an ninh nghiêm ngặt được áp dụng tương tự như các biện pháp do Cục An ninh Vận tải thực hiện tại các phi trường: nhân viên của các hãng thông tấn được yêu cầu tháo thắt lưng, mọi thiết bị điện tử, và đặt túi và áo khoác của họ để một máy X-quang quét qua.
Tòa nhà này có hai phòng tràn (overflow room) với khoảng 100 chỗ ngồi cho số lượng lớn nhân viên báo chí dự kiến vào ngày hôm đó. Ngược lại, bản thân không gian đáng ao ước trong phòng xử án rất hạn chế, chỉ có năm ghế dành cho bên báo chí, được phát theo hình thức rút thăm. Những nhân viên báo chí còn lại phải xem quá trình tố tụng thông qua nguồn cấp dữ liệu trực tiếp theo mạch kín được phát trên một số màn hình trong các phòng tràn.
Ông Trump đến
Khoảng 3 giờ chiều, phi cơ riêng của ông Trump hạ cánh xuống Phi trường Quốc gia Reagan ở Virginia.
Trước khi đoàn xe hộ tống ông đến tòa án, các nhân viên Mật vụ đã tìm kiếm và đưa ra ngoài những người ở các tầng dưới của tòa nhà để bảo đảm rằng không ai có thể nhìn thấy ông Trump khi ông đến hoặc rời khỏi phiên tòa.
Khi đoàn xe hộ tống của ông Trump đến gần tòa án, các phóng viên bắt đầu xem các nguồn cấp dữ liệu trực tiếp về tiến trình của ông.
“Ông ấy đang ở đây,” tin tức bắt đầu được truyền đến các phòng tràn.
Bản thân phiên tòa buộc tội có rất ít nội dung — cựu tổng thống chỉ ở trong phòng xử án gần nửa giờ.
Ông Smith, đi cùng một đoàn tùy tùng gồm các luật sư của Bộ Tư pháp (DOJ), là người đầu tiên đến. Ông ngồi cùng với nhóm của mình tại một chiếc bàn ở phía bên phải phòng xử án.
Khoảng 15 phút sau, ông Trump xuất hiện sau khi thực hiện thủ tục trước phiên tòa mà không có sự chứng kiến của công chúng ở các tầng thấp hơn của phòng xử án: Ông Trump được cho là đã lấy dấu vân tay nhưng không bị bắt buộc phải chụp ảnh do sự nổi tiếng của ông và nhiều hình ảnh của ông đã có sẵn trên mạng.
“Ông ấy đây rồi!” một ký giả đã hét lên một cách phấn khích khi ông Trump, được nhóm luật sư của ông hộ tống, bước vào phòng xử án và ngồi xuống ngay đối diện với đoàn tùy tùng của ông Smith.
Ngay sau khi ông đến, ông Smith và ông Trump đã phát ra những ánh nhìn lạnh lùng từ chỗ ngồi của họ qua bên đối phương.
Trong suốt toàn bộ thời gian trong phòng xử án, ông Trump trông có vẻ lạnh lùng và thách thức, thỉnh thoảng cúi xuống để thì thầm chia sẻ những bình luận với luật sư chính của mình, ông Lauro.
Cuối cùng, sau vài phút chờ đợi, lục sự thông báo Thẩm phán Moxila Upadhyaya bước vào.
Ông Trump, sau khi đọc tên của mình để ghi vào hồ sơ, đã được Thẩm phán Upadhyaya thông báo về bản chất của phiên tòa, về các quyền của ông, và được hỏi những câu hỏi thông thường về khả năng ra hầu tòa của ông.
Ông Trump xác nhận không dùng bất kỳ loại ma túy hay rượu nào trong 24 giờ qua.
Đáng chú ý, ông Trump hạn chế sử dụng cụm từ “thưa ngài thẩm phán” (your honor) để nói chuyện với thẩm phán, mà chỉ trả lời thẳng các câu hỏi khi chúng được đưa ra.
Ông Trump trông có vẻ kiên cường trong suốt phiên tòa nhưng không có vẻ hồ hởi thường thấy khi ông thường xuyên xuất hiện trước đám đông: ông ngồi khoanh tay, thỉnh thoảng đặt tay lên cái bàn trước mặt. Ngoài những bình luận thì thầm với luật sư của mình, ông Trump hầu như im lặng trong suốt phiên tòa.
Tuy nhiên, ông Trump trông có vẻ buồn rầu khi Thẩm phán Upadhyaya chính thức buộc tội ông, đọc bốn tội danh đối với ông và các hình phạt kèm theo. Ông Trump ngồi đó, tay khuất tầm nhìn của chiếc bàn.
Sau phiên tòa buộc tội, ông Trump được thông báo rằng ông sẽ không bị tạm giam.
