Ông Vương Nghị liên tục thay đổi chức danh đối ngoại: Nội chiến gây ra sự hỗn loạn trong ĐCSTQ
Ông Tần Cương, thân tín của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, vẫn mất tích sau khi bị cách chức Bộ trưởng Ngoại giao. Vì thế, gần đây ông Vương Nghị đã trở lại chức vụ Bộ trưởng Ngoại giao, và thường xuyên tham gia các hoạt động đối ngoại. Chức danh mà ông Vương kiêm nhiệm là “Chủ nhiệm Văn phòng Đối ngoại Trung ương” và “Bộ trưởng Ngoại giao.” Hai chức vị này được sử dụng thay thế cho nhau, và điều này đã thu hút sự chú ý của ngoại giới. Các nhà phân tích cho rằng hiện tượng này làm nổi bật sự hỗn loạn trong việc sắp xếp nhân sự của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) do xung đột nội bộ gây ra.
Theo trang web chính thức của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ, hôm 20/09, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hội kiến ông Vương Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Đối ngoại Trung ương ĐCSTQ, ở St. Petersburg.
Sau khi kiểm tra trên trang web, có thể thấy ông Vương Nghị đã tổ chức hơn 40 sự kiện công cộng trong 50 ngày kể từ khi ông trở lại đảm nhiệm chức Bộ trưởng Ngoại giao. Ngoài chức danh cố định “Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương,” ông Vương còn có một chức danh chủ yếu khác được dùng là “Bộ trưởng Ngoại giao,” và một chức danh khác ít sử dụng – “Chủ nhiệm Văn phòng Đối ngoại Trung ương.”
Dường như có một quy định rằng, trong các dịp ngoại giao chính thức thì chức danh của ông Vương Nghị thường là Bộ trưởng Ngoại giao. Nếu ông không gặp Bộ trưởng Ngoại giao thì chức danh của ông thường là Chủ nhiệm Văn phòng Đối ngoại. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp ngoại lệ. Chẳng hạn khi gặp Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Sullivan ở Malta, ông Vương dùng chức danh Chủ nhiệm Văn phòng Đối ngoại; nhưng khi gặp Tổng thống và Bộ trưởng Ngoại giao Malta ở đó, ông vẫn dùng chức danh này. Gần đây, tại Moskva, ông Vương tham dự các cuộc tham vấn an ninh chiến lược với tư cách là Chủ nhiệm Văn phòng Đối ngoại; khi gặp Ngoại trưởng Nga Lavrov, ông đã thay đổi chức danh là Bộ trưởng Ngoại giao. Khi gặp Tổng thống Putin, ông Vương lại quay trở lại với chức danh Chủ nhiệm Văn phòng Đối ngoại.
Trong hệ thống ngoại giao của ĐCSTQ, Chủ nhiệm Văn phòng Đối ngoại Trung ương có địa vị cao hơn Bộ trưởng Ngoại giao. Bắt đầu từ nhiệm kỳ ông Dương Khiết Trì, thì Chủ nhiệm Văn phòng Đối ngoại là ủy viên Bộ Chính trị, còn Bộ trưởng Ngoại giao là Ủy viên Quốc vụ viện.
Hôm 21/09, nhà bình luận thời sự Lý Lâm Nhất (Li Linyi) nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng tình hình bất thường hiện nay trong chính sách ngoại giao của ĐCSTQ là do xung đột nội bộ gây ra. Tình hình này bắt đầu phát sinh từ vụ việc bất ngờ của ông Tần Cương. Nếu có ông Tần Cương còn tại vị, thì ông Vương Nghị sẽ không phải liên tục thay đổi giữa hai chức danh như vậy. Vấn đề rối loạn về chức danh này, tương ứng với sự hỗn loạn trong ĐCSTQ do xung đột nội bộ gây ra. Theo ông Lý, ông Vương Nghị phải thường xuyên thay đổi danh tính của mình, bản thân điều này là một tình huống đáng xấu hổ.
Ông Vương Hách (Wang He), một chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc, nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times hôm 21/09 rằng việc ông Vương Nghị phải liên tục thay đổi chức danh là hiện tượng khá kỳ lạ. Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy việc bổ nhiệm ông Vương làm Bộ trưởng Ngoại giao chỉ là tạm thời. Có thể ông Tập Cận Bình đã tìm được người khác và sẽ sớm thay thế ông Vương.
Trước đây, ông Vương Nghị giữ chức Ủy viên Quốc vụ viện, Bộ trưởng Ngoại giao ĐCSTQ. Năm ngoái, từ chức Bộ trưởng Ngoại giao, ông được thăng chức Ủy viên Bộ Chính trị ĐCSTQ và Chủ nhiệm Văn phòng Đối ngoại Trung ương. Vào tháng Bảy năm nay, ông Tần Cương bị cách chức Bộ trưởng Ngoại giao, ông Vương Nghị trở lại đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Ngoại giao.
Trước đó, nhiều nguồn tin cho rằng ông Vương Nghị đã được lệnh viết bản kiểm điểm vì để xảy ra những sự cố cho ông Tập Cận Bình trong Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Nam Phi hồi tháng Tám. Gần đây, ông Vương đã dần xuất hiện trở lại.
Ninh Hải Chung thực hiện
Mai Thanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