Nhiều suy đoán xung quanh chuyến thăm bí mật của chủ tịch Tập Cận Bình tới ngôi chùa Phật giáo nổi tiếng
Chuyến viếng thăm của Tổng thống Syria Bashar al-Assad có thể là một hành động nhằm đánh lạc hướng.
Chuyến công du gần đây của Tổng thống Syria Bashar al-Assad tới Trung Quốc bao gồm chuyến tham quan một ngôi chùa Phật giáo nổi tiếng đã gây sự chú ý với lòng hiếu khách đặc biệt. Các nhà phân tích đang suy đoán rằng vị chức sắc mà ngôi chùa thực sự đón tiếp có thể không ai khác chính là nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.
Hôm 23/09, ông Tập đã tham dự lễ khai mạc Đại hội thể thao châu Á tổ chức tại Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang. Ông Bashar al-Assad cũng là khách mời tại sự kiện quan trọng này.
Một ngày trước đó, hai nhà lãnh đạo này đã gặp nhau tại Nhà khách Quốc gia Tây Hồ ở Hàng Châu, nơi họ cùng tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa Trung Quốc và Syria.
Tuy nhiên, điều thu hút sự chú ý là chuyến thăm của ông al-Assad vào ngày 22/09 tới Chùa Linh Ẩn, một địa điểm Phật giáo mang tính lịch sử ở Hàng Châu. Ông, cùng với phu nhân và đoàn tùy tùng, đã nhận được sự đón tiếp nồng nhiệt khác thường, làm dấy lên nhiều đồn đoán và ba điểm gây tò mò.
Một nhà lãnh đạo Hồi giáo đến thăm một ngôi chùa Phật giáo
Hàng Châu nổi tiếng với lịch sử văn hóa phong phú và nhiều địa danh lịch sử được thương gia đồng thời là nhà thám hiểm Marco Polo ca ngợi là “thành phố lộng lẫy như thiên đường”. Syria chủ yếu là một quốc gia Hồi giáo, và gia đình ông Assad thuộc dòng dõi Hồi giáo Shia. Với hàng loạt địa danh lịch sử ở Hàng Châu, việc ông al-Assad lựa chọn đến thăm một ngôi chùa Phật giáo — nơi vốn không phù hợp với đức tin tôn giáo của ông — là một điều gây tò mò.
Tổng biên tập ấn bản The Epoch Times Hồng Kông Guo Jun đã cho biết trong chương trình truyền hình Pinnacle View rằng truyền thống Hồi giáo cấm thờ tôn tượng, có nghĩa là các nhà thờ Hồi giáo không có tượng và thậm chí cả tranh ảnh. Một số quốc gia Ả Rập thậm chí còn hạn chế phim ảnh và truyền hình. Tuy nhiên, ông al-Assad lại chọn đến thăm một ngôi chùa Phật giáo nổi tiếng với những bức tượng Phật.
Đón tiếp bằng thảm đỏ chưa từng có tiền lệ
Trong chuyến viếng thăm Chùa Linh Ẩn, ông al-Assad được tiếp đãi với một mức độ lịch sự cao bất thường. Các bài đăng trên mạng xã hội tiết lộ rằng một tấm thảm đỏ đã được trải từ lối vào đến sảnh chính của ngôi chùa — một ngày trước chuyến thăm của nhà lãnh đạo Syria này.
Thảm đỏ thường được dành riêng cho các buổi đón tiếp theo nghi lễ chính thức các vị khách cấp nhà nước và không phải là một phép lịch sự phổ biến dành cho tất cả mọi người. Ví dụ, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen, và Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo cũng không được trải thảm đỏ như vậy trong chuyến thăm Trung Quốc của họ trong năm nay. Ngay cả cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng không được chào đón bằng thảm đỏ trong chuyến đi Hàng Châu dự Hội nghị thượng đỉnh G20 hồi năm 2016.
