PHÂN TÍCH: Cựu TT Trump đang xây dựng lập luận kháng cáo trong vụ kiện can thiệp bầu cử ở Hoa Thịnh Đốn
Cựu Tổng thống (TT) Donald Trump dường như đang xây dựng cơ sở thực tế để kháng cáo vụ kiện liên bang chống lại ông ở Hoa Thịnh Đốn về cáo buộc can thiệp vào việc kiểm phiếu đại cử tri sau cuộc bầu cử năm 2020.
Hôm 11/09, các luật sư của ông đã đệ đơn yêu cầu chủ tọa phiên tòa, bà Tanya Chutkan, rút lui khỏi vụ án dựa trên những nhận xét của bà trong các vụ án trước đó. Theo các luật sư, những nhận xét đó cho thấy bà đã có thành kiến trong vụ kiện chống lại vị tổng thống thứ 45 này.
Không có dấu hiệu nào cho thấy thẩm phán có ý định tự mình cáo tỵ. Trên thực tế, yêu cầu như vậy thậm chí có thể làm nghiêm trọng thêm bất kỳ sự thù địch nào mà bà có thể đang có đối với cựu TT Trump. Tuy nhiên, điều quan trọng là các luật sư phải nêu ra những vấn đề như vậy vì kiến nghị này sẽ giúp “bảo vệ” họ trong trường hợp phiên tòa sắp tới dẫn đến kết án và bên bào chữa muốn đệ đơn kháng cáo, theo ông William Shipley, một luật sư biện hộ từng là công tố viên liên bang đại diện cho nhiều người bị buộc tội liên quan đến cuộc biểu tình và bạo loạn ở Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ vào ngày 06/01/2021.
Sự kiện ngày 06/01 góp phần vào vụ kiện của ông Trump dưới hình thức lập luận của Biện lý Đặc biệt Jack Smith, rằng cựu TT Trump đã cố gắng làm gián đoạn việc kiểm phiếu đại cử tri của Quốc hội vào ngày hôm đó, bao gồm cả bằng cách khuyến khích người dân đến biểu tình tại Tòa nhà Capitol. Tuy nhiên, bản cáo trạng đã không buộc tội ông âm mưu cản trở chính phủ bằng vũ lực — một hành vi phạm tội thuộc quy chế về âm mưu nổi loạn.
Thẩm phán Chutkan đã áp đặt một số bản án khắc nghiệt nhất trong vụ án ngày 06/01, thậm chí lâu hơn những bản án mà các công tố viên đề nghị. Trong các phiên tòa tuyên án, bà đã mô tả các sự kiện xảy ra ngày hôm đó theo những cách kịch tính nhất.
“Tôi lại lần nữa bị sững sờ bởi cả nỗi kinh hoàng về những gì đã diễn ra ngày hôm đó lẫn mức độ mà chúng ta đã tiến gần đến — mức độ mà chúng ta đã tiến gần đến việc không hoàn thành một trong những chức năng cơ bản của nền dân chủ của chúng ta, đó là chuyển giao quyền lực một cách ôn hòa,” bà nói trong buổi tuyên án, sau đó nói thêm rằng:
“Đây không gì khác hơn là một nỗ lực nhằm lật đổ chính phủ một cách bạo lực, một chính phủ đã đắc cử một cách hợp pháp, đúng luật, và ôn hòa của những cá nhân tức giận vì người của họ đã thua cuộc.”
Mặc dù nhiều người biểu tình đã đụng độ với cảnh sát và một số còn xâm nhập vào tòa nhà, nhưng các cảnh quay an ninh có sẵn cho thấy họ không có vũ khí, chỉ có một vài cây gậy và bình xịt hơi cay, và cảnh sát đã đuổi họ ra khỏi tòa nhà sau vài giờ. Không rõ làm thế nào mà họ có thể lật đổ chính phủ.
Các luật sư của cựu TT Trump đã chỉ ra một số bình luận trong đó thẩm phán đã gợi mở về quan điểm của bà về khả năng có tội của thân chủ họ trong các sự kiện đó.
