Việc ông Tập hủy hoại thể diện của ông Hồ Cẩm Đào là một lời cảnh báo chiến lược đối với Mỹ
Việc cựu lãnh đạo Trung Quốc Hồ Cẩm Đào rời khỏi cuộc họp đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) một cách bất thường hôm 22/10 đã làm dấy lên cuộc tranh luận và những lời đồn đoán sôi nổi trên toàn cầu. Và nếu xét đến những ý đồ gây chiến của đương kim lãnh đạo Tập Cận Bình, thì tình tiết này cũng đáng bàn đến.
Cho đến nay, hàng chục triệu người đã xem ít nhất một phần video quay cảnh rời đi của ông Hồ Cẩm Đào. Tôi tóm lược lại như sau: cựu lãnh đạo Hồ Cẩm Đào đang ngồi ở dãy bàn đầu tiên trong Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, trên dãy ghế VIP, bên cạnh người kế nhiệm mình là ông Tập Cận Bình.
Diễn biến: Hai nhân viên cao cấp đeo khẩu trang y tế tiến đến. Ông Hồ đứng dậy với vẻ mặt bối rối, với lấy một tập tài liệu, dường như có nói vài lời với ông Tập, sau đó vỗ nhẹ vai Thủ tướng Lý Khắc Cường.
Sau đó ông Hồ được dẫn đi.
Tân Hoa Xã, hãng thông tấn nhà nước của Trung Quốc và là cơ quan tuyên truyền toàn cầu cao nhất của ĐCSTQ, tuyên bố rằng ông Hồ, 79 tuổi, đã được “hộ tống” ra khỏi ghế VIP sau khi ông bắt đầu “cảm thấy không khỏe”. CNN — một nguồn tin không mấy trung thực — cho biết ông Hồ dường như “rời đi trong sự miễn cưỡng.” Về mặt này thì tôi cũng đồng tình.
BBC nhận định quả quyết rằng: “Hai lý do có khả năng cao nhất cho việc ra đi của ông (Hồ) đó là: hoặc là một phần của nền chính trị quyền lực của Trung Quốc đã được trưng diễn đầy đủ cho cả thế giới cùng thấy, bằng việc loại bỏ mang tính biểu tượng một nhà lãnh đạo đại diện cho một thời trước đây, hoặc là ông Hồ Cẩm Đào có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.”
Đằng sau lý do kiểu hoặc cái này hoặc cái kia của BBC, thì cả hai đều có thể đúng, cả ốm đau lẫn cuộc chơi quyền lực. Thay vì nhận định là do các vấn đề về sức khỏe thể chất, thì các nhà bình luận khác lại cho rằng ông Hồ có thể đã bị chấn động về mặt tâm lý.
Vậy tại sao một cựu lãnh đạo tầm cỡ của ĐCSTQ lại chấn động như vậy? Trong các chế độ độc tài, việc loại bỏ mang tính biểu tượng thường được ưu tiên hơn việc hủy hoại về thể xác. Liệu suy nghĩ đó có làm ông Hồ bối rối không kịp phản ứng hay không?
Trước sự kiện ông Hồ bị cưỡng ép ra khỏi hội trường, ông Tập đã loại bỏ những người ủng hộ chính trị và những người nhiệt tình ủng hộ chính sách của ông Hồ ra khỏi Ủy ban Trung ương của ĐCSTQ. Việc tống khứ những nhân vật ủng hộ ông Hồ ra khỏi các vị trí ra quyết sách đã củng cố sự kiểm soát quyền lực cá nhân của ông Tập.
