Hàng chục quan chức cao cấp bị thanh trừng trong chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập
Các chuyên gia cho biết ông Tập muốn loại bỏ các đối thủ chính trị của mình
Kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền hồi cuối năm 2012, nhiều quan chức cao cấp được cho là đã bị cách chức trong chiến dịch chống tham nhũng của ông. Một chuyên gia về Trung Quốc nói rằng chiến dịch này nhằm vào các đối thủ chính trị của ông Tập.
Hôm 18/10, chuyên gia về Trung Quốc ông Lý Yến Minh (Li Yanming) nói với ấn bản hoa Ngữ của The Epoch Times rằng số lượng các quan chức bị loại khỏi vị trí của họ và số tiền họ biển thủ chỉ là phần đỉnh của tảng băng trôi. “Bản chất của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc là một băng đảng, sử dụng đặc quyền và lợi ích để duy trì bộ máy quan liêu này.”
Theo các ước tính dựa trên số liệu chính thức của Uỷ ban Kiểm tra Kỷ luật Trung Ương (CCDI), cơ quan kỷ luật hàng đầu của Bắc Kinh, tính đến Đại hội Toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong tháng này, ít nhất 88 quan chức cao cấp được cho là bị kỷ luật với nhiều tội danh khác nhau và chiếm đoạt tổng cộng hơn 100 triệu nhân dân tệ (khoảng 14 triệu USD).
Chín quan chức đã bị buộc tội hối lộ với khoảng tiền lên tới hơn 1 tỷ nhân dân tệ (khoảng 140 triệu USD), gồm có:
- Ông Trương Trung Sinh (Zhang Zhongsheng), cựu phó thị trưởng thành phố Lã Lương, tỉnh Sơn Tây;
- Ông Chu Vĩnh Khang (Zhou Yongkang), nguyên Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương;
- Ông Lại Tiểu Dân (Lai Xiaomin), cựu chủ tịch Công ty Quản lý Tài sản Hoa Dung (Huarong Asset Management);
- Ông Dương Tiên Tĩnh (Yang Xianjing), cựu thanh tra Sở Đất đai và Tài nguyên tỉnh An Huy;
- Ông Bao Sinh Vinh (Bao Shengrong), nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Thường vụ Đại hội Đảng tại Erdos (Ngạc Nhĩ Đa Tư), Nội Mông;
- Ông Cao Phúc Ba (Gao Fubo), cựu chủ tịch của Công ty TNHH Tín thác Cát Lâm (Jilin Trust Co., Ltd.);
- Ông Lý Kiến Bình (Li Jianping), cựu Bí thư Ban Công tác Đảng của khu phát triển kinh tế và công nghệ Hohhot (Hô Hòa Hạo Đặc), thủ phủ của Nội Mông;
- Ông Trần Thụ Long (Chen Shulong), cựu phó tỉnh trưởng tỉnh An Huy
- Và cuối cùng là ông Thái Quốc Hoa (Cai Guohua), cựu chủ tịch Ngân hàng Hằng Phong (HengFeng Bank), người đứng đầu về tội tham nhũng với 10.3 tỷ USD (khoảng 1.4 tỷ USD).
Các quan chức này bị cáo buộc đã phạm các tội danh như hối lộ, lạm dụng quyền lực, và tham ô.
Ông Lý Yến Minh nói rằng hầu hết các quan chức này đều trung thành với cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân và đồng minh thân cận Tăng Khánh Hồng. Họ đã độc chiếm các nguồn tài nguyên thuộc sở hữu nhà nước như khoáng sản ở Nội Mông, Thanh Hải, và Quảng Tây.
Ông Lý cho biết thêm, “Số tiền tham nhũng của các gia tộc quyền lực như Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng có thể lên tới hàng ngàn tỷ.”
Tham nhũng ở Nội Mông
Nội Mông là một cơ sở an ninh năng lượng quan trọng ở Trung Quốc. Nơi đây được mệnh danh là quê hương của ngành khai thác than lộ thiên và được biết đến với nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào. Thành phố phía tây nam Erdos của Nội Mông đóng góp một phần ba tài nguyên than của khu vực và gần một phần sáu trữ lượng khai thác ước tính của Trung Quốc.