Syria, đặc biệt là dưới chính quyền Tổng thống Assad, đã bị tê liệt bởi các lệnh trừng phạt quốc tế do việc sử dụng vũ khí hóa học và cách giải quyết cuộc nội chiến đang diễn ra của nước này. Mặc dù vậy, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã trải thảm đỏ cho ông al-Assad, khiến việc đón tiếp có vẻ đặc biệt khác thường.
Mở cửa chính
Trong một hành động chưa từng có tiền lệ mà thậm chí có thể chính ông Assad cũng không để ý đến, Chùa Linh Ẩn đã phá vỡ truyền thống lâu đời bằng cách mở cánh cửa chính. Theo một quy định được cho là do Hoàng đế Càn Long của nhà Thanh đặt ra vào hơn hai thế kỷ trước, cửa chính của ngôi chùa vẫn luôn không mở cho công chúng.
Các hướng dẫn viên du lịch địa phương thường kể lại truyền thuyết này cho du khách nghe: Hoàng đế Càn Long từng cải trang đến thăm ngôi chùa sau giờ triều chính. Một nhà sư trẻ, không nhận ra vị khách thuộc hoàng tộc này, đã từ chối không cho ông vào. Không hề tức giận, vị Hoàng đế tuyên bố, “Vì ngươi không mở cửa chính ngay cả cho ta, nên từ nay trở đi cánh cửa này sẽ đóng đối với tất cả mọi người.”
Mặc dù tính xác thực của câu chuyện này vẫn chưa rõ ràng, nhưng người dân Hàng Châu đều biết rằng cửa chính của ngôi chùa thường đóng quanh năm, và du khách thường vào bằng cửa phụ. Đáng chú ý, cửa chính chỉ được mở một lần trước đây cho ông Đặng Tiểu Bình, cựu lãnh đạo ĐCSTQ, khoảng 40 năm trước. Điều này khiến việc mở cửa chính cho ông al-Assad lại trở nên bất thường hơn.
Ông Tập có lẽ mới là vị khách danh dự thực sự
Tổng hợp lại, những sự việc bất thường này càng củng cố thêm suy đoán rằng vị khách danh dự thực sự của Chùa Linh Ẩn có thể không phải là ông Assad, mà là ông Tập.
Trước khi thăng lên đến các cấp bậc cao nhất của ĐCSTQ, ông Tập từng giữ chức tỉnh trưởng tỉnh Chiết Giang trong gần 5 năm, khiến ông rất thân thuộc với thành phố Hàng Châu. Nhà khách Quốc gia Tây Hồ, nơi ông Tập nghỉ chân trong chuyến thăm gần đây, chỉ cách Chùa Linh Ẩn 6 km (3.7 dặm). Như vậy, rất có thể chuyến thăm dường như ngẫu hứng của ông al-Assad tới Chùa Linh Ẩn chỉ là một hành động có tính toán của các quan chức Trung Quốc nhằm chuyển hướng sự chú ý khỏi chuyến thăm bí mật của ông Tập.
Niềm tin vào thế lực siêu nhiên: Chủ nghĩa thần bí chưa được bộc lộ của ông Tập
Chùa Linh Ẩn, được thành lập vào năm 326 sau Công nguyên, tự hào có lịch sử kéo dài gần 1,700 năm, khiến nơi đây trở thành một trong những ngôi chùa Phật giáo cổ xưa và được tôn kính nhất Trung Quốc. Tọa lạc giữa một khung cảnh được Huệ Lý, nhà sư Ấn Độ đã sáng lập ra ngôi chùa, cho là đẹp đến mức phi thường. Ngôi chùa từ lâu đã trở thành điểm đến của các hoàng đế và những nhân vật nổi tiếng trong suốt lịch sử Trung Quốc.
Ngôi chùa cũng có liên hệ với nhà sư Tế Công bí ẩn, một nhà sư lập dị vốn bị tẩy chay vì hành vi trái với giới luật nhưng sau đó được tôn kính nhờ các kỹ năng chữa bệnh và những điều được cho là phép thần thông của mình. Mặc dù hơn 600 ngôi chùa đã bị phá hủy trong Cách mạng Văn hóa của ĐCSTQ, nhưng Chùa Linh Ẩn vẫn được bảo toàn, có lẽ là do tầm quan trọng về lịch sử và văn hóa của ngôi chùa này.
