Phân tích cuộc điện đàm giữa ông Biden và ông Tập: Những lo ngại chính và đàm phán vi mạch giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc
Hôm 02/04, Tổng thống Joe Biden và lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình bất ngờ tổ chức một cuộc điện đàm kéo dài 105 phút, trong đó hai bên nêu rõ quan điểm riêng của mình về các vấn đề đã tồn tại từ lâu như Đài Loan, Biển Đông, Bắc Hàn, thương mại, v.v. Các nhà phân tích chú ý đến sự đàm phán tế nhị trong các tuyên bố chính thức của mỗi bên.
Ông Tập thể hiện giọng điệu nhẹ nhàng hơn đáng kể so với trước đây khi nhấn mạnh sự tin cậy và ổn định trong mối quan hệ song phương. Nhà sản xuất truyền hình Hoa ngữ độc lập Lý Quân (Li Jun) nói trên chương trình Hoa ngữ “Diễn đàn Tinh anh” (Pinnacle View) của NTD rằng trước đây, thái độ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) mang tính đối đầu hơn. Tuy nhiên, hiện ông Tập đang nghiêng về hướng hòa giải và cải thiện bang giao với Hoa Kỳ, tránh xung đột.
Về phía Hoa Kỳ, Tổng thống Biden lần đầu tiên cảnh báo Trung Quốc không nên can thiệp vào các cuộc bầu cử của Hoa Kỳ, và bày tỏ lo ngại rằng Trung Quốc đang trợ giúp Nga trong Chiến tranh Nga-Ukraine và giúp Nga xây dựng lại các căn cứ quân sự-công nghiệp, gây ra một mối đe dọa lâu dài đối với an ninh của châu Âu. Ngoài ra, liên quan đến Đài Loan, Tổng thống Biden bày tỏ hy vọng về hòa bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan vài ra hiệu cho Trung Quốc không nên cố gắng thay đổi hiện trạng.
Những cuộc chiến địa chính trị Mỹ-Trung
Ông Ngô Gia Long (Henry Wu), một học giả kinh tế vĩ mô người Đài Loan và là nhà kinh tế trưởng tại AIA Capital, nói trên “Diễn đàn Tinh anh” rằng các cuộc gặp cấp cao giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc thường bao gồm một quy trình sơ bộ chi tiết, bao gồm các cuộc gọi video và hội nghị. Tuy nhiên, cuộc gọi này giữa ông Tập và Tổng thống Biden đã diễn ra một cách đột ngột và vội vàng, không có bất kỳ sự liên lạc trước nào. Ông tin rằng ông Tập có thể đã yêu cầu cuộc gọi này.
Ông Ngô cho rằng Đài Loan quả thực là một trọng tâm của cuộc trò chuyện vì Tổng thống mới đắc cử của Đài Loan, ông Lại Thanh Đức (Lai Ching-te), sẽ nhậm chức vào ngày 20/05, và Hoa Kỳ muốn Trung Quốc không gây rắc rối vào thời điểm này. Tuy nhiên, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) xem Đài Loan như một phần của Trung Quốc cần được giành lại, và biểu tượng chính trị của Trung Hoa Dân Quốc cần phải bị loại bỏ. Nói cách khác, sự tồn tại của Đài Loan, hay tên chính thức của hòn đảo này, Trung Hoa Dân Quốc, thách thức tính hợp pháp của ĐCSTQ, và sự tồn tại của quyền tự do và dân chủ ở Đài Loan hoàn toàn trái ngược với ĐCSTQ.
Theo ông Ngô, một trọng tâm khác là Philippines. ĐCSTQ phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong nước và cần chuyển trọng tâm. ĐCSTQ có thể xem các cuộc xung đột quân sự ở ngoại quốc là cần thiết. Hiện nay, Trung Quốc đang tăng cường các hoạt động khiêu khích tại bãi Cỏ Mây (bãi cạn Thomas thứ Hai) đang tranh chấp ở Biển Đông, khuấy động xung đột với Philippines. Hoa Kỳ nhấn mạnh vấn đề Biển Đông chính là vì lý do này.
