Ông Tập xóa bỏ ảnh hưởng của các quan chức kỳ cựu trong Đảng khi xác định nhân sự hàng đầu
Truyền thông nhà nước Trung Quốc mới đây đã tiết lộ một số thông tin chi tiết về quá trình hình thành cơ quan lãnh đạo mới của Ủy ban Trung ương, từ đó có thể thấy rằng lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã không tìm kiếm bất kỳ lời khuyên nào từ các nhân vật cao cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong quá trình chuẩn bị nhân sự cấp cao cho Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ 20.
Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã tuyên bố trong một bài báo ngày 24/10 rằng, bắt đầu từ tháng 04/2022, ông Tập đã nói chuyện với “các thành viên đương nhiệm của Bộ Chính trị Ủy ban Trung ương ĐCSTQ, bí thư Ban Bí thư Ủy ban Trung ương, phó chủ tịch nước và các ủy viên của Quân ủy Trung ương — tổng cộng 30 người — và “lắng nghe đầy đủ quan điểm của họ” khi chuẩn bị danh sách tên của các lãnh đạo cấp cao nhất.
Để so sánh, sau Đại hội Toàn quốc lần thứ 19 của ĐCSTQ vào năm 2017, Tân Hoa Xã cho biết trong một bài báo tương tự rằng từ cuối tháng 04 đến tháng 06/2017, ông Tập đã nói chuyện với “các lãnh đạo đảng và nhà nước hiện tại, các thành viên của Quân ủy Trung ương và các đồng chí cấp cao trong đảng — tổng cộng 57 người, và đã lắng nghe đầy đủ quan điểm của họ.”
Việc thiếu vắng “các đồng sự kỳ cựu” trong Đại hội năm nay cho thấy ông Tập đã không nói chuyện với các thành viên cao cấp của ĐCSTQ và lắng nghe quan điểm của họ khi xây dựng danh sách nhân sự cho Đại hội Toàn quốc lần thứ 20.
Ông Chương Thiên Lượng (Zhang Tianliang), một chuyên gia về Trung Quốc tại Hoa Kỳ, cho biết trong chương trình YouTube của mình: “Điều này cho thấy các nguyên lão trong đảng không còn tiếng nói hoặc bất kỳ ảnh hưởng nào trong các quyết định nhân sự cấp cao nhất.”
Các nguyên lão trong Đảng được cảnh báo cẩn thận lời nói của họ trước Đại hội
Hồi tháng Năm, trước Đại hội Toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ, Văn phòng Trung ương ĐCSTQ đã ban hành một tài liệu có nhan đề “Ý kiến về việc Tăng cường Công tác Xây dựng Đảng của Cán bộ Hưu trí trong Kỷ nguyên Mới”, một lời cảnh báo tới các thành viên cao cấp của ĐCSTQ hãy cẩn thận lời nói của mình.
Văn phòng Trung ương do Đinh Tiết Tường (Ding Xueliang), một cộng sự thân cận và đáng tin cậy của ông Tập, lãnh đạo.
Văn bản nêu rõ các cơ quan trung ương sẽ tăng cường quản lý và giám sát các cán bộ ĐCSTQ đã về hưu, và yêu cầu họ “nghiêm chỉnh chấp hành các quy tắc kỷ luật có liên quan.”
“Quy tắc kỷ luật” quy định rằng các quan chức đã về hưu không được “nhận xét thiếu trách nhiệm và không thích hợp” về các chính sách lớn của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ, và “không được đưa ra bất kỳ bình luận tiêu cực nào có tính chất chính trị”, theo bài báo ngày 15/05 của Tân Hoa Xã.
Nhà bình luận về các vấn đề thời sự Chung Nguyên (Zhong Yuan) chỉ ra rằng việc Văn phòng Trung ương phát hành tài liệu này chỉ ra rằng nhiều cán bộ hưu trí đã đưa ra “những nhận xét thiếu trách nhiệm và không thích hợp” về ủy ban trung ương của Đảng.