Di sản thần bí này phù hợp với những phát hiện về điều được gọi là niềm tin của ông Tập vào các thế lực siêu nhiên. Một bức điện tín từ Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Bắc Kinh gửi tới Hoa Thịnh Đốn vào năm 2009, do WikiLeaks công bố và được phân loại là “tin mật,” đã làm sáng tỏ khía cạnh này trong tính cách ông Tập.
Tài liệu này, có tựa đề “Chân dung Phó Chủ tịch Tập Cận Bình: ‘Người sống sót đầy tham vọng’ trong Cách mạng Văn hóa,” trích lời một giáo sư — từng là thân hữu của ông Tập và là người liên lạc lâu năm của Đại sứ quán Hoa Kỳ — về những chi tiết liên quan đến tính cách và đức tin của Tập.
Theo nguồn tin này, ông Tập đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến triết học Phật giáo ngay từ khi mới bắt đầu sự nghiệp chính trị. Vị giáo sư này còn lưu ý rằng trong quá trình tiếp xúc, ông Tập thể hiện niềm đam mê sâu sắc với Phật giáo, võ thuật, khí công, và các môn tu luyện bí truyền khác được cho là có tác dụng tăng cường sức khỏe cũng như các địa điểm Phật giáo linh thiêng.
Mặc dù vị giáo sư không thể khẳng định liệu sở thích của ông Tập có phải là biểu hiện của đức tin vào tôn giáo hay chỉ đơn thuần là sự tầm cầu về sức khỏe thể chất và tinh thần, nhưng giáo sư đã rất ấn tượng trước hiểu biết sâu sắc của ông Tập với những chủ đề thần bí này. Điều này cho thấy ông Tập có lẽ nuôi dưỡng niềm tin vào các thế lực siêu nhiên hoặc ít nhất là có mối quan tâm sâu sắc đến chúng.
Chi tiết huyền bí này, trước đây chưa được tiết lộ, đã bổ sung thêm một khía cạnh khác của ông Tập với tư cách là một nhà lãnh đạo và khiến những sự kiện khác thường xung quanh chuyến thăm gần đây của Tổng thống Syria tới Chùa Linh Ẩn càng trở nên thú vị hơn. Phải chăng ngôi chùa mang ý nghĩa tâm linh và lịch sử này lại có ý nghĩa đặc biệt đối với ông Tập? Và liệu ý nghĩa này có thể có những tác động khác ngoài việc trị nước đơn thuần? Mặc dù chỉ là suy đoán, nhưng những câu hỏi này lại tạo thêm một tầng phức tạp cho câu chuyện địa chính trị đang diễn ra.
Giải mã sự tìm kiếm thần bí của ông Tập: Những lời tiên tri, chính trị, và những chỉ dấu khó hiểu
Hai lời tiên tri cổ xưa của Trung Quốc — được biết đến với tên gọi “Thiết Bản Đồ” và “Thôi Bối Đồ” — đã được bí mật truyền lại qua nhiều thế hệ, bất chấp lệnh cấm xuyên suốt nhiều triều đại Trung Quốc. Cả hai văn bản đều mang tiếng tăm đầy ám ảnh về sự tiên tri chính xác một cách kỳ lạ, và mỗi văn bản đều chỉ ra những kết cục rất xấu đối với ông Tập.
Hình ảnh cuối cùng trong Thiết Bản Đồ minh họa bốn con chim đen bay giữa hai đỉnh núi, với một con chim trắng thứ năm bị đụng chết ở đỉnh bên phải, máu của nó văng tung tóe trên vách đá. Dòng chữ bên dưới bức ảnh có nội dung: “Con chim lông trắng chết trên ngọn núi này.” Điều thú vị là ông Tập, người đã trở thành lãnh đạo “thứ năm” của ĐCSTQ, có một cái tên mà trong đó chữ “Tập” (習) mang biểu tượng giống với “lông vũ trắng” (羽白).