Ông Ngô giải thích: “Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. nói rằng nếu Trung Quốc tiếp tục can thiệp vào việc tiếp tế của họ cho bãi Cỏ Mây, thì họ sẽ phản công. Trước đây, Philippines chưa từng có thái độ này. Sau khi Philippines thể hiện lập trường cứng rắn, thì Hoa Kỳ đã bất ngờ ủng hộ Philippines. Tôi cảm thấy như Hoa Kỳ đang hy vọng rằng nếu có xảy ra xung đột vũ trang, thì hãy để xung đột xảy ra ở Biển Đông thay vì ở Eo biển Đài Loan, như vậy về cơ bản Hoa Kỳ có thể đang gián tiếp bảo vệ Đài Loan bằng cách sử dụng Philippines.”
Gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc
Bà Quách Quân (Guo Jun), tổng biên tập ấn bản Hồng Kông của The Epoch Times, nói trên “Diễn đàn Tinh anh” rằng trong cuộc điện đàm này, chủ đề mà ĐCSTQ quan tâm nhất là các vi mạch AI và những hạn chế mà Hoa Kỳ áp đặt đối với ngành công nghệ của Trung Quốc. Trong cuộc họp báo của mình, ĐCSTQ tuyên bố Hoa Kỳ đã và đang liên tục ngăn cản sự phát triển kinh tế và công nghệ của Trung Quốc, và danh sách lệnh trừng phạt đối với các công ty Trung Quốc đang ngày càng dài hơn. ĐCSTQ cho biết họ sẽ không ngồi yên khi Hoa Kỳ cố gắng tước mất quyền phát triển của Trung Quốc.
Bà Quách cho biết vài ngày trước cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo, vào hôm 29/03, Hoa Kỳ đã sửa lại chính sách nhằm ngăn chặn Trung Quốc mua vi mạch AI và các công cụ sản xuất vi mạch bán dẫn do Hoa Kỳ sản xuất. Chính sách này bao gồm việc cấm hoàn toàn việc bán cho Trung Quốc các vi mạch AI tân tiến nhất do các công ty như Nvidia thiết kế, cũng như bất kỳ thiết bị nào để sản xuất các vi mạch này.
“Gần đây, cũng có tin rằng tại hội nghị AI có ảnh hưởng nhất thế giới, Nvidia GTC, được tổ chức tại Thung lũng Silicon với hơn 900 phiên họp cấp cao và hơn 200 công ty tham gia, một nhân vật quan trọng trong lĩnh vực đầu tư cổ phần tư nhân của Trung Quốc cũng tham dự hội nghị,” bà cho biết. “Ông ấy nói rằng ấn tượng sâu sắc nhất của ông về hội nghị này là không ai thảo luận về Trung Quốc. Trung Quốc là chủ đề nóng và được chú trọng trong những năm gần đây, nhưng quốc gia này hoàn toàn bị lờ đi tại sự kiện này. Cho dù đó là sự phát triển hay đầu tư vào AI ở Trung Quốc, hầu như không ai quan tâm đến Trung Quốc. Ông tin rằng sự thay đổi này cho thấy xu hướng là Hoa Kỳ sẽ cô lập hoàn toàn Trung Quốc trong lĩnh vực phát triển AI.”
Bà Quách nêu lên thực tế rằng mặc dù Trung Quốc hiện là một cường quốc về phát triển AI, nhưng Trung Quốc có một thiếu sót là không thể sản xuất vi mạch AI tân tiến. Nếu Trung Quốc bị loại khỏi quá trình phát triển AI, thì năm năm nữa, nhiều ngành công nghiệp ở Trung Quốc sẽ gặp khó khăn, và đây là vấn đề quan trọng nhất đối với ĐCSTQ.
Bản tin có sự đóng góp của Michael Zhuang
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times