Những điều khoản trả tự do trước khi xét xử dành cho ông Trump là chuẩn mực [đã được quy định] trong thủ tục tố tụng: việc phạm tội ở bất kỳ khu vực tài phán nào, việc không xuất hiện vào ngày hầu tòa, và bất kỳ nỗ lực nào nhằm gây áp lực hoặc ép buộc nhân chứng, như Thẩm phán Upadhyaya cảnh báo, có thể khiến ông bị bắt và bị phạt nặng hơn. Ông Trump nói rằng ông sẽ tuân thủ những điều khoản này. Khi được hỏi liệu ông có đồng ý hay không, dường như ông chỉ thì thầm: “Tôi đồng ý, cảm ơn.”
Sau đó, chỉ còn lại các thủ tục mang tính nghi thức. Lần trình diện tiếp theo của ông Trump được ấn định vào 10 giờ sáng ngày 28/08.
Với sự cho phép của Thẩm phán Chutkan, Thẩm phán Upadhyaya cho biết ông Trump sẽ không bắt buộc phải tham dự phiên tòa xét xử đầu tiên do lịch trình chính trị dày đặc của ông.
Đạo luật Xét xử Nhanh chóng
Tranh chấp duy nhất trong phiên tòa ngắn ngủi này xoay quanh các quyền của ông Trump theo Đạo luật Xét xử Nhanh chóng.
Theo luật đó, DOJ phải đưa các vụ án ra xét xử trong khung thời gian khoảng 70 ngày.
Ông Thomas Windham, cố vấn chính của DOJ, nói với tòa án rằng phiên tòa sẽ được hưởng lợi từ thủ tục tố tụng thông thường theo Đạo luật này.
Nhưng ông Lauro phản đối điều này, với lý do “tầm quan trọng” của việc khám phá trong vụ án, bao gồm cả bằng chứng ngoại phạm tiềm năng, mà ông lưu ý rằng chính phủ đã mất ba năm để xem xét.
Ông Lauro nói sẽ là “vô lý” khi nghĩ rằng có thể đạt được ngưỡng 70 ngày trong vụ án xét về tầm quan trọng như vậy, đồng thời chỉ ra rằng luật sư của ông Trump sẽ tìm cách từ bỏ các quyền theo Đạo luật Xét xử Nhanh chóng của ông ấy.
Ông Windham thừa nhận rằng chính phủ đã sẵn sàng chuyển giao một lượng “đáng kể” các khám phá.
Mặc dù tiểu bang không thể buộc một bị cáo từ bỏ các quyền của họ theo Đạo luật, nhưng họ có thể tự nguyện từ bỏ quyền đó nếu họ cho rằng đó là lợi ích tốt nhất của họ về mặt pháp lý.
Bình luận của ông Lauro cho thấy nhóm của ông Trump sẽ tìm cách kéo dài quy trình pháp lý trong khi ông Trump tiếp tục tranh cử lần thứ ba vào Tòa Bạch Ốc.
Sau khi thẩm phán Upadhaya gõ búa kết thúc phiên tòa, ông Trump nhanh chóng rời đi cùng với luật sư của mình.
Những người biểu tình
Bên ngoài phòng xử án có rất đông người tụ tập sẵn.
Nhiều người ủng hộ ông Trump dường như không hề bối rối trước các sự kiện trong ngày và coi buổi tụ tập giống như một bữa tiệc hơn là một lý do đáng lo ngại.
Một người ủng hộ ông Trump mặc trang phục kiểu Mỹ thuộc địa đã dẫn đầu một nhóm hát những bài hát nổi tiếng như “Sweet Caroline”, “Party in the USA” và “Sweet Home Alabama.” Gần đó, một số người Mỹ gốc Phi Châu mặc áo thun đề dòng chữ “Người Mỹ gốc Phi Châu ủng hộ ông Trump” đã tụ tập và chụp ảnh với những người tham gia khác.
Những người ủng hộ ông Trump chỉ trích rằng các cáo buộc là bất công và xem đây là cuộc tấn công mới nhất của một DOJ bị chính trị hóa nhắm vào ông Trump.
Những người khác lên án về vụ thiệt mạng của cô Ashli Babbitt và cô Roseanne Boyland, hai trong số những người ủng hộ ông Trump đã tử vong trong vụ xâm phạm Điện Capitol ngày 06/01.
Trong khi đó, những người chỉ trích ông Trump giơ biển hiệu so sánh ông Trump với Adolf Hitler, hoặc cho rằng ông coi bản thân mình là đứng trên luật pháp.
Bất chấp những ý kiến trái chiều đó, phần lớn người biểu tình vẫn giữ thái độ ôn hòa, bày tỏ quan điểm của họ qua các tấm biển hoặc loa phóng thanh nhưng không làm phiền những người phản đối từ phía bên kia.
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times