Bắc Kinh ra lệnh cho Apple gỡ bỏ WhatsApp và Threads khỏi App Store Trung Quốc
Lệnh được đưa ra trong bối cảnh Quốc hội Hoa Kỳ có thể sớm thông qua luật buộc TikTok thoái vốn khỏi Trung Quốc.
Apple đã xác nhận rằng họ đã gỡ bỏ các ứng dụng WhatsApp và Threads thuộc sở hữu của Meta ra khỏi App Store tại Trung Quốc sau khi bị cơ quan quản lý Internet hàng đầu của Trung Quốc yêu cầu làm như vậy.
Trong một tuyên bố hôm 19/04, đại công ty công nghệ này nói với Reuters rằng Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) đã ra lệnh gỡ bỏ các ứng dụng này vì những lý do “an ninh quốc gia” không rõ ràng.
Apple đã không cung cấp thêm thông tin chi tiết về thời điểm các ứng dụng bị gỡ bỏ hoặc những lo ngại về an ninh quốc gia có liên quan.
“Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc đã ra lệnh xóa các ứng dụng này khỏi cửa hàng Trung Quốc dựa trên những lo ngại về an ninh quốc gia của họ,” Apple cho biết. “Chúng tôi có nghĩa vụ tuân thủ luật pháp ở các quốc gia sở tại nơi chúng tôi hoạt động, ngay cả khi chúng tôi không đồng ý.”
Trung Quốc là thị trường quan trọng đối với Apple.
Theo Reuters, WhatsApp cùng Threads không được sử dụng rộng rãi ở Trung Quốc, và cho đến nay WeChat của Tencent vẫn là dịch vụ thống lĩnh.
Nhiều ứng dụng của ngoại quốc, bao gồm WhatsApp và Threads, thường bị hạn chế trên các mạng Trung Quốc thông qua “Đại Tường Lửa” (Great Firewall), hệ thống kiểm duyệt Internet rộng khắp Trung Quốc. Các ứng dụng này chỉ có thể được truy cập thông qua mạng riêng ảo (VPN) hoặc các công cụ proxy khác.
Người dùng Apple am hiểu công nghệ ở Trung Quốc vẫn có thể tải xuống WhatsApp và Threads, miễn là họ có tài khoản iCloud được đặt ở bên ngoài quốc gia.
Apple lưu ý rằng hai ứng dụng này vẫn có sẵn ở Hồng Kông và Ma Cao.
Theo Reuters, tại thời điểm phát hành bản tin thì Facebook, Instagram, và Messenger — các nền tảng truyền thông xã hội thuộc sở hữu của Meta — vẫn có sẵn trên App Store ở Trung Quốc. Các ứng dụng phổ biến khác do các công ty phương Tây phát triển, bao gồm YouTube và X, trước đây là Twitter, cũng vậy.
Meta đã từ chối phúc đáp và yêu cầu Reuters tìm kiếm bình luận từ Apple cho một câu hỏi.
Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc cũng không hồi đáp ngay lập tức đề nghị bình luận của hãng thông tấn này.
Cuộc đàn áp của Bắc Kinh đối với các ứng dụng
Được thành lập vào năm 2011, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc là cơ quan quản lý và kiểm duyệt Internet của Bắc Kinh đối với nội dung trực tuyến.
Theo một bản tin công bố hồi cuối năm ngoái của The Diplomat, cơ quan này cũng là nơi đặt ban thư ký của Ủy ban Thông tin và An ninh mạng Trung ương, một cơ quan ra quyết định ở cấp cao nhất do đích thân lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì.
Theo báo cáo, nhiều tổ chức quan trọng khác nhau của nhà cầm quyền, bao gồm Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và Quân Giải phóng Nhân dân đều tham gia vào việc hoạch định chính sách kỹ thuật số với Ủy ban Thông tin và An ninh mạng Trung ương.
Một số chuyên gia tin rằng lệnh mới nhất do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ban hành liên quan đến WhatsApp và Threads có thể liên quan đến một quy tắc mới được áp dụng từ tháng Tám năm ngoái, yêu cầu tất cả các ứng dụng có sẵn ở Trung Quốc phải ghi danh chính thức với Bắc Kinh trước ngày 01/04, nếu không sẽ có nguy cơ bị xóa.
Ông Rich Bishop, giám đốc điều hành của AppInChina, một nhà xuất bản và điều hành phần mềm quốc tế tại Trung Quốc, nói với Financial Times rằng việc ghi danh chính thức buộc các nhà phát triển phải thành lập một công ty địa phương hoặc “sử dụng một nhà xuất bản địa phương và lưu trữ đầu cuối của ứng dụng ở Trung Quốc.”
Ông Bishop cho biết: “Một khi Apple bắt đầu thực thi quy tắc này, thì hàng trăm ngàn ứng dụng sẽ bị gỡ bỏ vì rất ít ứng dụng đã tiến hành được việc ghi danh ứng dụng.”
Các nhà lập pháp cân nhắc lệnh cấm TikTok
Việc xóa WhatsApp và Threads khỏi App Store ở Trung Quốc diễn ra chỉ một ngày trước khi các nhà lập pháp tại Hạ viện Hoa Kỳ chuẩn bị bỏ phiếu về một luật có thể buộc nền tảng phát video trực tuyến TikTok cắt đứt mọi quan hệ với công ty mẹ Trung Quốc ByteDance, hoặc có nguy cơ mất khả năng hoạt động tại Hoa Kỳ.
Dự luật, tên là “Đạo luật Bảo vệ người Mỹ khỏi các Ứng dụng do Địch thủ Ngoại quốc Kiểm soát”, đã được Hạ viện thông qua với sự ủng hộ của lưỡng đảng và hiện đang chờ tiến triển tại Thượng viện.
Dự luật này xuất hiện trong bối cảnh các nhà lập pháp tại Quốc hội từ lâu đã nêu lên mối lo ngại về an ninh quốc gia liên quan đến ứng dụng này. TikTok đã trở nên phổ biến khắp nước Mỹ trong những năm gần đây, đặc biệt là ở những người dùng trẻ tuổi.
Cả Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hòa đều nhiều lần lưu ý rằng dữ liệu TikTok về người dùng Hoa Kỳ có thể sẽ rơi vào tay ĐCSTQ, vì nền tảng này phải tuân theo luật pháp ở Trung Quốc vốn yêu cầu công ty phải giao ra tất cả dữ liệu mà họ sở hữu cho Bắc Kinh nếu được yêu cầu.
ByteDance đã phủ nhận thực tế này và cho biết họ lưu trữ dữ liệu người dùng Hoa Kỳ trên các máy chủ ở Hoa Kỳ, Singapore, và Malaysia.