Bên luật sư cho biết bình luận này “gợi ý một cách thẳng thắn (và tất nhiên là một cách không chuẩn xác theo quan điểm của bên bào chữa) rằng cựu Tổng thống Trump phải chịu trách nhiệm về những sự kiện xảy ra ngày hôm đó và không nên được tự do.”
“Đây sẽ là cách giải thích tự nhiên cho những nhận xét của bà ấy trong bất kỳ bối cảnh nào, nhưng đặc biệt sâu sắc ở đây, khi Thẩm phán Chutkan hướng những lời bình luận của bà tới một bị cáo mà bà sắp tuyên án tù kéo dài. Thật vậy, những bình luận của bà cho thấy rằng bà đã đi đến kết luận, trước khi có vụ án này, rằng Tổng thống Trump đáng bị phạt tù hơn bị cáo mà bà đang tuyên án lúc đó.”
Trong một phiên tòa tuyên án khác, vị thẩm phán dường như cho rằng cựu TT Trump phải chịu trách nhiệm về bạo lực ngày 06/01, bất chấp yêu cầu rõ ràng của ông đối với những người biểu tình là bày tỏ thái độ của họ “một cách ôn hòa và yêu nước” và “về nhà trong ôn hòa.”
“Điều đó đúng, … quý vị đã đưa ra một quan điểm rất đúng, một quan điểm đã được đưa ra trước đó — rằng những người đã thúc giục và khuyến khích quý vị và tập hợp quý vị đi hành động và đấu tranh đã không bị buộc tội. … Tôi không có bất kỳ ảnh hưởng nào đến điều đó. Tôi có ý kiến của riêng mình, nhưng những ý kiến đó không liên quan,” vị thẩm phán nói.
“Hầu hết những người quan sát có lý trí sẽ hiểu những tuyên bố của Thẩm phán Chutkan … vừa là sự xác định trước vụ án về các sự kiện gây tranh cãi (rằng Tổng thống Trump đã ‘thúc giục’, ‘khuyến khích’, hoặc ‘tập hợp’ những người khác thực hiện hành động trái pháp luật) vừa là một gợi ý rằng Tổng thống Trump có thể và nên sẽ bị truy tố dựa trên những sự thật đó,” các luật sư cho biết.
Họ chỉ ra rằng sự cáo tỵ có một “ngưỡng thấp”, chỉ cần một chút sự hiện diện của thiên vị, trong đó một người quan sát có lý trí “có thể” đặt câu hỏi về tính công bằng của thẩm phán.
Tuy nhiên, chính thẩm phán lại là người ra phán quyết về vấn đề này, ông Shipley đã nhấn mạnh trong một bài đăng.
Ông nói: “Bà ấy có quyền quyết định xem liệu bà có cần cáo tỵ khỏi vụ án hay không dựa trên những lý do đã được đưa ra.”
Bên bào chữa không thể dễ dàng vượt qua quyết định của bà ấy.
“Tòa phúc thẩm có quyền thay thế bà ấy, nhưng phải có kháng cáo thích hợp trước tòa để cho phép tòa có thẩm quyền hành động. Nếu bà ấy từ chối đề nghị đó thì đó không phải là lệnh có thể kháng cáo. Việc từ chối của bà ấy sẽ là vấn đề được đưa ra kháng cáo sau phiên tòa — nhưng không phải trước phiên tòa,” ông giải thích.
Thẩm phán đã cho các công tố viên thời hạn đến ngày 14/09 để hồi đáp kiến nghị này và sau đó ba ngày để bên bào chữa phản hồi.
Ngoài vụ kiện ở thủ đô, cựu TT Trump cũng đang phải đối mặt với một phiên tòa ở Georgia cũng liên quan đến những nỗ lực của ông nhằm thách thức cuộc bầu cử năm 2020 cũng như một phiên tòa tại tòa án liên bang ở Florida, nơi ông Smith cáo buộc ông đã nắm giữ không đúng cách một số tài liệu về an ninh quốc gia từ thời ông còn tại vị, cũng như phiên tòa xét xử ở New York, nơi ông bị buộc tội kê khai các khoản kế toán sai liên quan đến chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 của mình.
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times