Hôm 28/02/2020, ông Tập đã mở một cuộc điều tra về ngành công nghiệp than của khu vực này.
Hồi tháng 05/2021, ông Quách Thành Tín (Guo Chengxin), cựu Bí thư Đảng ủy kiêm Giám đốc Cục than Erdos đã về hưu, đã nhận tội trước tòa vì đóng vai trò trong một âm mưu hối lộ liên quan đến hơn 200 triệu nhân dân tệ (khoảng 28 triệu USD). Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, ông Quách đã giám sát việc phê chuẩn các dự án than trong tám năm và có cổ phần trong một số công ty than.
Hồi tháng 04/2019, ông Hình Vân (Xing Yun), một cựu thành viên Ủy ban Thường vụ Nội Mông, đã bị khai trừ khỏi ĐCSTQ vì tội tham nhũng và hối lộ liên quan đến hơn 400 triệu nhân dân tệ (khoảng 57 triệu USD) cũng như vi phạm các quy định của Đảng như “lạm dụng quyền lực” và “lối sống vô đạo đức.”
Ngoài ngành than, hệ thống ngân hàng và bảo hiểm của Nội Mông, bao gồm cả Ngân hàng Bao Thương (Baoshang Bank), đã được cho là có dính líu đến biển thủ công quỹ.
Ngân hàng Bao Thương là ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên được thành lập vào năm 1998 tại thành phố Bao Đầu, Khu tự trị Nội Mông. Theo công tin công khai, hồi tháng 02/2021, ngân hàng này phá sản do nợ nần chồng chất.
Hôm 12/05/2021, ông Tiết Kỷ Ninh (Xue Jining), Bí thư Đảng ủy kiêm Cục trưởng Cục Giám sát Ngân hàng Nội Mông, đã bị xét xử trước tòa vì tội nhận hối lộ hơn 400 triệu nhân dân tệ (khoảng 57 triệu USD) sau vụ bắt giữ Phó giám đốc của cục này là ông Tống Kiến Cơ (Song Jianji) cùng với ba thành viên Đảng ủy khác cũng thuộc cục này.
Hôm 17/02 năm nay, ông Mã Minh (Ma Ming), cựu Phó chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Nội Mông, đã bị kết án tù chung thân vì nhận hối lộ 160 triệu nhân dân tệ (khoảng 20 triệu USD), và bị tịch thu toàn bộ tài sản cá nhân.
Mục tiêu của ông Tập là hạ gục các đối thủ chính trị
Ông Lý cho biết, quét sạch tham nhũng không phải là lý do duy nhất khiến ông Tập nhắm vào các quan chức này. Ông cho rằng mục tiêu chính của ông Tập là loại bỏ các thế lực khác nhau trong ĐCSTQ gây ảnh hưởng đến các quyết định chính trị của ông.
Vụ án của ông Chu Vĩnh Khang là một minh chứng điển hình. Hồi năm 2015, ông Chu bị kết án vì cáo buộc biển thủ hơn 1.6 tỷ nhân dân tệ (khoảng 200 triệu USD), vi phạm “kỷ luật Đảng” và “làm rò rỉ bí mật của Đảng và Nhà nước.”
Ông Hà Tần (He Pin), người sáng lập Tập đoàn Minh Kính (Mirror Media Group) có trụ sở tại New York, nói với VOA vào ngày 06/12/2014, có bằng chứng thuyết phục cho rằng tội lớn nhất của ông Chu là dàn dựng một “cuộc đảo chính” trước Đại hội Toàn quốc khóa 18 của ĐCSTQ hồi năm 2012 nhằm ngăn cản ông Tập lên nắm quyền. Rất nhiều người đều biết ông Chu là môn đệ trung thành của ông Giang Trạch Dân.
Theo ông Hà, ông Chu đã cài cắm nhiều người của mình vào khắp các hệ thống như chính trị, luật pháp, quân sự, và tài chính, do đó gây ảnh hưởng lên việc hoạch định chính sách của ĐCSTQ, điều mà ông Tập xem là mối đe dọa đối với quyền lực của mình.
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times