Tương tự như vậy, lời tiên tri thứ 46 trong Thôi Bối Đồ báo trước một vị hoàng đế sẽ bị quân nhân phục kích, có khả năng là bằng “cung tên”. Các nguồn thạo tin đã chia sẻ với The Epoch Times rằng ông Tập liên kết “cung tên” với hỏa tiễn và vệ tinh hiện đại, khiến ông tăng cường cảnh giác đối với các quan chức quân đội tham gia vào các hoạt động phóng hỏa tiễn và vận hành vệ tinh. Việc bắt giữ các quan chức quân sự cao cấp giám sát những nỗ lực như vậy càng chứng tỏ cho chứng hoang tưởng của ông Tập.
Theo các nguồn tin tương tự, ông Tập không chỉ thận trọng mà còn vô cùng sợ hãi do tin tưởng vào những lời tiên tri này, thậm chí còn cố gắng vô hiệu hóa các mối đe dọa nhận thấy ngay cả trong đảng của mình.
Mức độ sợ hãi và niềm tin này đã dẫn đến một số hành động khó hiểu và gây tranh cãi. Một tấm bảng mang tên “Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” gần đây đã được phát hiện trước tượng Phật trung tâm tại chánh điện của Chùa Linh Ẩn, làm dấy lên những cuộc tranh luận gay gắt trên mạng. Ông Lý Dịch Minh (Li Yiming), một nhà bình luận thời sự, nhận thấy điều này thật đáng châm biếm, chỉ ra rằng tấm bảng này không đại diện cho Trung Quốc, mà đại biểu cụ thể cho chế độ cộng sản — một tổ chức vô thần lại tạo dấu ấn của mình một cách nghịch lý trong một ngôi chùa tôn giáo.
Nếu ông Tập thực sự đã thắp hương cho tấm biểu ngữ này, điều đó có thể cho thấy một cuộc khủng hoảng niềm tin bên trong chế độ cầm quyền của ông. Nhưng đối với một nhà lãnh đạo vốn luôn kêu gọi lòng trung thành với Đảng và coi thường đức tin tôn giáo, việc cầu xin thần linh có vẻ phản logic, nếu không muốn nói là đạo đức giả. Tuy nhiên, khi chống chọi với nỗi sợ hãi rình rập được rút ra từ những lời tiên tri cổ xưa, thì có lẽ ngay cả ông Tập cũng thấy rằng sự can thiệp của thánh thần là cứu cánh cuối cùng của ông.
Cộng thêm những yếu tố phức tạp, [là việc] Tổng thống Syria Bashar al-Assad, nhà lãnh đạo đang chịu lệnh trừng phạt quốc tế, lại là nguyên thủ quốc gia ngoại quốc duy nhất tại lễ khai mạc Đại hội Thể thao châu Á năm nay. Cùng thời gian đó, tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ đã đăng một bài thơ cổ Trung Quốc chê bai những kẻ cai trị đã khiến đất nước của họ sụp đổ, đồng thời ca tụng một cách lạ kỳ rằng đó là một bài thơ ca ngợi Hàng Châu. Những diễn biến này được nhiều người xem là dấu hiệu đáng lo ngại, có thể báo hiệu một tương lai u ám cho ĐCSTQ.
Bí ẩn xung quanh chuyến viếng thăm bí mật của ông Tập tới Chùa Linh Ẩn — cùng vô số dấu hiệu và lời tiên tri liên quan đến chuyến đi — chỉ càng làm sâu sắc thêm bí ẩn xung quanh người đàn ông quyền lực nhất Trung Quốc này. Liệu đây chỉ đơn thuần là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay còn là dấu hiệu thực sự của một cuộc khủng hoảng trong tương lai thì vẫn còn [là điều] phải xem xét.
Bài viết có sự đóng góp của Ellen Wan.
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times