Ông cũng giải thích rằng Văn phòng Trung ương giám sát các quan chức cao cấp đã từng là ủy viên ban thường vụ, ủy viên Bộ chính trị, phó thủ tướng, và ủy viên Quốc Vụ viện. Chỉ nhóm người này mới có khả năng tác động đến việc bố trí nhân sự của Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ 20. Ông Chung nói rằng phe của ông Tập chắc chắn đã lo lắng về ảnh hưởng của những người này.
Ảnh hưởng của các nguyên lão trong đảng đã trở thành tiêu chuẩn trong nhiều thập niên
Các nguyên lão trong Đảng ám chỉ đến các lãnh đạo cao cấp nhất của ĐCSTQ đã về hưu. Sau khi về hưu, họ duy trì ảnh hưởng trong lĩnh vực chính trị thông qua các mạng lưới và thuộc cấp của mình.
Trong một bài báo do Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) xuất bản hồi tháng 08/2017, học giả về xã hội và kinh tế người Trung Quốc hiện đang sinh sống tại Hoa Kỳ Hà Thanh Liên (He Qinglian) đã nói về quy tắc bất thành văn về việc các nguyên lão về hưu của ĐCSTQ can thiệp vào các vấn đề chính trị sau thời Mao Trạch Đông.
Trước khi Mao qua đời, ông đã bổ nhiệm ông Hoa Quốc Phong làm người kế nhiệm, nhưng một số nhân vật lớn trong ĐCSTQ đã hợp lực để loại ông Hoa khỏi chức vụ, và sau đó tạo ra một tập thể lãnh đạo gồm Đặng Tiểu Bình, Diệp Kiếm Anh, Trần Vân, và một số nguyên lão khác trong Đảng. Nhưng những người này dần già đi, vì vậy họ đã bổ nhiệm các ông Hồ Diệu Bang, Triệu Tử Dương, và các quan chức trung niên khác để giải quyết công việc điều hành ở tiền tuyến.
Các quan chức già về hưu không còn giải quyết các công việc cụ thể nữa, bề ngoài thì một bộ quy tắc về hưu đã được đặt ra, nhưng những quan chức này vẫn có không gian để can thiệp vào chính trị. Mặc dù các nguyên lão không còn trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị và không tham gia vào các cuộc thảo luận chính sách cụ thể, các quyết định nhân sự quan trọng vẫn cần sự đề cử hoặc đồng thuận của họ.
Trong 10 năm ông Hồ Cẩm Đào là người đứng đầu ĐCSTQ, thuộc cấp của người tiền nhiệm của ông là ông Giang Trạch Dân đã có mặt ở khắp mọi nơi trong Đảng, và ông Giang giữ chức lãnh đạo quân đội thêm hai năm. Do đó, ông Hồ luôn nằm dưới sự kiểm soát của ông Giang.
Cuối cùng khi ông Giang từ chức khỏi quân đội, quân đội PLA đã thiết lập một hệ thống theo đó các tướng lĩnh chỉ nhận lệnh từ ông Giang, đối xử với ông Hồ như chỉ huy quân sự trên danh nghĩa của họ.
Ông Tập Cận Bình loại bỏ ảnh hưởng của phe ông Giang
Sau khi lên nắm quyền vào năm 2012, ông Tập Cận Bình đã nói rõ rằng ông sẽ không dung thứ cho việc các lãnh đạo về hưu can thiệp vào chính trị, và đã thanh trừng phe Giang kể từ đó.
Tháng 08/2015, tờ Nhân dân Nhật báo của nhà nước Trung Quốc đã đăng một bài báo cảnh báo các cán bộ cao cấp đã về hưu rằng “nếu các ông không còn ở tại một vị trí nhất định, thì đừng can thiệp vào những công việc liên quan đến vị trí đó.”
Một số nhà phân tích tin rằng đây là lời cảnh báo của ông Tập trước sự can thiệp từ các thành viên kỳ cựu của phe ông Giang. Phe ông Tập cũng đã thanh trừng những người trung thành với ông Giang dưới danh nghĩa “chống tham nhũng”. Trường hợp nổi bật nhất là sự sụp đổ của ông Chu Vĩnh Khang, cựu ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị là thân tín của ông Giang.
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times