Ông Hồ đã lãnh đạo Trung Quốc từ năm 2003 đến năm 2013, hai nhiệm kỳ 5 năm của ông được đại hội đảng 5 năm một lần phê chuẩn. Nhiều người Trung Quốc xem nhiệm kỳ chủ tịch của ông Hồ Cẩm Đào là “thời kỳ mở cửa ra thế giới”. Công dân Trung Quốc có quyền truy cập mạng Internet ở mức độ vừa phải. Chính sách mở cửa của ông Hồ đã lặp lại “các chính sách cải tổ và mở cửa” của ông Đặng Tiểu Bình, nhằm mục đích tạo ra một nền kinh tế thị trường trong khuôn khổ nhà nước xã hội chủ nghĩa độc tài của Trung Quốc.
Sau khi ông Đặng mất, nhà lãnh đạo Trung Quốc này được dự kiến sẽ giữ chức vụ trong hai nhiệm kỳ, phản ánh cam kết của ĐCSTQ đối với đội ngũ lãnh đạo, một cách nói của chế độ độc tài về hình thức chính trị tư tưởng cân nhắc đến quan điểm của những người chuyên quyền cao cấp, và cố gắng cân bằng lợi ích của các phe cánh trong đảng.
Thế nhưng, ông Hồ đã từ chức và nhường lại chức vụ cho ông Tập.
Than ôi. Trước đại hội năm nay, ông Tập đã sửa đổi các quy định về giới hạn nhiệm kỳ của Đảng. Loại bỏ những người ngưỡng mộ ông Hồ và sửa đổi toàn bộ quy tắc, ngoại trừ những quy định bảo đảm vị trí lãnh đạo tối cao của ông Tập như là một nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc trong suốt quãng đời còn lại của mình.
Trung Quốc là một nền văn hóa xem trọng thể diện. “Thể diện” là một khía cạnh rất quan trọng trong mọi nền văn hóa. Hãy nghĩ đến việc các chính trị gia Hoa Kỳ phản bác lại một lời nói dối trắng trợn để “cứu lấy thể diện” — tức là tránh bị sỉ nhục.
Tuy nhiên, “văn hóa thể diện” ở Á Châu còn đưa khái niệm này đi xa hơn nữa. Văn hóa thể diện của ĐCSTQ có các quy tắc của Mafia. ĐCSTQ mắc phải chứng ‘bất tài vô dụng’ có hệ thống và chứng tự cao tự đại của chế độ độc tài, nhưng không để thế giới biết. Lực lượng công an giữ thể diện cho ĐCSTQ đã đối xử với các bác sĩ có lương tâm của Vũ Hán như những tội nhân, đồng thời ngăn chặn những lời cảnh báo của họ về COVID-19.
Nhà văn Charles Custer của trang ThoughtCo.com viết: “Xã hội Trung Quốc khá ý thức về thứ bậc và danh tiếng giữa các nhóm xã hội. Những người có thanh danh, có thể nâng cao vị thế xã hội của người khác bằng cách ‘cho họ thể diện’”.
Trước thế giới, ông Tập đã dàn dựng một vụ hủy hoại thể diện, nhắm vào danh tiếng của ông Hồ. Đâu cần phải hủy đi một thi thể nào. Ở Trung Quốc, sự tồn tại bị bôi tro trát trấu của ông Hồ càng chứng tỏ quyền lực của ông Tập.
Phục hồi nền kinh tế Trung Quốc không phải là ván bài của ông Tập. Chiến tranh mới là mục tiêu của ông Tập, một cuộc chiến nhằm chiếm lấy Đài Loan, dẫn đến một cuộc chiến lớn với Hoa Kỳ. Như ông Tập tính toán, với sự bất cẩn của chính phủ Tổng thống Biden, thì cuộc chiến này sẽ kết thúc trong bế tắc. Khi nhược điểm của Mỹ lộ ra, các đồng minh của Mỹ ở Á Châu sẽ quỳ phục Bắc Kinh, và Trung Quốc của ông Tập sẽ chiếm vị trí thống trị ở Đông Á.
Phục tùng như vậy thì cũng phải thôi. Bởi vì sau khi hủy hoại được thể diện của ông Hồ, thì thực chất ông Tập chính là hoàng đế của Trung Quốc.
Yến Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times